Bài học sau những rắc rối với dư luận của các CLB Premiership

Bài học sau những rắc rối với dư luận của các CLB Premiership
(TPO) Việc thiếu vắng những chuyên gia truyền thông chuyên nghiệp đang khiến các ông lớn như MU, Chelsea... phải hứng chịu búa rìu dư luận cùng những án phạt đích đáng.
Bài học sau những rắc rối với dư luận của các CLB Premiership ảnh 1

GĐĐH của Manchester United David Gill: Sáng nắng chiều mưa!

Gần đây dư luận đang băn khoăn trước những tuyên bố của Giám đốc điều hành CLB Manchester United, ông David Gill.

Lúc đầu Gill cho rằng cần sa thải Sir Alex Ferguson do đội bóng không giành được danh hiệu lớn mặc dù đã được đầu tư mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng. Ông úp mở rằng Ferguson đã "hết vị" ở các giải đấu cấp CLB và tốt nhất là nên ra đi trước khi quá muộn.

Tuy nhiên ngay sau đó, Gill đã cải chính lời phát biểu của mình. Ông cho rằng báo chí đã hiểu sai ý mình, rằng với khả năng phi thường của mình, Ferguson hoàn toàn có thể tiếp tục với bóng đá đỉnh cao thêm 3, 5 hay 10 năm nữa.

Vấn đề là liệu có thể chấp nhận được lối phát biểu "sớm nắng, chiều mưa" như thế không? Đành rằng MU "chịu ơn" Ferguson và muốn dành cho ông quyền tự quyết tương lai của mình. Thế thì tại sao Gill không nói thẳng ra điều đó thay vì cải chính lời nói của mình?

Dường như sau khi mất chuyên gia truyền thông giỏi nhất của mình (đã chuyển sang làm việc cho Thái tử Charles), MU không thể kiểm soát những phát biểu thiếu nhất quán của các thành viên lãnh đạo cũng như của HLV Ferguson.

Chelsea: Lời nói, đọi máu

Bài học sau những rắc rối với dư luận của các CLB Premiership ảnh 2
Mourinho: phát ngôn viên "bất đắc dĩ" của Chelsea

Nhưng trường hợp của CLB Chelsea mới thật là hi hữu. Với những lời "vu khống" trọng tài Frisk và thái độ khệnh khạng "bỏ họp báo" của phát ngôn viên "bất đắc dĩ" Mourinho, Chelsea đã lãnh trọn án phạt nặng nề của UEFA.

Cho dù tiền bạc không thành vấn đề đối với ngài Chủ tịch Abramovich, nhưng việc Mourinho bị tước quyền chỉ đạo 2 trận trong khuôn khổ Champions League đã làm cho cánh cửa vào chung kết của Chelsea hẹp đi trông thấy. May mà, tại trận lượt đi "Hùm xám" đã sa cơ.

Hiển nhiên, trừ những lỗi thuộc về chuyên môn, các HLV không có nghĩa vụ phải đứng mũi chịu sào trước những sai lầm của CLB. Vì thế việc gây sự với UEFA của Mourinho là hoàn toàn ngớ ngẩn và không cần thiết.

Với cách hành xử thiếu "tế nhị", Mourinho phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại gây ra cho Chelsea, chứ không phải Roman Abramovich, Peter Kenyon hoặc người phát ngôn của Chelsea.

Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar

Tựu chung, vấn đề của Chelsea, MU hoặc một số CLB khác ở Premiership đều xuất phát từ một nguyên nhân. Đó là thiếu 1 người đại diện chính thống để tổng hợp thông tin và đưa ra phát biểu nhân danh CLB trước công chúng.

Nói theo ngôn ngữ ngoại giao, họ là những "phát ngôn viên" chính thức; còn theo thuật ngữ kinh tế, họ là những giám đốc phụ trách quan hệ và thông tin. Nhiệm vụ của bộ phận này là tổng hợp ý kiến của các thành viên, sau đó phân tích, chọn lọc và đưa ra những tuyên bố có lợi cho CLB. Đặc biệt những tuyên bố đó được coi là duy nhất và nhất quán trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.

Điều kỳ lạ là các CLB ở Premiership, mặc dù đang sở hữu các công cụ truyền thông cực mạnh và những chuyên gia truyền thông lọc lõi, lại luôn gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát thông tin. Sự thực vai trò của Giám đốc truyền thông trong các CLB đang suy giảm đáng kể, đặc biệt đối với những CLB có HLV đầy cá tính - những người thường bỏ qua tư vấn của các chuyên gia phụ trách truyền thông.

Bài học sau những rắc rối với dư luận của các CLB Premiership ảnh 3

Các đội bóng Anh cần một Giám đốc truyền thông chính hiệu

Thậm chí, đôi khi các HLV này còn quá lạm dụng khả năng giao tiếp của mình trước báo giới. Trường hợp những phát biểu trên cương vị đại diện cho CLB của HLV Mourinho hoặc của Giám đốc điều hành David Gill nhẽ ra phải thuộc về chức năng của Giám đốc truyền thông.

Ngày nay, các CLB lớn có xu hướng trở thành những tập đoàn kinh doanh khổng lồ (như MU, Chelsea...), trong đó bộ phận truyền thông đóng vai trò quan trọng. Dưới hình thức tập đoàn kinh doanh, mọi thông tin về nó đều phải qua tay Giám đốc truyền thông trước khi được công bố.

Tính trung thực và nhất quán của thông tin thể hiện bộ mặt và uy tín của tập đoàn. Thế nhưng, dưới hình thức CLB bóng đá, HLV lại là người nắm quyền quyết định, thậm chí đôi khi lạm quyền trong việc sử dụng các kênh truyền thông.

CLB phải trả lương hậu hĩnh để có được một Giám đốc truyền thông chuyên nghiệp, nhưng trớ trêu thay, họ không quan tâm đến việc khai thác khả năng chuyên môn của ông ta. Và hậu quả, những phát biểu lạc lõng, gây xôn xao dư luận đã khiến nhiều CLB điêu đứng.

Đã đến lúc trả lại vị trí xứng đáng cho Giám đốc truyền thông như tên gọi vốn dĩ của nó.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.