Nhóm kiến trúc sư trẻ và dự án phố cổ

Nhóm kiến trúc sư trẻ và dự án phố cổ
Nhóm 6 KTS rất trẻ người Huế - đã gây được ấn tượng mạnh với dự án Gia Hội phố tại cuộc thi Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng ASHUI 2004 được phát động vào ngày 17/8/2004 do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) phát động.
Nhóm kiến trúc sư trẻ và dự án phố cổ ảnh 1
GĐ Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế - Nguyễn Việt Tiến (đứng đầu bên trái) và 4 thành viên trong nhóm

Phát động từ tháng 8, nhưng đến tháng 10, tình cờ 6 KTS trẻ này (gồm Nguyễn Công Minh – Trưởng nhóm; Ngô Hải Bình; Hoàng Hải Minh; Nguyễn Xuân Thuỵ Ngữ, Ngô Hải Tân; Đặng Hoàng Linh) mới được biết cuộc thi này.

Họ quyết định tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để tham gia cuộc chơi này với dự án Gia Hội phố. Dự  án của họ liên quan đến 3/5 chủ đề của BTC đưa ra, đó là: khu phố cổ, khu nhà ổ chuột, cuộc sống ven sông. Điểm nhấn của dự án là phố cổ, một thế mạnh của Huế. Sòng phẳng mà nói, cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về Gia Hội phố nhưng chỉ mới ở giác độ nghiên cứu về tiềm năng văn hoá của Huế, tác giả là các nhà khoa học xã hội và nhân văn cao niên.

6 chàng trai trẻ thuộc thế hệ sau 1975 này thì không chỉ quan tâm đến việc bảo tồn, hoàn nguyên mặt tiền phố cổ, làm sao cho phố cổ ổn định lâu dài và đưa phố cổ trở về với thời phố thị hưng thịnh. Tiêu chí của họ đưa ra còn là: Nâng cao đời sống cho các hộ gia đình; giữ được không gian, môi trường của khu đô thị cổ; có sự giao hoà của các nhân tố cũ và mới; làm đẹp và nâng cao giá trị của sông Hương.

Để đạt được các mục đích này, 6 chàng trai trẻ mạnh dạn đưa ra một loạt giải pháp: Khôi phục mô hình dịch vụ – ở – sản xuất; phân định rõ các vùng dịch vụ – ở, vùng ở – sản xuất. Đề xuất mô hình dịch vụ – ở – sản xuất – du lịch. Mở các tuyến giao thông mới dựa trên nền hiện trạng cũ, bao gồm các tuyến liên khu nối liền các vùng dịch vụ-ở-sản xuất (tuyến ở). Tuyến đi bộ sát bờ sông nhằm khai thác vận chuyển và du lịch (tuyến du lịch). Chỉnh trang tuyến đường Chi Lăng (tuyến thương mại). Tạo mặt nước, cải thiện môi sinh và làm vai trò âu thuyền trú bão, lụt. Khôi phục các bến thuyền, phát triển giao thông đường thuỷ. Tạo và cải tạo các không gian trống trong khu ở làm sân chơi, khuôn viên cây xanh, địa điểm thư giãn, sinh hoạt cộng đồng. Chỉnh trang hình thức kiến trúc trong khu phát triển đáp ứng hình thái phố thị cổ. Khôi phục các sinh hoạt lễ hội dân gian và làng nghề thủ công truyền thống... Mục tiêu cuối cùng của dự án là Gia Hội phố sẽ trở thành một bảo tàng “sống” về một phố thị cổ phồn thịnh và phát triển với các hoạt động văn hoá- du lịch - dịch vụ theo nguyên lý: bảo tồn để phát triển.

Dự án có khả thi hay không thì lại là một câu chuyện khác, thuộc trách nhiệm của những người khác. Nhưng phải thừa nhận rằng dự án  là một ý tưởng rất đáng trân trọng của những KTS trẻ đầy tâm huyết; một sáng tạo về tổ chức không gian cho một khu phố cổ đã bị phá vỡ bởi thời gian và bởi quá trình đô thị hoá không có quy hoạch, không có định hướng.  

MỚI - NÓNG