Gửi túi ở siêu thị

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.
TPO - Sống ở thành thị, dám chắc bạn không chỉ một lần từng bực mình lúc bắt buộc phải gửi túi xách trước khi vào siêu thị. Bạn có thể  mặt nặng mày nhẹ hoạnh họe cậu canh cửa. Nhưng lỗi không phải ở cậu ấy, cũng không thuộc về chủ siêu thị. Lỗi ở chính chúng ta. Người Việt chúng ta không tin nhau.

Ông bà ta dạy: đói cho sạch rách cho thơm. Ông bà ta cũng thúc: đói thì đầu gối phải bò. Ngày xưa ấy, ngày sông cạn ruộng nẻ đất toàn mồ nhà chất đầy sổ nợ, biết bò đi đâu? Bà Nghị Quế đếm từng miếng thịt còn lại trong nồi để răn đe người ở còn lão Hạc mang chó Vàng đi bán rồi dùng bả chó kết liễu đời mình vì lo sợ nghèo khổ làm tha hóa. Nhưng mấy ai như lão Hạc. Đa phần người ta bò vào nhà nhau kiếm ăn. "Những người đói, người ta không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống"-  nhân vật trong "Vợ nhặt" của Kim Lân đúc cái đói thành chân lý. Để sống được, phải liều. Gian dối trộm cắp đến tự nhiên, bẻ gẫy thành trì đói cho sạch rách cho thơm.

Giờ đây chúng ta không còn đói, lẽ tự nhiên cũng chẳng phải bò. Sao vẫn đề phòng, vẫn đếm thịt như bà Nghị Quế? Đừng cho rằng tôi nói quá. Việc gửi túi xách trước khi vào siêu thị khác nào đứa ở chắp tay nghe bà nghị tuyên bố còn bao nhiêu miếng thịt trong nồi. Phải chăng khi lòng tin đã bị loét thì rất khó lành? Phải chăng giang sơn khó đôỉ bản tính khó dời? Hay tại đói trộm cơm giàu trộm sách?

Nước Mỹ phát triển có trộm không? Có chứ. Nơi nào con người sinh sống, nơi đó có tốt và xấu, sống và chết. Đêm mấy hôm trước kẻ gian vừa đập vỡ kính ô tô hàng xóm  lấy trộm ví, mang thẻ tín dụng ra Walmart mua bia với bánh ngọt. Vụ việc làm chấn động cả khu. Ai cũng bảo: tôi thường xuyên để đồ trong xe mà chẳng sao. Thì bây giờ có sao rồi, ai có túi nhớ cẩn thận mang vào nhà, đâu cần thị trấn phải ban hành quy định không được để ví trong xe.

Siêu thị ở Tây có bị mất trộm không? Chắc không thoát. Song chẳng vì thế họ buộc khách  phải gửi đồ, phải bực mình xấu hổ đóng vai  người có khả năng ăn trộm. Bên này con tôi theo mẹ vào siêu thị, vẫn thường bóc chuối ăn, mở nước uống mà không nhân viên nào bận tâm là thứ đồ đó sẽ được trả tiền hay không. Có  lần tôi chứng kiến người ta quên trả tiền cho một món đồ trị giá 2 đô la nhưng đã phải chạy xe hơn 10 cây số quay lại cửa hàng để hai bên, cả người bán và người mua xin lỗi nhau rối rít. Niềm tin được tạo dựng từ cả hai phía, không ai là bà nghị cũng không ai giống đứa ở.

Ở ta, người còn tin nhau rất hiếm. Ngay cả trong môi trường sách vở, được xem là thức ăn tinh thần, người ta đối xử với nhau cũng chẳng hơn thịt kho, bà nghị với đứa ở. Mà đứa ở ngày xưa thôi chứ ngày nay, người giúp việc còn quyền hành hơn bà chủ. Hồi sinh viên, vào Thư viện Quốc gia trên phố Tràng Thi không khác vô nhà tù thăm thân. Trình thẻ ở cổng chính là công đoạn đầu tiên. Muốn có thẻ trước tiên phải có giấy giới thiệu đóng dấu của trường hoặc cơ quan. Thoát qua cổng, đi qua những hàng cây bụi hoa khoe sắc, vào phòng đọc phòng báo phòng này phòng kia lại trình thẻ lần nữa. Mượn sách đọc ngay tại chỗ thôi cũng cả vấn đề. Phiếu này phiếu kia, giấy này giấy nọ, cứ mà mỏi tay xong mỏi cổ chờ. Còn mượn về nhà thì đừng có mơ. Cũng lạ, sách là để đọc chứ có phải vàng bỏ két sắt đâu. Thì sách quý như vàng, nhưng sách không có người đọc cũng thành phế thải. Mà người mình đâu quý sách đến mức ấy. Sách rẻ như bèo, nhà văn nghèo kiết xác. "Kẻ trộm sách" của Markus Zusuk cũng mới có gần đây và ở mãi tận nước Úc, cán bộ nhà ta đề phòng  quá sớm. Bên Mỹ, thư viện như cái nhà văn hóa. Từ em bé mới đẻ đến cụ già ngồi xe lăn đều có thứ để giải trí. Sách thì mượn cả đống về nhà, đọc chán chê, cả tháng mới trả.

Cũng ở Mỹ, đợt Noel vừa rồi nhà văn Hoàng Minh Tường và tôi đã trông thấy một chiếc xe đạp lạ kỳ trước cửa đại học Berkelry danh tiếng. Được khóa chắc chắn vào cột đèn, chiếc xe mới tinh nhưng chỉ còn mỗi khung nằm gẫy gập trêu ngươi người đi đường. Có hai suy đoán. Một là chủ nhân cố tình tháo bánh  mang cất trước khi khóa khung càng. Suy đoán thứ hai chẳng hay ho mấy nhưng hợp lý hơn, rằng trộm đã chôm tất cả các bộ phận có thể tháo rời trên chiếc xe. Lại nhớ có lần đọc báo kể chuyện ở Phú Quốc, xe đạp cứ để ngoài đường, ai cần thì lấy đi, rồi quẳng ở chỗ mình đến, người khác lại sử dụng, cứ thế xoay vòng. Chuyện gì không biết nhưng riêng với xe đạp, ta thật thà hơn Mỹ. Thời buổi nhà nhà xe máy ô tô, ai còn trộm xe đạp ghẻ làm gì.

Tây nó cũng rất rành  sự gian dối của người Việt ta. Cứ lần nào tôi về Việt Nam rồi quay lại cùng chồng con, qua cửa hải quan khỏe re vì họ không khám đồ. Nếu một mình, dù nói mỏi lưỡi là không thịt không rau không băng đĩa lậu, các anh to cao vẫn lục tung hành lý. Và ta, ta cũng vô cùng hiểu ta, nên chỉ người Việt mới phải gửi túi trước khi vào siêu thị, các anh chị Tây cứ ba lô cồng kềnh mà tiến.

Nhưng mà thôi, bực mình vậy  chứ nào dám trách giám đốc thư viện hay người chủ siêu thị. Bởi nhìn xung quanh, đâu đâu cũng dối lừa. Dối lừa thiên hạ, dối lừa chính mình. Thì thôi, tôi và bạn, hãy tự bảo vệ mình, hãy làm chuyện thật thà để con cháu chúng ta không còn phải gửi ba lô trước khi vào siêu thị.

MỚI - NÓNG