Đời nhẹ như bay

Tác giả Lã Hoa.
Tác giả Lã Hoa.
TPO - Tháng trước du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, gửi xong chiếc va li hơn hai chục cân cảm thấy như trút được gánh nặng. Mọi lo lắng cho hành trình đã được gói ghém cả ngày trời trong đó, giờ chỉ còn chờ cất cánh nhẹ nhàng. Chợt nghe cô nhân viên quầy check in bên cạnh: “Anh gửi mỗi túi này sao? Có 5 kg thôi!” 5 kg cho cả hành trình!

Hành khách nam cùng đoàn quần tây áo sơ mi dép lê da chỉ chiếc túi vải dù kiểu quà tặng của các công ty du lịch. “Dạ đúng gửi túi này cô, tôi không có túi xách tay”. Chàng cười tươi gật đầu, rồi vung vẩy tay không hòa vào dòng người lỉnh kỉnh túi bị khăn áo giày mũ đồng hồ điện thoại thắt lưng, để qua cửa an ninh như đi dạo phố.

Hì hục lôi laptop từ va li xách tay nặng 8 cân ra để riêng trên khay, tôi không khỏi hoang mang: “Sao mình mang nhiều thế nhỉ?”. Tất tật từ kìm cắt móng tay đến bình đun nước nóng, từ khăn len đến khăn lụa, từ áo gió đến áo mưa, rồi giày gót cao gót thấp, thuốc đánh răng và nước xúc miệng, kem chống nắng và kem dưỡng ẩm, phấn trang điểm khô và ướt, thuốc chống khô và ngứa mắt; có thứ nào nên bỏ lại không? Chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ những 9 ngày, mỗi ngày một nơi không rõ mưa nắng nóng lạnh, chưa kể chụp hình muốn đẹp phải thay đổi quần nọ áo kia. Mon men hỏi chàng kia: “Sao túi cậu nhẹ thế?”. “Đủ hết rồi chị, còn có cả đồ ăn Việt Nam nữa đó.”

Lẩn thẩn suy nghĩ, đầu nặng chịch. Chợt nhớ câu nói của một ông khá nổi tiếng vì từng sống một mình trong rừng lạnh Alaska: “Sửa soạn hành trang luôn rất phiền muộn. Có lẽ vì ta không chắc nơi mình sắp tới có tốt bằng nơi mình đang ở không”. Thế nên trút, nhồi, nhét hết mọi lo lắng vào va li, đóng kín nắp cho yên chuyện. Nhưng nào có yên, vì xách nặng, vì sợ hành lí thất lạc, vì “nhỡ đâu vẫn thiếu thứ mình cần”.

Chả biết Richard (Dick) Proenneke có mò lên Alaska nổi nếu lo lắng triền miên cho “những ngày sắp tới”. Nhỡ săn không được thú, hay câu không được cá, nhỡ máy bay chở hàng không đến đúng lịch, hay bão tuyết tốc mái chiếc cabin gỗ ông tự tay làm; nhỡ đâu và nhỡ đâu… Nhưng Dick đã sống trong rừng rất lâu (gần 30 năm), khỏe mạnh và vui vẻ, mấy năm cuối đời (ngoài 80) thấy cần thì cũng về ở với ông em chứ không lang thang rừng rú nữa.

Ông có vẻ biết mình ĐANG cần gì, không nệ quá khứ không màng tương lai: “Những điều đơn giản nhất làm tôi thích thú nhất, chúng chẳng tốn kém gì mà vẫn tạo hứng khởi”.

Mang kìm cắt phòng móng tay bị xước có làm tôi sướng như Dick?Cũng tùy thôi, nếu mệt phát ốm vì đống đồ cồng kềnh thì sao vui được. Ta chỉ vui khi năng lượng sống trong ta dồi dào, khi có được những điều đơn giảnVỪA ĐỦ cho hiện tại. Những điều đơn giản của tôi là gì nhỉ?Tôi đâu thích sống trong rừng như Dick, tiếng chuông nhà thờ hay một li vang “happy hour” mới dễ làm tôi vui.

Sống nhẹ thân như chàng “5 cân” cũng khó, chỉ hai chiếc sơ mi thay đổi khi trời rét căm căm 8 độ C. Mang túi 5 cân thôi vẫn thư thái thong dong - vãn cảnh, ăn uống, chụp hình.Khi về có mấy gói kẹo và mật ong đặc sản Thổ Nhĩ Kỳ thế vào chỗ đồ ăn dự phòng, nên vẫn 5 cân. Tay chàng giờ xách thêm chùm cà chua tươi rói “thiệt mà đẹp như giả”, đem về trưng chơi. Với chàng thế là nhẹ nhàng vừa đủ.

Suốt chuyến đi trong đầu tôi cứ ám ảnh chuyện của ông “người rừng” và chàng “5 cân”. Làm sao để sống đơn giản như họ, thoát khỏi cảnh chật chội vật vã quanh đồ đạc của cải cùng quỹ thời gian eo hẹp; không rõ phần nào cho mình, phần nào dành cho người thân bạn bè đồng nghiệp? Trách nhiệm và hệ lụy, tự nguyện và bắt buộc, thú vui và gánh nặng, bỏ gì giữ gì cho đời nhẹ hơn? Sức sống từng người có hạn, nếu bày chuyện ra mà không thực hiện thì hàng tồn kho sẽ đọng mãi trong tiềm thức, như những món nợ chưa trả,  như dung lượng rác chiếm chỗ bộ nhớ làm chậm chạp “chiếc smartphone bản thân”. Nếu“delete” được chắc chẳng đáng tiếc đâu, vì làm gì có thời gian hơi sức để nhớ đến những-thứ-dư-thừa ấy.

Sống đơn giản không phải sống giản tiện quá quắt, thiếu thốn khổ sở, càng ít càng tốt, mà càng VỪA ĐỦ càng tốt; là chọn đúng những gì mình thực sự cần và đủ sức cáng đáng. Để làm điều này ai cũng cần một số kỹ năng và kinh nghiệm.Chưa kịp học hỏi thì ít nhất thử làm như tôi: Rà soát xem kìm cắt móng tay và một số thứ khác bỏ lại nhà có tốt hơn không.Bỏ được để thoát khỏi nỗi lo sợ vào ngày mai chưa xảy ra ở một nơi chưa đến, để tăng năng lượng tích cực và niềm vui sống hôm nay. Hành trang cuộc đời cũng vậy, bỏ đi bất cứ thứ gì độc hại, dù là những quan hệ gắn bó tình thâm hay lâu năm bền chặt. Bất cứ thứ gì không cần cũng có thể biến mất, để đời nhẹ nhàng hơn.

Bỏ thường khó vì không ai khuyên được người khác giữ gì, bỏ gì và bỏ ra sao. Muốn biết nên lắng nghe mình, không nhìn người, dù lẩn thẩn. Hôm nay du ngoạn Chianti thuộc Tuscany xinh đẹp của nước Ý đúng dịp xuân sang, chui vào hầm rượu vang sâu hun hút chứa hàng vạn chai, nếm thử đến li thứ ba tôi đã ngất ngây và hoa mắt tưởng tượng những chai rượu kia biến thành người. Có chai e ấp, có chai cuồng nhiệt, có chai cao cấp “vintage”, có chai bình dân “table wine”. Ăn kèm một chút pho mát phết nấm truffle, cảm xúc tuyệt vời. Cặp vợ chồng trẻ bên tôi thì thầm: “Anh thấy nhẹ không? Em đang bay bay này”. “Anh chả thấy gì, anh thích brandy thôi”. Mà có phải ai cũng thích vang hay brandy đâu.

Ngay lúc đó tôi chỉ băn khoăn vì sao một chai table wine giá 6 euro lại hay không kém một chai Riserva 2004 giá 35 euro, và chai dầu truffle có mùi cuốn hút đặc biệt giá chỉ 10 euro. Thật tuyệt khi mình vui với những cảm xúc và mối quan tâm của riêng mình, khi mọi giá trị đời sống đều hết sức tương đối. Sống đơn giản là quan tâm không cần lí do (table wine là gì?) và yêu không cần kỳ vọng (dầu truffle có pha nấm đắt tiền hay không?).

MỚI - NÓNG