Ngành điện đánh “thuế thu nhập” thêm... !

Ngành điện đánh “thuế thu nhập” thêm... !
Bắt đầu từ 1/1/2005, giá bán điện sinh hoạt mới của Tổng Cty Điện lực Việt Nam đã chính thức được áp dụng. Song những ngày qua, người tiêu dùng cả nước vẫn đang ngỡ ngàng và bức xúc với cách tính mới này, đặc biệt là những hộ sử dụng quá 300 số/tháng phải trả một mức giá quá cao và chênh lệch so với những người dùng ít hơn mức trên.

Vẫn biết, ngành điện đang thiếu vốn để phát triển nguồn và lưới điện cho tương lai, thêm nữa trước các biến động giá cả của đầu vào, thì việc tăng giá điện quả là khó tránh khỏi. Song thiết nghĩ, tăng gì thì tăng, nguyên tắc số một là cần phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và công bằng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thì một trong ba mục tiêu để điều chỉnh giá điện lần này là nhằm bảo hộ giá điện cho khoảng 60-70% hộ có thu nhập thấp và trung bình (dùng dưới mức 300 số). Điều này hoàn toàn đúng nếu việc bảo hộ đó không làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân quỹ tiêu dùng của 30-40% hộ còn lại. Không hiểu ngành điện căn cứ vào văn bản nào, tiêu chí nào để coi những hộ dùng trên 300 số/tháng là những hộ có thu nhập cao ? Song chiểu theo luật, những người có thu nhập cao đương nhiên đã bị điều tiết bởi luật thuế thu nhập, không lẽ gì họ lại bị ngành điện “đánh thuế thu nhập” thêm một lần nữa bằng chính khung giá bán điện của ngành này.

Trong một dịp công tác tại Thái Lan mới đây, tôi đã mục sở thị dãy công tơ điện tại một khu dân cư ở Băng Cốc, họ cũng treo ngoài cột như ta song khác một điều rất quan trọng là tất cả các công tơ đều được treo rất thấp, vừa đúng tầm mắt để người tiêu dùng tự kiểm soát được mức tiêu thụ của mình. Việc người tiêu dùng Việt Nam không thể tự biết mình đang dùng hết bao nhiêu số điện không khác gì chuyện người đi chợ mua hàng mà không được quyền  biết cái cân của người bán ra sao và họ cân đo đong đếm lúc nào. Trước cách tính giá điện mới này, có thời điểm người dân phải trả tới... 62.000 đồng cho 2 số điện (giữa số thứ 209 và 301). Một người dân nguyên là cán bộ ngành Điện đã nghỉ hưu cũng đã phải bức xúc lên tiếng, đề nghị đưa công tơ vào nhà để dân chủ động theo dõi.

Suy cho cùng, chính sự độc quyền đã khiến người tiêu dùng phải hứng chịu những hệ quả phi lý của nó. Người tiêu dùng điện hiện không có cách lựa chọn nào khác, và vẫn phải tiếp tục móc hầu bao dài dài cho những cung cách mua bán không giống ai như vậy. Trên thị trường, tăng giá bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng của các doanh nghiệp nếu họ không muốn tự đánh mất thị phần, sau hàng loạt các nỗ lực  nhằm tối ưu hóa bộ máy, giảm chi phí sản xuất...

Tất nhiên, nguyên lý này không bao giờ được các doanh nghiệp độc quyền áp dụng. 

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.