Nhiều tài xế “sập bẫy”

Nhiều tài xế “sập bẫy”
Quốc lộ 5 đi qua quận Long Biên, nghĩa là đoạn đường này được coi là nội thành. Chi tiết ít được để ý này đã trở thành... "cái bẫy"!

Sau nhiều dự lệnh, cuối cùng súng bắn tốc độ ô tô trên đường nội thành đã được nhấn  cò. Gần 30 xe bị “bắn” sau 2 ngày ra quân, kéo theo đó là hàng chục tài xế bị “tử” vì súng bắn tốc độ. Có điều, đối mặt “cái chết” nhiều tài xế vẫn ngơ ngác không hiểu vì sao bị “chết”?

QL 5 (đoạn từ Cầu Chui đến ngã 3 QL 1A mới) buổi sáng 5/1/2005 dường như vẫn không có gì khác biệt. Từng đoàn xe hối hả ra vào thành phố. Gần 10 giờ sáng, lệnh “bắn” được phát đi. Ít phút sau, trên chiếc xe được ngụy trang đỗ cách ngã ba QL5 - QL1A, Thiếu úy Nguyễn Tiến Việt căn nòng “khẩu súng” hướng ra làn đường chiều Hải Phòng - Hà Nội.

“Bạch”- tiếng động vừa đủ cho người cầm cò nghe thấy. “Xe 80K-1112, tốc độ 44 km/h” - Cách đó chừng cây số, bộ đàm của đồng chí Dục (Đội CSGT số 5) phát ra. Chiếc xe ngay sau đó được điều khiển vào lề đường. Lái xe Nguyễn Thanh Liêm  xuống xe mặt tái dại: “Tốc độ: chết rồi!”.

“Xe 29T -6048, 64km/h!". Chiếc Toyota Altis 1.8 từ từ đỗ lại. Lái xe phân trần: “Xe chở đồng chí... Văn phòng Trung ương..., các anh chiếu cố”. Một CSGT rỉ tai: “Chúng tôi ngại nên chưa “bắn” xe con nhiều vì loại này lắm quan hệ”! Tuy nhiên theo quy định, chiếc xe đã vượt trên 20% tốc độ quy định. Đương nhiên, chủ xe nộp 1,5 triệu đồng và bị đục một lỗ trên Giấy phép lái xe.

Tại điểm bắn tốc độ trên QL 5 tính từ lúc "nhấn cò" đến khi "gác súng" (hơn một giờ) đã có khoảng 15 xe bị... "bắn". Và các xe bị “bắn” đều “chết”. Trong đó chủ yếu là xe tải và xe chở khách, như: xe tải 29T-2156 chạy vận tốc 46km/h; xe khách 29S- 1330, chạy 49km/h; xe tải 16H -7517 chạy 46 km/h, đặc biệt xe khách 14LD-0136 đã chạy với vận tốc 65km/h… Cũng trong khoảng thời gian bắn tốc độ sáng 5/1 đã có 2 xe quay đầu bỏ chạy.

Ông Nguyễn Đình Viên - Đội phó Đội CSGT số 5 - cho biết: Ngày 4/1, đội cũng bắn tốc độ với 17 ô tô trên quãng đường này. Theo ông Viên, lượng xe đi quá tốc độ trên QL 5 đoạn qua quận Long Biên rất nhiều. Và nếu xử lý triệt để, hẳn số xe vi phạm là rất lớn.

Lái xe 29T-2156 Vũ Tài Trường ngạc nhiên nói: “Em nghĩ đường này được chạy 50 km/h”. Tương tự, lái xe tải 16K – 9015 Đồng Xuân Thám (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng rất ngạc nhiên khi xe của mình chạy với vận tốc 45 km/h mà vẫn bị “chết”. Nhiều lái xe bị “bắn” đều không hiểu mình “chết” vì lỗi gì. Và thật ngạc nhiên khi họ đều “chết” vì tốc độ! Vì sao lại có chuyện như vậy?

Ngày 4/1/2005, ĐộI CSGT số 5 xử lý 17 trường hợp chạy quá tốc độ trên QL 5 đoạn qua quận Long Biên. Trong đó, có 12 xe chạy quá tốc độ dưới 20%; 5 xe chạy quá tốc độ trên 20%.

Ngày 5/1/2005, Đội CSGT số 5 xử lý 12 xe chạy quá tốc độ. Trong đó, có 7 xe chạy quá tốc độ trên 20%, 5 xe chạy quá tốc độ dưới 20%.

Mức xử phạt với xe chạy quá tốc độ trên 20% là 1,5 triệu đồng và đục 1 lỗ trên GPLX, với xe chạy quá tốc độ dưới 20% là 750.000 đồng và đục một lỗ trên Giấy phép lái xe..

Về nguyên tắc QL 5 đi qua quận Long Biên có nghĩa đoạn đường này được coi là đường nội thành. Vì lý do đó việc CSGT bắn tốc độ và xử phạt dựa trên tốc độ quy định với đường nội thị là hợp nhẽ. Tuy nhiên, trên thực tế lại không đơn vị nào đứng ra cắm biển chỉ dẫn “đường nội thành”.

“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy biển nội thị, ngoại thị cả”- lái xe 29 S-1330 Khúc Đình Quảng bức xúc. Không có biển, nên các tài xế vẫn đinh ninh đoạn đường này được chạy theo vận tốc quy định cho QL 5!

Hơn nữa, theo phân bua của nhiều tài xế thì không chỉ đoạn QL 5 qua địa bàn quận Long Biên mới cần biển báo đường đô thị mà trên 100 km QL 5 hầu như đang chạy qua các khu đô thị. Vậy thì ngành giao thông cần có quy định rõ đoạn nào xe được chạy với vận tốc như trên QL và đoạn nào chỉ được chạy với vận tốc trong đô thị?

Hà Nội mở rộng nội thành, điều này đồng nghĩa là nhiều đoạn QL trở thành đường nội thành. Bắn tốc độ để hạn chế tốc độ ô tô, giảm thiểu TNGT trên những đoạn đường trên là cần thiết.

Tuy nhiên, để có hiệu quả thực sự, cũng như làm cho người sai phạm “tâm phục, khẩu phục”, rõ ràng ngành giao thông và CSGT phải “thống nhất” quan điểm trước khi đưa chính sách mới vào cuộc sống tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn chưa thổi” còn tội vạ đổ đầu dân.

MỚI - NÓNG