V-League 2008: Dòng đục lấn dòng trong

V-League 2008: Dòng đục lấn dòng trong
TP - Con tàu V-League đã cập bến. Nó về đích đúng lịch trình, dù không ít lần bánh xe đã suýt chệch đường ray. Bởi vậy, không ít người đang hồi hộp chờ đón màn tổng kết của BTC giải…

Nếu cho rằng V-League “hỏng” như ai đó nói thì e rằng đấy là một nhận xét quá nghiệt ngã. Thực tế thì V-League 2008 vẫn có điểm sáng, trong đó hiện tượng Xi măng Hải Phòng, Thể Công là ví dụ sinh động.

Mặt khác, do tính bất ngờ của cuộc chơi biến động này, việc 2 đại biểu Thủ đô Hòa Phát HN, HN.ACB nối gót xuống hạng cho thấy những cái thật nhất định ở V-League.

Đáng tiếc là những hình ảnh như Xi măng Hải Phòng hoặc cú thất bại kép của bóng đá Thủ đô không thể hiện hết bản chất khó lường của V-League. Điều đó khiến người ta buộc phải tự an ủi: hiếm nên quý!

Cái quý của hiện tượng Xi măng Hải Phòng không nằm riêng trong sự bất ngờ, với cú lột xác chóng mặt của đại biểu đất Cảng. Bởi mùa trước, V-League cũng có một hiện tượng: Thanh Hóa!

Khác biệt ở chỗ, trong khi đội bóng xứ Thanh càng về cuối càng xụi thì Xi măng Hải Phòng đã biết đứng vững. Nó tạo cho người ta cảm giác an tâm rằng, sự quật khởi ở mùa bóng 2008 không phải là một cuộc rong chơi bất ngờ.

Và nếu Xi măng Hải Phòng bật lên từ đà thắng ở V-League 2008 để biến thành đại gia thực sự ở V-League, lúc ấy mới xứng gọi là đoạn kết có hậu.

Song, nói gì đi nữa thì hình ảnh V-League cũng được phản ánh trung thực qua bộ mặt của nhà vô địch. Việc B.Bình Dương bảo vệ thành công ngôi vô địch không làm cho người ta bất ngờ.

Cái ngạc nhiên chính là hình ảnh “dream team” trở nên nhạt nhòa so với chính tiềm lực của B.Bình Dương. Đơn giản, một nhà vô địch mà số bàn thắng ghi được chỉ nhỉnh hơn đội xuống hạng (HN.ACB) có… 6 bàn ( 32 so với 26) thì rõ ràng không xứng với uy thế đội bóng toàn sao như vậy.

Nhiều trò kỳ cục

Trong khi chất lượng gần như giậm chân tại chỗ thì V-League 2008 lại đẻ ra quá nhiều trò kỳ cục. Có thành viên BTC giải than thở, đến như bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha… còn có hooligan, pháo sáng thì trách gì bóng đá Việt Nam không thoát khỏi cái dớp ấy. Đấy dường như chỉ là một cách ngụy biện.

Công bằng mà nói, một nền bóng đá được thoát thai từ chiếc áo bao cấp, vô số tiểu xảo thì cách V-League vươn lên như bây giờ, có thể xem là tương đối khỏe.

Nhưng chẳng lẽ, một chiếc áo chuyên nghiệp rộng lớn lại phải bao trùm cả những cuộc chiến liên miên làm náo động khán đài hay “trò” cười giám sát bắt trọng tài đổi trắng thay đen?

Nghiệt ở chỗ, chính những trò kỳ cục ấy lại lấn át hình ảnh ở V-League. Hai vụ bạo loạn tại sân Vinh, kèm theo những trò khiêu khích, án kỷ luật ngầm đối với sân Lạch Tray, Hàng Đẫy chỉ là một ví dụ. Suy cho cùng, chừng ấy những sự cố chỉ là hệ quả tất yếu của việc xử lý thiếu rốt ráo trước những sự cố ở mùa bóng 2007.

Hoặc như chuyện lấn cấn tình nghĩa, cho - nhường điểm, có vẻ ít xảy ra khi V-League 2008 hạ màn. Nhưng thực tế, trước khi có màn kết thanh thản như vậy, chính BTC giải đã phải đối mặt với trận cầu sặc tính trào phúng HN.ACB- TCDK.SLNA rồi chữa ngượng bằng 4 án treo giò hết giải đối với những cầu thủ xứ nghệ “đá không đúng sức”. Một biện pháp dằn mặt chứ không phải là dạy dỗ, uốn nắn những đứa con trong ngôi nhà V-League bước vào khuôn khổ.

Mùa này, BTC giải tổng kết thế nào? Cái hẹn tổng kết V-League đã có nhưng chất lượng của bản báo cáo sau mùa giải đậm đặc sự cố thì có vẻ đang đợi dư luận xuôi chiều rồi mới công bố…

MỚI - NÓNG