Một nét vẽ làm thiệt nhiều người, lợi... một người!

Một nét vẽ làm thiệt nhiều người, lợi... một người!
Dự án “kè Hồ Tây” có tổng vốn đầu tư 956 tỷ đồng đang trôi chảy thì bị “chững” lại chỉ vì một nét vẽ.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (gọi tắt là Dự án “Kè Hồ Tây”), có tổng vốn đầu tư 956 tỷ đồng, là một trong 9 cụm công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 4/12/2000.

Dự án này được nhân dân Thủ đô (trong đó có cư dân ven Hồ Tây) đồng tình ủng hộ. Thế nhưng, Dự án đầy tính mỹ thuật này đang trôi chảy thì bị “chững” lại mà nguyên nhân chỉ vì một nét vẽ. Và, hiện tại, hơn hai chục hộ dân cụm 3, thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, đang vô cùng bức xúc, khiếu kiện vì “nét vẽ” này.

Xin bắt đầu từ bản vẽ “xác định chỉ giới đường và kè Hồ Tây” tỷ lệ 1/500 được UBND TP phê duyệt ngày 22/11/1997, thì chỉ giới đường và kè Hồ Tây được xác định theo nguyên tắc: “Tuyến đường được xác định trên cơ sở mép hồ hiện có…, cố gắng hạn chế việc giải phóng mặt bằng như lấn, lấp hồ”.

Và, để thực hiện dự án “Kè Hồ Tây”, UBND quận Tây Hồ cũng đã ra thông báo cho các hộ dân không được vi phạm chỉ giới làm kè và đường, cụ thể chỉ giới do quận Tây Hồ thông báo là cách kè hồ 10,5m và thực tế đã cắm mốc chỉ giới (nay vẫn còn).

Hai nguyên tắc trên và thông báo của UBND quận Tây Hồ đã được 23 hộ dân cụm 3 thôn Vệ Hồ hoàn toàn ủng hộ và chấp hành triệt để. Vậy mà, không hiểu vì sao và do “bàn tay” nào tạo nên “một nét vẽ” khiến cho con đường đang bám sát kè ven Hồ theo đúng nguyên tắc đề ra, khi đến đoạn cụm dân cư số 3 bỗng tách rời khỏi kè ven hồ, xuyên thẳng vào khu dân cư, “nuốt chửng” khoảng 5000m2 của 23 hộ dân đang sinh sống bình an.

“Nét vẽ” ấy còn tiếp tục đe dọa “phăng- teo” luôn những di tích lịch sử đã được xếp hạng như các chùa Tào Sách, Thiên Niên, Vạn Niên với cây muỗm đại thụ hàng trăm tuổi, để rồi sau đó, con đường mới quay ra bám vào kè ven hồ.

Hãy thử phân tích những điều lợi hại, hại cho ai và lợi cho ai bởi “nét vẽ” trên.

Trước hết, phải khẳng định rằng, “nét vẽ” trên là hoàn toàn sai so với nguyên tắc mà UBND thành phố đã phê duyệt. Về mặt kiến trúc, cảnh quan thì “nét vẽ” này tạo nên đoạn đường “lươn lẹo”, gấp khúc, phản cảm. Song, điều có hại nhất, theo tính toán của các hộ dân nơi đây thì, nếu thực hiện theo đúng “nét vẽ” ấy, thành phố sẽ phải bỏ ra vài chục tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, còn 23 hộ dân cũng phải mất một khoản tiền rất lớn mới có thể khả dĩ tái tạo dựng được cơ ngơi và cuộc sống như hiện có và số tiền “thiệt nước, hại dân” này có thể lên tới cả trăm tỷ đồng!

Được hưởng lợi trực tiếp từ “nét vẽ” trên chỉ có nhà ông Nguyễn Văn Bức, Giám đốc Cty tư vấn thiết kế giao thông công chính Hà Nội - đơn vị “trúng thầu” lập Báo cáo tiền khả thi, Báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật của con đường này, bởi con đường chạy qua ngôi nhà ông đang sinh sống từ 1994 đến nay.

Thanh tra thành phố Hà Nội đã kết luận (ngày 4/9/2003) rằng: …“Thời điểm quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ven Hồ Tây được Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, Cty Tư vấn thiết kế giao thông công chính do ông Bức làm giám đốc không liên quan đến công tác quy hoạch. Năm 1997 – 1998, Cty do ông Bức làm giám đốc mới trúng thầu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây trên cơ sở quy hoạch đã được Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Qua xem xét, Cty do ông Bức làm giám đốc không có thẩm quyền liên quan đến xây dựng và trình duyệt quy hoạch. Do vậy, không có việc nắn quy hoạch tuyến đường dạo ven Hồ Tây trước cửa nhà ông Bức…”.

Tuy vậy, 23 hộ dân liên kết chuỗi sự “ngẫu nhiên” đó và kiên quyết kiến nghị.

Được biết, khi nhận được đơn kiến nghị của 23 hộ dân cụm 3 thôn Vệ Hồ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo chúng tôi, muốn giải quyết triệt để khiếu nại của 23 hộ dân, điều kiện tiên quyết là cần phải tổ chức một cuộc khảo sát thực tế với sự tham gia nghiên cứu, xem xét, đánh giá, kết luận của các nhà chuyên môn (kiến trúc, xây dựng, tài chính…) về mức độ thiệt hại và tác dụng (nếu có) của “nét vẽ” trên để rồi từ đó mới có hướng giải quyết đúng đắn nhất.

MỚI - NÓNG