Chuyện của Riedl, Quyến và các trợ lý

Chuyện của Riedl, Quyến và các trợ lý
Câu hỏi Riedl nhận được nhiều nhất khi đến Việt Nam là chuyện của Văn Quyến. Ngẫu nhiên cái cách hỏi cũng hệt với 10 tháng trước khi báo giới xoay quanh ông Tavares.
Chuyện của Riedl, Quyến và các trợ lý ảnh 1
Riedl đã đặt cược vào Văn Quyến dù 10 trận đấu ở V-League, Quyến chưa biết ghi bàn

Cái khác chỉ là chỗ ông Riedl trả lời “đỡ” cho các trợ lý bằng một thái độ ủng hộ: “Chính tôi muốn gọi Quyến vào đội tuyển”. Ông Riedl từng tha thứ cho Quyến khi mở ra lối thoát cho cầu thủ này sau trận thua tệ hại Perak tại JVC Cup thay vì phải làm một dây liên quan đến vụ án Như Thành.

Quyến thoát, các cầu thủ Sông Lam thoát và sau đó thì những nhân vật chính này đã làm mới đội tuyển Việt Nam bằng một lối chơi thuyết phục tại SEA Games 22.

SEA Games mà Quyến được xem như một người hùng với những bàn thắng để đời và được xem là con người của những trận đấu lớn, có khả năng làm xoay chuyển tình thế.

Cái danh quá lớn và thành tích quá thuyết phục khiến ông Riedl có ấn tượng đậm với Quyến, nhân vật mà ông cho là một tài năng lớn và khó có thể quên được. Thế nên, ông Riedl chấp nhận bỏ qua tất cả, kể cả việc Quyến đã qua 10 lượt trận chưa có bàn thắng và mài đũng quần trên ghế dự bị.

Nếu đó là trường hợp ngoại lệ như một năm rưỡi trước ông Riedl từng phá vỡ nguyên tắc của mình để “chiều” một tài năng thuộc dạng đặc biệt (thực chất là để đi đến quyết định này, ông đã được các trợ lý và nhất là HLV Nguyễn Thành Vinh thuyết phục rất nhiều) thì có thể chấp nhận được, đằng này trong danh sách 25 cầu thủ được các trợ lý ông Riedl chọn lựa đã có quá nhiều trường hợp ngoại lệ.

Những ngoại lệ đã biến sự bất thường trở nên bình thường và đấy là nỗi lo chung của nhiều người quan tâm đến bóng đá Việt Nam và hiểu bóng đá Việt Nam.

Bên cạnh Quyến, không khó để tìm ra trong danh sách này hàng loạt những cầu thủ đang rơi tự do và đánh mất phong độ, bị “nhốt” trên hàng ghế dự bị nhưng vẫn được ưu ái. Thậm chí có cầu thủ ngạc nhiên khi được thông báo vào danh sách đội tuyển và không hiểu tại sao mình lại có tên.

Nhiều người khi nhìn vào danh sách đã thắc mắc bởi thực chất họ không thể tự lý giải được những tuyển trạch viên trong vai trò của trợ lý A.Riedl đã dựa theo tiêu chí nào mà tuyển chọn. Những cái tên được nhắc nhiều trong quá khứ và đánh mất mình ở hiện tại liệu đó có phải là tiêu chí?

Còn nếu xác định danh sách ấy dựa trên phong độ thì ai cũng thấy có rất nhiều cầu thủ chơi rất ổn định và đạt phong độ cao nhưng đã không được gọi lên vì họ chưa có cái tiếng.

Nếu đã nói rằng cơ hội luôn rộng mở cho tất cả mọi cầu thủ thì hoàn toàn có thể để hàng loạt những cầu thủ kém phong độ ngồi ở nhà để tự ngẫm lại mình và làm mới mình.

Đấy là một biện pháp giáo dục tích cực đồng thời cũng góp phần hỗ trợ lãnh đạo các CLB rèn luyện những cầu thủ dạng sao của mình. Làm được điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo ra sự công bằng và vô tư trong công tác tuyển chọn.

Có cần phải phấn đấu và nỗ lực hơn nữa khi biết chắc rằng cánh cửa vào đội tuyển chỉ mở ra với những tên tuổi, những ngôi sao? Đó là suy nghĩ của những cầu thủ tin rằng chuyên môn mình tốt hơn nhưng không được chọn vì những người chọn không dựa trên một tiêu chí rõ ràng.

Ai cũng hiểu một đội tuyển mạnh là một đội được tập hợp từ những cầu thủ có chuyên môn cao nhất và phong độ tốt nhất. Phần còn lại là cánh cửa rộng mở với những cầu thủ có nghị lực và biết chiến thắng, biết vượt qua chính mình. Nó là một sự cạnh tranh tích cực mà ở các đội tuyển luôn phải có.

Sự công bằng mà chúng tôi đề cập là công bằng trong cách nhìn và công bằng trong việc đặt ra tiêu chí. Điều này nếu không thực hiện được thì bài toán về con người rất dễ phản tác dụng.

Chả lẽ đến tiêu chí chọn và sự công bằng trong tuyển lựa cũng cần phải học?

MỚI - NÓNG