Dịch cúm gia cầm lan rộng ở ĐBSCL

Dịch cúm gia cầm lan rộng ở ĐBSCL
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 4/1, ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) nhận định nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm trong thời điểm này là rất cao.
Dịch cúm gia cầm lan rộng ở ĐBSCL ảnh 1
Tiêu hủy gia cầm

Theo báo cáo của  Cục Thú y, từ ngày 31/12/2004 đến 3/1/2005, dịch đã bùng phát thêm ở 5 xã, phường thuộc 4 quận, huyện của 4 tỉnh là Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang và Cà Mau, số gia cầm bị tiêu huỷ là 500 gà, 4.670 ngan, 3.000 chim cút. Nam Định là tính phía Bắc đã thấy dấu hiệu của dịch. Dịch cũng đã gây ra chết người.

Tại Tiền Giang, bệnh cúm gia cầm  xảy ra trên đàn gà 500  con, đã chết 45 con ở xã Tân Hội Đông (Châu Thành). Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5.

Hậu Giang: Bệnh xảy ra trên đàn vịt của một gia đình có 1000 con làm chết 100 con tại phường 4, thị xã Vị Thanh.

An Giang: Bệnh xảy ra trên đàn cút của một hộ gia đình có 3000 con làm chết 450 con tại thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới.

Cà Mau: Bệnh xảy ra trên đàn vịt của 2 hộ gia đình có 3.670 con làm chết 2.674 con tại xã An Xuyên và xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau.

Nam Định: Dịch đã tái phát tại 1 hộ gia đình. Đó là hộ ông Dinh ở đội 6, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh. Ông  Trần Đình Cao - Giám đốc Sở NN & PTNT Nam Định - cho biết: 917 con gà bị bệnh chết của hộ gia đình trên, sau khi xét nghiệm đã khẳng định bị nhiễm virus H5. Tính đến thời điểm này sau hơn 10 ngày kể từ ngày tái phát dịch cúm (23/12/2004), tại Nam Định không còn phát hiện thêm ổ dịch nào nữa.

Trà Vinh: Trong 2 ngày 2 và 3/1, Phòng cấp cứu Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 2 ca bệnh là cháu Lê Quang Vinh - 14 tuổi, ở xã Huyền Hội (huyện Càng Long) và cháu Thạch Phụng - 9 tuổi, ở xã Châu Điền (huyện Cầu Kè). Qua chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, 2 cháu có triệu chứng của bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt, cháu Vinh đã bước vào giai đoạn nguy kịch, theo yêu cầu của gia đình, đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Chiều 4/1, chúng tôi có mặt tại Phòng Cấp cứu Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh, được bác sỹ Lê Minh Dũng - Phó trưởng khoa - cho biết: “2 ca bệnh đều có tiếp xúc với gia cầm và ăn thịt gia cầm. Sau đó có triệu chứng ho khan, đau họng, sốt cao ở nhà đã vài ngày mới được đưa đến bệnh viện. Khi vào viện đã khó thở. Chụp X quang thấy có hình tổn thương mô phổi, chụp kiểm tra thì phát hiện tổn thương lan rộng nhanh và công thức máu có bạch cầu giảm dưới 5.000. Cháu Vinh giảm dưới 1.200 và cháu Phụng giảm dưới 1.900. Chẩn đoán lâm sàng là cúm gia cầm”.

Từ hôm 3/1, các ca bệnh này đã được cách ly toàn diện tại khu cách ly ở Khoa Nhiễm của Bệnh viện vốn được chuẩn bị cho bệnh nhân bị cúm gia cầm.

Hai trường hợp nhiễm bệnh trên khiến cho một số gia đình có con bị bệnh không dám cho con vào Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh điều trị dù đã được các y bác sỹ ở đây giải thích, động viên.

Ở Trà Vinh vừa xuất hiện một số ổ dịch bệnh làm chết hàng loạt gia cầm, trong đó đáng chú ý có 3 ổ dịch làm chết hơn 1.000 con vịt và xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng Cần Thơ cho biết số vịt này nhiễm virus H5.

Theo nhận định của Cục Thú y, nguyên nhân có thêm ổ dịch mới một phần là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan. Mặt khác, việc vận chuyển gia cầm trong giai đoạn giáp Tết Nguyên đán gia tăng trong khi công tác kiểm dịch vận chuyển chưa chặt chẽ.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.