Bản hợp đồng hơn 70 tỷ hay chuyện 'mỡ nó rán nó'

Bản hợp đồng hơn 70 tỷ hay chuyện 'mỡ nó rán nó'
Các CLB sẽ được lợi gì từ bản hợp đồng hơn 70 tỷ đồng nếu có giữa VTV và công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) .
Liệu VTV có thể bỏ ra hơn 70 tỷ đồng (như tuyên bố của VPF) để mua bản quyền truyền hình bóng đá Việt trong vòng 3 năm?
Liệu VTV có thể bỏ ra hơn 70 tỷ đồng (như tuyên bố của VPF) để mua bản quyền truyền hình bóng đá Việt trong vòng 3 năm?.

Vừa qua, lãnh đạo VPF tuyên bố với báo giới rằng họ đã có một thỏa thuận ghi nhớ với VTV về việc bán bản quyền truyền hình 3 giải đấu V.League, giải hạng Nhất và Cup QG với mức giá hơn 70 tỷ đồng/3 năm (khoảng hơn 23 tỷ đồng/năm).

Nếu đặt con số này cạnh cái mức 6 tỷ đồng/năm của bản hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình giữa VFF và công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG), rõ ràng là một sự chênh lệch khủng khiếp. Một sự chênh lệch đủ để lý giải cho việc VPF quyết liệt “đòi” xem xét bản hợp đồng giữa VFF và AVG. Thế nhưng, đằng sau cái con số 70 tỷ đồng mà lãnh đạo VPF tuyên bố, xem ra có lắm chuyện để bàn…

Liệu VPF có quyền thương lượng và ký bản ghi nhớ về bản quyền truyền hình đối với VTV hay không khi mà đơn vị đang nắm giữ bản quyền là AVG qua bản hợp đồng “không sai luật” (theo kết luật của Thanh tra Bộ VH-TT-DL) mà AVG ký với VFF vào năm 2010? Vẫn biết, lãnh đạo AVG từng tuyên bố sẽ sang ngang bản quyền truyền hình cho VPF với giá từ 70-100 tỷ đồng.

Thế nhưng, nên nhớ rằng ở thời điểm này, mới chỉ có phía VPF tuyên bố họ có bản ghi nhớ với VTV về việc bán bản quyền truyền hình theo mức giá “khủng” nêu trên. Còn phía VTV, họ chưa hề có xác nhận về chuyện này. Bằng chứng là trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, ông Nguyễn Thành Lương - Phó tổng giám đốc VTV, cho biết: “Thời gian qua, VTV không chỉ đàm phán với VPF mà còn đàm phán với cả AVG. Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với đơn vị nào nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc gia”.

Với tuyên bố của ông Lương, có thể hiểu VTV sẽ đợi đến lúc cuộc tranh chấp bản quyền chấm dứt để xác định rõ đối tác mà họ sẽ ký hợp đồng mua bản quyền. Và như vậy, việc hợp tác giữa VPF và VTV là chưa có thực! Phải chăng VPF đã lấy sự- hợp-tác-chưa-có-thực với VTV để làm “vũ khí” trong “cuộc chiến” bản quyền truyền hình với AVG?

Mặt khác, liệu VTV có thể bỏ ra hơn 70 tỷ đồng (như tuyên bố của VPF) để mua bản quyền truyền hình bóng đá Việt trong vòng 3 năm? Theo một nguồn tin, trong thời gian qua, khi tường thuật trực tiếp các trận ở V.League, nhà đài này đang trả cho AVG theo mức giá 30 triệu đồng/trận. Và như thế nếu VTV mua lại toàn bộ 182 trận của V.League từ AVG, họ cũng chỉ bỏ ra chưa đến 5,5 tỷ đồng/mùa.

Trao đổi với báo chí về giá trị của bản quyền truyền hình bóng đá Việt, Phó tổng giám đốc VTV, ông Nguyễn Thành Lương nói rằng: “VTV có 15 phút quảng cáo giữa các trận bóng đá. Nếu VPF có thể tạo được sự đồng thuận để ông chủ các đội bóng quảng cáo trên VTV, thì con số đó không chỉ dừng ở trên 70 tỷ đồng/3 năm, mà có thể nhiều hơn thế chứ”.

Từ phát biểu này, người ta không thể tránh khỏi câu hỏi: Phải chăng VTV có thể bỏ ra hơn 70 tỷ đồng/3 mùa để mua bản quyền với điều kiện các CLB phải “đồng thuận” quảng cáo trên VTV ở giữa các trận đấu?

Dĩ nhiên khi quảng cáo trên VTV, các CLB phải chi tiền cho nhà đài này. Và mức giá quảng cáo có lẽ cũng chẳng mang tính “ưu tiên”. Như vậy, phải chăng VTV lấy “mỡ nó rán nó”: nhận tiền quảng cáo từ các CLB và trả lại họ tiền bản quyền truyền hình? Vậy thì các CLB sẽ được lợi gì từ bản hợp đồng hơn 70 tỷ đồng này? Thậm chí, không loại trừ khả năng họ sẽ bị lỗ khi số tiền chi cho quảng cáo có thể lớn hơn số tiền bản quyền mà họ thu về.

Theo Báo Đất Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG