Báo chí và phản biện

Báo chí và phản biện
TP - Báo chí là một trong những kênh phản biện xã hội hữu hiệu nhất. Từ phản biện có lẽ có xuất xứ từ các ý kiến nhận xét (khen, chê hoặc góp ý) của những người được yêu cầu (họ được gọi là các nhà phản biện) để đọc và cho ý kiến nhận xét về một luận văn nào đó.
Báo chí tác nghiệp
Báo chí tác nghiệp. Ảnh: Tuổi trẻ

Rồi người ta dùng từ phản biện xã hội theo ý nghĩa tương tự đối với các chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội của nhà nước hay các cơ quan nhà nước (trung ương hay địa phương).

Hiểu như vậy thì quá trình phản biện xã hội là rất cần thiết cho việc hình thành, thực hiện, sửa đổi hay hiệu chỉnh chính sách, một phần cốt yếu của cải cách liên tục.

Bất cứ ai dẫu thông minh uyên bác đến đâu đều có thể mắc sai lầm, đều có thể có định kiến hay bị những giá trị hay lợi ích cục bộ ảnh hưởng. Để tránh những tác động tiêu cực, tăng tính khách quan, vô tư hay không thiên vị của các quyết định ảnh hưởng đến nhiều người, thì thủ tục bàn luận công khai, lấy ý kiến của các chuyên gia, của những người có thể bị ảnh hưởng, tính đến và đánh giá các tác động nhiều mặt của các quyết định sẽ được thông qua là một đòi hỏi chính đáng.

Đấy là cách làm được hầu hết các nước phát triển tiến hành và các tổ chức quốc tế ủng hộ.

Nhà nước Việt Nam cũng đã có các quy định pháp lý để thúc đẩy quá trình này trong hình thành các chính sách, các quy định pháp lý.

Đấy là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Vấn đề là làm sao để thực hiện các quy định và thủ tục đó một cách hữu hiệu cũng như sửa đổi và điều chỉnh chúng một cách thích hợp.

Hiểu theo nghĩa đó phản biện xã hội có thể được tiến hành theo nhiều kênh khác nhau. Những người có ý kiến có thể gửi thẳng cho các cơ quan hữu quan, có thể tham gia các hội thảo, thảo luận về vấn đề này, cũng có thể nêu ý kiến của mình trên báo chí.

Sở dĩ báo chí là một kênh quan trọng bởi vì tính công khai của nó. Ý kiến trên báo chí có thể được nhiều người thảo luận, bàn cãi từ nhiều góc độ khác nhau. Một ý kiến độc đáo có thể gây cảm hứng cho hàng ngàn ý kiến khác. Đấy là một kênh rất hiệu quả cho lập luận công, thảo luận công về các vấn đề liên quan đến nhiều người.

Việc lắng nghe các ý kiến đa chiều, các ý kiến thiểu số là hết sức quan trọng. Ý kiến của đa số chưa hẳn đã xác đáng, có khi ý kiến của thiểu số, thậm chí của một người có thể rất đáng cân nhắc. Chính vì thế phải lắng nghe ý kiến đa chiều, kể cả các ý kiến thiểu số.

Tiếng nói của dân qua báo chí nếu được lắng nghe sẽ tạo một vòng phản hồi tự tăng cường rất tốt lành: chất lượng chính sách được nâng cao, dân tích cực tham gia vào công việc chung, nâng cao uy tín của giới lãnh đạo và cứ như thế lại làm cho các chính sách và quyết định tiếp theo càng tốt hơn.

Ngược lại, nếu tiếng nói của họ không được lắng nghe, không được phản hồi, thì họ mất niềm tin vào vai trò làm chủ, lòng tin vào nhà nước bị xói mòn và ý kiến của họ có thể không còn mang tính xây dựng. Vòng phản hồi này chỉ làm yếu chứ không làm mạnh thêm các chính sách, quyết định.

Thúc đẩy vòng phản hồi tốt lành, phá vỡ vòng phản hồi tai hại là trách nhiệm của nhà nước và của các cơ quan báo chí. Bàn luận về dự án đường sắt cao tốc vừa rồi có thể mở ra một vòng phản hồi tốt lành như vậy, hãy nuôi dưỡng và củng cố nó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.