Phó GS, TS kinh tế Ngô Trí Long:

Cách tính giá điện đang “quay ngoắt” sang một thái cực khác

Cách tính giá điện đang “quay ngoắt” sang một thái cực khác
Cơ chế tính giá của ngành điện đang gây phản ứng trong dư luận. Mấy ngày nay, báo chí đã phản ánh thông tin nhiều người dân tỏ ý bất bình về cách phân biệt 2 mức: bảo hộ (dưới 300 KW/tháng) và không bảo hộ (trên 300 KW/tháng, đối với các hộ tiêu dùng. Tiền Phong trao  đổi với TS Ngô Trí Long về vấn đề này. Ông Long cho biết:

- Đúng là mấy hôm nay, dân tình cứ ồn lên về cơ chế tự động tính giá mới của ngành điện. Ai cũng biết đặc thù của điện là phải vừa sản xuất, vừa tiêu dùng, trong khi khả năng cung cấp điện năng của chúng ta còn hạn chế thì lẽ tất nhiên, Nhà nước không thể khuyến khích người dân tiêu dùng một cách rộng rãi.

Là công dân, tôi chấp nhận phải có sự điều chỉnh. Nhưng quan trọng là phải điều chỉnh thế nào cho hợp lý (giả dụ anh có thể tính mức luỹ tiến của số từ 300 trở đi cao hơn trước đây gấp nhiều lần) chứ không thể vô lý “quay ngoắt” sang một thái cực khác, phân biệt một cách quá “vênh” như thế.

- Điều chỉnh theo hướng này, Điện lực VN lý luận: Cách tính mới chỉ chủ yếu đánh vào hộ có thu nhập khá, “diện” Nhà nước không thể bảo hộ. Nhưng thế nào là “hộ khá” lại là vấn đề cần tranh luận?

- Quan điểm trên đứng ở góc độ của nhà quản lý có nhiều phần là đúng. Nhưng nếu xét trên thực tế cuộc sống, các nhà làm chính sách cũng cần mở rộng ra những trường  hợp khác. Theo tôi biết, ngay tại Hà Nội này không hiếm những gia đình lao động nghèo đang có đến mấy thế hệ ở trong một ngôi nhà, số nhà, mà do một điều kiện nào đó họ không thể tách khẩu.

Với cơ chế tính mới, thì vô hình trung những người có thu nhập thấp đó sẽ bị “mất tiền oan”. Một điểm nữa, do đặc thù của nước ta là mạng lưới nhà ở chưa được cải thiện, nên rất nhiều người dân dù muốn tiết kiệm cũng không thể dễ dàng thay thế điện  bằng cách dùng các loại chất đốt khác ngay (ga, than...). Vả  lại, trong một xã hội phát triển thế này nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng cao là tất yếu. Với trách nhiệm là nhà cung ứng, ngành điện cần nghiên cứu tăng nguồn thay vì dùng biện pháp kinh tế với người dân.

Nhập nhèm cách tính gây thiệt hại cho khách hàng

Tối 20/1/2004, anh Bùi Phương Đình (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đến tận toà soạn báo Tiền Phong chỉ rõ phương thức tính giá điện của Cty điện lực Hà Nội gây bất lợi cho người sử dụng điện.

Sau khi hỏi rõ cách tính giá điện qua số điện thoại Trung tâm hỗ trợ khách hàng, số tổng đài 992 000 của Cty điện lực Hà Nội về cách tính giá điện của Cty (tại thời điểm bắt đầu áp dụng cách tính giá điện mới-ngày 1/1/2005), anh Đình đã chỉ ra cách tính của Cty không hợp lý, làm thiệt cho gia đình anh  trong lần thanh toán tiền điện từ ngày 14/12/2004 đến 13/1/2005.

Cách tính lắt léo này được anh Đình chỉ ra như sau: Từ ngày 14/12/2004, gia đình dùng hết 546 số. Trong đó có 345 số, tương đương 18 ngày của tháng 12/2004 (sau khi đã chia tỷ lệ quy đổi số ngày sử dụng điện trong tháng 12/31 ngày), chỉ có 184 số được hưởng theo mức giá cũ  tương đương đơn giá từ 550 đồng/số đến 1340 đồng/số. 161 số còn lại phải chịu mức giá cao nhất là 1400 đồng/số (nếu tính theo cách cũ, áp dụng trong năm 2004, thì chỉ có 45 số tính theo mức giá cao nhất: 1400 đồng).

Tương tự, 201 số còn lại dùng trong 13 ngày của tháng 1/2005, lẽ ra phải tính theo phương thức tính cho mức sử dụng dưới 300 số, thì lại bị tính ngay theo phương thức tính cho mức sử dụng trên 300 số, với giá khởi điểm là 1.100 đồng/số. Hơn thế nữa, cũng theo cách quy đổi của tháng 12/2004, chỉ có 155 số được hưởng 3 mức giá đầu tiên; còn 46 số còn lại phải chịu mức giá cao nhất là 1.500 đồng/số.

Với cách tính này, Cty điện lực Hà Nội đã “ăn” của khách hàng này gần 150.000 đồng. Như vậy, hầu hết khách hàng ở Hà Nội mua điện của Cty đều bị “móc hầu bao” rất ngọt ngào với mức tiền tương đương số tiền mà anh Đình phải chịu thiệt. Lý do đơn giản là: Việc ghi chỉ số công tơ dàn đều trong các ngày của tháng, chứ không phải tất cả các hộ đều được ghi vào ngày 1 hàng tháng. Đề nghị Cty điện lực Hà Nội xem xét lại cách tính này, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dùng điện.

Quyền Thành (ghi)

MỚI - NÓNG