Đô Lương (Nghệ An):

Sống chung cùng... động đất

Sống chung cùng... động đất
Sau 2 trận động đất (cường độ 4,7 – 4,6 độ Richter ngày 7/1 – 12/1), tại vùng Đô Lương liên tiếp xuất hiện những dư chấn. Do không được thông tin đầy đủ, người dân sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang.
Sống chung cùng... động đất ảnh 1
Hộ ông Phạm Xuân Khe bắc lều bạt ở ngoài sân

Đèn bật sáng thâu đêm, cửa chẳng dám khóa, nhiều người ngủ cũng không dám mắc màn. Tại Giang Sơn, một số hộ dân phải dựng lều bạt ngoài sân; đưa giường ra ngủ ở chuồng trâu; cạnh đống rơm…tránh động đất.

Tiếp những đêm dài

Nhịp sống của thị trấn Đô Lương bây giờ, như đã chuyển sang một nốt trầm. Ban ngày, tất bật bon chen. Đêm về, thấp thỏm lo động đất. “Vợ tôi hao mất mấy cân vì không ngủ được tròn giấc!”, anh Nguyễn Hồng Sơn (khối 4) vừa đưa tay rà trên bàn phím tìm địa chỉ trang web xem thông tin động đất vừa kể.

Từ hôm xảy ra động đất tại Đô Lương, gia đình anh “online” thường xuyên, song chẳng thấy gì hơn ngoài những cơn địa chấn báo chí đã nêu. Chị Liên cúi xuống, thoảng buồn: “Vì động đất mà công việc kinh doanh của nhiều hộ ở thị trấn này bị ảnh hưởng. Như mọi năm, độ áp Tết chúng tôi dốc tiền mua hàng thật nhiều. Nhưng bây giờ đâu dám. Cả tuần nay chẳng có đêm nào ngủ ngon giấc, thỉnh thoảng nghe “uỳnh” một cái, tất cả nhổm dậy chạy tán loạn ra đường”.

Anh Sơn dí dỏm: “Trong các ngày 13 đến 18/1, hầu như đêm nào cũng thấy đất rung. Hễ nghe tiếng nổ, không kịp mặc quần dài, cứ quần cộc lao ra đường đứng run cầm cập”. Một số gia đình có xe ô tô, đêm đến đánh xe tới bãi đất trống gần thị trấn và ngủ qua đêm trên xe. Họ ngại về nhà.

Trong chốc lát căn hộ bé nhỏ của vợ chồng Sơn – Liên đã chật ních hàng xóm. Họ vây lấy những vị khách lạ và bắt đầu chất vấn. “Liệu có trận động đất nào lớn hơn nữa xảy ra không ?”. “Tại sao không cơ quan nào đứng ra giải thích cho dân biết ?”. “Chúng tôi phải sống trong tâm trạng này đến bao giờ?”.

Anh Trịnh Đình Thu (K4) phờ phạc: “Thường thì ngày làm mệt đêm về lăn ra ngủ một lèo đến sáng, nay cứ khắc khoải vậy thâu đêm. Mệt lắm rồi. Đa số khi lên giường không dám tắt điện. Mấy hôm lo quá rủ nhau ra ngủ ở ngoài hiên, cũng chẳng dám mắc màn vì nếu mắc màn ngộ nhỡ lúc vùng dậy màn nó quấn vào người thì thôi rồi”. Người lớn thức thay trẻ nhỏ. Vợ thức thay chồng, luân phiên “trực động đất”. Đùng một tiếng là ôm con chạy. “Nổ là chạy – anh Võ Văn Cát nhà cạnh anh Sơn kể – Bao giờ cũng thế, sau tiếng nổ là đất rung lên. Rung chuyển dù nặng dù nhẹ cũng phải chạy”.

Giang Sơn, vùng tâm chấn lo âu

Tôi nhìn đồng hồ. 20h đêm 19/1. Bầu trời âm u, sương bay lạnh giá. Đường về Giang Sơn hun hút qua dốc núi quanh co. Tôi gặp ông Tô Hoài An.

“Tôi nhận tin này từ ông Đồng xóm trưởng. Tôi đến ngay đập nước kiểm tra. PCT xã Giang Sơn, được ông cho biết: Qua 2 trận động đất vừa rồi, một số căn nhà ở Giang Sơn hư hại. Từ đêm 12/1 đến 18/1 đất rung chuyển nhiều lần, có ngày rung 2-3 lần. Hiện tượng động đất vừa qua làm nông dân rất hoang mang. Đặc biệt, càng hoang mang hơn khi có tin Giang Sơn là tâm chấn”.

Nhiều hộ bị rạn nứt nhà cửa, sợ động đất tái diễn nên chuyển ra ràn trâu, dựng bạt ngủ ngoài sân, ngủ cạnh đống rơm. Tại xóm Bắc Lam, nhà chị Lê Thị Liên bị ảnh hưởng sau 2 vụ địa chấn. Chồng chị Liên mất cách đây hơn 1 năm. Mẹ goá con côi, họ không dám ngủ trong nhà mà đưa giường ra đặt trong chuồng trâu. Một chiếc giường nghèo nàn, một chiếc màn buông hờ, và tấm chăn mỏng dính khó sưởi ấm mùa đông.

Tại xóm Đông Sơn, nhà dọc nhà ngang của gia đình ông Phạm Xuân Khe nứt nẻ tùm lum. “Ngay sau trận động đất đầu tiên chúng tôi đã phải dựng lều bạt ở ngoài cổng, sau chuyển vào sân. Sống dưới căn nhà hư hại ấy sợ lắm”, ông Khe buồn bã: “Thế bác định ở vậy bao lâu ?”. “Mặt đất còn rung rinh, thì còn phải ở lều”. Hộ ông Khe có 7 nhân khẩu. Cậu con trai cả tên Tuấn vừa cưới vợ, tổng cộng 8 người. Tám người túm tụm trong chiếc lều bạt nhỏ bé giữa sân. “Đêm đến, em kê thêm hai tấm giát giường nữa mới đủ chỗ nằm !”, Tuấn nói.

Xóm Phố Xỉ Giang Sơn. Anh Lợi, chủ một quán ăn đang dọn dẹp chồng bát đĩa. “Cái rạp ni bác mới bắc lên à?”, tôi hỏi. “Vâng. Mới. Vừa để che mưa vừa làm chỗ ngủ đêm hôm. Mấy bữa nay nhà tôi kéo nhau ra nằm ngoài sân, sợ động đất”. Vào thăm nhà ông Lê Thanh Sơn – Phó bí thư Đảng uỷ xã. Bà Châu (vợ ông Sơn) hỏi tới tấp: “Có thấy chi không, đêm 19/1 mặt đất lại rung nhẹ đấy. Thằng con trai đang học trên gác xép thấy đất rung cũng lao xuống”.

Em Lê Thanh Hùng nói: “Cháu nghe tiếng nổ nhỏ. Đất rung vài giây, nhẹ hơn hôm trước”. Bà Châu tiếp chuyện: “Giáp ranh xóm Bắc Lam- Bắc Long, bữa động đất 4,7 độ Richter có hòn đá to đùng trên núi lăn xuống. May không nhằm vào nhà dân. Mấy hôm rồi, hầu như đêm nào cũng thấy đất rung, cường độ nhẹ hơn”. “Dư chấn đấy bác ạ, không nguy hiểm đâu!”, bạn tôi nói. Bà Hoàng Thị Châu tròn xoe mắt: “Dư chấn là cái chi chi?”. Phó bí thư Lê Thanh Sơn đề nghị: “Cơ quan chức năng nên có văn bản giải thích cho dân hiểu rõ tình hình, yên tâm sinh hoạt, yên tâm sản xuất”.

Trước khi về Đô Lương, tôi gặp anh Nguyễn Minh Hạnh (Phó CT huyện ĐL) tại trạm quan sát động đất tại Vinh. Đích thân PCT Đô Lương cùng PV đài TH huyện chẳng quản đường xa xuống lấy ý kiến của Trạm, về phát trên truyền hình “trấn an” quần chúng, giải toả tâm lý lo lắng hoang mang về động đất. Chương trình đã phát vào đêm 19/1, nhưng một người dân Giang Sơn lại nói: “Vùng tâm chấn không bắt được tín hiệu của đài huyện!”… 

MỚI - NÓNG