Barcelona - Valencia: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước...

HLV Pep Guardiola. Ảnh Getty
HLV Pep Guardiola. Ảnh Getty
Trước trận gặp Osasuna, Pep Guardiola dõng dạc tuyên bố “không cho phép các học trò buông xuôi và Barca sẽ chiến đấu đến cùng tại La Liga”. Có lẽ vào thời điểm đó, ông vẫn tin rằng Barca còn cơ hội giành “cú ăn ba lịch sử”.

> Barcelona thắng dễ Leverkusen

Barca vừa đánh bại Valencia 2-0, qua đó thắng chung cuộc 3-1 để vào chơi trận chung kết Cúp Nhà vua với Athletic Bilbao. Men say chiến thắng và sự phấn khích của các cổ động viên sau khi Barcelona lần thứ 12 lọt vào trận chung kết chỉ trong hơn ba mùa giải không cho phép “nhà truyền giáo vĩ đại” nói một cách khác đi.

Đã thế, đối thủ trước mắt của Barca chỉ là Osasuna, đội bóng đã từng bị họ vùi dập tới 8-0 tại vòng đầu của La Liga và 4-0 tại Cúp Nhà vua.

Trong khi đó, Real Madrid phải đối đầu với “hiện tượng Levante”, một trong hai đội bóng từng đá gãy cánh “đàn kền kền trắng” tại La Liga, cùng với Barca. Khoảng cách giữa Real Madrid và Barcelona lúc đó mới là bảy điểm, trong khi vẫn còn một trận “kinh điển” ở phía trước. Hy vọng về một cuộc lội ngược dòng vẫn có cơ sở.

Tuy nhiên, đến lúc này thì cục diện của La Liga đã thay đổi hoàn toàn. Khoảng cách giữa Real Madrid, thắng Levante 4-2, và Barca, thua Osasuna 2-3, giờ lên tới 10 điểm. Cần nhớ rằng trong lịch sử, Madrid chưa bao giờ để tuột chức vô địch La Liga khi nắm trong tay lợi thế 8 điểm so với đội xếp thứ hai.

Chưa hết, Mourinho luôn đi đến đỉnh vinh quang khi chỉ cần lợi thế từ ba điểm trở lên, trong sự nghiệp cầm quân ở Bồ Đào Nha, Anh và Italia. Không phải ngẫu nhiên mà Mourinho tuyên bố sau trận thắng Levante: “Trong chừng mực nào đó, bây giờ Real Madrid được phép mắc sai lầm”.

“Cố đấm ăn xôi” hay “liệu cơm gắp mắm”?

Bởi vậy, một câu hỏi được đặt ra với “Pep Team” lúc này là: Liệu có nên buông La Liga để tập trung cho Cúp Nhà vua và Champions League? Danh hiệu tại Champions League vinh quang cẳng kém La Liga.

Với số đông, câu trả lời có lẽ là nên buông. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tinh thần, lịch sử và thực tiễn, câu trả lời không dễ dàng như thế.

Những người chủ trương “buông” có nhiều lý do để tin mình là đúng. Ngoài những yếu tố như đã nhắc đến ở trên, phải kể đến một điều mà “Pep Team” thừa biết nhưng không muốn nói ra: Đây là năm thứ hai của Real Madrid dưới triều đại của “Người đặc biệt”.

Mourinho thường nói: “Đội bóng do tôi dẫn dắt bao giờ cũng chơi tốt nhất ở năm thứ hai”, và thực tế đã diễn ra như vậy.

Nhìn từ đầu mùa đến nay, ngoại trừ những thất bại trước Barca trong các trận “kinh điển” và lần sẩy chân trước Getafe, Real Madrid liên tiếp giành chiến thắng. Mạch thắng 17 trận liên tiếp vừa qua đủ nói lên sự nhuần nhuyễn về đấu pháp, sức mạnh và tính hiệu quả cũng như chiều sâu đội hình của Real Madrid.

Nhưng không chỉ có thắng, Madrid còn vùi dập nhiều đối thủ với hiệu suất ghi bàn khủng khiếp, với đủ “hat-trick, poker, manita hay tennis game”.

Tổng cộng, Madrid đã ghi tới 67 bàn vào lưới đối phương trên các mặt trận và trở thành đội bóng xuất sắc nhất châu Âu sau lượt đi, trên cả những tên tuổi lớn như Man Utd, Man City, Bayern, Milan... Đây chính là điểm mà Barca sợ nhất.

Còn Barca thì sao? Barca vẫn hay, vẫn quyến rũ, vẫn là nhất thế giới cho đến thời điểm này, với ba chức vô địch giành được từ đầu mùa: Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp châu Âu và Cúp thế giới các CLB. Và hơn thế nữa, ở Tây Ban Nha, Barca là đội bóng duy nhất còn được tham gia cả ba “cuộc chơi” Cúp Nhà vua, La Liga và Champions League.

Nhìn từ góc độ khác, Barca cũng không tồi: Không thua trận nào trên sân nhà. Tính cả cú sảy chân mới đây trước Osasuna, Barca cũng chỉ thua có hai lần như Madrid, số bàn thắng cũng không kém phần khủng khiếp trong khi số lần thủng lưới thậm chí còn ít đối thủ truyền kiếp.

Tuy nhiên, nhìn vào cuộc đua song mã ở Liga, có thể thấy đội bóng của Pep Guardiola đang gặp phải những vấn đề không nhỏ, mà trước tiên là ở cái đầu. Nói gì thì nói, với việc đoạt tới 13 trong tổng số 16 danh hiệu tối đa sau ba mùa bóng, Barcelona đã xuất hiện tư tưởng chủ quan khinh địch.

Ví dụ cụ thể nhất là việc Guardiola cất nguyên hàng tiền vệ gồm Xavi, Iniesta và Fabregas trên băng ghế dự bị trong trận gặp Osasuna. Các trận thua hoặc hòa trên sân khách trước các đội bóng dưới cơ là một bằng chứng nữa về tư tưởng chủ quan hoặc thỏa mãn, ngủ quên trên vòng nguyệt quế đang bao bọc Barca.

Không chỉ về tinh thần, Barca còn đang có vấn đề về thể xác. Bên cạnh những chấn thương dài hạn của Villa và Affelay, lần lượt Iniesta, Alexis, Pedro, Fabregas, Busquets đều phải đi bệnh viện, trong khi “người không phổi” Messi, chiến binh Puyol, lực sỹ Alves, phù thủy Xavi cũng đã có những dấu hiệu quá tải.

Hơn lúc nào hết, “Pep Team” cần có một cái nhìn thực tế: Với một Madrid đang chơi với phong độ đỉnh cao, với một Barca đầy rẫy những chấn thương, khả năng lội ngược dòng tại Liga chẳng khác nào phải chính phục đỉnh Hymalaya trong bão tuyết, mà cơn bão này còn kéo dài đến hết mùa bóng.

Có nên gồng mình đánh vật thêm 16-17 keo nữa hay không? Đó là một câu hỏi cần có lời giải nhanh chóng để Barcelona không phung phí sức lực, trong khi vẫn còn những mục tiêu quan trọng khác phải và có khả năng chinh phục.

Nếu Barca “buông” La Liga, họ còn được hai điều rất lớn. Thứ nhất các cầu thủ trụ cột có thời gian ngơi nghỉ, hồi phục cho những trận đánh quyết định. Thứ hai, các cầu thủ trẻ có cơ hội được cọ xát và rèn luyện, một điều mà Barca đã và đang rất chú trọng trong những năm qua.

Nỗi lo lớn nhất lúc này đối với Barca là nếu buông La Liga, họ sẽ đánh mất truyền thống quật khởi của những con người của xứ Catalunya. Đánh mất một trận đấu thì dễ chấp nhận, nhưng đánh mất bản sắc và truyền thống thì là mất tất cả. Đó chính là cái khó không thể vượt qua với Pep Guardiola, Carles Puyol hay Leo Messi.

Chưa kể, khi còn là cầu thủ, huấn luyện viên Guardiola từng hai lần cùng Barca lội ngược dòng thành công trong những điều kiện tưởng như không tưởng.

“Cố đấm ăn xôi” có thể “xôi hỏng bỏng không” vì kiệt lực, nhưng “liệu cơm gắp mắm” có chắc chắn thành công hay không thì đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải. Hay thà “không thành công thì cũng thành nhân”. Đó là lý do vì sao Barca đang “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”.

 Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG