Ngoại binh V-League với tiếng Việt

Ngoại binh V-League với tiếng Việt
TP - Nếu như các VĐV Việt Nam không phải ai cũng tận dụng thật tốt những cơ hội mà mình có được để học ngoại ngữ, thì chuyện tương tự cũng xảy ra với các ngoại binh khi họ tới Việt Nam thi đấu.
Ngoại binh V-League với tiếng Việt ảnh 1
Đinh Hoàng La - Ảnh: VSI

Trong lịch sử gần 10 năm của V-League, bóng đá Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều cầu thủ ngoại, nhưng số ngoại binh có khả năng sử dụng thuần thục tiếng Việt thì không nhiều.

Xin được bắt đầu câu chuyện với Fabio Santos (ĐT.LA), Huỳnh Kesley (Bình Dương) cùng bộ đôi Đinh Hoàng Max - Đinh Hoàng La của V.Ninh Bình, những người đã được gọi vào ĐT Việt Nam.

Trong số này, Santos là cầu thủ nước ngoài nhập tịch đầu tiên trở thành tuyển thủ quốc gia Việt Nam, và Santos cũng có thâm niên sống ở Việt Nam lâu nhất (bảy năm), nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của Santos rất hạn chế, và bản thân Santos cũng thừa nhận quá trình học tiếng Việt của anh diễn ra khá chậm.

Không phải ai hễ cứ sống lâu ở Việt Nam là có thể nói được tiếng Việt, và điều này ứng nghiệm với chính HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto.

Bất chấp việc có tới tám năm sống liên tục tại Việt Nam, vốn liếng tiếng Việt của HLV Calisto hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và rất hiếm khi thấy ông sử dụng tiếng Việt.

Cũng có đôi lần khi muốn diễn tả rõ hơn ý của mình, HLV Calisto cũng nói tiếng Việt, nhưng chỉ là những từ đơn giản như: "Cham cham thoi" (Chầm chậm thôi).

Thực ra chuyện này cũng chẳng có gì lạ, bởi khi mới tới Việt Nam, ngoài tiếng Bồ Đào Nha mẹ đẻ, Santos không biết sử dụng thêm bất cứ thứ tiếng nào khác, và bây giờ, sau gần 10 năm thi đấu ở Việt Nam, Santos đã giao tiếp thuần thục bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Việt thì chỉ ở mức độ lõm bõm.

Cũng chơi bóng ở vị trí thủ môn như Santos và còn tới Việt Nam sau Santos ba năm, nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của Đinh Hoàng La (tên cũ là Lytovka Mykola) tốt hơn rất nhiều.

Ngay từ khi mới khoác áo Thanh Hóa, Đinh Hoàng La đã nỗ lực học tiếng Việt để có thể hiểu được những lời truyền đạt của BHL, và như tâm sự của Đinh Hoàng La: "Càng học tiếng Việt tôi càng cảm thấy thích thú".

Hẳn những khán giả Việt Nam có mặt trên sân Mỹ Đình hồi tháng năm vừa qua để theo dõi trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CLB Olympiakos đều cảm thấy ngạc nhiên pha lẫn thú vị khi chứng kiến Đinh Hoàng La dùng tiếng Việt chỉ huy hàng phòng ngự.

Tất nhiên, Đinh Hoàng La chỉ sử dụng những từ đơn giản ngắn gọn như: "Về đi", "Kèm người vào", nhưng trong bóng đá thì chỉ cần như vậy cũng đã là đủ.

Ngoại binh V-League với tiếng Việt ảnh 2
Huỳnh Kesley Alves - Ảnh: VSI

May mắn hơn Santos và Đinh Hoàng La, cả Huỳnh Kesley Alves lẫn Đinh Hoàng Max đều lấy vợ người Việt Nam và nhờ thế quá trình học hỏi tiếng Việt của họ diễn ra thuận lợi hơn nhiều.

Cách đây bốn tháng, trong lần tập trung ĐT Việt Nam đầu tiên của mình, Kesley vẫn phải dùng tiếng Anh để trả lời phỏng vấn vì "tôi nghe tiếng Việt thì hiểu được gần hết nhưng chưa đủ từ để nói lại, mới khoảng 40 phần trăm thôi", và anh hứa "ở lần tập trung sau tôi sẽ cố gắng trả lời báo chí bằng tiếng Việt".

So với Santos, Kesley hay Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max sang Việt Nam muộn nhất, nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của anh lại tốt nhất. Cũng không ngạc nhiên lắm với điều này bởi Đinh Hoàng Max luôn có ý thức học hỏi tiếng Việt ở mọi nơi mọi chỗ.

Kesley tâm sự anh rất thích giai điệu cũng như ca từ của bài Tiến quân ca, nhưng vốn tiếng Việt của Kesley chưa đủ để hát trôi chảy quốc ca của Tổ quốc mới.

Không chỉ có Kesley, Đinh Hoàng La cũng rất muốn hát bài Tiến quân ca để lúc chào cờ cùng hát như các đồng đội, nhưng Đinh Hoàng La cho biết chưa có ai dạy anh để hát thuần thục bài quốc ca.

Đồng đội của Đinh Hoàng Max ở V.Ninh Bình là hậu vệ Cảnh Nam, kể: "Đinh Hoàng Max chịu khó học hỏi lắm, cái gì không biết là cậu ấy hỏi ngay, kể cả trong bữa ăn, còn khi các đồng đội nói chuyện gì thì Đinh Hoàng Max cũng đều góp lời".

Không chỉ thạo dùng tiếng Việt chính thống, tiếng "lóng" cũng được Đinh Hoàng Max sử dụng rất nhuần nhuyễn, và trong một lần lên thăm ĐT Việt Nam hồi cuối tháng Năm, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng ngỡ ngàng vì thấy Đinh Hoàng Max dùng tiếng "lóng" khá chuẩn.

Tuy nhiên, nếu nói tới những ngoại binh giỏi tiếng Việt thì khó ai qua nổi Amaobi và Abbey, hai cầu thủ đều đã có trên năm năm thi đấu tại Việt Nam. Amaobi có thể nói tiếng Việt như gió, chẳng khác gì người Việt thực thụ, còn Abbey thậm chí từng được SLNA chỉ định làm thông ngôn cho đội bóng ở nửa cuối mùa bóng 2007.

Khi mới đầu quân cho Thể Công ở giữa mùa giải năm nay, Abbey từng khiến nhiều người choáng vì anh có thể huýt sáo rất chuẩn xác giai điệu của bài Tiến quân ca.

Bây giờ trào lưu sử dụng cầu thủ Thái Lan ở V-League đã lắng xuống, nhưng cách đây khoảng năm năm, khi các ngoại binh Thái Lan còn đang tràn ngập ở V-League thì rất dễ bắt gặp cảnh tượng những cầu thủ Thái nói tiếng Việt như người Việt.

Dĩ nhiên, nói tới cầu thủ Thái thì không thể không kể tới Kiatisuk, bởi tiền đạo này không chỉ nói sõi tiếng Việt mà còn hát rất hay các ca khúc bằng tiếng Việt, và ấn tượng nhất là Kiatisuk thậm chí còn viết được thư bằng tiếng Việt.

Với đa phần các ngoại binh thì để nói và hiểu được tiếng Việt không phải nhiệm vụ đơn giản, nên rất ít người đạt được tới trình độ có thể viết chữ bằng tiếng Việt như Kiatisuk.

Hồi đầu năm nay, khi sang Hà Nội cùng với Chonburi FC để thi đấu với HN.ACB tại AFC Cup 2009, Kiatisuk cũng trả lời phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Việt, dù anh đã chia tay V-League ngót nghét ba năm.

Sau Kiatisuk, thế hệ các cầu thủ đàn em như Issawa, Nirut, Niweat cũng sử dụng tiếng Việt rất tốt, và ở V-League 2009 vừa qua, đã có hai cựu tuyển thủ Thái Lan thi đấu cho HA.GL dưới cái tên Việt Nam là Đoàn Văn Nirut và Đoàn Văn Sakda.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.