Bầu trời và phụ nữ trong cuộc đời Tổng công trình sư tên lửa vũ trụ Xécgây Côrôlép

Bầu trời và phụ nữ trong cuộc đời Tổng công trình sư tên lửa vũ trụ Xécgây Côrôlép
Đã mấy ai yêu tha thiết bầu trời và phụ nữ như Tổng công trình sư tên lửa và tàu vũ trụ Xô viết Xécgây Côrôlép. Ngay cả nụ hôn đầu tiên với cô gái mơ ước của ông cũng là trên mái nhà.

Hồi ấy, chàng thanh niên Côrôlép sống ở Ôđétxa. Còn cô gái Cơxênia Lilia thì bao giờ cũng có không ít người theo đuổi. Nhưng Côrôlép đã làm tất cả những gì có thể để Lilia trở thành bạn gái của anh. Anh trồng cây chuối đi xung quanh cô, anh bơi dưới gầm xà lan ngoài biển, thậm chí vì cô mà anh đứng chống hai tay trên gờ mái một ngôi nhà hai tầng ở Ôđétxa. Chắc hẳn những hành động đó đã gây được ấn tượng cần thiết với cô. Và cuối cùng, cô đã cho phép anh lần đầu tiên hôn cô ngay trên mái nhà.

Khi sắp sửa đi xa để theo  học trường đại học Bách khoa Kiép, anh ngỏ lời cầu hôn cô. Cô trả lời là tuy yêu anh nhưng cô chỉ đồng ý kết hôn với anh sau khi anh tốt nghiệp và bảo đảm được cuộc sống tự lập. Kết quả là hai bên tạm chia tay nhau: Côrôlép đi học ở Kiép rồi ở Mátxcơva, còn Lilia theo học trường đại học Y Kháccốp. Sau khi tốt nghiệp, Lilia được phân công đến Đônbát làm bác sĩ. Côrôlép đến thăm cô và lại ngỏ lời cầu hôn với cô. Nhưng cô lại từ chối, viện ra một  cớ mới: Lấy chồng làm gì nếu hai bên sẽ phải sống xa nhau hai – ba năm trời cho đến khi hết thời hạn phân công. Và Côrôlép lại cố xin bằng được cấp trên để Lilia được chấm dứt thời hạn phân công sớm. Cuối cùng, vào tháng 8/1931, lễ kết hôn được tổ chức và ít lâu sau, Côrôlép đưa cô về Mátxcơva…

Nhưng rồi đã xảy ra một điều có vẻ như khó hiểu: Ngay sau khi đạt được điều đã mơ ước suốt bảy năm trời thì Côrôlép  lại mau chóng mất hứng thú với vợ và bắt đầu say mê những phụ nữ khác. Một lần, Lilia giặt chiếc áo vestông của chồng. Bất ngờ, từ trong túi áo rơi ra hai chiếc vé đi xem balê ở nhà hát Bônsôi. Vì Côrôlép  không nói gì với vợ về hai chiếc vé này nên Lilia cho rằng chồng mình sẽ đi với một phụ nữ khác. Lilia cũng đang có một sĩ quan cao cấp theo đuổi nên chị không khó khăn gì thuyết phục người đó đưa mình đi nhà hát Bônsôi. Trong giờ nghỉ giải lao, hai cặp chạm trán nhau ở tiền sảnh. Bên cạnh Côrôlép  là một phụ nữ tóc đen xinh đẹp. Nhìn thấy vợ, Côrôlép  giật mình như phải bỏng, ông lập tức tách khỏi người phụ nữ kia và tiến về phía Lilia tìm cách thanh minh: “Anh ngẫu nhiên được cho hai vé… Không tiện từ chối. Lát nữa ta sẽ gặp nhau ở đâu?” – “Gặp nhau làm gì mới được chứ? – Lilia hỏi. – Em đã có người đưa về rồi”. Và chị đưa mắt nhìn người sĩ quan kia. Đến đây thì Côrôlép  không chịu nổi nữa. “Không, chúng ta sẽ cùng về!”. Không hiểu Côrôlép  đã “xử lý” với người phụ nữ kia ra sao nhưng hôm đó, đích thân ông đưa vợ về nhà.

Những cuộc phiêu lưu tình ái như vậy của chồng khiến Lilia hết sức đau khổ. Đấy là chưa kể Côrôlép  lúc này đã là một nhà khoa học nổi tiếng, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo tên lửa nên lúc nào ông cũng bận bịu. Ông yêu bầu trời có phần còn hơn cả yêu phụ nữ. Vì vậy, nếu tính từ ngày đăng ký kết hôn thì ông và Lilia sống với nhau được một phần tư thế kỷ nhưng hai người chỉ thực sự sống bên nhau được 8 năm. Cô con gái Natasa của họ biết đến sự “phản bội” của bố ngay từ năm 12 tuổi và tuyên bố không bao giờ muốn gặp bố nữa. Hai bố con rất hiếm khi gặp nhau và nếu gặp nhau thì cũng như người dưng nước lã. Ngay cả đám cưới của con gái cũng không có mặt Côrôlép. Và theo lời kể của một người bạn thì một lần, Côrôlép  gọi điện từ sân bay vũ trụ Baicônua về nhà để chúc mừng ngày sinh nhật của con gái. Nhưng khi nhận ra giọng nói của bố thì cô bé đặt ngay máy xuống. Và Côrôlép  âm thầm ngồi khóc…

Người vợ thứ hai của Côrôlép  tên là Nina. Để hiểu được ít nhiều cách ông làm quen với phái đẹp và cách xử sự tiếp theo của ông, ta hãy nghe lời kể lại của chính người vợ thứ hai này. “Mùa xuân năm 1947, tôi làm phiên dịch tại Viện nghiên cứu khoa học – 88, - Nina nhớ lại. - Tôi là  phiên dịch viên tiếng Anh duy nhất tại đây, tất cả đồng nghiệp của tôi đều là phiên dịch viên tiếng Đức. Một lần, viện trưởng bảo tôi: “Đồng chí Côrôlép  có rất nhiều tạp chí tiếng Anh. Đồng chí ấy có một số bài cần dịch, cô hãy đến xem sao”. Khi tôi đến  thì anh ấy đang bận nói chuyện qua điện thoại trong phòng làm việc. Cuộc nói chuyện kết thúc, anh ấy mở hé cửa và hỏi : “Chị đến gặp tôi phải không? Chị vào đi… Mời chị ngồi…”. Rồi anh ấy tự giới thiệu: “Tôi là Côrôlép, Xécgây Côrôlép”.

- Tôi là Nina Ivanốpna - tôi nói. – Một phiên dịch viên thất nghiệp.

- Tôi hiểu - Côrôlép  mỉm cười và lấy ra một chồng tạp chí Anh và Mỹ  - Đây, chị hãy thử dịch bài báo này xem sao.

Tôi hiểu là bản dịch của tôi không đạt bởi vì tôi không biết nghĩa những thuật ngữ kỹ thuật. “Đúng thế, bản dịch đúng là không đạt” - Côrôlép  đồng ý. Một kỹ sư được phân công giúp tôi để tôi có thể dịch được đúng bài báo. Tôi lại đến gặp Côrôlép. Từ đó, Côrôlép  thường mời tôi đến chỗ anh ấy. Một hôm, khi tôi đặt bản dịch trước mặt anh ấy, anh ấy đọc và tự anh ấy… cầm tay tôi. Tôi rút tay ra. Anh ấy im lặng. Rồi hỏi:

- Chủ nhật này chị làm gì?

- Tôi chưa có kế hoạch gì hết.

- Chị không từ chối đi nghỉ cùng tôi chứ?

- Ý anh muốn nói gì?

- Chẳng hạn, ta cùng đi tiệm ăn… khiêu vũ…

- Tôi không thích đến tiệm ăn, nhưng ta có thể đi đâu đó… xa thành phố một chút.

Người lái xe của anh ấy đưa chúng tôi đến Himki. Chúng tôi đi dạo trên bờ sông cạnh nhà ga Resnôi. Rồi chúng tôi tạt vào tiệm ăn. Chúng tôi uống một chút. Đột nhiên, anh ấy tâm sự rất chân thành về cuộc đời anh ấy, về nước Đức mà anh ấy đã từng sang làm việc, về gia đình mà anh ấy quyết định không quay lại nữa. Tôi thậm chí cảm thấy bối rối: Chúng tôi quen nhau nào đã lâu gì đâu. Khi chúng tôi lên xe trở về, anh ấy hỏi là phải đưa tôi về đâu. Tôi nói địa chỉ. Cả hai chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì hóa ra chúng tôi sống cùng trong một tòa nhà, cùng lên một cầu thang, chỉ có điều căn hộ của mẹ tôi ở tầng một còn căn hộ của anh ấy ở tầng hai. Chúng tôi lên chỗ anh ấy. Giờ đây, chẳng cần giấu giếm làm gì: Tôi ở lại chỗ anh ấy vào buổi tối đầu tiên của chúng tôi. Và hóa ra, chúng tôi sẽ ở bên nhau suốt đời. Năm đó tôi 27 tuổi, còn anh ấy 40”.

Mặc dù mới lấy vợ nhưng Côrôlép  vẫn phải đi công tác liên miên và lại cảm thấy cô đơn. Thỉnh thoảng, dường như để xin lỗi, ông viết thư cho Nina, tâm sự với chị về những khó khăn và những nỗi phiền muộn của ông. Ông viết là ông chẳng có ai để tâm sự về những chuyện đó bởi vì người bạn và người thân yêu nhất của ông là chị! Không phải ngẫu nhiên mà trong bức thư nào ông cũng viết thêm: “Ngoài em thì anh chẳng còn ai để giãi bày về những chuyện đó”. Xem ra thì ngay cả người vợ mới cũng bắt đầu cảm thấy chán ngán những lời giãi bày tâm sự của ông về những mắc mứu bất tận trong công việc và trong tâm hồn. Ngay cả với người vợ thứ hai ông cũng vẫn cảm thấy cô đơn.

Nhưng đâu chỉ riêng Côrôlép  cảm thấy cô đơn? Phần lớn các thiên tài đều không gặp may trong cuộc sống riêng tư, đều không được những người xung quanh hiểu cho dù đấy là những người thân yêu nhất. Puskin đấy thôi: Vợ ông là Natalia Gônsarôva viết cho ông: “Anh làm em phát chán lên vì những bài thơ của anh”. Còn Gôrôlép  thì viết: “Em yêu, anh không thể không viết cho em để dốc bầu tâm sự cùng em…”.

Phải chăng đấy là bi kịch của các thiên tài?

Vĩ Thanh. Xécgây Côrôlép  qua đời năm 1966 trên đỉnh cao vinh quang của một công trình sư kiệt xuất, một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tên lửa và tàu vũ trụ. Chính ông là người đã chế tạo chiếc tên lửa Xô viết đưa vệ tinh đầu tiên trên thế giới lên vũ trụ vào năm 1957. Cũng chính ông là người đã chế tạo con tàu đưa nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Iuri Gagarin lên quỹ đạo quanh Trái đất vào ngày 12/4/1961. Trong giới du hành vũ trụ Xô viết có một truyền thuyết nói rằng khi thi hài ông được hỏa táng, Gagarin và “người bạn vũ trụ” thân thiết với anh là Cômarốp đã xin một nắm tro thi hài ông để khi có dịp sẽ đưa lên trạm vũ trụ trong chiếc hộp gắn kín có đựng quốc huy Liên Xô. ít lâu sau, Cômarốp bị tử thương một cách bất ngờ. Và một năm sau thì Gagarin cũng tử nạn một cách bi thảm trong một chuyến bay tập. Không ai rõ ý nguyện ấy của họ có được thực hiện không?

MỚI - NÓNG