Đô thị hoá ở ĐBSCL: Khổ vì đường không tên

Đô thị hoá ở ĐBSCL: Khổ vì đường không tên
Ông Nguyễn Văn Bền thở dài kể: "Gia đình tôi sống ở đây đã 10 năm nhưng phải mượn tên đường Nguyễn Du ngoài kia để đăng ký hộ khẩu và vào điện, vào nước, gian nan vô cùng".

Ông Năm Tâm - Phó bí Đảng uỷ khối doanh nghiệp TP Cần Thơ - vừa cất nhà trong khu dân cư 91B (phường An Bình, Ninh Kiều). Ông điện thoại rủ tôi đến chơi. Nhưng tìm mãi không tìm ra nhà của ông ở đâu bởi tất cả đường ở đây chưa có tên và nhà chưa có số. Điện thoại tới, ông bảo ông đã ra đứng giữa đường trước nhà để đón. Song cả khu dân cư rộng 62 ha với khoảng 50 con đường rộng từ 8 - 20 m, làm sao chạy cho hết mà thấy "ông đứng giữa đường?".

Rồi tôi cũng tìm được. Ông Năm Tâm than thở: "Khu dân cư mới như thế đấy". Mới nhưng cũng đã mấy năm rồi? Ông kể: Hiện ông đang tạm gọi số nhà bằng số lô đất và làm hồ sơ gắn điện, nước cũng theo đó. Nay mai nếu đường có tên, nhà có số chính thức thì phải chỉnh sửa, cả khu dân cư có hàng nghìn gia đình, hứa hẹn tốn kém không ít công của.

TP Cà Mau có khu dân cư Trần Ngọc Hy tại phường 5 xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ở đây có con đường dài mấy trăm mét nối từ đường Nguyễn Du sang đường 3/2 chưa được đặt tên với 2 dãy nhà liền kề mấy trăm hộ sống từ lâu nhưng không có số.

Ông Nguyễn Văn Bền thở dài kể: "Gia đình tôi sống ở đây đã 10 năm nhưng phải mượn tên đường Nguyễn Du ngoài kia để đăng ký hộ khẩu và vào điện, vào nước, nhiêu khê vô cùng. Cực nhất là chỉ đường cho bà con dưới quê lên chơi, lòng vòng bà con cứ tưởng mình không muốn cho bà con đến nhà".

Ở Kiên Giang, có khu đô thị lấn biển nổi tiếng nhiều năm nay. Một người bạn mời tôi ra mừng sinh nhật con gái nhưng tôi tìm mãi không ra nhà. Tôi chạy đến UBND phường Vĩnh Bảo để “làm chuẩn”, hy vọng từ đấy sẽ tìm ra, tuy nhiên cái trụ sở to đùng này cũng không ghi số nhà, tên đường. Loanh quanh chỉ thấy căn nhà ghi Ag-19, Chi Lăng-nối–dài, nhưng phía đối diện lại thấy căn nhà số 25 B2 khu lấn biển Rạch Giá. Đi tiếp một đọan thì gặp lô C, Đê bao quốc phòng. Rồi lại thấy tấm bảng “Gia đình văn hóa”.

30 năm quên việc đặt tên đường

Ở TP Cần Thơ mấy năm nay mở "khu đô thị Nam sông Cần Thơ" rộng 1.800 ha nhằm phát triển thành phố về hướng này. Khoảng 30 nhà đầu tư đã đăng ký thực hiện hơn 30 dự án, nhiều con đường đã được mở, nhiều nhà mới đã mọc lên.

Thế nhưng, ngoài con đường chính dài 7.900 m từ cầu Quang Trung đến cảng Cái Cui được gọi nôm na là đường Quang Trung - Cái Cui thì mấy trăm con đường lớn nhỏ còn lại đang được gọi theo... ý thích của nhà đầu tư. Nơi gọi theo thứ tự A,B,C..., nơi gọi theo số tự nhiên 1,2,3..., có nơi gộp 2 cách ấy.

Tôi đến Sở Xây dựng Cần Thơ đề nghị xem một số dự án và lần theo một tuyến đường dài chỉ dăm cây số thì thấy bắt đầu được gọi là số 10, tiếp đến số 24, tiếp đến A5, trở về số 10 rồi B1, C, lại số 24... Tôi cười: "Sau này tìm nhà ở đây có lẽ khó nhất thế giới".

Các kỹ sư Phòng quản lý kiến trúc quy hoạch của Sở Xây dựng nói: "Chắc phải thêm số lô dự án nữa thì mới tìm được nhà". Có thể hình dung số nhà là một phức hợp gồm số của nhà, số của đường, số lô dự án rồi mới đến khu vực, phường...

Tại sao khi quy hoạch khu dân cư không tính luôn việc đặt tên đường? Cán bộ Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết: "Sở Xây dựng chỉ quy hoạch chung bản đồ tỷ lệ 1/2000 với những trục đường trung tâm. Sau đó Sở KH-ĐT chủ trì giao đất cho nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với các con đường nội bộ".

Tôi đến Sở KH-ĐT Cần Thơ gặp Phó GĐ Trần Thanh Cần. Ông Cần nói: "Chúng tôi chỉ lo mời gọi đầu tư chứ cũng chưa nghĩ đến việc đặt tên đường. Việc này chắc phải hỏi bên Sở VH-TT".

Tôi đến Sở VH-TT thì biết Sở này đang tính đề xuất UBND TP Cần Thơ cho lập một Hội đồng tư vấn để ... tiến tới việc đặt tên các con đường, không chỉ cho các con đường mới mở ở các khu dân cư đang triển khai mà cả các khu dân cư đã hoàn thành.

Hoá ra từ ngày giải phóng đến nay, xấp xỉ 30 năm rồi, quá trình đô thị hoá diễn ra ào ạt và ngày càng nhanh, rất nhiều con đường được kéo dài, mở mới nhưng việc đặt tên đường chưa bao giờ được xem xét một cách khoa học.

Những tên đường... kỳ cục

Khi đường sá được xây dựng mà không được đặt tên thì dân cư cứ tự... tiện gọi. TP Cà Mau có ngã tư mới mở cạnh một cơ ngơi của ngành Y tế nên được gọi là ngã tư Y tế; một con đường ở phường 1 có nhiều quán nhậu lẩu dê được gọi là lẩu dê phường 1; gặp nơi không có đặc điểm cá biệt thì lấy luôn tên chủ hộ đầu đường như lộ Năm Mừng.

Ở TP Cần Thơ một số tuyến đường nối dài được gọi luôn tên con đường cũ thêm chữ nối dài. Ví dụ đường Nguyễn Văn Cừ-nối-dài; đường Mậu Thân-nối-dài… Nay mai những con đường này nối dài thêm nữa thì không biết sẽ gọi như thế nào?

Tên đường gọi tuỳ tiện vẽ lên một hình ảnh không thật đẹp về những khu đô thị mới, đôi lúc còn... thiếu văn hoá khiến cho những gia đình sống hai bên những con đường ấy giảm bớt niềm tự hào về nơi sinh sống và con cái sinh ra kém tự hào về nơi chôn rau cắt rốn.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.