Việt Nam giải 'cơn khát vàng'

Việt Nam giải 'cơn khát vàng'
TP - Đội tuyển Wushu Việt Nam đã giải “cơn khát vàng” cho thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games với 2 tấm HCV liên tiếp của Dương Thúy Vi và Hoàng Thị Phương Giang.

Người mở hàng mát tay

Quốc ca Việt Nam đã lần đầu vang lên tại đấu trường SEA Games 29 với tấm HCV của nữ võ sĩ Wushu Dương Thúy Vi tại nội dung kiếm thuật nữ ngày hôm qua. Trước sức ép từ CĐV nước chủ nhà gần như lấp kín khán đài, VĐV sinh năm 1993 vẫn thực hiện tốt bài thi với những động tác xoay người trên không và bật nhảy đẹp mắt, để đoạt điểm số cao nhất 9,67 điểm.

Điều đáng nói, Thúy Vi mang về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam trong tình trạng sức khỏe không được tốt. Cô bị cảm cúm mấy ngày hôm nay do thời tiết lúc nóng lúc lạnh, nắng mưa thất thường. “Trước giờ thi đấu, em vẫn còn cảm thấy mệt, cổ họng đau rát và sổ mũi rất khó chịu. Nhưng khi thi đấu mình như quên đi tất cả, lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ về bài thi của mình”. 

Thúy Vi dường như có “duyên” mở hàng HCV cho Wushu Việt Nam. Cả 3 kỳ SEA Games liên tiếp, nữ võ sĩ này đều mang về tấm HCV đầu tiên cho đội tuyển Wushu. Lầu đầu tiên là tại SEA Games 27 ở Myanmar năm 2015, Thúy Vi giành HCV ở nội dung kiếm thuật nữ với 9,70 điểm. Chỉ 2 năm sau đó, tại kỳ SEA Games 28 ở Singapore, VĐV sinh năm 1993 tiếp tục “cái duyên” của mình với tấm HCV đầu tiên cũng với điểm số 9,70 điểm ở nội dung kiếm thuật nữ. Đến kỳ Đại hội năm nay, ngọc nữ làng Wushu Việt Nam lại “mát tay” như thường.

Việt Nam giải 'cơn khát vàng' ảnh 1 Hai ngọc nữ Thuý Vi (trái), Phương Giang giải cơn khát vàng cho Đoàn TTVN. Ảnh: VSI.

Gia đình là điểm tựa vững chắc

Tấm HCV của Thuý Vi không những giải hạn “cơn khát vàng” cho thể thao sau những ngày thi đấu đầu thành công, mà còn tiếp thêm động lực và tự tin cho các VĐV sau đó tiếp tục tranh tài. Bằng chứng là đồng nghiệp của cô là Hoàng Thị Phương Giang lập tức mang về tấm HCV thứ 2 cho thể thao Việt Nam ở nội dung côn thuật nữ, chỉ ít phút sau đó. Thành quả ngọt ngào hôm nay của Thúy Vi và Phương Giang, bên cạnh quá trình khổ luyện không ngừng nghỉ, còn có nguồn động lực rất lớn từ gia đình.

Thúy Vi sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học. Bố cô là võ sư Thiếu lâm, mẹ theo tập Vịnh Xuân Quyền. Thúy Vi vốn không có thể chất tốt từ nhỏ. Cô học võ từ năm lên 8 tuổi, một phần theo truyền thống gia đình, bên cạnh đó cũng nhằm nâng cao sức khỏe. Để có được thành công ngày hôm nay, Thúy Vi luôn nhắc tới sự hy sinh thầm lặng của cha mình. Không chỉ hướng dẫn con gái yêu những bài quyền cước đẹp mắt, vốn có kiến thức về nghề y, ông Thắng còn luôn giúp đỡ con gái yêu chữa trị chấn thương hay khi gặp phải vấn đề về tâm lý…

Không sinh ra trong gia đình có truyền thống võ học như Thúy Vi, với Phương Giang, mọi thứ dù khó khăn hơn, nhưng gia đình vẫn là chỗ dựa vững chắc nhất, giúp cô vượt qua tất cả. Nữ VĐV sinh năm 1992 kể: “Khi tôi theo tập wushu, gia đình rất phản đối, vì con gái mà lại mê đánh đấm. Tuy nhiên, chỉ có cha tôi là thương con, ủng hộ cho tôi theo đuổi niềm đam mê”. Nghiệp thể thao vất vả, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, ông vẫn luôn đứng sau, dõi theo và động viên cô cố gắng kiên trì theo đuổi con đường mình chọn. Cách đây một năm, cha của Phương Giang đã qua đời. Khoảnh khắc đoạt HCV, nhắc đến cha, cô không kìm nén được cảm xúc và bật khóc nức nở.

Ở độ tuổi 24, Thúy Vi thừa nhận, cô thấy mình đã “già” khi nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng trang lứa thi đấu đã chuyển sang nghiệp huấn luyện. Dù vậy, ngọc nữ Wushu khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà cho đến khi nào có thể. Còn đối với Phương Giang, dù 25 tuổi, cô cho biết sẽ tìm kiếm thêm những tấm huy chương mới để dành tặng người cha đã khuất.

Việt Nam giải 'cơn khát vàng' ảnh 2
Việt Nam giải 'cơn khát vàng' ảnh 3
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.