“Đầu voi, đuôi chuột” - Vì sao?

“Đầu voi, đuôi chuột” - Vì sao?
Dự án (DA) đầu tư và xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) giai đoạn 2003-2015, với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng, trên diện tích hơn 1.000 héc-ta, đã khởi động được hơn một năm nhưng đến nay tất cả các hạng mục đều tiến triển quá chậm so với dự kiến...

Dự án  xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội:

“Đầu voi, đuôi chuột” - Vì sao?

DA “đầu voi”, thi công “đuôi chuột”

Trong tổng diện tích hơn 1.000 ha của DA, phần đất do Nông trường quốc doanh 1A (trên địa bàn huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) quản lý chiếm hầu hết; một số ít (26,56 ha) thuộc huyện Lương Sơn (Hoà Bình); phần còn lại (khoảng 100 ha) thuộc Bộ Quốc phòng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 13 DA thành phần: Giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC); Hệ thống kỹ thuật hạ tầng; Khu trung tâm; ĐH Công nghệ; Trung tâm Thể dục thể thao và Giáo dục quốc phòng (TDTT&GDQP); Khoa Kinh tế; Khoa Luật; Khu công vụ; ĐH Khoa học tự nhiên; ĐH Sư phạm; ĐH Khoa học xã hội & nhân văn; ĐH Ngoại ngữ; Ký túc xá SV. Dự kiến sẽ có khoảng 41.000 SV rời Hà Nội lên đây.

DA chia làm hai giai đoạn: 2003-2007 và 2008-2015. Giai đoạn I, CP yêu cầu phải chuyển được Trường ĐH KHTN; Trường ĐH Công nghệ; Khu KTX đảm bảo cho 40% SV (khoảng 16.000) có chỗ ăn ở. Thế nhưng, theo Ban quản lý (BQL) DA, các hạng mục này đều rất khó hoàn thành đúng tiến độ.

Ngày 20/12/2003, lễ khởi công xây dựng Khu công vụ, đồng thời khởi công xây dựng DA ĐHQG HN, được tiến hành một lần nữa khẳng định quyết tâm của CP trong đầu tư cho giáo dục bậc cao, tiến tới tự đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật có trình độ tương đương khu vực.

Nhưng từ đó đến nay, mới chỉ có Khu công vụ đang gấp rút thi công. DA GPMB&TĐC có vai trò quan trọng bậc nhất nhưng đến nay chưa triển khai được. Một số DA đang thuê hoặc tìm thuê tư vấn để lập báo cáo kế hoạch chi tiết, như: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Khu trung tâm; Trung tâm TDTT&GDQP; ĐH Công nghệ. 

Vì sao chậm?

DA thành phần GPMB&TĐC, theo quy định của Nhà nước, được giao cho UBND huyện Thạch Thất thực hiện. Theo Dự thảo áp giá đền bù của huyện (dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành) thì số tiền đền bù GPMB khoảng 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, số tiền này vẫn chưa giải ngân được, ngoài khoản tạm ứng hơn 1 tỷ đồng cho 5 hộ dân để xây dựng nhà công cụ. Mặt bằng không được bàn giao, diện tích quá lớn, thời gian lại kéo dài, vô hình trung đã và đang tạo cơ hội cho những người cố ý làm trái pháp luật.

Tình trạng mua bán đất trái phép, trồng cây mới, thay đổi hiện trạng đất vẫn diễn ra thường xuyên (có hộ trồng cây thêm gấp 18 lần số cây thực tế), cản trở việc kiểm đếm và GPMB.

Một số cán bộ lãnh đạo và đảng viên tại Nông trường 1A cũng “tích cực” trồng cây mới để chờ hái “những chùm khế ngọt” từ DA, nhưng chưa bị xử lý đúng mức.

Từ vài tháng nay, nhiều hộ gia đình đã mua hàng nghìn cây, chủ yếu là những cây có giá trị đền bù cao (nhãn, vải, na...), trồng thêm trên mảnh đất của mình tại khu vực DA để “đục nước béo cò”; nhiều hộ khác thuê người bứng cây từ những lô đất đã kiểm đếm trồng sang những lô chưa kiểm đếm.

Hàng chục biên bản vi phạm pháp luật trong khu đất DA đã được lập, nhưng mới chỉ xử phạt hành chính một vụ, yêu cầu tháo dỡ công trình trái phép. Hiện, việc kiểm đếm mới chỉ thực hiện được khoảng 250 ha. Hơn 3.000 cọc bê tông làm rào chắn quanh khu quy hoạch chưa kịp thanh quyết toán đã bị đập phá, gây thiệt hại không nhỏ...

Ông Phan Lạc Dưỡng – Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc Nông trường 1A thừa nhận, việc thực hiện các biện pháp GPMB trong thời gian qua tại Nông trường không có hiệu quả.

Theo ông Dưỡng, khi toàn bộ diện tích Nông trường (khoảng 1.200 ha) bị thu hồi, Nông trường giải thể, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hơn 600 CBCNV. Hơn nữa, CBCNV Nông trường mất niềm tin vào Hội đồng đền bù giải toả (của huyện Thạch Thất) vì khung giá chưa hợp lý, việc quản lý kiểm đếm không chặt chẽ...

Còn ông Vũ Đức Hảo – Giám đốc Nông trường thì cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác GPMB gặp nhiều trục trặc là do hồ sơ đất đai Nông trường rất phức tạp, chưa đúng quy định của pháp luật. Hiện chỉ có 10 hộ có giấy tờ đất tương đối hoàn chỉnh, có thể thực hiện đền bù ngay. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, PV Tiền phong đã phát hiện nhiều giấy tờ đất đai do ông Hảo ký không đúng thẩm quyền hoặc sai thủ tục.

Thêm nữa, việc xử lý các hiện tượng vi phạm pháp luật về đất đai hầu như không được tiến hành. Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương các cấp và ĐHQG HN là đơn vị quản lý DA.

Con mắt dân thường cũng thấy, dọc đường - 21 (đoạn ngang qua DA này), hàng chục ha đất công đã và đang bị chiếm dụng, mua bán trái phép; trong số người hăng hái tham gia việc đó, có không ít quan chức ở Hà Tây, Hà Nội và nhiều cơ quan Trung ương, dưới danh nghĩa thực hiện các DA “lâm sinh xã hội”, “liên doanh”, “liên kết”...

Lẽ nào, các cấp chính quyền ở các địa phương trên lại “vô cảm” và đứng ngoài cuộc?!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.