Bài 2: Phía sau ánh hào quang

Bài 2: Phía sau ánh hào quang
TP - Đầu năm 2007, cái tin ngôi sao nhảy cao Nguyễn Duy Bằng đột ngột làm đơn xin giã từ đội tuyển khiến nhiều người sững sờ. Bởi lẽ dù ở tuổi 25, đã qua thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp nhưng Duy Bằng vẫn là một trong những VĐV xuất sắc nhất Đông Nam Á ở nội dung nhảy cao.

>> Bài 1 : Nỗi lo cơm, áo...

Bài 2: Phía sau ánh hào quang ảnh 1

Ủy ban TDTT đang có kế hoạch đưa Duy Bằng trở lại đội tuyển.
Ảnh: Trường Huy

Vắng Duy Bằng đồng nghĩa với việc điền kinh Việt Nam sẽ mất một tấm HCV ở SEA Games 24.

Chữ  “chuyên” cũng năm bảy đường

Duy Bằng nêu ra nhiều lý do khiến anh đi đến quyết định chia tay đội tuyển, một trong những lý do đó, như anh nói: “Tôi ngán chơi thể thao đỉnh cao lắm rồi, bởi vì bạc bẽo quá”.

Cái “bạc” mà Bằng nói ở đây có hai ý: Bạc tình bạc nghĩa và chế độ lương bổng quá thấp, không đủ để lo những dự định tương lai.

Chuyện bạc tình bạc nghĩa thì chỉ có người “trong chăn” mới nắm rõ nhưng chuyện tiền bạc thì khoản thu nhập gần 3 triệu đồng mỗi tháng từ tiền lương đội tuyển và của sở TDTT cũng không hẳn là tới mức “không sống nổi”.

Nhưng quả thật nó ít, rất ít nếu coi đó là thu nhập của một ngôi sao trong xã hội. Trong lĩnh vực ca nhạc, nếu cát-xê của một ca sỹ tầm tầm đã là vài triệu đồng cho mỗi bài hát thì mức thu nhập 3 triệu đồng mỗi tháng của một VĐV vô địch điền kinh quả là chỉ tính như số lẻ.

Duy Bằng sẽ trở lại đội tuyển điền kinh?

Một quan chức cao cấp của Ủy ban TDTT vừa tiết lộ: “Ủy ban sẽ có kể hoạch đưa Duy Bằng trở lại đội tuyển luyện tập để lấy thành tích tại SEA Games 24 sắp tới.

Để VĐV này yên tâm tập luyện, sẽ có một doanh nghiệp đứng ra đỡ đầu, tài trợ cho Duy Bằng với một khoản tiền xứng đáng”.

Như vậy là Duy Bằng, chí ít, đã có một chế độ đặc biệt. Nhưng còn hàng trăm, hàng ngàn VĐV khác họ cũng có nhu cầu chính đáng tương tự thì tính sao đây?

Ngay trong thể thao, cũng có cái để so sánh: Mức lương trung bình của một cầu thủ nội ở V-League  đã trên dưới 12 triệu đồng/tháng thì mới thấy một nghịch lý đang tồn tại của thể thao nước nhà.

Có người lý giải vì bóng đá đã chuyên nghiệp, tiền lương cầu thủ do doanh nghiệp đỡ đầu bảo trợ. Nhưng thực tế, những VĐV như Duy Bằng ai bảo là không chuyên nghiệp?

Họ được đào tạo từ nhỏ để trở thành một VĐV thể thao, hết nghiệp cũng chẳng biết làm gì ngoài tiếp tục gắn bó với đường piste, với xà nhảy, với nắng và gió. Hay như trường hợp Đà Nẵng mời lực sỹ Hoàng Anh Tuấn về đầu quân trả lương 10 triệu đồng/tháng cũng là một đột phá về chế độ những môn ngoài bóng đá.

Và cũng phải khẳng định ngay rằng, đóng góp của Duy Bằng đối với thể thao nước nhà rõ ràng là lớn hơn rất nhiều so với một cầu thủ hạng trung ở V-League.

VĐV đặc biệt phải có chế độ đặc biệt

Rất nhiều VĐV đỉnh cao có những thắc mắc như Duy Bằng nhưng họ không đủ dũng cảm như anh để nói lên điều đó. Đơn giản họ buộc phải coi thể thao như nghiệp sống của mình. Còn sức thì thi đấu, hết sức thì đi học làm HLV nhận lương công chức.

Cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 234/QĐ/TTg về chế độ cho HLV, VĐV. So với quyết định 49 ra đời năm 1998 thì đã có những thay đổi đáng kể: Mức tiền công cao nhất cho một VĐV theo quyết định 49 là 25.000 đồng/ngày/người đã nâng lên 70.000 đồng/ngày/người đối với VĐV thuộc đội tuyển.

Quyết định này áp dụng chung cho tất cả các HLV, VĐV nhưng trong thể thao có một sự thật hiển nhiên là: Để thành công bao giờ cũng phải có những con người đặc biệt. Muốn những con người đặc biệt thi đấu hết khả năng của mình thì cần có một chế độ đãi ngộ đặc biệt.

Đó dường như là một chân lý và các nhà quản lý thể thao Việt Nam đã nhận ra điều này. Tuy nhiên, bản đề án “xây dựng chế độ đặc biệt cho những VĐV đặc biệt” vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xem xét.

Khi vẫn còn tồn tại những nghịch lý thì sẽ còn những người quyết định dứt áo ra đi sau Duy Bằng, Ngọc Tâm...

MỚI - NÓNG