Cái chết của 4-4-2

Cái chết của 4-4-2
TPO - Có phải đó là sơ đồ cơ bản mà chúng ta thường thấy ở các giải đấu? 4 hậu vệ giăng ngang, 4 tiền vệ cũng giăng ngang và 2 tiền đạo, hầu hết là đều chơi ngay bên cạnh nhau.
Cái chết của 4-4-2 ảnh 1
Roman Pavlyuchenko

Thời gian như nước chảy hoa trôi. Hãy nhìn vào 8 đội bóng vào tứ kết Euro 2008 này.

Bồ Đào Nha (Nuno Gomes), Croatia (Ivica Olic), Ý (Luca Toni), Hà Lan (Ruud van Nistelrooy) và Nga (Roman Pavlyuchenko), tất thảy đều chơi với duy nhất một trung phong.

Đôi khi, anh ta đóng vai trò là người săn bàn thắng (Toni, van Nistelrooy), lúc lại là người lùng bàn thắng (Olic), nhưng về cơ bản là đều tựu chung ở việc chọc thủng lưới đối phương.

Thổ Nhĩ Kỳ có những nét thay đổi riêng. Fatih Terim bố trí một trung phong (Semih Senturk hoặc Mevlut Erdinc), nhưng lại kỳ vọng bàn thắng đến từ tuyến hai với những cầu thủ nhỏ con như Nihat, Arda Turan.

Người Tây Ban Nha chơi với 2 tiền đạo - nhưng thực tế, David Villa có xu hướng chơi cắm sâu hơn so với Torres. Đức là đội duy nhất ở vòng bảng chơi với hai tiền đạo ngang nhau, Miroslav Klose and Mario Gomez.

Tại sao phải thay đổi? Từ khi nào, 4-4-2 trở thành lạc hậu? Trước hết, cần chú ý trung phong cắm không phải là một phát minh mới mẻ trong thế giới những sơ đồ chiến thuật bóng đá: lâu, lâu lắm rồi, từ những năm 1980, trung phong cắm cộng các cầu thủ chạy cánh đã rất phổ biến.

Nam Mỹ là một trường hợp cá biệt. Còn ở châu Âu, Egil Olsen đã rất thành công với sơ đồ 4-5-1 cùng đội tuyển Na Uy từ những năm 1990.

Xa hơn nữa, không ai biết. Điều hiển nhiên, bạn luôn muốn chơi với sức mạnh tối ưu của mình, và nếu có 2 tiền đạo sắc bén, tốt hơn cả vẫn là cho họ chơi cùng nhau. Nhất là khi bạn lại không có những tiền vệ tấn công chất lượng.

Nhưng, nhìn chung mà nói, 4-4-2 vẫn đạt hiệu suất tối đa khi các tiền vệ biên chơi dâng cao, gây sức ép về đối phương, tạo khoảng trống cho các hậu vệ cánh dâng lên và cung cấp bóng và cơ hội cho những người chơi trung lộ.

Để làm được điều đó, dẫu sao, bạn cần phải có những cầu thủ chạy cánh điển hình. Nhưng, thực tế là những cầu thủ chạy cánh điển hình như vậy (tất nhiên, vẫn có ngoại trừ, Bồ Đào Nha chẳng hạn!) dường như không tồn tại ở giải đấu này.

Đức là một ví dụ điển hình. Đối mặt với Croatia, Loew phải bố trí Fritz, vốn chỉ là một hậu vệ cánh, và Podolski, một tiền đạo thuần chất, dạt ra biên và đương nhiên là nhận hậu quả thê thảm. Điều đó lý giải tại sao họ phải xuôi theo trào lưu, chuyển sang 4-2-3-1 trong trận đấu tứ kết với Bồ Đào Nha.

Hơn nữa, những cầu thủ chạy cánh dường như không đạt hiệu quả với 4-4-2 hiện đại. Trước đây, một tiền vệ biên luôn chỉ tiến về phía trước, biết rằng, phía sau lưng anh là hậu vệ cánh thuần chất với nhiệm vụ phòng ngự. Bây giờ, các đội bóng đều muốn hậu vệ biên cùng tham gia vào tấn công (để tạo ra số đông nhân sự ở khu vực giữa sân), tất nhiên, điều đó đòi hỏi các tiền vệ cánh phải lùi về tham gia phòng ngự nhiều hơn.

MỚI - NÓNG