Đừng “phong tỏa” vợ

Đừng “phong tỏa” vợ
Có những người đàn ông luôn  bao bọc, chiều chuộng  vợ nhưng... phong toả, không cho vợ đi đâu, quan hệ với ai cũng không được.
Đừng “phong tỏa” vợ ảnh 1
Phong tỏa vợ - quan niệm sai lầm!

Thời kỳ đang tìm hiểu, những biểu hiện “chăm sóc” khiến người phụ nữ thích thú vì lòng tự ái được ve vuốt. Nhưng khi quan hệ hai bên đã gắn bó hơn, những người đàn ông này bèn lộ rõ sự ích kỷ.

Vấn đề đặt ra là bạn gái cần biết phân biệt sự yêu thương tôn trọng với những biểu hiện kỳ thực chỉ là sự ích kỷ. Và quan trọng là phải có những phương cách để nhanh chóng thoát ra cảnh ấy.

Những cạm bẫy ngọt ngào

Tôi quen biết một gia đình trẻ, cả hai vợ chồng đều là những người làm các nghề gắn với văn hoá, sách báo. Ngày chưa lấy nhau, anh chiều chị nhất mực, hoa, quà tặng, những quyển sách thơ... cứ ùn ùn.

Chị không thích anh lắm vì anh không có dáng vẻ mạnh mẽ nhưng rồi cũng xiêu lòng. Chị nghĩ, thôi thì mình chưa yêu người ta lắm nhưng người ta yêu mình như thế cũng được. Được chị nhận lời, anh sướng như điên lên. Chị cũng hạnh phúc tuy hơi gờn gợn khi thấy anh luôn có thái độ rất tiêu cực với những người bạn trai bình thường của mình.

Thế rồi, khi chị nghỉ chờ sinh con đầu lòng, anh liền bắt chị bỏ việc ở một Cty phát hành sách với lý do: con cái là tài sản lớn nhất, em cứ ở nhà quản lý tài sản đó là anh yên tâm rồi. Chị khóc lóc thì anh lẳng lặng đến gặp giám đốc Cty. Không biết anh nói những gì, chỉ biết, khi chị đến thì ông giám đốc chỉ lắc đầu: Chú rất thương cháu, nhưng thôi, phức tạp lắm...

Mọi chuyện càng ngày càng tệ với chị. Vốn là người yêu đời, nhiều bạn bè, ưa hoạt động, nhưng từ khi bị anh cấm cung, chị không còn mối quan hệ nào nữa. Bạn gái cũng ngại chẳng dám đến chơi với chị trước bộ mặt cau có cuả anh. Ngày cơm hai bữa, con ôm cả ngày. Thậm chí khi con chị đã 4 tuổi anh cũng không cho đi nhà trẻ mà muốn chị ở nhà trông cho “đảm bảo”.

Lúc này, anh cũng chẳng cần úp mở, nói luôn: Cô đi làm thì “hiệu quả” gì, vài trăm bạc là cùng, chẳng bằng tôi phẩy tay một cái. Được sung sướng (?) ở nhà, có chồng đi làm mang tiền về còn đòi hỏi gì nữa!

Hôm tôi đến thăm, chị khóc nức lên, khóc chán rồi mang thơ ra cho tôi đọc, toàn những bài rất buồn bã, chán chường. Chị tâm sự: Tớ với lão ấy đang ly thân, không hiểu sao tớ thấy tởm cái việc ấy. Năm nay tớ phải đi làm. Nghề cũ thì hết rồi nhưng tớ cứ đi, hầu bàn rửa bát tớ còn thấy sướng hơn ru rú ở nhà thế này. Không cho, tớ bỏ luôn!

Một trường hợp khác là chị Thu (tên trong bài đã được đổi vì lý do tế nhị) ở thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khi vợ chồng chị ly hôn, ai cũng bất ngờ bởi vẫn tưởng là họ đẹp đôi và sống hạnh phúc. Thu làm giáo viên mầm non, chồng cô phụ trách kinh doanh một Cty du lịch ở thị xã. Anh đang trong cơ cấu trở thành phó giám đốc. Trước khi kết hôn, anh chiều chị hết mực. Chị đã xiêu lòng khi nghe anh hát những bài hát ngợi ca nhà giáo là nghề của chị. Bạn bè luôn ghen tị khi họ có một bé trai kháu khỉnh, kinh tế lại khá giả...

Theo lời Thu kể, chồng chị là một người đàn ông đúng mực, chỉ duy nhất mắc phải tội... "coi thường vợ". Mọi chuyện trong nhà anh làm không bao giờ bàn với vợ. Mỗi khi  Thu lo lắng, hỏi han thì anh lại cười xòa và nói: "Thôi, em bận tâm làm gì cho mau già". Nếu Thu cố gặng hỏi thêm, anh bảo: "Em thì giải quyết được gì". Theo anh thì Thu chỉ cần nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình (?)

Mọi chuyện ngày càng xấu đi, nhưng chồng Thu không hề hay biết. Nhiều lần Thu  muốn chồng nghe mình, nhưng anh chỉ gạt đi vì cho rằng suy nghĩ của ch cũng chỉ toàn chuyện đàn bà. Càng ngày Thu càng buồn chán...

Nên làm gì để cải thiện tình hình?

Trên đây là 2 trường hợp sự xa cách giữa chồng và vợ đã trở nên vực thẳm. Phụ nữ hay nghĩ rằng đàn ông rất vô tâm, không bao giờ chịu nghe và hiểu những vấn đề của người yêu hay vợ mình. Sau nhiều biểu hiện “thờ ơ” của đàn ông, phụ nữ thường buồn chán, đi đến kết luận rằng: mình không được quan tâm tới nữa.

Các nhà tâm lý khuyên nếu bạn gái có một vấn đề hoặc một nhu cầu nào đó, nên thổ lộ cho bạn đời nghe hơn là im lặng. Nên thực lòng bày tỏ thì vấn đề sẽ đơn giản và nhẹ nhõm hơn. Nhiều bạn mong chờ vào sự thấu hiểu, “đọc được suy nghĩ” của chồng và nếu thấy chồng vẫn vô tư thì làm mình làm mẩy hoặc than thở với người khác.

Bạn cũng đừng nên nói bóng gió xa xôi hay ẩn dụ quanh co, điều này chỉ hữu hiệu trong thời kỳ mới yêu thôi. Thay vì nói thẳng thừng, bạn hãy góp ý nhẹ nhàng. Như vậy bạn đời mới tiếp thu sửa sai mà không gây sóng gió. Phụ nữ thường có thói quen là cằn nhằn những chuyện cũ rích, trái lại nam giới thường ầm ĩ những chuyện  tắp lự do nóng tính, tự ái cao.

Vợ chồng nên chọn một thời điểm trong ngày để nói với nhau những điều cần giải quyết. Tránh chọn thời điểm trong bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Một số bí quyết khi nghe vợ nói chuyện:

1- Nói ít, nghe nhiều: Nếu bạn muốn hiểu cô ấy thì đừng ngắt lời, nên kiên trì và chăm chú lắng nghe, rồi sẽ đến lượt bạn được quyền nói.

2- Nhìn vào người nói: Bạn không nên vừa nghe vợ bày tỏ nỗi lòng vừa dán mắt vào tờ báo, hay xem đá bóng trên tivi. Hãy nhìn thẳng vào vợ, như vậy cô ấy sẽ cảm thấy được tôn trọng và chia sẻ, còn bạn cũng có cơ hội hiểu nàng hơn. Hãy cố gắng tập trung nắm bắt những vấn đề chính mà cô ấy nêu ra.

3- Hỏi lại: Để có thể hiểu kỹ càng hơn và chứng tỏ mình đã lắng nghe, bạn có thể hỏi lại vợ một số câu. Tốt hơn nữa là hãy nói ra bạn đã hiểu những lời của cô ấy như thế nào. Nàng sẽ cảm thấy mình được lắng nghe và kịp thời chỉnh sửa những điểm bạn đã hiểu sai.

Cuối cùng, anh em nên hiểu rằng phụ nữ chỉ lắm lời khi thấy những lời nói của họ không được cánh mày râu lắng nghe và hiểu.

MỚI - NÓNG