Euro 2012:  Trái bóng lăn giữa cơn suy thoái

Euro 2012 diễn ra khi nền kinh tế châu Âu đang lao đao trong vòng xoáy khủng hoảng Ảnh: Getty Images
Euro 2012 diễn ra khi nền kinh tế châu Âu đang lao đao trong vòng xoáy khủng hoảng Ảnh: Getty Images
TP - Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang suy thoái nặng nề, việc Ba Lan và Ukraina bỏ ra hàng chục tỷ euro để đăng cai EURO 2012 quả là một canh bạc tốn kém và đầy may rủi. Nhưng trái bóng không đơn thuần chỉ là những con số trong bảng kế toán khô khan…

> VTV công bố thông tin thêm về bản quyền Euro 2012

Manuel Caceres Artesero hay còn gọi thân mật là Manolo là một cổ động viên đặc biệt và được coi là cầu thủ thứ 12 của tuyển Tây Ban Nha. Kể từ năm 1982, ông mới chỉ vắng mặt đúng một lần trong các trận đấu của Đàn bò tót tại các giải đấu lớn như Euro hay World Cup.

Điều đặc biệt là dù vào sân nhưng Manolo thường quay lưng lại với những diễn biến của trận đấu, ông chỉ tập trung vào việc đánh trống và hò hét để bắt nhịp những người bạn cổ vũ cho đội bóng thân yêu.

Người đàn ông 57 tuổi này có một quán bar nhỏ ở thành phố Valencia (TBN) nhưng nó thường xuyên đóng cửa vì ông chủ bận đi cổ vũ bóng đá.

Tình hình kinh tế khó khăn khiến việc kinh doanh ngày càng ế ẩm nhưng Manolo khẳng định ông sẽ dành toàn bộ số tiền tiết kiệm sang Ba Lan và Ukraina mùa hè này để tiếp sức cho tuyển Tây Ban Nha.

Nhưng không phải ai cũng có niềm đam mê lớn lao và quan trọng là có… tiền như Manolo. Kênh BBC vừa dẫn lời ông Kevin Miles, người phát ngôn của hiệp hội CĐV nước Anh cho biết: “Dù giá vé có giảm nhưng giá sinh hoạt khá đắt đỏ khiến nhiều người trong chúng tôi lựa chọn giải pháp ở nhà xem tivi”.

Ước tính của các CĐV Anh, họ phải tốn 600 euro/đêm tại một khách sạn hạng xoàng ở Kiev hay Donetsk.

Cộng cả tiền ăn và vé, mỗi ngày tận hưởng niềm vui bóng đá đi tong của những người hâm mộ bình thường khoảng 800 euro. ‘Đó thực sự là con số kinh khủng trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay”, Miles nói.

Khủng hoảng kinh tế, vấn đề nợ công, các chính sách thắt lưng buộc bụng… không còn là những câu chuyện vĩ mô xa vời mà nó tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân nhiều nước châu Âu.

Như một bất ngờ ngẫu nhiên, hầu hết các đội tuyển tham gia EURO 2012 đều là những nước nằm trong danh sách đen.

Hy Lạp đứng trên bờ vực phá sản, Ireland suýt vỡ nợ, Italia và Tây Ban Nha cũng đang lao đao. Trong khi đó, bóng ma khủng hoảng cũng bắt đầu lan tới những nền kinh tế có thể xem là khỏe mạnh như Đức hay Pháp.

Giờ thì, chỉ có các cầu thủ vẫn còn được xem như là những triệu phú còn người hâm mộ đang khá lay lắt bởi thu nhập cũng như phúc lợi xã hội giảm mạnh.

Ba Lan và Ukraina bỏ ra tổng cộng gần 50 tỷ bảng cho công tác tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu lần này
Ba Lan và Ukraina bỏ ra tổng cộng gần 50 tỷ bảng cho công tác tổ chức giải vô địch bóng đá châu Âu lần này.

Sự ảm đạm ấy bao trùm cả lên không khí chuẩn bị của kì Euro có slogan rất kêu là: Cùng nhau tạo ra lịch sử. Ba Lan và Ukraina vốn chỉ là những nước có nền kinh tế ở mức trung bình tại châu Âu và giờ họ phải đối diện với áp lực khủng khiếp.

Theo nhiều nguồn tin, tổng cộng cả hai quốc gia Đông Âu này phải bỏ ra gần 50 tỷ euro để tổ chức sự kiện thể thao kéo dài chỉ ba tuần lễ này. Đó là một con số khá lớn và phần nhiều trong đó lấy từ tiền ngân sách quốc gia.

Điều này khiến dư luận tại cả Ba Lan và Ukraina chia rẽ nghiêm trọng khi không phải ai cũng muốn chứng kiến một giải đấu tốn kém đến vậy tại quê hương mình.

Dự tính, Ukraina phải chi 16 tỷ euro còn con số này về phía Ba Lan là gần 25 tỷ euro cho công tác tổ chức trong đó chủ yếu là nâng cấp và xây mới các sân vận động đủ tiêu chuẩn tổ chức Euro.

Hai quốc gia này rất khó để thu hồi vốn trong khi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) chắc chắn lãi nhờ việc bán bản quyền truyền hình và các hoạt động thương mại (UEFA từng lãi 1,7 tỷ euro tại Euro 2008).

Không phải EURO không mang đến những lợi ích như tạo công ăn việc làm hay cơ hội thúc đẩy nền kinh tế tức thời nhưng đó chỉ là những lợi ích ngắn hạn.

Bài toán khi giải đấu kết thúc mới thực sự nhức nhối khi biết rằng Hy Lạp từng kiệt quệ sau khi nỗ lực hết mình tổ chức thành công Olympics 2004 tại thủ đô Athens.

Nhưng bất chấp những lo ngại, trái bóng vẫn phải lăn vì nó không đơn thuần là những con số khô khan trong bảng kế toán để có thể đặt lên bàn cân.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bóng đá là mang đến niềm vui bởi vậy người ta hi vọng trái bóng sẽ truyền thêm sức mạnh tinh thần giúp người ta quên đi những lo toan đời thường khi thả hồn vào các trận đấu, những pha bóng hay, những đường bóng đẹp.

Tay trống Manolo sẽ giành toàn bộ số tiền tiết kiệm để sang Ba Lan và Ukraina hè này cổ vũ cho tuyển Tây Ban Nha Ảnh: Marca
Tay trống Manolo sẽ giành toàn bộ số tiền tiết kiệm để sang Ba Lan và Ukraina hè này cổ vũ cho tuyển Tây Ban Nha Ảnh: Marca.

Trở lại với tay trống Manolo đã nói tới ở đầu bài. Ông này có một phát biểu rất hay khi cho rằng: “Với tôi, mọi vui buồn của cuộc sống đời thường phải dừng bước trước cửa sân vận động”. Quả thực, bóng đá không đơn thuần là một trò chơi mà nó còn có sứ mệnh như một sự đền bù hư ảo hay cứu rỗi về tinh thần.

Hơn một tháng nữa, trái bóng Euro 2012 sẽ lại lăn...

Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2012) diễn ra từ 8-6 đến 1-7 tại hai quốc gia Đông Âu là Ba Lan và Ukraina. Đây là lần thứ ba trong lịch sử Euro có hai nước đồng đăng cai (hai lần trước là Bỉ-Hà Lan năm 2000 và Áo-Thụy Sỹ năm 2008).

Tổng số tiền thưởng cho các đội dự Euro 2012 sẽ là 196 triệu euro (tăng 12 triệu euro so với Euro 2008). Mỗi đội dự giải được nhận 8 triệu euro, một chiến thắng ở vòng bảng được trả giá 1 triệu euro, hòa 0,5 triệu euro. Đội xếp thứ ba vòng bảng không được vào tứ kết nhưng cũng được phần thưởng an ủi 1 triệu euro. Vào tứ kết, mỗi đội nhận 2 triệu euro, bán kết 3 triệu euro, hạng nhì 4,5 triệu euro và vô địch 7,5 triệu euro.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG