Lạ lùng “quan tòa” VFF xử án

Lạ lùng “quan tòa” VFF xử án
TP - Bỏ án khó, xử án dễ là cảm nhận chung của giới truyền thông sau khi nhận được thông báo xử lý những sự cố vòng 14 V-League. Lạ lùng thay công tác xử án và điều hành giải của VFF.
Lạ lùng “quan tòa” VFF xử án ảnh 1
Huy Hoàng đã quỳ lạy trọng tài nhưng hành vi này không được VFF xử lý

Vòng đấu đầu tiên lượt về V-League 2006 diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên lượng khán giả tới sân ít hơn hẳn các vòng trước song không vì thế các trận đấu kém hấp dẫn và ít sự cố hơn.

Ngoài việc tường thuật các trận đấu, sau vòng 14, các phương tiện truyền thông cũng dành một lượng đáng kể thông tin về những sự cố nảy sinh ở vòng đấu này như vụ tuyển thủ QG Huy Hoàng quỳ lạy 3 lần để phản ứng quyết định của trọng tài trận SLNA-TG, trung vệ Mạnh Dũng có những lời lẽ khiếm nhã với khán giả Gia Lai gây ầm ĩ một góc sân trong lần trở lại phố Núi hay những sai sót của các trọng tài khi điều hành trận đấu.

Vậy mà trong thông báo kỷ luật mới được công bố, VFF chỉ đưa ra 2 quyết định phạt CLB HAGL 10 triệu đồng do BTC sân để khán giả ném nhiều chai lọ, vật thể lạ xuống sân và CLB Hòa Phát 3 triệu đồng vì có 4 cầu thủ lĩnh thẻ vàng trong trận derby Thủ đô với ACB HN. Ngoài ra, án kỷ luật không có một dòng nào đề cập tới những sự cố trong hành xử của các cầu thủ kể trên.

Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp do VFF ban hành năm 2005, điều 88 quy định việc xử lý các vi phạm trong trận đấu thuộc chương VII - Khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp nêu rõ, trong trận đấu, cầu thủ có hành vi và lời lẽ khiếm nhã, hành động thô bạo (định đánh, xô đẩy, rượt đuổi...) nhưng chưa gây tổn hại đến sức khỏe của trọng tài hoặc cầu thủ đối phương thì bị phạt thẻ đỏ, bị đình chỉ ba trận kế tiếp và bị phạt 2 triệu đồng.

Ngay trong trường hợp của Huy Hoàng cũng đã thấy rõ năng lực yếu kém của trọng tài Đào Văn Cường khi điều hành trận đấu để xảy ra nhiều sai sót, lại không nắm rõ luật để xử lý cầu thủ có hành vi, phản ứng rất khiếm nhã với quyết định của “vua”.

Sau trọng tài Cường, tới lượt “cánh tay nối dài của BTC”- ông giám sát Phạm Quang không trông rõ tình huống nên không đưa vụ việc vào báo cáo. Và sau cùng là BTC giải cũng... bó tay, bỏ qua vụ việc vì chất lượng băng hình xấu (?) và báo cáo của giám sát không đề cập tới.

Vụ việc của Mạnh Dũng cũng được cho qua với lý do tương tự bởi giám sát M.Huế chỉ “nghe nói” về vụ việc sau khi đã rời sân.

Qua các xử án của BTC giải, có cảm tưởng VFF gặp khó khi đối diện với những vụ việc có thể ảnh hưởng tới số phận đội bóng trong giai đoạn nước rút hay những nhân vật nổi tiếng nên thường tìm những lý do kỹ thuật để cho qua và nhanh chóng xử những án vô thưởng, vô phạt.

Sự “im lặng đáng sợ” của VFF trước những sai sót của giới trọng tài đang làm dấy lên những lo ngại về bóng ma tiêu cực có thể sớm quay trở lại.

Với sự o bế như hiện nay của VFF, không loại trừ khả năng những trọng tài có cái tâm không trong sáng may mắn lọt lưới trong vụ tiêu cực trọng tài trước đây sẽ hoạt động trở lại sau một thời gian im hơi lặng tiếng nghe ngóng tình hình.

Các CLB, các cầu thủ cũng tranh thủ sự dễ dãi, tin tưởng của BTC vào một cơ thể bóng đá lành mạnh để ngầm tính chuyện riêng, khi mà giá của một suất thăng - rớt hạng là hàng chục tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).