Đào tạo bảo tồn rùa cho sinh viên Việt Nam

Đào tạo bảo tồn rùa cho sinh viên Việt Nam
Các chuyên gia nước ngoài tại VQG Cúc Phương, Ninh Bình, vừa hoàn tất khoá đào tạo kéo dài một tuần về bảo tồn rùa cho sinh viên Việt Nam. “Chưa bao giờ mình được học và thực hành tỉ mỉ đến thế”, Vũ Thị Thu, K45 khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, nói.

Một tuần, sáu học viên và ba giáo viên. Đó là tất cả quy mô của khoá đào tạo về rùa cạn và rùa nước ngọt tại VQG Cúc Phương do Hiệp hội Bảo tồn Rùa châu á (ATCN) tổ chức từ 10/1 – 16/1/2005. Sáu học viên được chọn từ rất nhiều hồ sơ đến từ hai trường đại học là ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Vinh.

Tại khoá học, các học viên được thông tin về tình trạng nguy cấp của các loài rùa châu á, học các phương pháp định loại rùa, trong đó chú trọng đến 23 loại rùa cạn và nước ngọt tại Việt Nam, các kiến thức về bảo tồn, cứu hộ, cách tiếp xúc với rùa sao cho không lây bệnh cho nhau, cách tìm kiếm, thu thập thông tin, điều tra từ người dân bản địa, phương pháp đo đạc và sử dụng bản đồ, phương pháp định vị bằng sóng radio.

Ngay sau đó là bài thực hành dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các chuyên gia nước ngoài. Đối với cả sáu học viên, gần như đây là lần đầu tiên họ được tiếp xúc với những thiết bị đo đạc, dò tìm, định vị.

Thu vừa tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường làm nghiên cứu viên. Hiện, Thu đang theo đề tài nghiên cứu về sự xâm hại của rùa tai đỏ tại Việt Nam cùng PGS Hà Đình Đức. “Trước đây, mình cũng được học nhiều về rùa nhưng chung chung, dàn trải. Mình học bao nhiêu lớp, bộ, họ nhưng không hề được học về rùa Việt Nam. Cũng không hề được học cách phân loại kỹ như thế này”, Thu nói.

Sinh viên Nguyễn Thiên Tạo đang theo đuổi báo cáo khoa học về lưỡng cư bò sát tại các vùng nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, “được làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài hàng đầu về rùa, được chứng kiến cách làm việc nghiêm túc và sự say mê đặc biệt của họ với công việc là bài học quý báu đối với tôi”, Tạo nói, “Tôi thấy mình còn quá nhỏ nhoi nhưng cũng thấy mình đam mê hơn”. Ngay từ những năm đầu tiên ở đại học, Tạo làm tình nguyện viên cho Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam.

Scott, cố vấn kỹ thuật Dự án Bảo tồn Cầy hương (OCP) Cúc Phương, nhận xét: “Tôi rất có ấn tượng với Tạo. Ra trường, nếu muốn cậu ta có thể làm cố vấn cho tôi”.

Anh Bùi Đăng Phong, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Rùa, VQG Cúc Phương, nói: “Không có cam kết bắt buộc nào giữa học viên với Trung tâm và ngược lại. Tuy nhiên, nếu sinh viên cảm thấy hứng thú, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ tiếp tục nghiên cứu”. Theo anh Phong, những người nghiên cứu chuyên sâu về rùa là rất hiếm. Mong muốn của dự án là hướng cho sinh viên đi theo con đường này một cách chuyên sâu và thực tế.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.