Văn hóa làng

Văn hóa làng
Bà Sang mới mua một chiếc ấm sắc thuốc điện. Bà bị đau khớp và thường xuyên phải uống thuốc Đông y. Ngày nào cũng phải sắc thuốc bằng bếp điện vừa cách rách vừa mất việc nên bà quyết định mua nó cho tiện. Trước khi mang chiếc ấm từ cửa hàng trên phố huyện về nhà, bà đã cẩn thận bọc một lớp giấy báo bên ngoài. Vậy mà…

Bà Sang vừa về buổi trưa, buổi chiều đã có người đến “hỏi thăm”: “Bác mua cái này bao nhiêu, hôm nào em cũng phải đi mua một cái!”. Họ nói với bà như vậy, nhưng bà Sang biết sẽ có nhiều phiền toái đến với bà đằng sau những câu nói ấy.

Quả có vậy! Mới mờ sáng hôm sau, cái Hoa cháu họ xa của bà đã léo nhéo đầu ngõ: “Bác Sang ơi! Hôm nay cháu với nhà cháu phải về ngoại làm giỗ. Ngặt nỗi thằng Tũn nhà cháu đang phải uống thuốc Bắc. Bác cho cháu mượn tạm chiếc ấm một hôm kẻo cháu nó phải bỏ thuốc thì thành công cốc!”. Cái ấm bà mới mua, chưa kịp dùng lấy một lần. Nhưng mà không lẽ… Vậy là, bà Sang lại phải sắc thuốc bằng bếp củi.

Những ngày sau đó, cái ấm của bà bay đi khắp xóm. Ai cũng đưa ra được một lý do đầy thuyết phục để mượn ấm của bà. Càng ngày, bà càng thấy khó chịu bởi “cái thói ngồi lê đôi mách” của người dân quê bà. Bà thấy lối sống “đèn nhà ai nấy rạng” như nơi thằng con bà ở trên thành phố thật dễ chịu, chẳng bao giờ phải lo hàng xóm “nhòm ngó”. Bà Sang bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với những người xung quanh. Suốt ngày loanh quanh ở làng, ra ngõ là gặp những đám đông túm năm tụm ba “soi” nhà này, “móc” người kia, bà đâm ngán ngẩm. Bà quyết định lên thành phố ở với con trai một thời gian cho thoải mái.

Được mấy ngày bà Sang thấy thư thái vì không bị làm phiền. Suốt ngày con trai và con dâu bà phải đi làm, các cháu bà phải đi học. Một mình trong một không gian tĩnh lặng, bà thấy thật dễ chịu. Một tuần trôi qua êm ả. Tuần thứ hai, tuần thứ ba… Bà Sang bắt đầu thấy cuộc sống thành phố không hợp với mình!

Bà Sang bị ngã cầu thang. Ngồi trong phòng suốt buổi sáng, bà thấy bứt rứt chân tay. Bà định xuống phòng khách lau cái bàn giúp con, nào ngờ xảy chân bước hụt. Xương người già vốn như cành củi khô, cả tay và chân phải của bà bị bó bột trắng toát. Con trai và con dâu bà mỗi người chỉ nghỉ chăm sóc mẹ được hai hôm, rồi ai nấy lại tất bật với công việc. Bà Sang đòi về quê. Bà không muốn làm phiền con cháu thêm nữa.

Cái tin bà Sang bị ngã chẳng mấy chốc đã lan đi khắp làng. Bà vừa về đến nhà, người già, người trẻ kéo đến hỏi thăm nườm nượp. Quanh bà luôn đầy ắp những câu hỏi han, những lời động viên. Bà thấy mình như khỏe hẳn ra.

Bây giờ thì bà Sang đã hiểu, sự quan tâm lẫn nhau của người dân quê bà đáng quý nhường nào. Âu đó cũng là một nét văn hoá làng. Bà bỗng thấy mình đã thật không phải với mọi người...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.