Phạt trẻ, có nên nhốt vào toilet?

TS. Giáp Văn Dương, người khai mở và đào tạo dòng giáo dục khai sáng.
TS. Giáp Văn Dương, người khai mở và đào tạo dòng giáo dục khai sáng.
TPO - Một ngày xa xưa, đâu như năm 2003 thì phải. Con gái tôi lúc đó 3 tuổi, mới đi học mẫu giáo những ngày đầu. Tất nhiên là khóc. Nhưng thường chỉ khóc lúc đi, chứ về nhà là vui như Tết. Bỗng một hôm nức nở con không đi học nữa, con không đi học nữa. Hỏi ra thì biết vì con sợ. Vì sao? Vì cô nhốt một bạn hay nghịch vào nhà vệ sinh. 

Con bảo, trong nhà vệ sinh chỉ có một mình. Sợ lắm. Mà đúng là sợ thật. Mình là người lớn mà bị nhốt vào nhà vệ sinh còn sợ nữa là trẻ nhỏ. Khi làm việc đó, chắc cô chỉ nghĩ đó là một hình phạt. Một hình phạt an toàn và chấp nhận được. Nhưng đó là an toàn về thể xác. Còn về tinh thần thì hoàn toàn không. Cô không bao giờ nghĩ ra được phía sau hình phạt đó là những gì còn ẩn giấu. Có thể các bậc cha mẹ cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện đó, vì cũng đã phạt con bằng việc nhốt vào nhà vệ sinh như vậy.

Vậy thì cái gì ẩn giấu phía sau hình phạt này?

Đó là tước đoạt tự do và sự kết nối. Chính là sự tước đoạt này mới làm cho con sợ hãi và cảm thấy sốc. Bản chất của việc tống vào tù là gì, nếu không phải là tước đoạt tự do. Ở các nước Bắc Âu, đi tù vẫn được ăn ngủ đầy đủ, phòng có lò sửa, có ti vi, gường có đệm, có nước nóng. Có cả các phương tiện thể thao, giải trí khác. Duy chỉ một thứ không có, đó là tự do. Tống vào tù, bản chất là tước đoạt tự do. Mà tự do lại gắn liền với nhân phẩm, tức tính người.

Chỉ con người mới có khái niệm, và trải nghiệm về tự do có ý thức, còn các loài động vật khác thì không. Trong các khóa học về khai sáng mà tôi giảng dạy, tôi hay lấy một ví dụ: Chỉ con người mới có khả năng biết tự đặt ra câu hỏi: Người là gì? Từ đó, mới có thể sống một cuộc đời xứng đáng với cuộc đời của một con người.

Các loại động vật khác thì không có khả năng tự hỏi như thế. Chẳng hạn, con trâu không có khả năng tự hỏi “Trâu là gì?”. Nếu nó biết đặt ra câu hỏi “Trâu là gì?” thì sao? Thì khi đó nó sẽ không cam tâm bị giam hãm trong chuồng để kéo cày cho mình nữa. Vì khi biết tự đặt ra câu hỏi “Trâu là gì?” đó, sớm hay muộn thì con trâu đó cũng sẽ trở thành một con trâu tự do. Nó có đủ sức mạnh để phá tung chiếc chuồng vẫn đang giam hãm, để bắt đầu sống một cuộc đời đích thực của con trâu, ít nhất cũng theo cách hiểu của nó và theo cách mà nó lựa chọn.

Khi đó, con trâu sẽ không cam tâm kéo cày cho mình nữa. Bởi vì, trong sâu thẳm nó đã trở thành một con trâu tự do, không phải là một con trâu công cụ.

Nhưng chúng ta rất ít người tự đặt ra câu hỏi “Người là gì?” đó, vì thế về bản chất, cuộc sống của ta cũng không khác cuộc sống của một con trâu bao nhiêu. Đó là lý do vì sao cứ mở miệng ra là ta than, đã cày cả ngày hôm nay rồi, hoặc ta tự nhủ cày tiếp đây khi nói về công việc của mình. Mình gọi công việc của mình là cày. Mình cày, trâu cũng cày. Vậy cuộc sống của mình và cuộc sống của trâu có gì khác nhau?

Có gì khác nhau?

Tất nhiên là phải có gì đó khác nhau. Sự khác nhau nằm duy nhất ở chỗ, ta biết đặt hỏi “Người là gì?”, còn trâu thì không biết hỏi “Trâu là gì?”. Còn những thứ khác, như sức khỏe hay sự chăm chỉ ta không chắc đã hơn trâu. Ta cũng không khỏe hơn, hay nhanh nhẹn hơn các loài động vật hổ báo khác.

Như vậy, chỉ con người mới có ý niệm và trải nghiệm về con người tự do. Nhưng ta đã đánh mất khả năng đặt ra câu hỏi đó, chủ yếu thông qua cách thức giáo dục không phù hợp. Vì thế mà ta phải cày như trâu…

Đây là ví dụ tôi thường nêu ra trong các khóa học về khai sáng, chẳng hạn khóa học “Tôi là ai?”.

Tôi là ai? Thoạt nghe có vẻ kỳ cục. Tôi là ai? Tôi là tôi chứ tôi là ai nữa! Ai đó sẵn sàng quát lên như vậy.

Bình tĩnh. Nghe qua thì tưởng là đơn giản. Nhưng ngẫm kỹ thì không phải là như vậy. Nếu ai cũng biết được “Tôi là ai?” thì trên đời này còn gì đau khổ nữa. Nhưng thôi, tôi không nói ở đây nữa kẻo lại không biết “Tôi là ai?”.

Giờ trở lại việc con bị nhốt trong nhà vệ sinh, ngoài việc tự do bị tước đoạt, thì còn một sự thật khác cũng nghiêm trọng không kém. Đó là sự kết nối cũng bị tước đoạt đồng thời cùng với tự do. Là một con người, chúng ta cần sự kết nối với tự nhiên và với đồng loại. Chính sự kết nối này tạo ra chúng ta như một con người. Cũng nhờ sự kết nối này mà chúng ta tồn tại được, và chúng ta sống cuộc sống của một con người.

Do đó, tước đoạt kết nối cũng là tước đoạt tính người. Vì thế, những người phạm tội rất nặng thì người ta sẽ không chỉ bị phạt tù, mà bị đi đày biệt xứ, đến những nơi hoang vu không một bóng người. Đi đày biệt xứ là hình phạt nặng hơn đi tù. Vì đi tù thì chỉ tước đoạt tự do, nhưng vẫn duy trì kết nối ở mức độ thấp, còn đi đày là vừa bị tước đoạt tự do, vừa bị tước đoạt kết nối.

Ai muốn thực sự hiểu điều này, thì lại phải trở về với câu hỏi nhân sinh cơ bản nhất “Tôi là ai?” như đã nói ở trên, vì trong trường hợp này “Tôi là ai?”. Tôi chính là sự kết nối.

Bên cạnh việc bị tước đoạt tự do và kết nối thì việc bị nhốt vào toilet sẽ tệ hơn nhiều so với bị nhốt vào nhà kho hay bất cứ chỗ gì khác. Nhốt trẻ vài toilet là trực tiếp nói với trẻ, một cách mạnh mẽ thông qua hành động, rằng con không có giá trị gì. Con là đồ bỏ. Chỉ những đồ bỏ mới bị tống vào toilet. Chỉ những thứ xả thải đi mới bị tống vào toilet. Nhốt trẻ vào toilet tức là trực tiếp nói với trẻ như thế.

Cảm giác này tuy rất mơ hồ, nhưng rất đáng sợ. Chúng ta không thể dùng lý luận để phân tích ở đây rằng thầy cô hay cha mẹ không có ý định đó. Nhưng sự việc là như thế, nó hiện ra như thế, nói mách bảo rằng tôi không có giá trị gì nên mới bị tống vào toilet, nơi chuyên xả bỏ những thứ bị coi là bẩn thỉu, cần phải rục bỏ. Ngay cả người lớn chúng ta, chỉ cần hình dung bị ai đó tống vào toilet, thì trực giác đã ùa đến mách bảo rằng vì không có giá trị gì nên mới bị tống vào nơi đó. Không tin, bạn cứ thử hình dung mình bị sếp hay ai đó to hơn mình nhốt vào toilet mà xem. Sẽ thấy ngay kết quả.

Như vậy là bằng hình phạt nhốt vào toilet, cô đã tước đoạt thành công cả tự do và kết nối của một đứa trẻ. Đồng thời bồi thêm một cú nữa, bằng cách cho nó biết rằng nó không có giá trị gì, chỉ đáng bỏ vào toilet. Vậy nên mới đáng sợ. Vậy nên mới ám ảnh.

Như vậy là cô đã chiến thắng con 3-in-1 hết sức dễ dàng. Cha mẹ nào đang nhốt con vào toilet là cũng là đang tìm kiếm một chiến thắng 3-in-1 như thế. Yeah! Đập tay!

Tuy cô phạt các con thành công theo cách này, và rất có thể lần sau con không dám như thế nữa, nhưng tổn thương tâm lý rất lớn. Con tôi chỉ chứng kiến cảnh đó mà sợ chết khiếp, nên nhất định đòi bỏ học. Mới đi học được vài ngày đã đòi bỏ học thì thật là khó xử. Mà lý do thì vô cùng chính đáng. Mình đường đường là người lớn thế này, đi làm mà bị sếp dọa nhốt vào toilet, chứ chưa cần nhốt thật, là mình bỏ việc ngay tắp lự!

Vậy mà con có thể bị nhốt vào toilet. Thật là nan giải. Làm sao bây giờ?

À, không sao, con. Cái này là chỉ dành cho những bạn hư thôi. Con ngoan thì không bao giờ bị nhốt vào toilet. Vợ tôi đã động viên con như thế. Vì chẳng còn cách nào hơn thế. Vậy là con lại tiếp tục đi học.

Con đi học nhưng nỗi ám ảnh bị nhốt vào toilet thời thơ ấu mười mấy năm sau vẫn còn trở lại.

Còn các thầy cô và cha mẹ khác, vẫn sẵn sàng nhốt con em mình vào toilet để trừng phạt mà không một lần tự hỏi hậu quả của việc đó là gì.

Haizzz….

“TÔI NGHĨ...” là một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.

MỚI - NÓNG