Bài ca ra trận

Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong
Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong
TPO - Chiến tranh trong những ngày tháng Tư, gợi ra không phải để mổ xẻ câu chuyện thắng thua nữa bởi ngày này triệu người vui triệu người buồn. Mà là chuyện viết về chiến tranh bây giờ, phải như thế nào đọc mới “đã”? Có một cuốn: Hồi ức lính, đọc hợp ở tháng Tư này.

Trần Đăng Khoa trong bàn tròn văn học chiến tranh năm ngoái, nhận định: “Dư âm chiến tranh vẫn chi phối nếp nghĩ, cách ứng xử của chúng ta hôm nay. Thế mà ta mới chỉ có văn học thời chiến chứ chưa có văn học chiến tranh”. Và anh Khoa nói đại ý, thời chiến qua đi thì những tác phẩm rực rỡ dạo nào bèn trở thành văn học sử, xong việc thì bạn đọc cũng quên luôn. Còn văn học chiến tranh đúng nghĩa sẽ qua nổi sự sàng lọc của thời gian.

Lê Minh Khuê cũng tại bàn tròn, khẳng định có văn học chiến  tranh Việt Nam nhưng “giờ nhắc thấy ngại, không muốn đọc lại. Viết dở quá. Nó là văn chương của thời mình nhìn phía đẹp đẽ của chiến tranh. Có lúc đẹp thật nhưng so với những góc đau khổ của nó, thấy có tội”.

Thập kỷ 70, 80 thế kỉ trước, thế hệ tôi đọc không từ một cuốn sách nào của nhà văn Việt Nam: Gia đình má Bảy, Hòn Đất, Đất trắng, Dấu chân người lính, Đất Quảng, Cao điểm mùa hạ, Dưới những đám mây màu cánh vạc, Dòng sông phẳng lặng, Rừng U Minh, Cây thông non, Thúy, Nắng đồng bằng, Trong cơn gió lốc, Mẫn và tôi. Vân vân. Đọc rồi mê từ chị Sứ và anh Hai Thép (Hòn Đất) trở đi. Nhớ lúc ôn thi đại học, ông thầy trẻ Hà Văn Đức ở Đại học Tổng hợp hay say sưa nhắc đi nhắc lại câu trong Dấu chân người lính: “Họ ra đi khi trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình”. Ra đi, tức là vào chiến trường. Mỗi khi thầy đọc câu này thì mắt long lanh, má dường như cũng ửng hồng.

Sang thập kỷ 90 đọc Nỗi buồn chiến tranh. Nhưng hôm nay thấy viết như thế, chừng ấy, dường như không đủ. Văn chương đẹp nhưng vốn sống, chi tiết, số phận phải ngồn ngộn hơn nữa.

Về Hồi ức lính. Chưa có cuốn nào đạt độ tin cậy cao như cuốn sách phi hư cấu này khi mô tả một cách đầy đủ chân xác chuyện người lính đã chiến đấu như thế nào, sống, suy nghĩ như thế nào. Văn chương không tân kỳ nhưng phải sạch sẽ, sinh động thế nào mới đọc nổi. 700 trang chứ ít đâu. Lung lạc bạn đọc hôm nay khó hơn xưa nhiều.

Hồi ức lính, các nhân vật cứ ào ào cuốn đi trong những cuộc tác chiến, lập chốt giữ chốt, trinh sát, tiềm nhập, diệt thám báo, đoạt chiến lợi phẩm, cùi cõng, ca cóng...Qua đó hiện lên một kho kiến thức quân sự và ẩm thực dã chiến, cẩm nang săn bắt hái lượm. Sự dũng cảm, sự cao thượng. Sự yếu đuối, những sai lầm. Muôn kiểu chết và bị thương, có lúc chỉ cõng được nửa cái xác đồng đội mang về. Những sự may hơn khôn (nhiều trận may mình tha nó mà nó cũng tránh oánh mình). Ngôn ngữ lính tráng bụi bặm. Những cuộc đảo ngũ tập thể và lẻ tẻ. Sự lãng mạn, có học của người lính Hà Nội (chính là tác giả). Bên cạnh những trận đánh đẹp, phối hợp đẹp bởi tình đồng đội cao cả còn có những thất bại cay đắng, sự bất như ý giữa đồng đội với nhau. Trận đánh không hoàn hảo ví dụ lãng phí đạn dược khiến chỉ huy đơn vị phải qui số đạn lãng phí ra gạo. Tác giả Chiến bị ghi nợ 32 cân. “Bốn chục năm sau nghĩ lại, tôi vẫn còn nợ Tổ quốc 32 cân gạo chưa trả”.

Chi tiết nối chi tiết, tình huống gọi tình huống. Ví dụ: Lệnh rút quân có lúc không đến được tất cả khiến người đi cuối hàng sa vào tay địch- người thì chết, người bị bắt, cuối cùng cũng về nhà nhưng với vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn. Có người lỡ tay giết hàng binh, một tội ác thực sự. Cả ứng xử chuệch choạc ngày đầu hòa bình khiến bên thắng cuộc bớt đi ánh hào quang.

“Lính mà em”, lính tráng người thì cực đáng yêu, cũng nhiều chàng chứng này tật nọ hoặc nói tục như ranh, làm cấp trên mà không ngần ngại cho lính “ăn tươi, toàn đặc sản”, nhất là khi trận đánh không được như ý.  

Khi chưa tập hợp thành cuốn sách dày cồm cộp, Vũ Công Chiến đăng tải những câu chuyện chiến đấu của anh lên Facebook. Độc giả hào hứng trao đổi: “Tao ngộ chiến là thế nào?” “Sao trận ấy chú không dùng lựu đạn?” “Một quả Cleimo so với một quả DH nặng hơn bao nhiêu?” ... Tác giả kiên nhẫn giải đáp. Đồng đội của anh nhảy vào giao lưu: “Cái núm Chiến mô tả là phần liên kết với thân và bàn đế của cối 120 ly, tên gọi chính xác là núm khối tỉ, lính gọi chệch đi là núm chối tỉ”...
Văn học hôm nay tao ngộ bạn đọc như vậy đấy. Và đừng nghĩ lớp trẻ, phụ nữ bàng quan với đề tài chiến tranh. Bài ca ra trận này có sự cộng hưởng của nhiều thế hệ, quá đẹp.

Dịp này có bài báo rất hay, kể chuyện “Đi tìm Thùy” của cựu binh Mỹ Robert Whiterhurst, người quá nổi tiếng với vụ “đừng đốt”. Sau khi khiến Nhật ký Đặng Thùy Trâm được chu du khắp thế giới, Robert còn tiếp tục hành trình 5 năm truy tìm dấu vết liệt nữ để rồi viết cuốn sách 200 trang về hành trình này: “Thùy hy sinh trong hoàn cảnh nào, một mình hay có đồng đội? Robert rất ám ảnh trang nhật ký kể đơn vị chị bị bao vây, hết lương thực, chỉ còn gạo cho thương binh. Ông muốn biết vì sao trạm xá không có lương thực? Bị bao vây hay bỏ mặc? Robert còn cùng đồng đội truy tìm tên tuổi những ai trong đơn vị mình xả súng vào Thùy bởi quy ước quốc tế là không tấn công người làm y tế, đặc biệt nữ y tá, bác sĩ”... (Trích bài báo Công an Nhân dân).

Một bi kịch chiến tranh giữa hai dân tộc hóa ra vẫn có thể kết thúc có hậu đến vậy. Văn chương báo chí thời bình về đề tài chiến tranh có lúc cần sự chính xác lịch sử, khoa học như vậy. Kiểu Hồi ức lính. Còn giá của chiến tranh, đắt nhưng nhiều khi cũng đáng. Chiến tranh làm người ta sống khó nhưng ra khỏi nó thì sống sâu hơn.

Càng có tuổi tôi càng thích nói thật hơn. Thích đọc hồi ký, sách phi hư cấu bên cạnh những dòng tiểu thuyết mới. Hãi sợ sự giả dối trong văn chương, viết chiến tranh thì kiểu lính tẩy. Xem phim điện ảnh và truyền hình đề tài chiến tranh phải nhịn cười sằng sặc, tốt nhất cạch không xem bởi nó quá giả, quá sơ sài, coi thường người trong cuộc, vốn sống chết trong chiến tranh. Coi thường khán giả, nghĩ họ mù mờ và đơn giản như cục gạch giống mình.

Gặp Vũ Công Chiến để phỏng vấn, vừa hỏi một câu là y như rằng anh cứ miên man không dứt với những tình tiết, nhân vật, kỷ niệm. Nhớ như in các mốc thời gian, từng cái tên và số phận đồng đội, trận địa nọ chiến hào kia. Kể sinh động bằng ngôn ngữ của một người Hà Nội trải đời lính.

Trong câu chuyện, chúng tôi nói cả về Tháng ba gãy súng in ở hải ngoại của Cao Xuân Huy sĩ quan quân đội Sài Gòn, cuốn sách mà mấy nhà văn Hà Nội tỏ ý khen. Tôi còn hỏi Chiến những câu như “Khi Nỗi buồn chiến tranh mới ra mắt, nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận xét với tôi rằng lần đầu tiên có một người gọi đúng bản chất của người lính là giết người và mê gái, anh thấy sao? Vương Trí Nhàn còn nói: Văn học của ta trước ‘Nỗi buồn chiến tranh’ chỉ mới mô tả các cuộc chiến đấu chứ chưa phải chiến tranh?”.

Hồi ức lính xuất bản chẵn một năm, nhiều người bất ngờ vì bản thảo không bị cắt cứa, ra mắt không vấp phải luồng ý kiến trái chiều nào khi mà nó phơi bày nhiều sự thật nghiệt ngã. Một số nhà văn thấy dày thì quyết không đọc, hoặc bảo cũng thường thôi, chỉ là hồi ức chân thật đáng nể của lính chứ chưa cao thủ văn chương. Còn tôi, trộm vía nghĩ: Có nhân cách mới hiểu được nhân cách. Phải là người hay mới nhận ra cái hay của kẻ khác.

Vào trang cá nhân xem Vũ Công Chiến kể hồi ức lính sẽ đọc được những bình luận kiểu như: “Thật vinh dự được sống trong hòa bình đổi bằng máu của các anh”.  Nghe như một nốt nhạc đẹp để kết “bài ca ra trận” tháng Tư này.

Từ giữa tháng 3/2017, báo Tiền Phong điện tử mở chuyên mục “TÔI NGHĨ...” – một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.