Tổng thống Krichner - Chính khách có cá tính khác người

Tổng thống Krichner - Chính khách có cá tính khác người
Krichner là một nhà lãnh đạo khác người nếu không nói là có nhiều điều kỳ quặc. Dân chúng Argentina rất thích cá tính cùng ngoại hình “chim cánh cụt” của ông cho nên dù xảy ra nhiều trục trặc tại Argentina thời gian vừa qua, tỷ lệ ủng hộ ông vẫn rất cao. Dưới đây là một số điều khác người của ông được báo chí tổng kết:

Từ khi nhậm chức Tổng thống, phong cách khác thường của Krichner lập tức đã khiến dân chúng nước này tán thưởng. Mỗi khi xuất hiện trên truyền hình, ông thường tinh nghịch nheo một bên mắt lại. Còn dưới nét bút của các họa sỹ trào phúng thì  ông là một người có mắt cá vàng (mắt lồi) và mũi diều hâu. Buổi lễ nhậm chức hồi 2003 của ông đã làm người dân Argentina thú vị bàn tán mãi. Hôm đó, để được tiếp cận dân chúng, ông đã vượt qua hàng rào cảnh sát bảo vệ để len vào giữa đám đông. Trong lúc hỗn loạn, ông đã bị máy ảnh của cánh phóng viên tương vào vỡ cả đầu, kết quả ông phải tuyên thệ nhậm chức với vòng băng trắng trên đầu. Cuối năm 2003, một cuộc biểu tình của những người thất nghiệp diễn ra trước Cung Hoa Hồng (Phủ Tổng thống), ông Krichner đã ra bắt tay từng người một khiến những người biểu tình chuyển giận dữ thành vui mừng. Trước các nhà báo, ông không bao giờ lẩn tránh, thường trực tiếp đối diện, lợi dụng báo chí để tác động lôi kéo dân chúng ủng hộ chính phủ. Ông còn là vị Tổng thống duy nhất ở nước này trong nhiều năm qua đã tham dự hoạt động Ngày báo chí và còn mời họ vào chiêu đãi trong dinh Tổng thống.

Krichner từng làm Tỉnh trưởng 3 nhiệm kỳ liền tại tỉnh Saint Clus quê ông. Sau khi về thủ đô làm tổng thống, ông và vợ phải vào Cung Hoa Hồng ở nhưng mỗi tuần vẫn đáp máy bay về nhà một lần để đi dạo trên các con đường quê hương. Ông còn rất thích đi về các vùng quê  tham dự các hoạt động, chính vì vậy chiếc chuyên cơ của ông đã 3 lần bị tai nạn nhưng thật may là ông đều thoát hiểm.

Ra uy đánh Bộ trưởng

Do thái độ của Krichner không mấy lịch sự, dáng đi cũng không nhanh nhẹn lắm nên các đối thủ chính trị của ông đã đặt cho ông cái biệt hiệu “Chim cánh cụt” và lấy đó để giễu cợt. Thế nhưng Krichner không những không để ý mà còn lấy đó làm hãnh diện. Năm 2003, trong cuộc bầu cử Tổng thống , đối thủ của ông gọi ông là “Chim cánh cụt”, Krichner liền phát biểu: “Tôi là Chim cánh cụt, nhưng là con Chim cánh cụt trung thực!” Có người hỏi ông bị ví như động vật sao không tức giận, ông đáp: “Có gì đáng giận, trái lại được gọi như thế là niềm vinh hạnh đối với tôi. Tôi là một con Chim cánh cụt muốn thay đổi đất nước của chúng ta.”

Tuy bị gọi là Chim cánh cụt, nhưng Krichner là một con Chim cánh cụt không mấy hiền lành. Ông thường lớn tiếng chửi mắng, thậm chí cho các thành viên nội các của mình ăn đòn. Một lần, trước đám đông ông đã hai lần đấm vào đầu vị Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy sau đó, người phát ngôn của Tổng thống nói đó chỉ là động tác đùa vui nhưng sự giải thích này không làm mọi người tin. Mặc dù thường bị ông lăng mạ song đến nay mới chỉ có một vị Bộ trưởng Tư pháp Gustav Paliz xin từ chức với lý do Tổng thống không tôn trọng ông. Báo chí Argentina viết rất nhiều về việc Krichner không tôn trọng các thành viên nội các. Ông thường phê phán và chế giễu họ ngay trước mặt mọi người. Ông chưa bao giờ họp toàn thể nội các.

Tránh mặt khách đến

Krichner thường bị phê phán mạnh mẽ về mặt ngoại giao. Ông thường đột ngột hủy bỏ các chuyến đi thăm vào phút cuối, tránh tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ Latin, tránh mặt khách nước ngoài đến thăm. Lúc đầu việc ông coi thường lễ nghi ngoại giao và các chính khách nước ngoài được coi là điều mới mẻ, nhưng về sau bị phê phán là tư duy ngoại giao kiểu “Phong cách Krichner”. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề chủ yếu của Krichner là ở chỗ ông  theo chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa cô độc, khuếch đại cảm giác tự bằng lòng, đó là tính cách điển hình của người vùng quê ông. Tháng 12/2004, một nhà lãnh đạo một nước Đông Nam á sang thăm Argentina, Krichner đã lấy cớ “trong người khó ở” để mặc ông này đợi trong phòng ăn, nhưng sau đó ông lại đến văn phòng làm việc đến tận nửa đêm. Các thương gia nước ngoài cũng thường bị ông đối đãi như vậy. Vào tháng 7/2004, bà Tổng giám đốc một hãng máy tính nổi tiếng đến để bàn chuyện làm ăn theo lời mời của ông Krichner, nhưng bà đợi mãi ở phòng khách như đã hẹn mà không thấy ông, thì ra ông trốn khách để ra ngoại ô cắt băng khánh thành một công trình nhỏ. Bà khách đã bỏ vụ làm ăn này và rời Argentina không lời hẹn quay trở lại.

Krichner thường vi phạm các lễ nghi ngoại giao nhưng ông không bao giờ xin lỗi về điều đó. Mới đây khi trả lời phỏng vấn của phóng viên , Krichner đã biện bạch: “Tôi hiến dâng từng phút của mình cho nhân dân Argentina. Sao tôi lại phải đi tiếp khách nước ngoài theo lễ nghi ngoại giao kia chứ?”.

Dùng thân thích, nắm đại quyền

Các nhà bình luận Brazil và Chile gọi đó là những lời lẽ mị dân, nhưng kiểu chính sách ngoại giao này lại được hoan nghênh ở trong nước. Theo kết quả một cuộc điều tra mới đây thì số người không hài lòng với chính sách ngoại giao chỉ chiếm 11% trong khi số không hài lòng khi Krichner lên nhậm chức cao tới 53%. Dưới con mắt người Argentina, việc ông Krichner lạnh nhạt với khách nước ngoài lại là thể hiện hình ảnh độc lập tự chủ, là tỏ cho bên ngoài thấy Argentina không phải là tù binh của Quỹ Tiền tệ quốc tế hay bất cứ trung tâm quyền lực nào khác. Gần đây, do phong cách ngoại giao kỳ quặc đó của Krichner bị phê phán mạnh mẽ trên quốc tế, cộng thêm vụ cháy vũ trường gây thiệt hại nặng nên uy tín của Krichner đã bị giảm sút, song trong con mắt người dân Argentina, Krichner vẫn là nhà lãnh đạo đất nước không ai thay thế được.

Năm nay 54 tuổi, 2 năm trước đây khi lên cầm quyền tỷ lệ ủng hộ Krichner trong dân chúng chỉ chiếm 25% còn bây giờ là 60%. Những thành tựu phi thường của ông đã được dân chúng ca ngợi vì ông đã hạn chế được quyền hành của giới quân sự, mở lại việc xét xử các vụ án nhân quyền, trừng trị tham nhũng, thề sẽ không khống chế toà án tối cao về mặt chính trị.

Krichner chủ yếu dựa vào 4-5 vị cố vấn được ông coi là trung thành là người cùng quê. Chị gái ông, bà Alicia là Bộ trưởng Phúc lợi xã hội và cũng là thành viên Ban chính trị; vợ ông- bà Christina- là một trợ thủ đắc lực, một thượng nghị sỹ rất có ảnh hưởng, được gọi là “Hillary của Argentina”.

MỚI - NÓNG