Bầu Đức đã 'máu' trở lại

Bầu Đức đã 'máu' trở lại
Không có tiếng reo vui nhưng hình như bầu Đức đã “trở lại”. Từ bài phát biểu “của cuộc đời” tại hội nghị các ông bầu đến việc trao thưởng nửa triệu USD cho đội U-23. Bầu Đức từng lặng lẽ rời khỏi những trận bóng nhiều năm qua và cũng nhẹ nhàng trở lại như để tiếp nối giấc mơ của mình.
Bầu Đức đã
Bầu Đức đã "máu" bóng đá trở lại.

Một thời bầu Đức là biểu tượng của bóng đá Việt Nam. Ông là người đưa ra khái niệm “dream team” để có thể thắng ngay chức vô địch V-League. Cho đến nay, sự kiện ông mua Kiatisak vẫn là một hình mẫu chưa ai bắt chước được trong cách dùng ngôi sao để thu hút nhân tài. Học viện bóng đá trẻ của ông cũng chưa có ai theo kịp. Và những gì ông sẵn sàng đóng góp cho sự ra đời của VPF một lần nữa cho thấy, nếu bầu Đức bỏ bóng đá, đấy phải là một sự kiện “khủng khiếp”.

Chưa ai làm bóng đá được như bầu Đức, dù là ở phương diện nào. Có người làm giống, có người làm hơn nhưng tựu trung, khi bầu Đức xắn tay áo lên nói chuyện bóng đá thì đấy đều là những cú đột phá “vô tiền khoáng hậu”.

Vậy nên, khi hình như ông bắt đầu “trở lại”, chúng ta sẽ chờ thêm ông sẽ đem lại sự thú vị gì mới.

Bài viết này chắc chắn không phải là để ca ngợi bầu Đức, người 10 năm qua luôn đặt dấu ấn lên từng chặng đường phát triển của bóng đá Việt Nam. Nói về những giấc mơ bóng đá của ông bầu này để thấy có những khoảng cách phải nói là khác biệt giữa các ông bầu bóng đá tại Việt Nam. Sự khác biệt ấy, có nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Bởi hiện thời bầu Đức đang là chất xúc tác mạnh mẽ của công cuộc thành lập một V-League mới. Không có ông bầu này đứng sau lưng, những lời hùng hồn của bầu Kiên sẽ chưa đạt đến sức nặng cần thiết. Bài phát biểu hết sức mộc mạc nhưng rất chân tình của bầu Đức hôm 29-9 là cú knock-out đánh vào niềm kiêu hãnh của VFF vốn đang chuẩn bị để “trả đòn” các ông bầu.

Ông Đức nói: “Tôi không bao giờ bỏ bóng đá nhưng ngay ngày mai, sẵn sàng không tham gia V-League nữa”. Rõ và dứt khoát. VFF có thể dửng dưng trước nhiều ông bầu bỏ bóng đá khác, nhưng với bầu Đức thì không.

Bởi đến nay, đâu có CLB nào được đầu tư chiều sâu như HA.GL mặc dù để làm điều đó, 4 năm qua đội bóng phố núi cứ vất vả như “chạy ăn từng bữa”. Mô hình CLB bóng đá kết hợp kinh doanh của HA.GL đáng để học hỏi khi dùng vốn đầu tư cho một loạt lĩnh vực khác để lấy tiền nuôi bóng đá. Cũng chẳng CLB nào có thể sở hữu sân bóng như HA.GL. Không CLB nào có Học viện chuẩn như HA.GL. Chắc chắn là bầu Đức không thể bỏ bóng đá vì con đường ông đi đã đến gần với giấc mơ.

Nhưng, khi bầu Đức nói: “Bóng đá Thái Lan vượt xa chúng ta dù đầu tư ít hơn”, thì đấy là điều mà VFF cần phải suy nghĩ thật nhiều. Ông bầu phố núi từng có ý định mua một CLB ở T-League, nên khi ông đánh giá như vậy, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang lùi chứ chẳng phải tiến.

Thực tế là sau 10 năm làm chuyên nghiệp, số CLB có khả năng đào tạo trẻ đếm trên đầu ngón tay dù khi nhập cuộc, ông bầu nào cũng nói những lời có cánh. Các ông bầu đều là dân kinh doanh thượng thặng nhưng đến nay, cũng chưa có CLB nào tự nuôi sống mình. Đều là “ông bầu” như nhau nhưng không phải ai cũng hiểu bóng đá và làm bóng đá như bầu Đức. Vậy thì khi bầu Đức khởi xướng cho sự ra đời của VPF, liệu chúng ta có thể tin rằng 100% các CLB đều có cùng mục đích như nhau.

Đối với bầu Đức, ông sẵn sàng bỏ tiền để xây dựng VPF bởi ông đã nhìn thấy tương lai của CLB mình. Nhưng với nhiều vị Chủ tịch CLB, họ nhìn thấy gì trong giấc mơ của mình?

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG