Hoa xuân thời... giải tỏa

Hoa xuân thời... giải tỏa
Mấy ngày trời, tôi lang thang khắp thành phố Đà Nẵng chỉ với một thắc mắc: Hoa xuân Đà thành thời... giải toả - còn hay mất ? Thật không ngờ, giữa bao bộn bề giải toả - tái định cư, hoa vẫn ngát hương ở những chỗ tưởng chừng không thể. Có một làng hoa duy nhất sót lại, nhưng số phận của nó cũng đã được định đoạt. “án tử” đã tuyên, “làng hoa di động” Hoà Cường bị “trảm” chỉ còn là vấn đề thời gian...

Đất để trồng hoa,  điều này có vẻ như là nghịch lý trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” hôm nay. Nhưng nhiều hộ dân ở Bình An 2 (Hoà Cường) vẫn có sáng kiến riêng cho mình, cái mà người ta gọi là “vườn đô thị”. Nhà ông Nguyễn Đình có 2 tầng thì riêng tầng 2 và sân thượng đã dành hẳn cho hoa. Nhìn vào, hẳn ai cũng thấy trồng như thế chẳng phải là thú chơi hoa mà đích thị là kinh doanh.

Ông Đình giải thích: “Từ khi không còn đất để mà cắm một cây cúc cho ra trò, tôi quyết định trồng ngay trên nhà mình, lúc đầu cũng cảm thấy hơi kỳ, nhưng giờ đây, tính ra chỉ riêng với tầng 2 và sân thượng, tết này tôi cũng thu về dăm triệu. Số tiền đó thân già này đâu dễ kiếm được...”. Kiểu trồng cúc kỳ lạ và độc đáo như thế lúc đầu chỉ có nhà ông Đình khởi xướng, còn bây giờ ở Bình An 2, nhà nào là nhà tầng đều tận dụng ban công, tầng thượng... để trồng cúc.

Ba chữ “vườn đô thị” lúc đầu để dành cho những người có thú chơi hoa, cây cảnh trong thời “đất chật... nhà cao” nay trở thành một cách thức làm ăn mới, lạ lùng mà không kém phần hiệu quả.

Trồng hoa trên ... nóc nhà để bán, có vẻ lạ, nhưng ở Bình An 2 còn có nhiều kiểu “tận dụng” không gian độc đáo hơn. Góc sân, ống nước, nắp cống .v.v, và nói chung, chỉ cần một khoảng trống nho nhỏ nào đó để có thể cắm một bông cúc là ngay lập tức được tận dụng triệt để.

Anh Trần Văn Sơn (tổ 73 Hoà Cường) còn có kiểu trồng cúc “độc nhất vô nhị”, đó là trồng theo thế “hoa cõng hoa”. Anh Sơn tự hào: “Tôi nghĩ ra cách trồng cúc tầng như thế, bây giờ nhiều người làm theo lắm, nhưng trồng 3 tầng thì chỉ có tôi làm được...”. Hoa xuân thời ... giải toả quả là muôn màu muôn vẻ !    

Tết cuối cùng ở “làng hoa di dộng”

Có một sự phân chia rõ ràng của các gian hàng hoa trong Hội hoa Xuân Đà Nẵng từ xưa đến nay. Mai, bông trang, lay ơn... là thứ dường như độc quyền của Tuy Hoà, Bình Định; hoa hồng, quất chỉ dành cho phố cổ Hội An; đào ở các tỉnh phía Bắc ... Riêng thành phố Đà Nẵng: cúc, thược dược thực sự là vua, với làng hoa Hoà Cường.

Chị Huỳnh Thị Xuân – người đang giữ “kỷ lục” về thâm niên trồng hoa ở làng hoa Hoà Cường (tổ 73,  phường Hoà Cường, quận Hải Châu) tỏ vẻ chán nản: “Năm này coi như mất mùa hoa cúc thật rồi, nhà cửa, đường sá xây dựng kìn kìn, đất đâu nữa mà trồng hoa. Vẫn biết rằng giải toả là điều không thể tránh khỏi, trên 50 hộ dân ở tổ 73 chuyên trồng hoa  tết bọn tôi chỉ còn nước chuyển nghề. Hy vọng tết này thu lại vốn...”.

Quả đúng, chỉ mới năm ngoái đây thôi, khi đi qua vùng này chúng tôi còn thấy bạt ngàn hoa cúc. Ngoài đất ở đây, gia đình chị Xuân cũng như nhiều hộ dân khác còn thuê đất ở xã Hoà Tiến để trồng cúc nhưng đó chỉ là “kế sách” tạm thời. Chị Xuân than phiền: “Riêng chi phí cho đi lại, thuê đất... cũng nuốt gọn phân nửa lời lãi của tụi tui rồi”.

Khu đất trống cuối cùng để cho làng hoa tồn tại chỉ còn trên dưới 2ha, nằm trên phần giải toả của tuyến đường Trường Sa. Trên ngổn ngang đất đá, xi măng, vôi vữa ..., người dân vẫn nảy ra sáng kiến “trồng hoa di động”. Anh Huỳnh Thành vui vẻ: “Chúng tôi phải trồng cúc ngay trong chậu như thế này để khi có “lệnh” là phải thuê xích lô đi ngay. Vả lại đến ngày mang hoa ra chợ bán cũng dễ hơn nhiều”.

Anh Thành là trưởng nam trong gia tộc họ Huỳnh ở Bình An 2. Họ Huỳnh đã có thâm niên trồng hoa ở làng hoa này từ những năm đầu thập kỷ 90. Chị Xuân kể: “Xuất xứ làng hoa Hoà Cường cũng kỳ lạ lắm, nguyên do là anh B. (xin giấu tên) người Cần Thơ vì tội vượt biên mà phải đi tù. Trong nhà giam, anh lân la làm quen và được một bạn tù lớn tuổi truyền nghề trồng cúc. Khi ra tù, anh ra tận Đà Nẵng lập nghiệp, hồi đó đất rộng bao la, cả làng cùng trồng hoa không hết. Bây giờ mới tiếc”.

Chị Tôn Nữ Ái Linh – vợ anh Thành, một tiểu thư thôn Vĩ mộng mơ xứ Huế cũng vì mê hoa mà về làm dâu họ Huỳnh. Chị Xuân cười: “Bà chị dâu của tôi hồi mới về phải học cách trồng, chăm sóc cúc, thược dược hơn một tháng mới quen nghề”. Bây giờ, nhìn bàn tay cầm kéo tỉa bông thoăn thoắt của chị Linh, tôi hiểu, chị đã trở thành người đích thực của họ Huỳnh rồi. Chỉ tiếc, đây có lẽ là mùa xuân cuối cùng đôi tay ấy được chăm sóc hoa... 

Anh Thành tỏ vẻ tiếc nuối: “Trồng cúc, thược dược cũng phải có nghệ thuật chứ chẳng phải chơi. Để vườn hoa được như bây giờ phải mất bao nhiêu công sức chăm bón, nhưng chỉ cần ông trời trái tính một chút là tất cả công lao như muối bỏ biển. Đợt tháng 9 nhiều vườn cúc của làng hoa này bị sâu vẽ bùa tấn công. May mà phun thuốc kịp chứ không tết này chỉ còn nước cả nhà khoá miệng. Vùng đất này bị giải toả rồi, mai mốt họ sẽ xây dựng nhà cửa ở đây. Còn chúng tôi, chẳng biết phải làm gì mà sống. Cố gắng bám trụ đến tết không biết có được không”. 

Thoáng chốc, đã thấy đôi mắt người trưởng tộc họ Huỳnh trở nên xa xăm. Anh đang lo lắng cho những ngày sắp tới, khi làng hoa thực sự bị xoá sổ, không biết anh làm gì để sống. Mà thật ra, người lo lắng không chỉ có mình anh. Hương xuân khe khẽ của ngút ngàn cúc vàng đã thoang thoảng đâu đây, nhưng sao tôi vẫn thấy sống mũi cay cay... 

MỚI - NÓNG