U20 Việt Nam và luồng gió mới cho V-League

Kinh nghiệm quý thu được từ giải U20 thế giới sẽ giúp những cầu thủ trẻ như Đức Chinh phát huy hết khả năng ở chặng lượt về V-League năm nay. Ảnh: VSI.
Kinh nghiệm quý thu được từ giải U20 thế giới sẽ giúp những cầu thủ trẻ như Đức Chinh phát huy hết khả năng ở chặng lượt về V-League năm nay. Ảnh: VSI.
TP - Từ một tập thể không có ngôi sao, U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đã đoạt vé tham dự sân chơi World Cup U20. Từ đây, bóng đá Việt Nam đã ra mắt công chúng một thế hệ cầu thủ mới với nhiều triển vọng.

Nói tới chuyện này, không thể không nhắc tới U19 Việt Nam hồi năm 2013. Đấy là một tập thể nhiều ngôi sao với nòng cốt là quân lứa 1 Học viện HAGL-Arsenal-JMG. Một năm sau giải U19 Đông Nam Á 2013 tại Indonesia, U19 Việt Nam đã dự tranh VCK U19 châu Á ở Myanmar với khí thế hừng hực, cùng sự ủng hộ cuồng nhiệt từ đông đảo người hâm mộ.

Tuy nhiên, đội quân của HLV Guillaume Graechen đã thi đấu không thành công, bị loại ngay từ vòng bảng. Nếu so với đội tuyển U19 Việt Nam năm 2013, thì lứa U19 Việt Nam “phiên bản” 2016 là một sự tương phản trên nhiều phương diện. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tới Bahrain với hành trang là chiếc HCĐ giải U19 Đông Nam Á, thành tích bị đánh giá là thất bại, cùng không mấy sự quan tâm của cả giới truyền thông lẫn người hâm mộ. U19 Việt Nam trước đó đã bị chỉ trích nặng nề bởi lối chơi ít hoa mỹ, được xây dựng bởi triết lý thực dụng của HLV Hoàng Anh Tuấn. Số lượng khán giả đến sân Hàng Đẫy cổ vũ cho thầy trò ông Tuấn thi đấu chỉ lèo tèo.

Sau giải đấu này, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ toàn bộ các thành viên cấp cao Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), như cách người đồng nghiệp Guillaume Graechen nhận được trước đây. Một số thông tin thậm chí hé lộ, nhà cầm quân người Khánh Hoà mang theo cả áp lực có thể bị sa thải sang Bahrain dự tranh VCK U19 châu Á. Án “trảm” treo lơ lửng trên đầu HLV Hoàng Anh Tuấn, giống như HLV Toshiya Miura ở VCK U23 châu Á hồi đầu năm 2016.

U19 Việt Nam “phiên bản” năm 2016 cũng không có nhiều ngôi sao hay gương mặt nào thực sự nổi bật. Chỉ đến khi chơi ngày càng thăng hoa trên đất Bahrain, những Trọng Đại, Minh Dĩ…mới được nhắc tên thường xuyên hơn. Đây là sự trái ngược hoàn toàn với U19 “phiên bản” 2014 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Từ một tập thể không có nhiều ngôi sao, dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, U19 Việt Nam đã tiến một mạch vào bán kết giải U19 châu Á, đoạt luôn vé dự World Cup. Tấm vé dự sân chơi thế giới mang tính chất lịch sử đã mở ra cho bóng đá Việt Nam triển vọng về tương lai xa hơn.

Cũng trên đất Hàn Quốc, U20 Việt Nam đã ra mắt người hâm mộ những gương mặt trẻ đầy triển vọng. Ở đây, có thể kể đến những cái tên như Quang Hải (CLB Hà Nội), Hoài Nam (HAGL), Hà Đức Chinh (Đà Nẵng), hay Minh Dĩ, Tấn Linh, Tấn Tài…Trong số này, Quang Hải hay Đức Chinh đều đã được “thử lửa” ở V.League. Cộng với những gương mặt đã sẵn nổi bật và có sức hút như Công Phượng, Xuân Trường…đây sẽ là những “thỏi nam châm” tạo nên sức hút cho giải VĐQG, V.League 2017 ngay từ giai đoạn lượt về sắp tái khởi tranh.

Hôm qua, TTK Liên đoàn Bóng đá Hà Nội Phan Anh Tú đã có nhận xét rất đáng chú ý. “Thế hệ U20 lần này có sự tích luỹ tốt, chịu được áp lực ở những giải đấu lớn, có thể tiến bộ vượt thế hệ cũ. Tôi cho rằng thế hệ này sẽ là những người có thể thay đổi bộ mặt của V.League”-ông Phan Anh Tú cho biết.

Sự tiến bộ của lứa U20 Việt Nam cũng phản ánh thành quả từ định hướng tập trung cho khâu đào tạo trẻ do VFF đặt ra từ đầu nhiệm kỳ VII. Bóng đá Việt Nam thay vì chạy đua theo thành tích, đã bắt đầu làm căn cơ hơn trong cách làm. Đấy rõ ràng là tín hiệu đáng mừng để người hâm mộ có quyền hy vọng và chờ đợi.

MỚI - NÓNG