Nuôi một đứa trẻ tốn bao nhiêu?

Tác giả Kiều Bích Hương.
Tác giả Kiều Bích Hương.
TPO - Một cựu binh Bỉ kể với tôi rằng khi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Sudan, anh bị mấy phụ nữ địa phương xúm lại hỏi “Vợ chồng anh đẻ hai con thôi à? Ít quá”. Người lính Bỉ trả lời “Ở nước tôi nuôi một đứa trẻ tốn lắm”, đám phụ nữ lắc đầu “Đẻ nhiều không tốn đâu, càng nhiều lao động cho gia đình.”

Một bạn học cũ của tôi, bán nhà cửa, bỏ ngang công việc điều phối viên cho dự án nước ngoài tại Việt Nam, mang hai con 6 và 13 tuổi sang Phần Lan định cư. Để con được theo học nền giáo dục tốt nhất thế giới hiện nay, cô chấp nhận đi làm móng kiếm sống. Những người hàng xóm Phần Lan biết chuyện, kinh ngạc “Cha mẹ đi đâu con phải theo đấy. Sao cô làm điều ngược lại?”

Tuần trước, nhân nghỉ Lễ Thăng Thiên (Chúa lên trời), tôi vác hai đứa con 6 tuổi và 2 tuổi sang Thụy Điển chơi. Lại một người bạn học thời phổ thông tốt bụng mở cửa nhà cho tá túc ba đêm, nổi lửa ninh cháo sườn và nấu phở gà hậu đãi. Chắc nhìn tôi nheo nhóc quá, cậu con trai 16 tuổi của bạn tôi hỏi nhỏ mẹ “Du lịch mà mang theo con nhỏ thế kia thì cô ấy tận hưởng được cái gì cơ chứ. Ở nhà còn sướng hơn.”

“Cả nhà sẽ du lịch Croatia hè này, sao con không muốn đi, ở nhà một mình làm gì?”, anh họ tôi ở Đức hỏi đứa con trai cũng 16 tuổi. Thằng bé dính mặt vào màn hình máy tính, ậm ờ “Con không thích ra ngoài. Chán chết. Bố không có quyền ép con phải đi”. Ông bố cáu “Không đi thì trả lại tiền vé cho tôi. Vé mua rồi không đổi lại được.” Thằng bé bật dậy, với tay lấy con lợn đất, đập tan, gom một nắm tiền co quắp mép, chìa ra “Bố đếm đi, thiếu đâu cho con nợ, hoặc trừ dần tiền tiêu vặt.”

 Lần thăm anh họ dạo ấy, tôi hay giật mình thon thót. Chiều muộn xong việc nhà hàng, anh đón tôi ở điểm du lịch trong thành phố, lái về nhà. Gần đến cửa, anh khom người, nhón chân như một tên trộm tra chìa vào ổ khóa, rồi lao ào vào nhà “Bắt quả tang lại chơi điện tử rồi nhé. Bố đã dặn thế nào? Tan học, ăn trái cây, uống sữa, làm bài về nhà rồi mới được chơi máy tính cơ mà?”

 Đêm, tôi bắt đầu lơ mơ trên chiếc đệm dày trải giữa nền phòng khách, bàng hoàng bật dậy, tiếng tim đập bùng ra cả lỗ tai. Một bóng đen lướt nhẹ qua hành lang. Cửa phòng đối diện bật ra, tiếng kêu la ầm ầm “Tao cài mật mã mới rồi mà mày lại phá được hả. Mấy giờ đêm rồi còn game?”.

Gần đây vẫn nghe anh họ than “Thằng bé hầu như chỉ sống về đêm. Anh đi làm từ sáng sớm đến tối, thời gian đâu mà giám sát con. Tối về nấu cơm nó cũng chẳng ăn cùng. Nửa đêm thức dậy đi vệ sinh may ra mới thấy mặt ông con đang lục tủ bếp. Cứ như anh vừa bứt một khúc đời mình vứt đi vậy. Quyết định mang con sang đây chẳng biết đúng đắn hay sai lầm. Tưởng là vì con mà có khi lại hại đời con lẫn phí đời mình. Giờ mà mang con về Việt Nam thì đằng nhà vợ cũ chửi cho nát óc.”

Ở tuổi lên 6, bé Tô, con trai tôi, cũng bắt đầu phụng phịu “Ba ngày đi Thụy Điển và Đan Mạch cơ à, thế là ba ngày con không được chơi tablet.” Ở độ tuổi này tôi còn có quyền bắt con phải đi cùng mình, thuyết phục được con đến nơi tôi muốn. Và không mang máy tính bảng theo cùng, cũng không đưa điện thoại cho chơi game. Sau vài phút dỗi hờn, thằng bé bắt đầu hào hứng móc bánh ngọt ra chia cho những con thiên nga chân đeo số trên cầu cảng Copenhagen.

Đứng trước quầy đổi tiền ở thành phố Malmo (Thụy Điển), mắt con trai tôi sáng lên “Ô hô, hôm qua mình đổi 100 euro chỉ được hơn 600 krone Đan Mạch. Hôm nay cũng 100 euro được hơn 900 krona Thụy Điển. Chỉ cách nhau một cây cầu Oresund mà người Thụy Điển lại rẻ hơn người Đan Mạch”. Vì những khám phá và trải nghiệm này, có nhếch nhác đến mấy, vất vả đến mấy, đi đâu tôi cũng gắng mang con theo. Không chỉ viết truyện cổ tích, Andersen còn định nghĩa về cuộc đời thực “Đi là sống”.

Nuôi một đứa trẻ tốn kém bao nhiêu? Trong đầu người cựu binh Bỉ, sự tốn kém này là cả quá trình cha mẹ sống chung với đứa trẻ từ khi sinh ra, cùng những đứa trẻ lớn lên và chỉ cho chúng cách tự gánh lấy cuộc đời mình chứ đừng quẳng lên vai người khác, dù đó là cha mẹ hay anh chị em ruột thịt. “Vợ chồng tôi không nấu ăn cho con, chúng tôi nấu ăn cùng con.” Hãy nói với con về thời gian và tiền bạc, càng sớm càng tốt, đó là những thứ nên chia sẻ chứ đừng cho không.

Như trước mặt tôi lúc này, ngay cổng bảo tàng Fotevikens tại thị trấn Höllviken (Thụy Điển) xuất hiện hai đứa bé khoảng 5 và 8 tuổi. Là người gốc Băng Đảo- Iceland sống tại Thụy Điển, vào những ngày nghỉ lễ, hai đứa bé này theo cha mẹ vào làm tình nguyện viên tại bảo tàng về người Viking, tái hiện đời sống thời trung cổ, khoác lên người bộ trang phục làm từ vải đũi, bàng bạc màu cát hoặc nhợt nhạt màu rêu, màu đất. “Đêm đến gia đình họ ngủ đâu?”, tôi hỏi một tình nguyện viên người Séc đang cho thêm củi vào bếp lửa trước mô hình lều trại Viking gần đó.

Anh chỉ tay sang ngôi nhà gỗ thô sơ bên cạnh “Cả nhà Iceland ngủ trong đó, trên những chiếc giường trải rơm, họ cũng chẳng cần màn. Còn tôi vẫn phải có thêm chiếc đệm mới êm lưng.” Fotevikens là mô hình bảo tàng mở ngoài trời, dựng ngay bờ vịnh biển Oresund gió thổi vào lồng lộng.

Ban ngày còn có nắng sưởi ấm chứ đêm xuống hẳn cũng lạnh săn da. Thêm lũ muỗi mòng chao dầy như mùa hoa bồ công anh khô bứt cánh. Vậy mà bọn trẻ chịu đựng được, hay nói cách khác, cha mẹ đã thuyết phục được chúng- cùng nhau trải nghiệm một cuộc sống khác.

“Mùa hè năm sau tôi cũng sẽ mang con trai 10 tuổi đến đây làm tình nguyện viên. Phải tự bỏ tiền tàu xe sang đây, làm việc không lương, nhưng chúng tôi được cung cấp bữa ăn và chỗ ngủ ngay tại đây. Tôi hứa với con khi tối đến, chúng tôi sẽ lên thuyền ra vịnh Oresund câu cá và làm nhiều điều thú vị nữa cùng nhau. Thằng bé đã nhận lời”.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.