Tôi là ai khi tôi ở nước ngoài?

TS. Giáp Văn Dương, người khai mở và đào tạo dòng giáo dục khai sáng.
TS. Giáp Văn Dương, người khai mở và đào tạo dòng giáo dục khai sáng.
TPO - Vừa rời khóa giảng dạy “Tôi là ai?” ở Tp. HCM về, tôi đọc được tin cảnh sát Nhật Bản bắt bảy du học sinh Việt Nam chuyên trộm mỹ phẩm mang về nước bán. Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tin này không phải là sự trách cứ, mà lại là một tiếng thở dài.

Thở dài vì tôi biết vì sao họ lại làm như vậy. Họ làm như vậy không hẳn chỉ bởi lòng tham, mà sâu xa hơn là sự mập mờ của một lẽ nhân sinh. Đó là những người không biết được “Tôi là ai?”. Cụ thể hơn, đó là những người không biết được “Tôi là ai khi tôi ở nước ngoài?”.

Những du học sinh đó, nếu chỉ vì nghèo khó mà hành xử như vậy thì giải pháp sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng nếu không phải vì nghèo khó đến mức sắp chết đói, mà vì không biết được mình là ai khi mình ở nước ngoài nên mới hành xử như vậy, thì câu chuyện trở thành nan giải. Những du học sinh đó, thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến việc trả lời câu hỏi “Tôi là ai khi tôi ở nước ngoài?” đó. Chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho cho những câu hỏi nhân sinh như vậy.

Mà việc này, cũng không thể trách cứ họ hoàn toàn được. Nhà trường dạy đủ thứ trên đời, từ con vi khuẩn bé tí ti, đến những thiên hà xa xôi ngoài vũ trụ. Dạy đủ thứ kiến thức, đến mức học sinh luôn quá tải. Nhưng thứ quan trọng nhất, đó là “Tôi là ai?” thì không bao giờ nhắc đến.

Vậy nên, những người Việt Nam thời đại này rơi vào nghịch cảnh, biết rất nhiều thứ xung quanh mình mà lại không biết gì về mình. Biết nhiều, vì vậy mà lại thành không biết gì.

Khi bạn biết mọi thứ xung quanh nhưng không biết mình là ai thì những cái biết xung quanh đó cũng trở thành vô nghĩa.

Trong hoàn cảnh đó, họ đã đồng nhất họ với tất cả những gì đang diễn ra bên trong con người mình. Đó có thể là một lòng tham trỗi dậy, hoặc một ước muốn có nhiều tiền nhanh chóng dễ dàng. Đó cũng có thể là một cơn giận dữ, hoặc một sự sợ hãi. Và họ hành xử nhất quán với nhận thức đó. Muốn có tiền, họ trộm đồ và gửi về nhà để bán. Khi sợ hãi, họ sẽ thất thần, đổ sụp xuống vì lo lắng và sợ hãi. Họ trở thành sự trình hiện của những gì đang diễn ra bên trong họ, không hơn không kém.

Câu chuyện đến đây đã bắt đầu phức tạp và nhức đầu vì phút chốc, từ một hành xử không đúng mực trong đời thường, ta đã đi thẳng vào Triết học: Nếu tôi là những gì đang diễn ra ở bên trong tôi thì đã sao? Nếu tôi nghĩ sao tôi nói vậy, nếu cảm xúc của tôi ra sao thì tôi thể hiện ra như vậy, thì có gì là sai, có gì là xấu? Mà tôi không phải là những gì đang diễn ra bên trong tôi, thì tôi là cái gì đây? Sao nhức đầu quá vậy!?

Câu trả lời là hãy bình tĩnh. Không có gì sai, không có gì xấu ở đây cả, khi tôi là những gì đang diễn ra bên trong tôi. Như một đứa trẻ, nếu đói thì tôi sẽ đòi ăn, buồn thì tôi sẽ khóc, tức giận thì tôi lăn xuống đất giãy chân đành đạch. Một đứa trẻ như vậy không hề sai, không hê xấu. Đáng yêu là đằng khác, khi đứa trẻ đó đồng nhất mình với những gì đang diễn ra bên trong mình theo cách chân thật như thế. Nhưng…. Nhưng….Có cái gì đó sai sai ở đây thì phải?

Một đứa trẻ có thể làm như vậy. Nhưng liệu tôi có thể làm như vậy? Liệu một người trưởng thành như tôi có thể lăn đùng xuống đất và giãy chân đành đạch khi có điều gì đó không hài lòng? Không, chắc chắn là không. Ai lại làm thế. Làm thế thì kỳ cục chết!

Vậy là cái mệnh đề “Tôi là những gì đang diễn ra bên trong tôi” bỗng nhiên trở thành có vấn đề. Nó đúng, nhưng không đủ. Và chính ở cái phần không đủ đó, chúng ta tìm thấy sự trưởng thành của chính mình. Một người trưởng thành vượt thoát khỏi những gì đang diễn ra ở bên trong mình. Với một người như thế, tôi chưa chắc đã là những gì diễn ra ở bên trong tôi (nhưng đồng thời, tôi cũng lại là những gì đang diễn ra ở bên trong tôi đó). Câu chuyện vì thế mà trở thành rắc rối.

Một trong những điều không diễn ra ở bên trong tôi đó, nhưng lại đích thị là tôi, đó là sự trình hiện. Tôi khi đó, chính là sự trình hiện của tôi ra thế giới. Những gì đang diễn ra ở bên trong tôi, người ngoài không truy nhập được. Nhưng sự trình hiện của tôi ra cho họ, thì họ nhận biết được. Và dưới con mắt của họ, tôi chính là sự trình hiện đó, không hơn không kém.

Nếu sự trình hiện đó là một sự lười biếng, thì tôi đích thị là người lười biếng. Nếu sự trình hiện đó là vô trách nhiệm, thì tôi đích thị là vô trách nhiệm.

Một sự trình hiện như thế sẽ không chỉ bao hàm tất cả những hành vi của chính tôi, hoặc những mối liên hệ của tôi với người khác, mà còn cả ở sự “hiện ra” của tôi cho người khác thấy. Vì thế, tôi không chỉ là những gì đang diễn ra ở bên trong tôi, mà tôi còn là những gì tôi đang “hiện ra” cho chính tôi và thế giới.

Trở lại với câu chuyện buồn bã của bảy du học sinh nói trên, mấu chốt sẽ không nằm ở việc thiếu thốn đến mức phải ăn cắp, mà lại ở chỗ không biết được “Tôi là ai khi tôi ở nước ngoài?”.

Vậy thì tôi là ai khi tôi ở nước ngoài? Ở phương diện cá nhân, và dưới góc nhìn của sự trình hiện, tôi là những gì tôi trình hiện ra cho người khác thấy. Nhưng ở phương diện quốc gia, tôi lại chính là sự trình hiện của đất nước tôi cho thế giới thấy.

Một đất nước được định hình bởi điều gì, nếu không phải là bởi những công dân của chính nước đó?

Vậy nên, nếu “người Nhật là kho tàng của nước Nhật”, thì người Việt cũng là kho tàng nước Việt. Chỉ có điều, kho tàng đó đang có gì, và đang hiện ra như thế nào cho thế giới thấy.

Giá như nhà trường dạy dỗ đến nơi đến chốn về câu chuyện “Tôi là ai?”, hoặc những tổ chức trước khi đưa người ra nước ngoài có thể dặn dò một câu rằng: Khi ở nước ngoài, em chính là đất nước Việt Nam. Hình ảnh của em chính là hình ảnh của Việt Nam. Vì thế, phải hành xử sao cho tương xứng.

Và giá như, có ai đó dặn dò rằng, sự trình hiện quan trọng nhất là sự trình hiện cho chính mình. Vì thế, các em phải luôn để ý xem mình đang hiện ra cho mình như thế nào, để điều chỉnh, và để duy trì lòng tự trọng.

Một người chỉ có được lòng tự trọng khi họ biết mình là ai, và thấy mình hiện ra cho chính mình như thế nào.

Nhưng đã không có ai làm như thế. Và đó mới là vấn đề nan giải của giáo dục và của cả xã hội. 

Từ giữa tháng 3/2017, báo Tiền Phong điện tử mở chuyên mục “TÔI NGHĨ...” – một góc nhìn riêng của người viết về những vấn đề được cả xã hội quan tâm; hoặc từ câu chuyện riêng tư, nhỏ bé của bản thân và những người quanh ta mà khai mở được vấn đề lớn, hướng đến sống đẹp, sống có ích. Mời bạn đọc, bạn viết đóng góp bài vở để chuyên mục có độ sâu sắc, lắng đọng hoặc thư giãn nhẹ nhàng. Mời tương tác bằng cách bình luận, góp ý để chuyên mục ngày càng hấp dẫn. Dung lượng bài viết từ 700 đến 1200 chữ gửi kèm ảnh tác giả ghi rõ ngành nghề làm việc- về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com.
MỚI - NÓNG