Khủng hoảng 1/4 cuộc đời

Nhà báo Mi Ly.
Nhà báo Mi Ly.
TPO - Từ 20 đến 30 tuổi của mỗi người là giai đoạn quan trọng và khó khăn. “Tuổi trẻ là đẹp nhất” - đừng tin, người ta nói dối đấy.

Hà Nội chiều mưa tầm tã tháng Tư. Tôi gặp Tiếng từ miền Tây ra. Người ta nói lứa tuổi 20 là những năm tháng quyết định cuộc đời. Ở tuổi 20, Tiếng quyết định đi trồng lúa sạch.

Đó là cách đây mấy năm, một lựa chọn đầy chông gai. Giờ Tiếng nổi tiếng rồi. Võ Văn Tiếng, nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp, bạn có thể tìm kiếm tên cậu. Một người trẻ kỳ lạ. Sớm vượt qua câu hỏi “Mình làm gì cho cuộc đời này?” từ rất sớm (“Giúp ích” - cậu nói, ngắn gọn). Và cách giúp ích của cậu là làm nông dân trồng lúa an toàn.

Trong khi đó, nhiều bạn bè cùng trang lứa loay hoay mãi. Có người đánh mất mình trong nỗi hoang mang này.

Thống kê năm 2016, nhóm người từ 20 đến 30 tuổi của Việt Nam vào khoảng 18 triệu, chiếm 19% dân số. “Khủng hoảng 1/4 cuộc đời”, một khái niệm chính thống trong tâm lý học, diễn ra đúng lứa tuổi này. Đó là những năm tháng của mọi tan vỡ đầu tiên: giã từ mối tình sâu đậm, thất bại với công việc đầu đời, thất vọng về cách xã hội vận hành hoặc tệ hơn, với chính bản thân mình…

Các nghiên cứu cho thấy những nguyên nhân của khủng hoảng 1/4 cuộc đời đều rất quen thuộc với chúng ta. Đứng đầu là thất nghiệp, tất nhiên rồi. Hoặc đứng trước nhiều lựa chọn sự nghiệp khó khăn, đôi khi phải đấu tranh với gia đình để theo đuổi nghề nghiệp mơ ước. Tiếp đó là tự lập: lần đầu trong đời, chúng ta sống mà không có sự hỗ trợ tài chính và bảo bọc tinh thần từ cha mẹ. Cảm giác tự mình đối mặt mọi thứ gây ra không ít hoang mang.

Và cũng không khó hiểu khi nhiều tình yêu tan vỡ vào giai đoạn này. Chúng ta lớn lên, thay đổi và chợt thấy những người từng gắn bó không còn phù hợp nữa. Cuộc sống cho ta nhiều lựa chọn hơn, đi kèm nhiều rắc rối hơn. Ai "sống sót" qua tuổi trẻ yêu đương mà chưa từng tan vỡ trái tim thì thật là may mắn.

Tuổi trẻ - đó là khoảng thời gian được lãng mạn hóa quá mức nhưng chưa bao giờ được coi trọng đúng mực. Đầy ắp bài báo nói rằng tuổi trẻ là xách ba lô lên và đi, và đi, ừ thì cũng đúng, nhưng phớt lờ việc cần học gì và cần xác định mục tiêu gì.

Thế là những năm đầu của lứa tuổi 20, ngưởi ta sống kiểu trẻ con rơi rớt. Có đi làm cũng ôm tâm lý “giao lưu và học hỏi” quá lâu. Hành xử như trẻ con khi độ tuổi đã cần chững chạc. Còn những năm cuối tuổi 20 thì bắt đầu lập gia đình rồi sinh con đẻ cái (đôi khi vì xã hội bảo thế chứ chẳng phải mình muốn), lo sợ cho tuổi 30 sắp ập đến. Nhiều người từ “trẻ con” bước thẳng lên “người lớn”, thực ra chưa hề qua tuổi trẻ.

Tui 20 - Nhng năm tháng quyết định cuc đời là cuốn sách hay về chủ đề này đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Tên gốc tiếng Anh của sách thú vị hơn tên bản dịch, “The Defining Decade: Why Your Twenties Matter - And How to Make the Most of Them Now” (Một thập kỷ đầy thách thức: Vì sao tuổi 20 quan trọng và làm thế nào để sống hết mình với nó). Tác giả Meg Jay cũng có bài diễn thuyết đầy ấn tượng trên Ted Talk, với thông điệp “Đừng đợi đến tuổi 30 mới hối hận vì những gì không làm ở tuổi 20”.

Trong tọa đàm “Tuổi trẻ và Khủng hoảng 1/4 cuộc đời” vừa tổ chức ở Hà Nội, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, giảng viên Đại học FPT chia sẻ, sinh viên của chị có những người giàu tiềm năng nhưng loay hoay mất 3 năm sau khi ra trường vì không biết mình muốn gì. Rốt cuộc, họ thử mọi ý tưởng mà mình “thinh thích”, để rồi chẳng dự án nào ra hồn vì  không có ý tưởng nào tâm huyết thực sự.

Ví dụ đó nghe quen quen bởi đó là sai lầm mà rất nhiều người, không chỉ người trẻ, gặp phải . Nhìn bề ngoài, họ cực kỳ năng động, đầy ắp ý tưởng, nói như diễn thuyết, thứ gì cũng tỏ ra đam mê. Nhưng khi làm mới biết, họ làm cái này một chút, cái kia một chút. Quay cuồng theo mốt multi-tasking (đa nhiệm). Nhưng chính cách làm việc này gây ức chế và u uất. Lâu dài thì thành khủng hoảng.

Giới trẻ ngày nay thích trích dẫn triết lý sống của những người nổi tiếng như Steve Jobs hay Bill Gates. Vấn đề là, bạn sống cuộc đời của bạn chứ không phải cuộc đời của Steve Jobs hay Bill Gates. Không phải ai cũng đi “phượt” Ấn Độ vài năm rồi về sáng lập Apple. Không phải ai cũng xuất thân từ một gia đình giàu có, học vấn cao, bản thân thì có một bộ óc siêu việt.

Phần lớn chúng ta có một cuộc đời bình thường hơn họ, nhưng cũng phi thường theo cách của riêng nó. Bạn sống để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua của chính mình, chứ không phải để mô phỏng cuộc đời của bất cứ ai. Giống như một chàng trai đi xe máy chu du khắp nước, rồi nhận ra mình thích làm nông dân, lội xuống ruộng và trồng nên những hạt lúa thanh sạch không thuốc trừ sâu.

Và cũng đừng để ai quyết định hộ bạn quãng thời gian nào là đẹp nhất đời, vì khoảnh khắc đẹp nhất luôn là hiện tại.

MỚI - NÓNG