Trẻ em sống sót trở thành hàng hoá?

Trẻ em sống sót trở thành hàng hoá?
(TPO) - Không chỉ thiệt hại về người, của và tàn phá những quốc gia, cơn sóng thần còn mang tới dịch bệnh và cả cơ hội xấu cho những kẻ phạm tội.

Hậu sóng thần:

Trẻ em sống sót trở thành hàng hoá?

Các nhóm buôn bán trẻ em sẽ tranh thủ sự hỗn loạn sau cơn thiên tai. Vì thế Indonesia quyết định cấm thanh thiếu niên được phép rời khỏi đất nước. Cảnh sát phải ráo riết để mắt và tìm ra những hành vi này, đặc biệt trong các trại tị nạn.

Lợi dụng danh nghĩa của UNICEF, nhiều tổ chức được thành lập với mục đích buôn bán lực lượng lao động, hay nô lệ tình dục cho các quốc gia láng giềng.

“Tôi chắc chắn điều này đang xảy ra.- bà Birgithe Lund-Henriksen, một quan chức bảo vệ trẻ em của UNICEF - khẳng định - Một cơ hội vàng cho những kẻ xấu”.

Hiện tại có tới 35.000 trẻ em Aceh lạc mất cha mẹ trong cơn sóng thần, và chúng trở thành một món hàng sẽ là một thảm họa tiếp theo.

Sở dĩ dấy lên tin này là do, nhiều người dân Indonesia nhận được những lời mời mọc nhận con nuôi qua tin nhắn điện thoại di động. Cảnh sát đã phát hiện và đang điều tra nguồn gốc các tin nhắn này.

Cũng vẫn chưa rõ ràng đây là một trò đùa vu vơ, hay thực sự có những gia đình muốn nhận con nuôi, hay thực chất là một hệ thống buôn bán trẻ em đã được thành lập. Khi phóng viên hãng AP muốn liên hệ với số điện thoại gửi tin nhắn nhưng không thể. Chính phủ Indonesia hiện ra lệnh cấm trẻ em Aceh dưới 16 tuổi được phép ra khỏi biên giới.

Trong khi đó, Cảnh sát Thái Lan và Thụy Điển cũng đang điều tra vụ việc một cậu bé Thụy Điển 12 tuổi vừa rời khỏi bệnh viện Thái Lan cùng một người đàn bà không rõ danh tính sau vụ thảm họa sóng thần ở Nam Á.

Thậm chí tại Ottawa, thủ phủ Canada, các quan chức cũng cảnh báo và kêu gọi, những ai ủng hộ cho các nạn nhân tại các nước thiệt hại sau vụ sóng thần, hay đến đúng địa chỉ của Hội Chữ thập đỏ thế giới hay UNICEF, và đóng góp bằng tiền mặt, thay vì số tài khỏan của mình. Vì nếu không, tiền từ thiện không đến đúng... địa chỉ cần thiết.

MỚI - NÓNG