Kỷ lục gia Paralympic Lê Văn Công: Bình thường và phi thường

Vượt qua khiếm khuyết của cơ thể cùng nghị lực phi thường đã giúp Lê Văn Công giờ đây trở thành nhà vô địch Paralympic.
Vượt qua khiếm khuyết của cơ thể cùng nghị lực phi thường đã giúp Lê Văn Công giờ đây trở thành nhà vô địch Paralympic.
TP - Lời đầu tiên mà nhà tân vô địch và kỷ lục gia Paralympic Lê Văn Công chia sẻ từ Brazil chính là ước mong kỳ tích trên đỉnh thế giới của mình sẽ tạo nên động lực phấn đấu cho các VĐV khuyết tật Việt Nam, cùng tất cả những người khuyết tật đang lấy thể thao làm phương thức vượt lên chiến thắng tật nguyền.

Đó cũng chính là mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thư chúc mừng nhà vô địch Paralympic, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học tập tấm gương về ý chí, nỗ lực vượt bậc của nhà vô địch Lê Văn Công, góp phần cổ vũ, động viên mọi người dân, nhất là người khuyết tật tích cực tham gia luyện tập TDTT, hoà nhập cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Qua 11 năm gắn bó, Công hiểu hơn ai hết giá trị mà thể thao mang tới cho người khuyết tật, cùng cả những khó khăn muôn bề mà họ luôn phải đối mặt và vượt qua. Chỉ để có thể duy trì việc tập luyện, với Công và những người khuyết tật khác, là cả một cuộc “chiến đấu” từng ngày, trước hết là với những nhọc nhằn mưu sinh và nỗi đau của thân thể.

Điều đó hiện hữu một cách sinh động không chỉ tại nơi tập, điểm thi đấu mà trong cuộc sống, việc sinh hoạt của họ. Một VĐV điền kinh liệt chân phải dậy từ 4-5h sáng, tốn cả tiếng di chuyển trên chiếc xe lăn cho kịp buổi tập, rồi sau đó lại rong ruổi khắp các phố bán bánh mì hay chổi tự làm. Một VĐV bơi mất một chân kiêm dược sĩ sau hai buổi ngồi bán thuốc vội vàng đi bộ như chạy ra bể để thầy không phải chờ. Hai VĐV khiếm thị sau buổi tập ban ngày hăng say lại cùng nhau vác đồ nghề nhanh chóng đến tiệm xoa bóp để thực hiện công việc có thể giúp họ có vài chục nghìn. Xen giữa những cuộc gồng mình gắng sức ấy là bữa cơm bụi, bát phở hay chỉ là chiếc bánh mì mà với người khác chỉ là ăn tạm hay ăn nhỡ bữa.

Do điều kiện khó khăn chung cùng những bó buộc, nên việc tập luyện thể thao chưa thể đảm bảo cho tuyệt đại đa số VĐV người khuyết tật mức thu nhập tối thiểu cho sinh hoạt. Họ chỉ được nhận mức hỗ trợ từ các địa phương giống như cho đối tượng phong trào, thường chỉ vài trăm nghìn và cao cũng khoảng 1 triệu mỗi tháng.

Thế nhưng, các VĐV khuyết tật đều đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu hàng ngày ấy, bằng một sự cố gắng và sự bền bỉ phi thường, một cách tự nhiên. Bởi phía sau câu chuyện huy chương, thành tích hay đầu tư vốn chỉ dành cho một số ít, điều quyết định với họ là niềm vui, là khát vọng sống vui, sống khỏe, sống có ích thông qua thể thao.

MỚI - NÓNG