Tắc đường hay kẹt tư duy ?

Tắc đường hay kẹt tư duy ?
TPO - Trong giao thông văn minh, mỗi lần tới chỗ rẽ, người ta luôn phải để ý biển báo, xem liệu mình có được ưu tiên. Nhưng với người Hà Nội, ngồi lên xe, mình là… nhất.

>> Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra

Tắc đường hay kẹt tư duy ? ảnh 1
Nút cổ chai phố Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Yên

Biết đâu, những người lên kế hoạch phát triển giao thông thủ đô cũng mắc bệnh đó, cả lúc trên đường lẫn trong tư duy. Vì thế, giao thông Hà Nội ngày càng tắc tỵ vì chả biết “đường” ưu tiên là gì.

Nhà báo Thạch Anh (Nguyễn Hồng Thạch, hiện là Tham tán Kinh tế của Sứ quán Việt Nam tại Mỹ) đã từng nghiên cứu rất kỹ về giao thông Hà Nội. Anh cho biết : Hồi năm 2000, anh từng mang biếu không ý tưởng của mình cho lãnh đạo thành phố là ông Hoàng Văn Nghiên.

Lúc đó, Hà Nội có khoảng 1 triệu xe máy. Giả sử chỉ có 1/3 chủ xe, tức khoảng 300.000 xe gắn máy có thể trả thuế 1 triệu VNĐ/năm để được lưu thông trên phố thì ngân sách đã có khoảng 300 tỷ đồng trong một năm.

Mạng lưới xe bus lúc đó được bù giá khoảng 60 tỷ. Đánh thuế 300.000 xe máy đủ để mở rộng 5 lần mạng lưới xe bus.

Tất nhiên, không phải ai cũng đủ 1 triệu đồng để đóng thuế hàng năm. Như vậy, chỉ có người giầu và thu nhập trung bình mới đủ tiền để lưu thông xe riêng.

Người có tiền khi lựa chọn mua xe máy hay đi xe công cộng phải hết sức tính toán. Phương tiện công cộng hay cá nhân khi đầu tư và đưa vào lưu thông sẽ được sử dụng tối ưu bởi người chủ phương tiện.

Đương nhiên, xây dựng thành phố cũng phải đồng bộ. Những khu dân cư hàng vạn người cần có những bến xe bus đưa đón. Đó là một bài toán tổng thể về đô thị, không phải là một quyết tâm chính trị viết thành khẩu hiệu trên phố.

Rất đáng tiếc, nhà báo Thạch Anh gõ cửa bao nhiêu nơi công quyền, dù được tiếp ân cần, nhưng ý tưởng kia vẫn bị bỏ xó.

Anh thấy rằng, một gia đình ở thành phố đôi khi không đến mức quá cần thiết cũng kiếm 2-3 xe máy để trong nhà. Không có nhu cầu cũng phóng xe ra đường. Nếu phải đi xe bus, hoặc đóng thuế xe máy rất cao, người ta phải nghĩ rất kỹ, trước khi mua và bước ra đường.

Anh Thạch từng ở Singapore nên rất hiểu hệ thống giao thông đô thị và bài toán đặt ra cho con rồng châu Á này. Đất chật, người đông, nhưng Singapore ít tắc đường.

Bài toán đơn giản, có vẻ không công bằng. Nhà giàu đi xe hơi, nhà nghèo hãy chọn phương tiện công cộng. Một sự phân biệt đối xử ư ? Không hoàn toàn thế.

Đó là giải pháp của mọi thời đại, mọi xã hội. Vì thật ra, chính sách đó đã lấy một phần của người giầu thông qua thuế, để cấp cho người nghèo dùng giao thông công cộng với giá rẻ vì được trợ giá.

Ngoài ra, nhà nước nên khuyến khích tư nhân đầu tư loại phương tiện nhỏ hơn, xe mini 12 chỗ, 15 chỗ. Nguồn lực xã hội có thừa, nhưng không biết sử dụng, cứ phải thích “nhà nước” mới yên tâm.

Sau 10 năm, Hà Nội đã khác nhiều. Bây giờ không phải là 1 triệu xe máy mà là 4 triệu. Số 300.000 kia là xe hơi. Và hàng năm tăng khoảng 14-15% trong khi mạng lưới giao thông vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Kỳ họp HĐND vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi liên tục bị các đại biểu “xoay” giải pháp chống ùn tắc giao thông và trách nhiệm của chính quyền.

Báo chí đưa tin, đại biểu Phạm Thị Loan nóng lòng muốn biết UBND TP sẽ duy trì đến bao giờ “giải pháp tình thế” chống ùn tắc giao thông thực hiện thời gian qua -  “trên thế giới chẳng có ai lại ngăn ngã ba, ngã tư như thế cả”.

Có người còn đề nghị, người đi bộ thủ đô nên “bay” qua đường vì hệ thống đèn đỏ với đầu tư hàng trăm tỷ đồng của Pháp đang tắt ngấm.

Đại biểu Đào Xuân Mùi còn nói “Giải pháp phân luồng giao thông hiện nay đang phá vỡ kết cấu hạ tầng, hệ thống đèn tín hiệu, gây lãng phí trong đầu tư. Ngoài ra, việc dựng hàng rào tại các ngã tư cũng đang gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây khó khăn và mất an toàn cho người đi bộ qua đường”, ông Mùi nêu cụ thể.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi kết luận khó hiểu rằng, “cả hai luồng ý kiến trên... đều đúng” khi cho rằng giải pháp tình thế đáng được khen và cũng…đáng chê.

Thật ra, không có giải pháp tình thế nào đâu. Bây giờ mới bắt đầu nghĩ thì đã quá muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không.

Nguyên tắc quan trọng trong giao thông là phải có ưu tiên và không ưu tiên. Không phải ai có xe cũng được ra đường. Đánh thuế cao vào xe tư nhân, lấy tiền đó phát triển giao thông công cộng, nâng chất lượng phục vụ, mới mong bớt tắc tỵ như hiện nay.

Đương nhiên tiền đánh thuế kia phải được sử dụng hiệu quả. Giãn dân mà cứ xây nhà cao tầng trong nội đô không giải quyết được gì.

Biết đâu qui luật vàng trong phát triển giao thông của Singapore lại áp dụng tốt ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, đưa lại sự thông thoáng và trả lại sự công bằng trên đường cho tất cả mọi người.

Nếu không, mọi giải pháp chỉ là tình thế. Mà đã là tình thế thì không bao giờ giải quyết triệt để nạn tắc đường. Đi từ nhà đến văn phòng, thấy ngột ngạt trên phố cũng đủ làm người ta cảm thấy bế tắc trong tư duy, hết luôn cả sức sáng tạo. Niềm tin bị sụt giảm chính từ những nút cổ chai trong thành phố.

Tại thủ đô Washington DC  của nước Mỹ xe cộ đi lại như mắc cửi nhưng rất có hàng lối. Trên đường cao tốc hiện đại có đến 10 làn đường nhưng người ta vẫn có đường ưu tiên cho xe chở đông người với hiệu suất sử dụng phương tiện cao. Cũng lạ, ở cái xứ Mỹ này, chả thấy khẩu hiệu cổ động nào treo ngoài đường, thế mà giao thông của họ vẫn trật tự.

Không thể  “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” trong lúc hệ thống giao thông hỗn loạn và tắc nghẽn.  

Hiệu Minh
Từ Washington, D.C

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Đình, Email: nghiepfuvisg@...

Kẹt tư duy

Tôi rất tâm ý với bài viết của tác giả HIỆU MINH về vấn đề 'kẹt tư duy' trong giao thông và quản lý, theo tôi đó là nguyên nhân chính của vấn nạn kẹt xe và tai nạn giao thông , tôi đã góp ý kiến rât nhiều về ĐỘ ƯU TIÊN của nguời tham gia giao thông , nhưng hình như không ai QUAN TÂM đến nguyên tắc quan trọng này.

Luật giao thông trên mọi nước đều dựa trên nguyên tăc: NẾU KHÔNG CẤM LÀ ĐƯỢC PHÉP , NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀM ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯUỜI CÓ QUYỀN ƯU TIÊN HƠN, ví dụ : biển dành cho người đi bộ màu xanh , có nghĩa là không cấm chạy ngang( biển cấm màu đỏ) nhưng khi có người đi bộ , thì anh nhất thiết phải dừng và nhường, vì trong trường hợp này người đi bộ có quyền ưu tiên hơn.

Nhưng ở VN ta ai hung hăng hơn là nguời ƯU TIÊN vì thế không ai chịu nhường vì ai cũng cho ta là number 1- HÃY CÙNG NHAU THAY ĐỔI TƯ DUY CẢ NGƯỜI THAM GIA VÀ QUẢN LÝ GIAO THÔNG !

Nguyen Thi Nga, Email: ...ga@gmail.com

Tắc đường - Đó là tắc từ tư duy của người quản lý, Tắc từ ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông ! Giải pháp " tình thế" như hiện nay, làm mất đi tập quán giao thông và làm tăng không dưới 10% thời gian và đoạn đường cần phải đi trong thành phố!

Ngô Phong, Email: ...bd@yahoo.com.vn

Tôi nhất trí 90% với quan điểm trên, 10% còn lại là cân nhắc về số tiền đóng thuế hàng năm đối với một phương tiện đăng ký lưu thông ( có thể ít hơn 1triệu/1xe gắn máy, bởi thu nhập của đại đa số người dân còn tương đối thấp).

Đã có rất nhiều phương án, giải pháp được đưa ra và đã thực hiện, nhưng trên thực tế vấn đề giao thông tại TP Hà Nội chưa cải thiện được là bao, chưa nói có nhiều điểm, nút còn bế tắc hơn trước.

Nguyên nhân thì đã tìm ra, giải pháp khắc phục đã thực hiện. Song có lẽ vấn đề chưa thực sự giải quyết được chính là ở "Cái đầu" là ở cách tư duy và quan trọng hơn cả là cách triển khai thực hiện.

Chúng ta có chủ trương giãn dân ra ngoại thành để giảm tải, nhưng tôi thấy các cao ốc, Chung cư trong nội thành vẫn mọc lên như nấm (có lẽ bởi kinh doanh bất động sản trong nội thành các nhà doanh nghiệp thấy lãi nhiếu hơn).

Hệ thống đường mới mở còn mang tính manh mún và tình thế, đường chưa làm xong đã thấy lạc hậu và bất cập. Nói vui, đường xá Hà Nội như một tấm áo vá ! Hôm nay đào chôn dây cáp, mai đào chôn dây điện....đào xong vất đấy.

Và một điều cũng rất quan trọng, đó chính là ý thức tham gia giao thông của người dân còn rất thấp, mạnh ai lấy được, nhanh hơn một vài giây hoặc vắng mặt cảnh sát giao thông là vi phạm, đường đường là nhà, hè hè là nhà, chiếm dụng tất để kinh doanh vụ lời.....còn nhiều, rất nhiều những bất cập về giao thông ở VN nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần. Hơn thế nữa, muốn có một có một ngôi nhà vững chắc chúng ta phải chuẩn bị và làm tốt từ những viên gạch nền móng đầu tiên.

Rất mong những nhà quản lý, những nhà hoạch định chiến lược phát triển giao thông hãy làm bằng chính trái tim và khối óc của mình vì một Hà Nội - VN "Xanh - Sạch - Đẹp''.!

Hồng Kiên, Email: ...61@GMAIL.COM

Không đơn giản thế !

Hai tác giả (người viết bài và người đưa ra ý tưởng) nghĩ quá đơn giản. Thậm chí xa thực tế. Đánh thuế người dùng xe máy để hạn chế lượng xe máy là việc không dễ, nhưng vẫn có thể làm được.

Nhưng những người không có tiền "đóng thuế" đi xe máy sẽ dịch chuyển bằng gì? Chính quyền đã phát triển được phương tiện công cộng đâu. Tôi từng thấy và tin tưởng: Nếu xe buýt hoạt động tốt, người dân sẵn sàng bỏ xe máy.

Nguyễn Thanh Quang, Email: ...2607@yahoo.com

Hy sinh người đi bộ

Tôi chợt chạnh lòng khi nghe chuyên gia người Nhật nói trên VTV ,,ở Nhật Bản tỉ lệ người cao tuổi nhiều nên chúng tôi rất chú trong ưu tiên luồng đường cho người đi bộ,Việt Nam dân số trẻ nên.......,,.

Có lẽ tôi đã săp đến tuổi già nên hay lo xa, nhưng nghĩ lại thì lo là phải vì hiện nay ra đường làm gì còn lối cho người già , con trẻ, người tàn tật ....vỉa hè thì bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh , hoặc bị chính quyền mang cho thuê làm nơi để xe, ngả tư thì bị bịt lại không đèn xanh đèn đỏ.quan chức đi lại bằng xe hơi , bố mẹ , vợ con họ cũng có người đưa đón nên họ cũng chẳng phải lo.

Văn Lâm, Email: ...23450@yahoo.com.vn

Cần thay đổi tư duy trong quy hoạch phát triển giao thông.

Tác giả nói từ nhà ra đường người ta thấy"ngột ngạt' vậy cũng có nghĩa là khi ra đường là người ta có nhu cầu chứ không phải" bỗng dưng" thấy thích là ra đường để phải chụi ngột ngạt.

Nhu cầu ra đường là một thực tế trong quá trình phát triển tăng trưởng cao như ở ta hiện nay.Ta cũng khó có thể học cách này cách nọ của các nước phát triển trong trường hợp giao thông công cộng bởi hệ thống giao thông của họ đã tương đối cân đối với sự phát triển kinh tế , xã hội.

Tôi thấy giao thông của ta ách tắc chính là do ta thiếu đất làm đường cho phương tiện giao thông các loại chứ không phải nguyên nhân do phương tiện cá nhân nhiều,dân không đi xe buýt.

Giả sử 50% số người dùng xe máy chuyển sang dùng xe buýt thì liệu có đủ đường cho xe buýt không?Hiện nay vào giờ cao điểm xe buýt quá tải thường bỏ bến và chính xe buýt cũng là nguyên nhân gây tắc đường vì xe to,đường hẹp.

Để giải quyết đất cho giao thông phải thay đổi tư duy khi mở rộng đường,phải mở rộng ,quy hoạch lại cả phố hai bên đường để có hè cho người dùng xe buýt đi bộ và có tiền làm thêm đường.

Dương Kim Ngọc, Email: ...sd9@yahoo.com

Cần có chế tài mạnh

Theo tôi trong tình trạng hiện nay, cần có một chế tài thật mạnh mới có thể cải thiện và chấm dứt được thói quen tham gia giao thông bất chấp luật như hiện nay. Theo tôi cần có qui định phạt vi phậm giao thông như xe máy vượt đèn đỏ: 5 triệu đồng, ô tô vuợt đền đỏ 15 triệu đồng. Các vi phạm khác phạt theo cấp độ tương đương, lỗi nhẹ nhất là 2 triệu đồng.

Nguyễn Văn Pha, Email: ...van@yahoo.com

Theo tôi việc ùn tắc giao thông hiện nay tập trung chủ yếu ở mấy quận nội thành cũ, còn các khu đô thị mới tình trạng ùn tắc ít xảy ra. Nguyên nhân ùn tắc ở các quận nội thành cũ là hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều nhưng số lượng phương tiện tham gia giao thông thì tăng quá mức, mật độ dân tham gia giao thông quá lớn (các cơ quan trung ương, Hà nội, các trường đại học, các trường phổ thông, dân ngoại tỉnh vào làm ăn tập trung hầu hết ở đây).

Việc Hà Nội vừa qua điều chỉnh lại các nút giao thông đã giảm bớt ùn tắc, việc này cần ghi nhận. Tuy nhiên, sự giảm bớt ùn tắc trên sẽ không bền vững vì các phương tiện tham gia giao thông tăng lên hàng ngày trong khi hạ tầng giao thông được cải thiện ít.

Muốn giảm bớt ùn tắc hiện nay chỉ có cách giảm bớt các phương tiện tham gia giao thông (điều này quả là khó), làm thêm các đường xương cá tại nhiều khu dân cư, tuyến phố, ví dụ đường Đội Cấn và đường Hoàng Hoa Thám chạy song song 2, 3 cây số nhưng các đường ngang nối 2 đường với nhau thì quá ít, từ đầu chợ Ngọc hà đến đường Liễu Giai - Văn Cao song song với đường Hoàng Hoa Thám dài hơn 2 cây số nhưng chỉ có 3 đường ngang nhỏ khoảng 2 mét chạy ngoằn ngèo xuyên qua làng và rất khó đi, ai không đi quen dễ bị lạc, tại các quận nội thành cũ có nhiều tuyến phố tương tự nếu có thêm các đường ngang giống như khu phố cổ thì chắc ùn tắc sẽ giảm nhiều.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG