Hành động đi

Hành động đi
TP - Những thông tin dồn dập về cái ác, về sự băng hoại đạo đức trên báo khiến gã ăn mày sách Nguyễn Quang Thạch suy tư nhiều. Nguyễn Quang Thạch - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và Phát triển tri thức cộng đồng, người hơn 10 năm nay dành toàn bộ tâm huyết để đưa sách về cho nông dân đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong.

Hỏi chuyện một người dân

Hành động đi

>> Gã ăn mày… sách xuyên Việt
>>Chuyện người đi 'xây' những tủ sách khuyến đọc

Nguyễn Quang Thạch
Nguyễn Quang Thạch.

Sự suy đồi về đạo đức thường gắn liền với việc không đọc sách, với sự ngu dốt, nhưng anh lý giải thế nào về câu chuyện một sinh viên Đại học Ngoại thương phạm một tội ác mà người bình thường khó tưởng tượng nổi?

Tôi đã gặp nhiều sinh viên vô cảm với những cảnh đời nghèo khổ hay thờ ơ với những vấn đề của xã hội khác. Với kẻ thủ ác Nguyễn Đức Nghĩa có lẽ là đại diện của sự vô cảm dồn tích với mức độ lớn mà thôi.

Chúng ta dạy các em bài học về đạo đức nhưng ít khi giúp các em thực hành về nó. Nếu chúng ta vừa dạy cho các em lòng nhân ái vừa hướng các em đến các trại trẻ bị nhiễm chất độc da cam hay đến trung tâm khuyết tật hay về vùng khó để các em trải nghiệm thì chỉ số nhân văn sẽ hình thành nhanh chóng và bền vững, chắc sẽ không có những Nguyễn Đức Nghĩa, cậu Giang - mợ Thơm ở Đầm Dơi...

Bệnh vô cảm và giả dối có vẻ đang thuộc hàng "nan y". Theo anh có "thuốc" gì để chữa?

Vô cảm hay giả dối đều chữa được bằng luật pháp và nền giáo dục nhân văn. Chẳng hạn, nếu luật quy định: Một người thấy người đi đường bị tai nạn mà không đưa nạn nhân đi viện sẽ phạt nặng thì dần dần việc giúp đưa người bị tai nạn đến bệnh viện thành thói quen trong xã hội.

Chính thói quen đó sẽ chữa được thói vô cảm ở nhiều khía cạnh khác. Điều đặc biệt quan trọng là những người thực thi luật pháp phải thật trong sạch và công bằng.

Giáo dục nhân văn là nền giáo dục thực hành giá trị nhân văn bằng hành động chứ không phải cứ hô hào bằng khẩu hiệu.

Tôi xin chia sẻ câu chuyện giáo dục của bà ngoại tôi đối với chúng tôi lúc còn nhỏ như sau: Ở xã tôi có ông Thường bị mù 2 mắt. Ông Thường đi thăm cháu của ông ở xã khác bằng chiếc gậy dò dẫm trên đường. Vì nhà tôi ở sát đường nên bà ngoại tôi thường giúp ông Thường đi một đoạn. Cứ thế, bà làm vài lần thì tôi đã tự nguyện làm việc đó thay bà. Từ việc tôi làm, nhiều đứa trẻ khác đã làm tương tự.

Người ta nói đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, trong khi tội ác và sự suy đồi đạo đức gia tăng, phải chăng đa số vẫn chọn cách ứng xử đứng từ xa phê phán và tỏ ra vô can thay vì có những việc làm cụ thể để mọi việc trở nên tốt đẹp hơn?

Suy đồi đạo đức là hệ quả của nhiều vấn đề trong đó luật pháp thiếu nghiêm minh đã tạo nên mảnh đất màu mỡ cho thói đạo đức giả, bệnh thành tích, lừa trên gạt dưới, quan tham ô lại...phát triển.

Công dân nào cũng bàng quan trước cái xấu, cái ác và không đưa những chỉ số nhân văn cho xã hội như sống đạo đức, chống tham nhũng, truyền bá tri thức... thì đạo đức xã hội càng đi xuống. Mỗi công dân chúng ta phải lương thiện hóa chính mình để cái xấu bị đẩy lùi. Hãy hành động từ những việc nhỏ nhất như:

Hãy nhặt những cọng rác bên đường. Hãy tìm đến bệnh viện hiến tặng vài cc máu. Hãy dành một tháng vài ngày thăm trại trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Hãy giúp những trẻ đánh giày biết chữ…

Hãy hành động để thấy những thay đổi mà bạn mong muốn. Hành động dù nhỏ vẫn gấp triệu lần lời nói suông và mỹ từ sáo rỗng.

Sách - cái mà anh hằng theo đuổi với mong muốn nâng cao dân trí, có phải là giải pháp thay đổi sự suy đồi đạo đức?

Dân trí cải thiện là nhờ giáo dục. Sách không những là thành tố của giáo dục chính thống mà còn là thành tố của giáo dục đại chúng. Sách tốt sẽ trở thành người bạn tốt cho mọi công dân. Nếu công dân nhận được các tín hiệu thông tin từ sách thường xuyên thì sự lũy kế tri thức lẫn tâm hồn tăng lên thì con người sẽ thượng tôn pháp luật và nhân văn hơn.

Trong lúc giáo dục chính thống đang có nhiều vấn đề bất cập thì kênh giáo dục đại chúng từ sách sẽ là giải pháp tạo tác động rất tích cực đến những thầy cô giáo lẫn quan chức giáo dục. Khi dân chúng có nhận thức cao hơn thì đòi hỏi của họ đối với ngành giáo dục nói riêng và cơ quan quản lý xã hội nói chung cũng cao hơn...

Cảm ơn anh.

Phùng Nguyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.