Khu kinh tế Dung Quất:

“Treo” ngày nào, dân khổ ngày đó!

“Treo” ngày nào, dân khổ ngày đó!
Cái sổ đỏ từ chỗ có 7 quyền theo Luật  Đất đai, nhưng nay cha mẹ có đất cũng không được quyền cho, nhượng cho con.

“Treo” sổ đỏ

Bình Đông cũng như các xã nằm trong vành đai Khu kinh tế Dung Quất, khi Dung Quất bắt đầu chuyển động là khu hoá  dầu, là thành phố Vạn Tường, là chỗ đứng của các nhà máy tầm cỡ  quốc gia trong tương lai, tất cả đều đã được qui hoạch. Trong vùng qui hoạch thì  đất đai “án binh bất động”.

Cái sổ đỏ từ chỗ có 7 quyền theo Luật  Đất đai, nhưng nay cha mẹ có đất cũng không được quyền cho, nhượng cho con. Chủ tịch xã Bình Thạnh, ông Phan Đình Lên, nói : “Xã tôi sổ  đỏ cũng bị treo. Hộ ông Đặng Tài có con là Đặng Văn Chi, ông Nguyễn Thân có con là Nguyễn  Thanh Toán, khi lấy vợ, họ muốn cắt đất cho con làm nhà.

Theo qui định, như thế không được. Nhưng, gia đình đông con quá thì đành phải làm liều. Cả xã có đến gần 100 trường hợp như thế. Xã lập biên bản nhưng không phạt, tiến thoái lưỡng nan, trăm sự chỉ vì quy hoạch “treo” mà bà con khổ.

Nhà cửa hư hại, cũng không dám sửa vì xã, huyện cũng không dám ký. Xã xin qui hoạch khu dân cư từ  năm 1994 đến nay nhưng không được. Khiến dân làm nhà trái phép như nấm! Hết người sống đến người chết.

Ông Lên than thở: Mồ mả, người chết phải đưa lên khu Đồng Có, Hàm Rồng qui hoạch cách đó 7 km. Đường núi quanh co, đưa đến nơi tốn ít nhất 1 triệu. Dân nghèo tiền đâu, đổ liều chôn gần nhà tại vùng cấm Vĩnh An, Hải Ninh. Xã biết nhưng cũng đành bó tay. Có trường hợp không tiền đưa đi đành phải chôn ngay trong vườn.

Tái định cư: Ăn, ngủ và... rong chơi !

“Treo” đất, “treo” luôn cái  miệng. Dân Bình Đông một số được đưa lên  khu TĐC Đông Trà Bồng. 52 hộ lên số nhiều lại bỏ  về vì nó chưa hoàn chỉnh, không có nước. Sắp đến 56 hộ Vức 6 sẽ tiếp tục đi nhưng dân không muốn đi. 

 Xã Bình Thạnh và Bình Đông có 346 hộ lên khu Tây Trà Bồng, thuộc thôn Vĩnh Trà -Bình Thạnh. Anh Võ Thanh Hồng, nhà ở ngay đầu khu, nói : “Làm nghề biển, lên đây 2 năm rồi, vợ chồng tôi bán tạp  hoá, lặt vặt  chứ lời gì, cả khu này 100 hộ thì... gần 100 bán tạp hoá, chứ không thì làm nghề gì. Đất sản xuất không có.

Dân hầu hết làm biển. Ai kêu thì đi thuê, còn không thì ở nhà. Số bỏ đi Nam, còn không thì rượu chè, gây gổ, vợ chồng lục đục vì không tiền. Đền bù dưới đó không đủ tiền, lên đây bán bớt đất để làm nhà, hoặc gửi ngân hàng ăn dần.

Vợ chồng tôi bán hàng cho người thân là chính, tiền không đủ cho con uống sữa. Còn lại, sống nhờ tiền của mẹ tôi là BMVNAH Trần Thị Lạp.  Dân dưới cảng  bây giờ chẳng trông “đụng” ông... lọc dầu để đền bù kiếm tiền mà chỉ trông ngày nào cũng kiếm được 50 ngàn, yên thân, khỏi phải lên đây!”.

Không đất sản xuất, nghề nghiệp bấp bênh, tréo ngoe, sống nhờ đồng tiền đền bù, bán đất, hết tiền chẳng biết ra sao. Có chỗ như khu Đồng Lớn trên Sơn Tịnh không có nước uống, dân Bình Sơn bỏ về hết. Bên kia đường cách  nhà anh Hồng mấy mươi bước là nhà ông Huỳnh Năm. 

Chị Bộ con dâu ông Năm, kể: Vợ chồng em, 2 cái nhà đền bù, ăn uống, di chuyển, gom chung được 42 triệu, nộp thuế hết 8 triệu, lên đây có đất mà không dám làm nhà vì không đủ tiền, cũng không dám bán bớt đất được cấp (ngư nghiệp là 250 m2/hộ; nông nghiệp là 300 m2/hộ) vì có 2 đứa con trai, mai này lấy chỗ đâu cho nó ở. Chị có nghề đi lưới ghẹ, cũng bỏ luôn vì xuống biển quá xa. Chị cười như mếu: “Thì hổng biết ra sao, ăn ngủ cho mập rồi ngồi cười, đi rong”.

Chậm trễ của KCN hoá dầu này đã dẫn đến chuyện “treo” đất, “treo” luôn cả đời sống người dân, ngay cả bài toán giải quyết lao động tại chỗ cũng còn quá khiêm tốn, cái gọi là hưởng lợi từ vùng dự án xem ra còn tít tắp xa. Anh Hồng nói: Có Cty làm khu du lịch sinh thái Thiên Đàng ở gần đây đến ghi tên, hứa mai mốt nhận vào làm, nhưng Cty này bây giờ đang còn trên giấy, đang ở trên... thiên đàng chứ chưa chịu xuống hạ giới ! 

MỚI - NÓNG