<FONT size=2>Ông Nguyễn Đình Cung-Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:</FONT>

Tăng trưởng kinh tế ở hai đầu đất nước: Vì sao Bắc “ì” hơn Nam?

Tăng trưởng kinh tế ở hai đầu đất nước: Vì sao Bắc “ì” hơn Nam?
Lâu nay, các tỉnh phía Nam được coi là vùng kinh tế năng động và hiệu quả, phần lớn những chính sách kinh tế mới đều xuất phát từ đầu cầu này. Vì sao phát triển kinh tế ở các tỉnh phía Bắc lại ì hơn phía Nam?

Lần đầu tiên nhóm các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam, do Giáo sư David Dapice-chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình Việt Nam - chủ trì,  đã lý giải cặn kẽ vấn đề này…

Theo các chuyên gia, sự khác biệt dễ nhận diện nhất là…đất đai. Khả năng tiếp cận các nguồn lực cơ bản như đất đai, tín dụng và cơ sở hạ tầng, có ảnh hưởng lớn tới quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp. Các tỉnh phía Bắc có xu hướng hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, khiến giá đất ở đó cao hơn hẳn một số các tỉnh khác ở phía Nam và nằm ngoài khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhiều khi phải sử dụng đất ở vào mục đích kinh doanh, với chi phí còn cao hơn nhiều. Giá đất tại một khu đô thị mới ở tỉnh Bắc Ninh, nằm cách Hà Nội 30km với hệ thống giao thông tốt, lên tới 2000 USD/m2, trong khi giá đất thổ cư tại Đồng Nai cách thành phố Hồ Chí Minh chưa tới 50km chỉ là 10USD/m2. Trong khi thu nhập trung bình đầu người ở Đồng Nai còn cao hơn cả Bắc Ninh. Sự khác biệt lớn này phần nào giải thích tại sao khu vực doanh nghiệp tại Bắc Ninh lại kém phát triển hơn so với Đồng Nai.

Bình thường, thật khó lý giải vì sao một tỉnh có địa thế tốt như Quảng Ninh trong những năm qua lại tạo ra ít việc làm hơn Long An-một tỉnh nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Nếu một tỉnh không tạo ra được nhiều việc làm hấp dẫn, người dân sẽ bỏ đi, một thực tế được ghi nhận là tỷ lệ tăng dân số các tỉnh phía Nam cao hơn phía Bắc, vì dân di cư chứ không phải tỷ lệ sinh và tử. Giáo sư David Dapice khẳng định “Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho thấy những người có khả năng ra đi thường là thanh niên, nhất là những người có trình độ”. Nhiều cán bộ chính quyền ở các tỉnh phía Bắc, không hẳn là lãnh đạo tỉnh, thường tỏ ra yên tâm hơn với các doanh nghiệp quan hệ với Nhà nước. Cái giá phải trả là một môi trường kinh doanh kém năng động và ít cạnh tranh hơn. Kết quả trực tiếp thể hiện ở những thống kê cho thấy các tỉnh phía Bắc đang có mức đầu tư nước ngoài thấp, kim ngạch xuất khẩu thấp và tăng trưởng việc làm cũng thấp hơn.

Một lý do đáng lo lắng là những vùng tụt hậu thường có thiên hướng trì hoãn cải cách kinh tế, còn những khu vực thành công lại hoan nghênh cải cách. Nếu như chỉ khu vực phía Nam thành công, thì sẽ khó khăn trong việc tạo lập một sự nhất trí cao trong cả nước về việc nhanh chóng gia nhập WTO, thực hiện cải cách hành chính, cải cách tài chính và các vấn đề quan trọng khác.

Làm gì để tránh tụt hậu?

Chi phí cao ở các thành phố lớn sẽ đẩy các doanh nghiệp ra các vùng phụ cận nơi có chi phí thấp hơn. Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có GDP tăng trưởng nhanh, nhưng sản lượng công nghiệp lại tăng ở mức khá khiêm tốn. Lý do là sự mở rộng công nghiệp tại miền đông Nam của đất nước diễn ra đặc biệt nhanh tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, do cơ sở công nghiệp đã di dời khỏi thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm vừa qua, sản lượng công nghiệp và việc làm của Bình Dương và Đồng Nai kết hợp thì vượt quá tổng sản lượng công nghiệp và việc làm của Hà Nội và Hải Phòng cộng lại.

Hiện nhiều tỉnh phía Bắc đang cạnh tranh thu hút đầu tư bằng việc đưa ra hàng loạt những chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, ông Lê Việt Dũng, Phó GĐ Sở KH-ĐT Bình Dương cho rằng ưu đãi đầu tư chỉ có vai trò như đồ trang điểm của một cô gái, do vậy không có tính bền vững. Điều quan trọng là tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng và thuận lợi.Có thể có người e ngại rằng Bình Dương thu hút đầu tư bằng cách cấp các chế độ ưu đãi đầu tư hơn các tỉnh khác. Thực ra không phải như vậy. Tỉnh Bình Dương không có bất kỳ ưu đãi đầu tư nào khác ngoài các chính sách chung của Nhà nước, Sở KH-ĐT tỉnh chỉ làm công việc biên soạn, tóm tắt các chính sách này một cách rõ ràng và in ấn, phát hành phổ biến cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh Bình Dương đã quy định rõ trách nhiệm của các sở liên quan đến đầu tư, in thành tập văn bản pháp quy của địa phương và phát hành rộng rãi, công khai, giúp các nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để dự đoán khả năng.

Các chuyên gia cho rằng để thay đổi vị trí hiện tại của các tỉnh phía Bắc không phải quá khó giải quyết các vấn đề về đất đai, cơ chế và các dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn toàn nằm trong tầm tay của cả chính quyền và doanh nghiệp. Xét trên hiệu quả thuyết phục, sự thành công của các tỉnh như Bình Dương và Đồng Nai-các tỉnh có khả năng đứng trong nhóm dẫn đầu xếp hạng tính cạnh tranh của một số tỉnh, thành phố công nghiệp trên cả nước. 

Ông Nguyễn Đình Cung-Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:

Cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, chứ không phải đi xin

Phía Bắc đã và đang làm theo cách áp đặt từ trên xuống, áp đặt hành chính, và như vậy là không đúng với mong muốn của nhà đầu tư. Các tỉnh phía Bắc thường tư duy theo kiểu đi “xin” Trung ương, kêu gọi các Tổng công ty về đầu tư trên địa bàn mình, đó là cách làm ngắn hạn, đáng lẽ phải suy nghĩ trở lại là tự mình tạo nên một môi trường hấp dẫn để các nhà đầu tư tự tìm đến. Vì tận dụng bảo hộ nên kinh tế các tỉnh này không có định hướng xuất khẩu.

Với các tỉnh phía Nam thì hoàn toàn ngược lại, chính quyền ở đây tạo ra môi trường và để cho các nhà đầu tư lựa chọn. Họ dựa trên lợi thế cạnh tranh, và giúp các nhà đầu tư phát triển dựa trên lợi thế đó. Thời gian gần đây các tỉnh phía Bắc cũng có những hiện tượng mới như hiện tượng Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh..., nhưng vẫn thấy một cái gì đó chưa thoát ra hẳn ảnh hưởng của tư duy cũ.

Đơn cử là 1 tấn than ở Quảng Ninh có giá 40 USD, chưa bằng tiền phòng một đêm của du khách nước ngoài, đáng lẽ nên hạn chế khai thác than để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, và nên phát triển thế mạnh du lịch thì ở Quảng Ninh phần lớn các doanh nghiệp lớn trên địa bàn vẫn là các doanh nghiệp có liên hệ với Nhà nước, trừ khu vực du lịch. Theo tôi, bí quyết thành công của Bình Dương và Đồng Nai là chính quyền ở đây thân thiện hơn với các doanh nghiệp, cách làm của họ không phải để cho chính quyền địa phương chỉ là một tổ chức cai trị mà là người bạn đồng hành với các doanh nghiệp, như vậy họ sẽ thay đổi được hàng loạt vấn đề, từ tư duy quan niệm cho đến cách thức tổ chức thực hiện chính sách...Từ đó tạo nên niềm tin cho các doanh nghiệp.

Một vấn đề chỉ mới dừng lại ở mức cảm nhận của tôi là dường như một số lãnh đạo các tỉnh phía Nam... làm ăn “quyết liệt” hơn. Chính báo chí thời gian vừa qua đã đề cập đến “hiện tượng” ông Phương ở Bình Dương, ông Nhị ở An Giang, ông Bá Thanh ở Đà Nẵng...Trong khi chưa thấy có lãnh đạo nào ở phía Bắc được nhắc đến... nhiều như vậy!? 

MỚI - NÓNG