Thêm một ông “vua” diệt chuột đất Bắc

Thêm một ông “vua” diệt chuột đất Bắc
Là một nông dân, nhưng cách diệt chuột độc đáo và hiệu quả của ông lại có một không hai. Người ta đều gọi ông là “vua”, là “giáo sư”, là chuyên gia diệt chuột bởi mỗi ngày ông có thể bắt được hàng tạ chuột.

Ông đã được mời đi khắp các tỉnh miền Bắc để bắt chuột và viết cả cuốn giáo trình dày hàng trăm trang dạy cho mọi người cách diệt chúng. Ông là Trần Quang Thiều ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Từ mối thâm thù với lũ chuột

Năm 1998, là đội trưởng đội sản xuất của thôn Bình Vọng, nông dân Trần Quang Thiều đã mạnh dạn đưa giống lúa có năng suất cao vào trồng thì cũng là lúc nạn chuột hoành hành dữ dội. Chúng phá phách cây trồng ngoài đồng và các thứ trong nhà.

Ước tính hàng năm lũ chuột đã phá hại trên 10% sản lượng lúa và hoa màu của dân làng. Nhiều người phải để ruộng hoang vì chuột phá dữ quá. Không phải họ bỏ mặc cho chuột hoành hành, bởi họ đã dùng mọi biện pháp diệt chuột như: Đặt bả, đánh bẫy, đào hang, nuôi mèo... vậy mà hiệu quả đạt được không đáng là bao. 

Vừa xót của, vừa “cay” nên ông đã quyết tìm cách để trị bằng được lũ chuột ranh mãnh kia. Từ những cái bẫy thông thường, ông Thiều đã cải tiến để tạo ra cái bẫy bán nguyệt mới, đánh không cần mồi. Rồi đi sâu vào nghiên cứu, tìm tòi để đánh cho thật chuẩn.

Khắc phục những điểm yếu của chiếc bẫy diệt chuột bán nguyệt, chiếc bẫy do ông cải tiến không cần dùng mồi, lò xo khoẻ hơn, cần đối trọng (nơi đặt mồi nhử) cũng dài hơn. Vì vậy mà bẫy rất nhạy,  dễ sập. Có được bẫy mới, ông Thiều lại thức trắng nhiều đêm, theo dõi đàn chuột đi kiếm ăn nhằm tìm ra quy luật hoạt động của chúng.

“Phải mất rất nhiều đêm nằm ngoài ruộng lúa, tôi mới tìm ra được quy luật hoạt động của chúng. Lũ chuột thường hoạt động vào chập tối, đặc biệt chúng phá mạnh từ 3 giờ sáng trở đi. Qua xác định vết đi, cho thấy chúng đi kiếm ăn và về thường theo một đường.

 Biết được quy luật đó mới có cách đặt bẫy hiệu quả”- ông Thiều kể lại. Tất cả những gì quan sát được, ông đều ghi chép lại một cách tỉ mỉ, sau này nó được ông tổng kết lại và viết thành sách.

Việc tìm ra quy luật hoạt động của lũ chuột và những cải tiến về bẫy chuột của ông đã mang lại hiệu quả đến không ngờ. Sau khi đưa bẫy ra thực nghiệm trên những thửa ruộng của nhà mình và của dân trong làng, kết quả cho thấy tỷ lệ chuột bị dính bẫy rất cao.

Hơn hẳn với loại bẫy chuột bán nguyệt truyền thống. Nếu như loại bẫy cũ hiệu suất diệt chuột chỉ đạt 20-30%, một buổi chiều một người chỉ có thể đặt được 30-50 cái bẫy, thì chiếc bẫy mới do ông cải tiến có hiệu suất diệt chuột đạt trên 70 % và trong một buổi chiều một người có thể đặt được 100-150 chiếc.

Nhờ phương pháp diệt chuột mới của ông Thiều mà năm ấy năng suất lúa và hoa màu của thôn Bình Vọng tăng lên gấp rưỡi. Từ chỗ bỏ ruộng, bỏ đồng, nhiều người mạnh dạn đưa giống lúa có năng suất cao và trồng ngô vụ đông, một điều tưởng như không thể ở mảnh đất có nhiều chuột phá hoại này. Và cũng từ đấy ông Thiều trở thành “tay săn” chuột chuyên nghiệp lúc nào không biết.

Thành ông “vua” diệt chuột

“Tôi đã làm nhiều nghề nhưng rút cuộc cuối cùng chính cái nghề diệt chuột này lại nuôi mình. Căm ghét, thâm thù với nó nhưng giờ nó lại là nguồn thu nhập chính…”- ông Thiều vừa cười, vừa nói với chúng tôi. Trong gia đình vợ con đều được ông “truyền” lại cho nghề diệt chuột bằng phương pháp đơn giản và hiệu quả này.

Hiện cậu con trai thứ 5 của ông là Trần Quang Thụ được nhà máy sữa Hà Nội ký hợp đồng thuê diệt chuột với mức lương 2 triệu đồng/tháng, còn cậu con trai thứ 6 đang học lớp 12 là Trần Quang Nghìn, ngoài những buổi đi học, cậu thường theo bố mình đi diệt chuột khắp nơi.

Thường thì người ta chỉ mời ông tới, khi đã hoàn toàn “bất lực” với lũ chuột “quái ác” này. Họ cũng đặt bẫy thế mà không bắt được nhiều chuột như cha con ông Thiều. Mỗi lần “vua” ra tay, chuột lại sập bẫy liên tục, đạt từ 70-90% số chuột hiện có ở khu vực đánh.

Một bẫy cùng lúc có thể diệt được hai con liền. Chỉ riêng thời gian ngắn ở xã Hương Mạc (Từ Sơn-Bắc Ninh), ông đã diệt được 100 nghìn con chuột. Nhiều lần đến các tỉnh để diệt chuột, khi mọi người trong đội của ông mang chuột về, đổ thành đống lớn, nhiều người đã không tin. Họ chỉ nhìn bằng con mắt nghi ngờ “không biết đám người này có đi lừa đảo không nữa…”. Có người thì dùng bẫy của ông để về đánh thử xem sao. Nhưng không ăn thua gì.

Trong mỗi lần đi diệt chuột ở các địa phương như thế, ông vừa là chuyên gia vừa là thầy giáo trong việc hướng dẫn cho mọi người cách diệt chuột. Đầu tiên ông lập ra các đội diệt chuột, diệt xong chuột rồi ông mới truyền dạy lại cho chính người dân địa phương đó. Ông cho tôi xem cuốn sách hàng nghìn trang do tay mình viết.

Đây chính là “giáo trình” dạy diệt chuột của ông cho mọi người. Nội dung chính của cuốn sách được tóm tắt trong công thức tám- sáu. Tám tức là tám cách quan sát quy luật hoạt động của chuột như dựa vào dấu chân, đường chạy, cửa hang… còn sáu chính là sáu cách đặt bẫy tài tình: đặt trên đường mòn, trên dây phơi, trên mặt nước, trên ruộng khô… Mỗi địa hình đều có một cách đặt bẫy khác nhau.

Cho đến giờ ông không thể nhớ nổi mình đã diệt được bao nhiêu con chuột, chỉ biết hầu hết các tỉnh ở đồng bằng trung du đã mời ông về diệt chuột cho họ. Ông đã tổ chức ra hàng trăm đội diệt chuột và dạy cho hàng ngàn người biết cách diệt chuột đơn giản mà hiệu quả của mình.

Và giờ ông lấy nó làm kế “sinh nhai” bằng những hợp đồng với rất nhiều nhà máy, công ty và các tỉnh như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định…có giá trị hàng chục triệu đồng. Mới đây tại cuộc hội thảo về diệt chuột quốc tế do cục Bảo vệ thực vật tổ chức, ông đã được trình bày báo cáo về phương pháp diệt chuột đơn giản và hiệu quả của mình.

Sau cuộc Hội thảo đó nhiều chuyên gia và  khách nước ngoài trong lĩnh vực bảo vệ thực vật đã về tận nhà ông để tìm hiểu cách diệt chuột “kỳ lạ”. Ông được sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, chi Cục bảo vệ thực vật của tỉnh mời tới phổ biến kinh nghiệm diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt cho bà  nông dân ở các địa phương.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".