Đại hội VFF: Phút 89 vẫn vận động hậu trường

Đại hội VFF: Phút 89 vẫn vận động hậu trường
(TPO) Những diễn biến phức tạp phía sau “cánh gà” đã khiến không khí Đại hội VFF khóa 5 và những cuộc đua vào các chức danh chủ chốt nóng lên rất nhiều.
Đại hội VFF: Phút 89 vẫn vận động hậu trường ảnh 1

Giống như một trận bóng đá, đến phút 89, sóng gió vẫn chưa lặng yên trước “khung thành” Đại hội VFF.

Vận động “rỉ tai”

Đến phút chót, chỉ duy nhất luật sư Trần Vũ Hải – cũng là người duy nhất tự ứng cử chức Chủ tịch VFF – công bố bản đề cương hành động do mình tự soạn thảo.

Ngay trước khi các đại biểu chuẩn bị bước vào dự phiên họp trù bị của Đại hội, ứng cử viên “ngoại đạo” này đã chuẩn bị sẵn 400 tập tài liệu được in ấn rất đẹp và công phu, mỗi tập dày trên 20 trang để phát đến tận tay các đại biểu.

Đặc biệt hơn, theo đúng cách tranh cử thường thấy trên thế giới, ông Hải còn công phu sưu tập hàng chục chữ ký của các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân, khẳng định ủng hộ ông Trần Vũ Hải ứng cử chức Chủ tịch VFF.

Cách làm của ông Hải khiến nhiều người cho rằng, ông Hải đã đánh bóng hình ảnh của mình như một cách quảng cáo theo kiểu bán thuốc dạo. Tuy vậy, cách vận động tranh cử của ông Hải, xem ra vẫn còn đàng hoàng và lành mạnh hơn hẳn một số ứng viên khác đang ngấm ngầm tìm cách vào VFF khóa 5.

Một thông tin của TPO cho hay, cách đây không lâu, 3 ông Vũ Hạng, Trần Duy Ly và Dương Nghiệp Chí bỗng đồng loạt xin Ủy ban TDTT cho nghỉ hưu và được sớm lấy sổ hưu. Hành động đột ngột này khiến những người quan tâm không thể đặt câu hỏi.

Thực chất, đó chỉ là “phương án” lùi một bước, tiến hai, nhằm tránh được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban TDTT. Hiện tại, cả 3 cá nhân này đều vẫn là người của Ủy ban TDTT. Trong trường hợp trúng cử và vẫn tiếp tục làm việc ở VFF, lại đã về hưu, các ông Ly, Hạng, Chí sẽ không phải chịu nhiều áp lực từ cơ quan quản lý cán bộ.

Tuy vậy, những toan tính này đã bất thành khi Ủy ban TDTT chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc nghỉ hưu của các cá nhân nói trên.

Một nguồn tin từ Ủy ban TDTT cho biết, tại cuộc họp giao ban đầu tuần hôm 30/5 do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ chủ trì, đích thân ông Dương Nghiệp Chí đã tuyên bố: “Cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy Ủy ban giao nhiệm vụ gì ở Đại hội VFF, lãnh đạo Ủy ban cũng chưa có ý kiến gì. Vì vậy, tôi sẽ không rút lui trong việc ứng cử Chủ tịch VFF”, và tỏ ra rất chắc chắn sẽ giành ghế Chủ tịch VFF.

Thất bại trong toan tính nghỉ hưu để “thoát” sự quản lý trực tiếp, một số cá nhân ở VFF lại chuyển hướng vận động bằng cách… rỉ tai các ủy viên BCH khóa 4 trong cuộc họp chuẩn bị Đại hội chiều 31/5 để bầu cho ông Chí làm Chủ tịch VFF.

Báo cáo tài chính của VFF: Lọt sổ khó hiểu

Tại phiên họp trù bị Đại hội sáng qua, Trưởng ban Tài chính Đỗ Văn Ninh đã đọc bản báo cáo tình hình tài chính nhiệm kỳ 4, (từ ngày 1/1/2002 đến 30/4/2005) với các nguồn thu chi, cân đối tài chính mà nghe qua có vẻ rất rõ ràng với những con số cụ thể.

Kết quả cân đối tài chính cuối cùng là VFF khóa 4 vẫn còn dư hơn 14 tỷ 668 triệu đồng (nhưng đã có gần 10 tỷ đồng mà VFF khóa 3 còn tồn lại chuyển sang).

Tuy nhiên, điều khiến nhiều đại biểu ngạc nhiên đến ngỡ ngàng là cả một báo cáo tài chính chi tiết như vậy lại không có một dòng nào nói đến nguồn thu từ báo Bóng đá, cơ quan ngôn luận của VFF và cũng là một đơn vị trực thuộc VFF “ăn nên làm ra” nhất trong thời gian qua.

Chính vì ăn nên làm ra nên tại cuộc họp BCH VFF hồi giữa tháng 5 vừa qua, đích thân báo Bóng đá đã “bồi dưỡng” hậu hĩnh cho 39 ủy viên BCH, mỗi người 1 triệu đồng. Khi đó, một ủy viên BCH đã kinh ngạc và không hiểu vì sao sắp đến gần ngày Đại hội nhiều nhạy cảm lại được nhận món quà “nặng ký” đến thế.

Để lọt sổ các khoản thu chi mà VFF có được từ báo Bóng đá trong báo cáo tài chính, thực sự là một điều đáng ngờ, một vấn đề khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.