Chạy đến khi… lên xe cứu thương

TP - Nguyễn Phương Thùy là nữ VĐV marathon phong trào duy nhất tại Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong năm nay. Lần đầu tiên tham dự, bà mẹ một con đặt mục tiêu hoàn thành 42 km đường chạy, mà như chị nói vui là “chạy cho đến khi BTC bắt lên xe cứu thương chứ quyết không bỏ cuộc”.

Chạy để… tĩnh tâm

Nhìn thân hình mảnh khảnh, gầy guộc tựa như “gió có thể thổi bay cả người”, ít ai ngờ rằng Nguyễn Phương Thùy (sinh năm 1985) lại có sức khoẻ và sức bền dẻo dai đến vậy. Bén duyên với môn chạy từ khá sớm (năm 2004) nhưng đến năm 2016, Thùy mới bắt đầu chạy cự ly dài và có cơ hội tham gia các giải chạy phong trào.

Dù khoảng thời gian không dài, cô gái sinh năm 1985 cũng đã kịp mang về cho riêng mình bộ sưu tập huy chương kha khá ở các giải phong trào: top 7 nữ giải Hạ Long Marathon 11/2016 cự ly 21km trong 1h57’; top 9 nữ giải Sông Hồng 12/2016 cự ly 21km trong 1h48’; nhì nữ giải do LDR tổ chức, cự ly 21km 1/2017  trong 1h46’. Đó cũng là bước đệm để Thùy đăng ký dự Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong năm nay.

Chạy đến khi… lên xe cứu thương ảnh 1

Phương Thùy trong cuộc thi Race Sông Hồng 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Khanh Tran.

“Dự Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong là niềm vui quá lớn đối với Thùy bởi từ trước tới nay giải đấu có truyền thống lâu đời này chỉ dành cho các VĐV chuyên nghiệp. Ban đầu, Thùy không định đăng ký vì luôn nghĩ quá sức mình, nhưng được các anh chị em trong đội khích lệ động viên nên đã quyết định thử sức. Thùy coi giải đấu là một cơ hội tuyệt vời được gặp gỡ, giao lưu, chạy chung đường với các anh chị em chuyên nghiệp. Một cơ hội tập luyện học hỏi tuyệt vời, lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu trong tương lai”.

Nói về niềm đam mê với môn chạy dài, Thùy chia sẻ chị không thể nhớ nổi lần đầu tiên mình xách giày đi chạy vì lí do gì, chỉ biết rằng, càng chạy càng thấy đam mê bởi khi chạy chị cảm thấy mình được là chính mình, vô cùng tự do thoải mái. “Bộ môn chạy rất hợp với tính cách của Thùy - ngại giao tiếp và thích được tĩnh tâm một mình. Khi chạy không cần người chạy cùng hay nói chuyện cùng, có thể chìm đắm trong thế giới của riêng mình, lắng nghe âm thanh xung quanh. Mình cũng đặc biệt thích chạy ngược gió, chạy trong cơn dông, chạy trong trời lất phất mưa vì nó đem lại cảm giác vượt qua thử thách”, Thùy chia sẻ.

Lên xe cứu thương cũng không bỏ cuộc

Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong năm nay ghi nhận số lượng VĐV đăng ký dự thi cự ly marathon tăng vọt so với các giải trước đó với hơn 30 chân chạy, 2/3 trong số này là các VĐV nghiệp dư nhưng số lượng nữ không nhiều. Ban đầu, có 3 nữ VĐV đăng ký tham dự, nhưng trước thềm giải đấu một người bị tai nạn xe, một người bận việc đột xuất, thành ra Thùy là nữ VĐV không chuyên duy nhất.

“Thùy đang rất háo hức và hồi hộp, có chút lo lắng vì các bạn chuyên nghiệp sẽ lướt rất nhanh. Dù vậy, mục tiêu của mình là hoàn thành hết 42km đường chạy, chạy cho đến khi BTC cho lên xe cứu thương chứ quyết không bỏ cuộc. Chỉ mong là sẽ không gặp chấn thương hay chuột rút trong lúc chạy”, Thùy chia sẻ.

Hiện tại, Phương Thùy đang là giáo viên dạy tiếng Anh - chuyên luyện thi IELTS tại Hà Nội. Trước kia, nhiều người từng can ngăn Thùy “thôi đừng chạy nữa” vì thể trạng yếu ớt, da đen nhưng chị vẫn quyết không từ bỏ đam mê. Sau này lập gia đình, dù bận bịu, rất may là ông xã luôn đồng hành và ủng hộ sở thích của chị. “Con gái mình đã 4 tuổi, mình rất mong sẽ truyền được đam mê này cho con. Tối trước khi đi ngủ, bé thường bảo muốn xem ảnh mẹ chạy. Hai mẹ con đã chạy cùng nhau nhiều lần rồi. Hiện tại, mình vẫn duy trì chạy dốc trên máy 3-4km/ngày. Cuối tuần, mình chạy ngoài trời một  buổi, thường là một vòng hồ Tây”.

Chạy đến khi… lên xe cứu thương ảnh 2
Chạy đến khi… lên xe cứu thương ảnh 3
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.