Giảm khán giả, bộ mặt thật của V-League

Giảm khán giả, bộ mặt thật của V-League
TP - Trong bóng đá chuyên nghiệp, khán giả là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, qua đó, có thể hình dung sức cuốn hút của bóng đá chuyên nghiệp đối với khán giả.
Giảm khán giả, bộ mặt thật của V-League ảnh 1
Không phải trận đấu nào cũng thu hút được đông khán giả như trận đấu mà HAGL chia tay Kiatisuk  Ảnh: Quỳnh Mai

Những con số thống kê toàn giải sẽ có ý nghĩa tổng quát và mang một hình ảnh xác thực về khán giả - bộ mặt của V-League 2006.

Sa sút

Theo số liệu thống kê của VFF, tổng số khán giả trực tiếp đến sân theo dõi V-League 2006 là 1.006.500 người, trung bình 6.452 người/trận, thấp hơn tại V-League 2005 gần 2400 người/trận, tức là xấp xỉ 27%.

Sự sa sút này càng thấy rõ ở lượt về khi trung bình mỗi trận đấu chỉ có 6.121 người đến xem, trong khi ở lượt đi, số khán giả trung bình là 6.783 người/trận, giảm khoảng 10%.

Sự sa sút đó còn được thể hiện qua việc không có một vòng đấu nào ở lượt về có số khán giả trung bình đạt đến mức 8.000 người/trận, trong khi ở lượt đi cũng còn có 2 vòng đấu có số lượng khán giả trung bình đạt đến con số 8000 người/trận (vòng 5 và vòng 13).

Nửa cuối của lượt về và nửa đầu của lượt đi còn ghi nhận sự sút giảm nghiêm trọng về số lượng khán giả đến mức “báo động” mà đỉnh điểm là ở các vòng đấu thứ 2,3 (lượt đi) và vòng 20 (lượt về), khi trung bình có dưới 5.000 người đến xem các đội thi đấu trong một trận.

Dẫu sao người ta cũng có thể đổ sự sa sút này cho các nguyên nhân khách quan như tác động của cuộc chiến chống tiêu cực (nửa đầu lượt đi) và thời điểm V-League bắt đầu quay trở lại sau hơn 1 tháng nhường chỗ cho World Cup 2006 (nửa cuối của lượt về).

Số lượng khán giả chỉ tăng trở lại ở giai đoạn cuối của lượt về, khi mà cuộc đua đến chức vô địch và cuộc chiến chống xuống hạng trở nên hấp dẫn và quyết liệt hơn cho đến tận vòng đấu cuối cùng.

Những hình ảnh trái ngược

Ngoại trừ 2 tân binh TP.Tiền Giang và K.Khánh Hòa, phần lớn các đội tham dự V-League 2006 đều có số lượng khán giả trung bình giảm sút so với V-League 2005 (trừ Hà Nội.ACB).

Giảm sút rõ rệt nhất so với mùa giải trước là Đà Nẵng (kém hơn so với mùa giải trước gần 8.000 khán giả/trận) và GĐT.LA (kém hơn 5.000 khán giả/trận).

Tuy nhiên, trong khi GĐT.LA có thể biện minh rằng trận đấu cuối cùng của mùa giải với Đà Nẵng họ phải chơi trên sân không có khán giả (do bị Ban tổ chức giải kỷ luật) khiến cho lượng khán giả trung bình trên sân nhà của họ giảm xuống mức thấp như vậy.

Với Đà Nẵng, sự giảm sút này chứng tỏ rằng khán giả Đà Nẵng đang ngày càng mất lòng tin vào đội bóng con cưng của mình mà nguyên nhân chính là do những trận đấu “không thể giải thích nổi” của họ.

Bởi thế cần phải ghi nhận và tuyên dương những cố gắng của Bình Dương. Kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp, sân Gò Đậu (Bình Dương) đã duy trì ở mức xấp xỉ 12.000 người/trận.

Sự ổn định về mặt số lượng khán giả của Bình Dương là phần thưởng xứng đáng giành cho những nỗ lực về mặt chuyên môn và sự trong sạch của họ ở mùa giải năm nay.

Tương tự như vậy là trường hợp K.Khánh Hòa. Ngay trong năm đầu tiên chơi ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam, đội bóng miền biển này đã có số lượng khán giả trung bình đứng hàng thứ 4 (trung bình 7.583 người/trận), chỉ sau 3 “đại gia” là Bình Dương, Đà Nẵng và P.Bình Định.

Điều đó cho thấy một tương lai tươi sáng đang chờ đội bóng này ở các mùa giải tới, nếu họ vẫn tiếp tục duy trì được hướng đi và cách làm như ở mùa giải 2006.

Ở phía cuối bảng xếp hạng, hai đội bóng có số lượng khán giả thấp nhất mùa giải năm nay vẫn là HP.HN (trung bình 3.900 người/trận) và Hà Nội.ACB (trung bình 2.317 người/trận).

Sự thờ ơ của công chúng Thủ đô đối với Hà Nội.ACB và HP.HN càng chứng tỏ lòng tin của khán giả Thủ đô đang tiếp tục bị xói mòn. Có những trận đấu mà chỉ có khoảng 300-500 người đến sân Hàng Đẫy trong khi sức chứa tối đa của sân này là 2 vạn chỗ và chỉ cách đây khoảng 7-8 năm nó vẫn thường kín chỗ mỗi khi Thể Công gặp Công An Hà Nội.

Không khó để nhận ra, khán giả chính là sự đánh giá xác thực nhất hình ảnh của một đội bóng cũng như một giải đấu. 

MỚI - NÓNG