Để bóng đá nước nhà trong sạch

Để bóng đá nước nhà trong sạch
(TPO) Hàng loạt câu hỏi xoay quanh những scandal của bóng đá VN thời gian vừa qua đã làm nóng không khí buổi giao lưu trực tuyến chiều nay (8/9) của Tiền phong Online.
Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 1
Cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu lúc 14h30

Khách mời của Tiền phong Online :

Ông Vũ Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam

- Nhà báo Lê Quốc Huy – Thư ký tòa soạn Báo Thể thao Ngày nay

- Ông Dương Mạnh Hùng – Trọng tài quốc gia

- Cầu thủ Lê Anh Dũng (CLB LG.HN.ACB)

- Cầu thủ Thạch Bảo Khanh (CLB Thể Công.Viettel)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 2
TBT báo Tiền Phong Dương Xuân Nam

Mở đầu Bàn tròn trực tuyến Tổng biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam nói: Tôi xin cảm ơn các vị khách tham dự buổi trực tuyến. Hy vọng trong buổi bàn tròn trực tuyến hôm nay, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan, những ý kiến mang tính xây dựng đóng góp cho việc phát triển của bóng đá Việt Nam.

Ông Vũ Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Thay mặt Liên đoàn, tôi xin cảm ơn báo Tiền phong đã tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến. "Cuộc giao lưu trực tuyến là một đóng góp trong việc làm trong sạch nền bóng đá Việt Nam. Về phần mình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để làm trong sạch nền bóng đá nước nhà. Chúng tôi cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ góp phần làm sạch môi trường bóng đá.

Cầu thủ Thạch Bảo Khanh: Trước tiên, xin chân thành cảm ơn báo Tiền phong đã tạo cơ hội để chúng tôi nói lên ý kiến của mình về vấn đề bức xúc này. Là một cầu thủ, tôi luôn mong muốn được chơi trong một môi trường bóng đá trong sạch. Xin chân thành cảm ơn Liên đoàn, báo giới và công an đã vào cuộc để làm trong sạch bóng đá VN

Cầu thủ Lê Anh Dũng: Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi vào bàn giao lưu trực tuyến về vấn đề làm thế nào để bóng đá VN trong sạch, vì thế lời đầu tiên xin được cám ơn BBT báo TP đã mở ra diễn đàn này. Bản thân tôi là một người vẫn đang được xỏ giầy ra sân. Đợt vừa rồi, các phương tiện truyền thông đều nhắc đến các hiện tượng tiêu cực. Bản thân tôi cảm thấy đây như là một động lực rất tốt để các cầu thủ như chúng tôi có thể chơi bóng tốt hơn.

Nhà báo Lê Quốc Huy - Thư ký Tòa soạn báo Thể thao Ngày nay: Giới báo chí chúng tôi đã từng đề cập tới chuyện này từ lâu. Nay nhiều gương mặt "đen" trong làng bóng đá VN đã bắt đầu ló dạng. Xin cảm ơn diễn đàn này trên TPO. Tôi cho rằng, diễn đàn sẽ đóng góp tích cực vào "chiến dịch bàn tay sạch" trong bóng đá hiện nay

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 3
Trọng tài Dương Mạnh Hùng

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Tôi nghĩ trọng tài là một trong số nhiều người cùng góp phần làm cho bóng đá Việt Nam trong sạch. Bản thân tôi rất tán đồng với ý kiến của anh Vinh, anh Huy. Còn ý kiến riêng tôi, từ trước tới nay các cơ quan báo chí, công an cùng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã vào cuộc nhưng vẫn chưa làm triệt để. Chính vì thế, bóng đá VN chưa khỏe và trong sạch. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải tiến hành chặt chẽ, triệt để và đồng bộ.

Nhiều câu hỏi đã được chuyển tới các vị khách mời.

Xin hỏi Lê Anh Dũng và Thạch Bảo Khanh: Việc tiêu cực, cá độ trong giới cầu thủ ở VN đang là một vấn nạn, vậy các anh đã bao giờ "dính" tiêu cực chưa? Đã bao giờ anh chơi bóng để rồi 20 năm nữa, khi giã từ sân cỏ, mọi người vẫn nhớ đến mình như các huyền thoại không? Với anh điều đó và tiền, cái nào quan trọng hơn?

Thạch Bảo Khanh: Trước tiên, xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi này đến cho chúng tôi. Tiêu cực đang là vấn nạn trong bóng đá VN và chúng ta đang cùng nhau làm những điều tốt nhất cho bóng đá VN. Bản thân tôi luôn tự hào khi ra đường không có một người hâm mộ nào nói mình là người bán độ. Tôi luôn luôn mơ ước được trở thành một cầu thủ lớn - và đó cũng là mơ ước chung của tất cả các cầu thủ.

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 4
Thạch Bảo Khanh

Lê Anh Dũng: Mình cảm thấy hết sức thoải mái và thanh thản vì những người hâm mộ chưa bao giờ, chưa một lần nào nói mình bán độ. Bản thân mình cũng xác định trong đá bóng,  trước hết mình phải chơi vì danh dự của bản thân mình. Để lựa chọn giữa 2 điều bạn hỏi, mình sẽ luôn chọn cách chơi để được người hâm mộ nhớ tới và cảm thấy hài lòng. Điều đó là quan trọng nhất đối với mình.

Với tư cách là một đồng nghiệp của một số trọng tài liên quan đến vụ án "Lương Trung Việt", ông có suy nghĩ gì về tư cách, đạo đức nghề nghiệp cũng như những lời khuyên đối với các trọng tài trẻ? (Phạm Thành Dương, Bắc Ninh)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Bạn phải biết rằng, muốn trở thành một trọng tài, phẩm chất đầu tiên là phải công tâm. Nếu phẩm chất này không có, người trọng tài sẽ không được sự tôn trọng trong cuộc chơi này. Anh em trọng tài chúng ta luôn luôn phải rèn luyện về thể lực cũng như luật, nhưng quan trọng hơn để trở thành một trọng tài tốt và giỏi thì chúng ta phải biết vượt qua mọi cám dỗ để hoàn thành tốt công việc được giao.

Thưa ông Vũ Quang Vinh, là quan chức của LĐBĐVN, giả sử tiếp sau đây, công an điều tra ra cả một mạng lưới tiêu cực trong làng bóng đá Việt Nam liên quan đến nhiều thành viên trong LĐBĐVN thì Liên đoàn sẽ xử trí như thế nào và có sẵn sàng để "xóa cờ làm lại"? (Ngo Thai Huong, Email: ngothaihuong@yahoo.com)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 5
Ông Vũ Quang Vinh

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi rất cảm ơn câu hỏi thể hiện sự lo lắng và quan tâm của bạn đối với bóng đá Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, bạn rất yên tâm rằng tập thể Thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam gồm 5 đồng chí chúng tôi đã khẳng định dù có bao nhiêu cầu thủ, bao nhiêu trọng tài, bao nhiêu quan chức - trong đó có cả lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban Chấp hành Liên đòan bóng đá Việt Nam - có dính dáng đến tiêu cực thì chúng ta vẫn kiên quyết làm sạch bằng hết.

Kể cả trong trường hợp trong một thời gian chúng ta không còn giải đấu trong nước, không tham dự được các giải đấu quốc tế thì chúng ta vẫn phải làm, thậm chí xây dựng lại từ đầu một nền bóng đá Việt Nam trong sạch, khỏe khắn và mạnh mẽ.

Câu hỏi dành cho Thạch Bảo Khanh và Lê Anh Dũng: Trong cuộc đời cầu thủ, bạn đã bao nhiêu lần nhận được những "lời đề nghị khiếm nhã"? Và đã bao nhiêu lần các bạn thỏa hiệp?

Thạch Bảo Khanh: Như tôi đã nói, chưa bao giờ tôi "tiêu cực" trong bóng đá. Tôi luôn cảm thấy thanh thản với bản thân, bạn bè, gia đình và người hâm mộ. Xin cám ơn bạn.

Lê Anh Dũng: Trong 9 năm chơi bóng đá chuyên nghiệp, cũng đã có những lần tôi nhận được những "lời đề nghị khiếm nhã" như cách gọi của bạn, nhưng câu trả lời của tôi luôn là không. Vì bản thân tôi xác định được mục tiêu chơi bóng của mình là hết mình, vì danh dự. Chỉ khi nào chơi hết mình thì dù thua hay thắng, tôi vẫn cảm thấy thanh thản. Đấy cũng luôn luôn là một quan niệm sống của tôi.

Đối với các vấn đề tiêu cực, việc phát hiện xử lý tùy thuộc rất nhiều vào sự tố giác của những cá nhân hay tập thể. Như vậy, cần có quy chế khen thưởng xứng đáng cũng như có biện pháp bảo vệ an toàn các cá nhân có công phát hiện và tố giác. Đây cũng tương tự như việc thưởng tiền và áp dụng biện pháp bảo vệ cho người tố giác những kẻ khủng bố (như Mỹ và Nga) đã làm tương đối hiệu quả. VFF đang và sẽ thực hiện việc này như thế nào để khuyến khích phát hiện tiêu cực ? (Tên: Mr. Phuong TM,Email: tmphuong1976@yahoo.com)

Ông Vũ Quang Vinh: Hiện nay Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có kế hoạch tương đối chi tiết và cụ thể để động viên, khuyến khích và khen thưởng kịp thời những người có công trong việc tố giác và có phương án trong việc bảo vệ những người đã dũng cảm tố giác những tiêu cực trong bóng đá. Mong bạn rất yên tâm.

Thưa nhà báo Lê Quốc Huy, trong cuộc đời làm báo, anh đã biết đến bao nhiêu vụ tiêu cực trong bóng đá? Anh đã bao giờ nản chí và dừng bước khi viết về một vụ tiêu cực nào đó? (tuha@yahoo.com)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 6
Nhà báo Lê Quốc Huy

Nhà báo Lê Quốc Huy: Nói đúng hơn, tôi đã được nghe tới rất nhiều vụ tiêu cực trong bóng đá. Trong đó, có một câu được nghe tận tai và cho đến giờ tôi vẫn coi đó là một "danh ngôn" bất hủ từ một vị giám đốc Sở: "Bóng đá Việt Nam không cần hàng tiền đạo, chẳng cần hàng tiền vệ mà chỉ cần có hàng tiền mặt mạnh là có thể vô địch". Tiếc là điều đó lại là sự thật.

Trước đó chưa lâu, đội bóng của ông giám đốc Sở đó đã vô địch giải vô địch quốc gia.

Giữa thông tin nghe được trong quá trình tác nghiệp và thực tế luôn có một khoảng cách cần sự điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng. Chính vì thế, có tới hơn chục năm chúng ta luôn quanh quẩn với câu hỏi của một vị lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rằng: Chứng cứ đâu???

Nhà báo chỉ cung cấp được thông tin chứ không cấp được chứng cứ. Đó là lý do vì sao báo chí luôn luôn là người đi trước trong việc kêu gọi các cấp, ngành và người hâm mộ chống tiêu cực.

Về phần mình, tôi chưa bao giờ nản chí khi phanh phui các vụ tiêu cực. Thậm chí, tôi còn rất sung sướng khi phát hiện được những thông tin liên quan đến tiêu cực.

Tôi nghe nói là CLB LG.HN.ACB có rất nhiều trận đấu cuội. Lê Anh Dũng ở đội bóng có biết điều đó? Bao nhiêu % trận đấu đội LG.HN.ACB đá sạch?

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 7
Lê Anh Dũng

Lê Anh Dũng: Tôi xin trả lời câu hỏi này với tư cách cá nhân. Trong một tập thể thì có thể có rất nhiều vấn đề. Nhưng với riêng tôi thì cả 21 trận đấu trong giải V-League 2005 tôi luôn chơi hết mình và bằng hết khả năng của mình.

Người hâm mộ bị lừa:Tôi là người rất thích xem bóng đá trực tiếp trên sân cỏ, tôi phải bỏ tiền ra để mua vé vào sân, nay được biết tiêu cực được phanh phui, tôi cảm thấy như mình bị lừa đảo, mất tiền oan để xem những trận bóng giả tạo, có thể nói rằng đó là những con sâu mọt trong ngành thể thao cần được loại bỏ ngay lập tức, mong rằng các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm trên để lấy lại niềm tin người hâm mộ. (Nguyễn Trung Thực, Email: trai_namdinh29@yahoo.com)

Ông Vũ Quang Vinh: Thay mặt cho những người lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tôi rất xin lỗi những người hâm mộ đã phải bỏ tiền để xem những trận đấu giả tạo.

Tuy nhiên, các bạn cũng rất thông cảm với chúng tôi trong điều kiện còn chưa thuận lợi thì vẫn có những trường hợp ấy xảy ra nhưng trong tương lai khi chúng ta đã quyết tâm loại bỏ những tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá thì chắc chắn các bạn sẽ được xem những trận đấu trung thực và sôi nổi một cách thật sự.

Với 50 năm truyền thống, Thể Công lại phải xuống hạng và các cầu thủ đã thi đấu bết bát. Thạch Bảo Khanh nghĩ thế nào khi các đồng đội ở Thể Công thi đấu như thế? Anh có biết các đồng đội của mình bán độ? (meocon@gmail.com)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 8

Thạch Bảo Khanh: Sau 50 năm truyền thống khi Thể công chơi trong giải đấu cao nhất của hệ thống bóng đá tại VN, đội bóng đã phải xuống hạng. Đó là một điều mất mát không chỉ với bóng đá quân đội nói riêng mà còn với  bóng đá cả nước nói chung.

Là một cầu thủ gắn bó với đội bóng từ khi còn cắp sách tới trường, tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng. Tôi và các cầu thủ Thể công đã chơi hết mình, nhưng do lực lượng thiếu hụt, lực bất tòng tâm nên không thể nào thay đổi được tình hình.

Tất cả những việc bán độ của các đội bóng chỉ dừng lại ở dạng tin đồn, nên tôi không dám khẳng định ai đó bán độ. Chúng ta hãy chờ kết luận chính thức của các cơ quan công an. Tôi hy vọng khi đó, mọi việc sẽ được phơi bày và làm trong sạch bóng đá VN.

Việc ông Vũ Tiến Thành khai nhận hành vi đưa hối lộ đã đủ để kết luận rằng đội ĐA.TP có tiêu cực, tại sao LDBĐVN còn chưa xử? chẳng lẽ ông Thành không phải là lãnh đạo đội bóng đó hay sao?(Nguyễn Trung Thành, 26 tuổi, thanhspt2145@yahoo.com)

Ông Vũ Quang Vinh: Xin bạn rất bình tĩnh bởi vì hiện nay Vũ Tiến Thành đã nhận tội đưa hối lộ 20 triệu đồng để dàn xếp tỉ số giữa ĐÁ-TP và Huda Huế. Tuy nhiên, số tiền này có phải là tiền của CLB ĐÁ hay không thì cơ quan công an đang trong quá trình điều tra. Đương nhiên, nếu số tiền này đúng là của CLB ĐÁ thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam ngay lập tức sẽ có quyết định xử lý kỷ luật đối với CLB ĐÁ.

Xin hoi anh Huy: Anh nhan xet gi ve su dieu hanh, cach chong tieu cuc cua LDBD VN, cung nhu cac CLB VN? Theo anh, chung ta da dat toi nac thang nao trong bong da chuyen nghiep hien dai?(Nguyen Thanh Long, 28 tuổi, thanhlong7805@yaoo.com)

Nhà báo Quốc Huy: Về thái độ không chung sống với tiêu cực, tôi thấy tất cả lãnh đạo VFF 4 khoá qua đều thể hiện rõ ràng bằng... lời nói. Còn việc làm cụ thể thì để đến... khoá V này mới có.

Cũng có thể, quan chức Liên đoàn tích cực làm nhưng lực bất tòng tâm. Bởi lẽ, chống tiêu cực, cũng như báo giới, các tư liệu về chuyên môn cũng như những điều tai nghe mắt thấy của các thành viên Liên đoàn đều không thể coi là bằng chứng mà chỉ là tài liệu tham khảo cho cơ quan điều tra.

Ở khoá IV vừa qua, tôi được biết là ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Đức Việt và các cộng sự đã có văn bản đề nghị với cơ quan công an tham gia vào công cuộc chống tiêu cực trong bóng đá.

Có một thông tin có thể lướt qua mà không đọng lại trong tâm trí bạn, đó là hội nghị về chống các hình thức cờ bạc trong hoạt động thi đấu thể thao do Bộ công an tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng tháng 9/2004. Tôi cho rằng, đó là điểm nút để gỡ dần các vụ tiêu cực trong bóng đá, không chỉ trong giới trọng tài điều hành, mà còn các thành phần khác.

- Theo tôi, chúng ta mới qua giai đoạn thôi nôi để chập chững bước vào bóng đá chuyên nghiệp. Có nghĩa là, một cậu bé lên 5 tuổi thì vẫn còn cần đến sự hỗ trợ từ bầu sữa ngân sách.

Tuy nhiên, nếu không gỡ được bóng ma tiêu cực thì mãi mãi chúng ta vẫn chỉ là cậu bé, không thể làm được bóng đá chuyên nghiệp.

Xin hỏi ông Dương Mạnh Hùng tại sao ông lại có biệt danh trọng tài "Đạn bắn không thủng", theo tôi biệt danh này thì không thích hợp còn nếu chỉ vì một cái Title để làm hiếu kỳ độc giả thì xin các báo tham khảo bài của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh về những bài viết về nạn "cơm tù"...Tôi thiết nghĩ ông cũng là một con người bình thường cớ sao đạn bắn lại không thủng (Đỗ Mạnh Tuấn, 43 tuổi, 1 Phan Bội Châu)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 9

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Biệt danh này không phải tôi tự phong cho mình, mà độc giả cũng như tôi biết được biệt danh này là qua báo chí. Nhưng theo tôi, câu nói đó chỉ là một sự ví von mà ai đó đã rất yêu quí tôi, tin tưởng tôi trong lĩnh vực làm trọng tài bóng đá mà đặt cho tôi, chứ tôi cũng là người trần mắt thịt mà thôi.

Liệu chúng ta truy tố một trọng tài thì có thể làm gương cho những trọng tài khác. Tôi ghi ngờ kết quả. Vấn đề ở đây là đạo đức trọng tài. Chúng ta cần phải đổi mới, làm trong sạch ngay từ khâu tuyển chọn trọng tài. Người ta phải bỏ tiền ra mua để được đứng vào đội ngũ trọng tài thì khi đã đứng vào đó rồi đương nhiên phải thu hồi vốn.(Nguyễn Trường Giang, 35 tuổi, Tổ 10 cụm 4 Phường Khương Đình, quận thanh xuân)

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi rất tán thành ý kiến của bạn. Vấn đề truy tố một hoặc một số trọng tài chỉ là một biện pháp tức thời trong việc xử lý những hành vi tiêu cực. Cái công việc lâu dài của Liên đoàn bóng đá Việt Nam là phải đào tạo được một đội ngũ trọng tài có đạo đức, có tài năng và niềm đam mê bóng đá. Ở đây tôi nhấn mạnh tới phương pháp giáo dục về đạo đức, về tư tưởng cho các trọng tài nói riêng và cho tất cả những người họat động trong lĩnh vực bóng đá nói chung.

Có thể nói , trong nhiều năm qua chúng ta đã rất xao nhãng công việc giáo dục về đạo đức và tư tưởng cho các cầu thủ, trọng tài, giám sát. Chính vì vậy, có rất nhiều cầu thủ và có một số trọng tài đã không giữ gìn được phẩm chất và nhân cách của mình. Vì vậy, tôi đã đề xuất với Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa này là phải tăng cường giáo dục tư tưởng và đạo đức cho các cầu thủ, trọng tài, giám sát và nếu có thể được chúng ta sẽ thực hiện một bản quy định về đạo đức nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá.

Hiện tại, theo tôi được biết lối sống các cầu thủ rất sa đoạ. Sau mỗi trận đấu họ thường đàn đúm, nhậu nhẹt, đi vũ trường... Chính vì những lối sống xa đoạ đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc bán độ kiếm tiền tiêu pha. Còn đối với hai anh (Khanh và Dũng), các anh đã bao giờ tham gia những cuộc chơi vô bổ đó chưa?(Ngọc Yến, 22 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội)

Thạch Bảo Khanh: Trong thời gian vừa qua, báo chí cũng nhắc rất nhiều đến vấn đề tư cách đạo đức của các cầu thủ. Là một cầu thủ, tôi cảm thấy rất buồn, nhưng những điều như bạn đã nói cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. Còn có rất nhiều cầu thủ khác có đạo đức nghề nghiệp và lối sống lành mạnh. Bản thân tôi khẳng định chưa bao giờ tham gia vào những trò chơi thiếu lành mạnh và thiếu suy nghĩ như thế.

Lê Anh Dũng: Tôi xin trả lời câu hỏi rất gai góc của bạn. Về vấn đề này, bản thân tôi nghĩ mỗi một cầu thủ chuyên nghiệp hiện nay phải tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Mỗi người đều có những quyền tự do của bản thân họ và nếu như họ tự giữ được mình thì sẽ tốt hơn cho cả công việc lẫn cuộc sống.

Bản thân tôi không bao giờ tham gia những cuộc chơi vô bổ đó. Mình tự biết cách thư giãn với bạn bè và gia đình sau những trận đấu căng thẳng .

Hỏi trọng tài Hùng: Đến thổi các trận ở những đội có các nhà tài trợ lớn cho đội bóng, bản thân ông có bị nhữung áp lực nào không ? (Phan Quoc Huy, 47 tuổi, Vinh, Nghe An)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng:  Tôi không bao giờ bị áp lực trước các trận đấu có nhà tài trợ lớn khi làm nhiệm vụ. Còn trọng tài mà phải chịu những áp lực như vậy thì sẽ không thể hòan thành tốt công việc của mình. Còn đối với tôi, áp lực duy nhất trong bất cứ trận đấu nào là chuyên môn.

Tôi cho rằng ngân sách nhà nước không thì cứ mãi là "bầu sữa" nuôi bóng đá Việt Nam. Cứ đá, kết quả đến đâu không cần biết, coi thường khán giả thì còn lâu mới hết những ngày ngày đen tối của bóng đá Việt Nam (Nguyễn Trường Giang, 35 tuổi, Tổ 10 cụm 4 phường Khương Đình quận Thanh Xuân)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 10
Ông Vũ Quang Vinh

Ông Vũ Quang Vinh: Hiện nay, hầu hết các họat động của bóng đá Việt Nam phải nhờ cậy vào các nhà tài trợ. Ngân sách của Nhà nước chỉ dành một phần hỗ trợ các đội tuyển quốc gia khi làm nhiệm vụ thi đấu các giải lớn của quốc tế.

Mình năm nay 43 tuổi rồi, đã xem Dũng đá từ hồi còn dự bị ở CAHN đấy, mỗi lần mình thấy Dũng khởi động giữa giờ nghỉ mình nói với mọi người xung quanh là "chàng cầu thủ này ngon đấy". Nhưng đúng hôm Dũng được đá chính thức thì Dũng lại bị một chấn thương rất nặng hình như là gãy chân (mình không nhớ rõ) không hiểu lúc đó Dũng nghĩ gì mà vẫn đam mê theo nghiệp cầu thủ nhỉ? (Đỗ Mạnh Tuấn, 43 tuổi, 1 Phan Bội Châu)

Lê Anh Dũng: Đấy là chấn thương trong trận với Sông Lam Nghệ An và cũng là trận đấu đầu tiên cháu được chơi ở đội hình 1 của Công An HN. Chấn thương đấy đã làm cháu phải nghỉ mất 4 tháng và cũng có lúc thấy rất chán nản.

Nhưng với sự động viên của chú Lê Khắc Chính và gia đình, cháu đã quyết tâm điều trị và trở lại với đội bóng để có một vị trí chính thức. Động lực để cháu có thể quay trở lại với nghiệp cầu thủ chính là truyền thống của gia đình (gia đình cháu có 3 người chú ruột đều thi đấu ở đội Đường sắt VN và CAHN). Cám ơn bác.

Thưa nhà báo Quốc Huy, theo ông, những phanh phui mới đây của bóng đá VN có bất ngờ?

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 11
Nhà báo Quốc Huy

- bởi thời điểm bắt các nhân vật liên quan đến tiêu cực như Lương Trung Việt và Vũ Tiến Thành. Trước đó, khi có thông tin về chuyện ông Vũ Tiến Thành liên quan đến đường dây hối lộ trọng tài thì cũng có thể hình dung ra việc ông ta sẽ phải dính đến cơ quan điều tra.

Nhưng quyết định bắt giữ trước ngày 2/9 là ngoài dự kiến của chúng tôi. Nó chứng tỏ thêm 1 điều, việc điều tra đã rất khẩn trương và cần kết thúc sớm.

Không vì tiêu cực trong bóng đá là khá phổ biến từ trước đến nay và không loại trừ thành phần nào. Ví dụ, chuyện "bồi dưỡng" cho trọng tài. Cách đây 5 năm, đã có một doanh nghiệp mới vào làm bóng đá, đã cương quyết không theo lệ làng "chung chi" 2 - 5 triệu đồng cho trọng tài. Kết quả là, đội bóng này nhiều lần khốn đốn vì... không theo lệ làng.

Nhưng ở đây cũng cần lưu ý đến khái niệm bồi dưỡng và tiêu cực phí là khá gần nhau. Nếu như trước đây, "lệ làng" là 2 - 5 triệu đồng thì giờ đã lên tới 10 - 20 triệu mà như thế, theo khoản 2, điều 279, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, đã có thể ghép tổ trọng tài vào tội nhận hối lộ.

Hồi đá ở Tiger Cup, Khanh có nghe chuyện tiêu cực trong đội tuyển không? Hỏi cả Bảo Khanh và Lê Anh Dũng: Sự có mặt của nhân viên an ninh có làm các bạn cảm thấy bị mất tự do không? (Hien Thuc, 26 tuổi, 15 Hàng Cháo Hà Nội)

Thạch Bảo Khanh: Có lẽ bạn muốn hỏi đến TigerCup 2004. Theo chủ quan cá nhân của mình, Tiger cup năm đó không hề có tiêu cực. Đó chỉ là một tai nạn trong bóng đá. Sự có mặt của cơ quan an ninh trong đội bóng có thể làm cho đội bóng tốt hơn, nhưng trong sinh hoạt thì đúng là cũng có phần bất tiện.

Một logic không khó nhận thấy là muốn trận đấu "tiêu cực" (buông thả, điều chỉnh tỷ số,...) thì phải có sự thông đồng, "hợp đồng tác chiến" giữa lãnh đạo đội, HLV và cầu thủ. Ý đồ của HLV trong các trận đấu có "mùi" chắc chắn phải được quán triệt với các cầu thủ trước trận đấu. Vậy thì trách nhiệm các cầu thủ - nếu là các cầu thủ tốt, sạch - như thế nào? Cầu thủ có dám lên tiếng với ban HL, lãnh đạo đội trong trường hợp được chỉ đạo như vậy không? Câu hỏi cho Bảo Khanh và Anh Dũng.(Thanh Tỵ, 35 tuổi, Japan)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 12
Lê Anh Dũng

Lê Anh Dũng: Mình có thể khẳng định một điều: trong 9 năm thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, mình chưa một lần nào được ban huấn luyện chỉ đạo là phải "tiêu cực". Vì vậy, cũng chưa một lần nào mình phải lên tiếng với ban HL hay lãnh đạo đội cả.

Bóng đá Việt Nam có quá nhiều tiêu cực nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời? Vậy LĐ cần phải làm gì để chống tiêu cực khi các đội bóng luôn đi đêm và bắt tay nhau? (Tài, 28 tuổi, 62 Lê Duẩn-TP.Tuy Hoà-Phú Yên)

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi đồng ý là bóng đá Việt Nam hiện nay có một số những biểu hiện tiêu cực, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không thể nói là quá nhiều hoặc là hầu hết, bởi vì chúng ta còn có nhiều đội bóng, nhiều cầu thủ và nhiều người làm các công tác phục vụ khác vẫn giữ được phẩm chất và nhân cách.

Chính vì vậy, Liên đoàn bóng đá VN khóa 5 đã đề ra một kế hoạch cụ thể trong việc phát huy những yếu tố tích cực và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, để xây dựng và củng cố nền bóng đá VN trong sạch.

Những công việc cần phải làm thì rất nhiều và thời gian cũng không thể một sớm một chiều. Chúng tôi mong muốn và kêu gọi tất cả những người hâm mộ yêu bóng đá VN sẽ góp sức cùng với Liên đoàn xây dựng một nền bóng đá VN trong sạch. Các bạn có thể gửi cho chúng tôi những ý kiến, đề xuất và cả sáng kiến để Liên đoàn có thể nghiên cứu và áp dụng trong công việc quan trọng này.

Cho toi hoi them co phai ve van de luong cua trong tai hien nay qua thap co phai khong ? (DO tien dung, 30 tuổi, hai duong)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Anh em trọng tài chúng tôi chỉ có thu nhập từ tiền làm nhiệm vụ trận đấu, chứ không có lương. Với mặt bằng của cuộc chơi, thu nhập của trọng tài hiện nay theo tôi là thấp, bởi áp lực và đòi hỏi trong công việc là quá lớn.

Thưa anh Quốc Huy, tôi đọc báo TTNN được biết là nghề trọng tài thu nhập không được bao nhiêu. Vậy theo anh, vì sao vẫn nhiều người muốn làm trọng tài? Thậm chí có cả chủ quán karaoke cũng vào học lớp trọng tài của VFF rồi bị báo chí phát hiện, có thật vậy không? (Duy Tình, K23 Phân viện báo chí TT)

Nhà báo Quốc Huy: Thu nhập không lớn những cũng không thể coi là nhỏ trong thang bảng lương hiện thời của nhà nước. Điều quan trọng là ngoài "nghiệp" trọng tài thì hầu hết các trọng tài đều có "nghề" chính. Đa phần là viên chức của ngành thể thao.

Trọng tài có thể xuất thân từ chủ quản karaoke hay bất cứ nghề nào khác, miễn là họ có tâm và có chuyên môn. Tôi hiểu hàm ý câu hỏi của bạn là muốn đề cập đến việc tuyển dụng trọng tài không đủ tiêu chuẩn vào trong đội ngũ của một vài lãnh đạo VFF. Nếu đúng thế thì tôi xin miễn trả lời.

Tại sao mà các trọng tài lại nhận hối lộ như vậy ? mà không tự làm bằng sức của mình ? hay là do lương ít quá ? điều này khiến em thấy rất bất bình !!! (trần ngọc ánh, Email: tranngocanh_d187@yahoo.com)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 13

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Những trọng tài đã làm như vậy bởi họ không xác định được công việc của mình, chứ hoàn toàn không phải do thu nhập quá ít. Tiền nhiều hay ít không thể là thước đo phẩm chất của một trọng tài.

Qua theo doi giai BD U18 vua roi, toi thay do moi chinh la BD sach. Theo toi de bong VN trong sach can han che cau thu ngoai. BCH va nguoi ham mo can phai xem BD VN dang o trinh do nao cua the gioi va khu vuc? (Phan quoc Huy, 47 tuổi, Vinh. Nghe An)

Ông Vũ Quang Vinh: Hiện nay bóng đá VN đang trong quá trình thử nghiệm để đi tới chuyên nghiệp hóa. Việc thuê cầu thủ ngoại là một trong những sự thể nghiệm đó. Sắp tới vào ngày 1-3/10, LĐBĐVN sẽ tổ chức tổng kết mùa giải 2005 và Hội thảo về bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta sẽ xem xét và có những phương hướng cụ thể trong mùa bóng năm tới.

Là một cầu thủ lâu năm ở LG.HN.ACB, Lê Anh Dũng có biết đến những tiêu cực của đồng đội? Dũng có biết chuyện một số cầu thủ CAHN cũ từng dùng thuốc lắc, một thủ môn CAHN cũ có anh rể là trùm cá độ HN đã từng lôi kéo đồng đội bán độ, thậm chí bay vào TPHCM theo đội chỉ để nhảy nhót, ăn chơi? (Yến Anh, 26 tuổi, Phùng Hưng, Hà Nội)

Lê Anh Dũng: Mình chỉ được biết những điều này sau khi báo chí đưa lên, vì thời gian trước đấy ở CAHN, mình chỉ là một cầu thủ trẻ, chỉ biết thi đấu và tập luyện. Vì vậy, có rất nhiều chuyện mình cũng không rõ.

Nếu lấy một hình ảnh để so sánh với vấn nạn tiêu cực trong bóng đá Việt Nam, nhà báo Quốc Huy sẽ chọn hình ảnh nào? Ở góc độ báo chí, theo ông, cần phải làm gì để bóng đá VN trong sạch? (Tuấn Anh, 32 tuổi, TPHCM)

Nhà báo Quốc Huy: Tôi xin so sánh với một môn thể thao khác. Chúng ta đến với giải vô địch bơi lội, trong khi các bạn bơi tự do thì chúng ta bơi có khí tài nặng. Vậy theo bạn, ai sẽ là người về đích trước?

Tôi nghĩ rằng, báo chí Việt Nam đã và đang làm hết mình về một nền bóng đá sạch. Các vụ tiêu cực trong bóng đã đã được phơi bày trên mặt báo, nếu tôi nhớ không nhầm, là ngay từ đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Nghĩa là, ngay từ khi bắt đầu có giải vô địch quốc gia cả nước thống nhất. Cụm từ "liên minh ma quỷ" cũng xuất hiện trên mặt báo từ năm 1988.

20 triệu chia năm xẻ bảy là một số tiền hối lộ không phải là nhiều, nhưng theo nhà báo Quốc Huy, vì sao các trọng tài vẫn nhúng chàm vì số tiền đó? Phải chăng, họ đã quen như vậy? (Đức Hạnh - TP Vinh Nghệ An)

Nhà báo Quốc Huy: Bạn đã phát hiện đúng vấn đề đã tồn tại từ thời bóng đá bao cấp. Như trên tôi đã đề cập, tiền bồi dưỡng và tiêu cực phí khá gần nhau. Vấn đề khác nhau là ở động cơ khi "bồi dưỡng" cho trọng tài.

Tôi biết Thạch Bảo Khanh là một cầu thủ thi đấu rất nhiệt tình, nhưng ở CLB chưa bao giờ anh thi đấu xuất sắc như ở đội tuyển QG. Vì sao vậy? Cả đội Thể Công hầu hết đều bán độ, không lẽ anh lại ở ngoài cuộc? (doantran_son@hotmail.com)

Thạch Bảo Khanh: Có thể nói câu hỏi của bạn rất mang tính thời sự. Ở đội Thể Công, cũng như khi ở đội tuyển QG, tôi luôn thi đấu hết mình. Nhưng mỗi một tập thể lại có lối chơi khác nhau, vì thế một cầu thủ có thể chơi hay ở tập thể này, nhưng lại chơi không được tốt ở tập thể khác. Đấy cũng là điều bình thường trong bóng đá.

Theo bạn nói thì cả đội Thể công bán độ. Nếu như bạn biết những cầu thủ nào đã từng bán độ thì rất mong được sự giúp đỡ, hợp tác của bạn với Liên đoàn và các cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề trên. Xin chân thành cảm ơn bạn.

Thua ong Hung sang nay toi co doc bao Tien Phong co bai viet rat hay ve ong. Toi thuc su rat nguong mo ong. Mong la gioi trong tai viet nam se co nheu nguoi "Dan ban khong thung "nhu ong. Xin hoi la mot nguoi theo duong loi cung ran nhu the ong da bao gio bi de doa hay gap kho khan gi trong cuoc song va cong tac?(huy hoang, 25 tuổi, Buu Dien Van Ban - Lao Cai)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Xin cảm ơn bạn. Công  việc làm trọng tài là một  công việc đầy khó khăn và nguy hiểm. Chắc rằng không tránh khỏi những phức tạp, nhưng với tôi, tôi đã xác định được cuộc chơi nên tôi rất thanh thản và chấp nhận với rủi ro có thể đến với mình.

Theo nhà báo Quốc Huy, số tiền như thế nào thì gọi là tiền hối lộ? Nhưng tôi thấy, đôi khi chỉ là một chiếc phong bì tình cảm, gọi là để cảm ơn chứ chẳng nhờ vả, xin xỏ gì. Chẳng lẽ cũng k được nhận?  (Đức Anh, Láng Hạ, HN_shevas_rino@yahoo.com)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 14
Nhà báo Quốc Huy

Nhà báo Quốc Huy:Theo tôi biết, từ 500.000 đồng trở lên đã có thể coi là tiền hối lộ. Vấn đề là ở động cơ đưa tiền chứ không phải là ở số tiền cụ thể là bao nhiêu. Và tiền cảm ơn đó là tiền túi của cá nhân người đưa hay từ quỹ của tập thể. 

Vâng, tôi đã đọc câu trả lời của các anh. Như vậy là trong thời gian qua các anh chưa bao giờ dính đến những lối sống không lành mạnh đó(theo lời các anh). Nhưng tôi xin hỏi một câu nữa, hơi riêng tư một chút. Nếu vợ (không biết một trong hai anh đã có vợ hay chưa) hay là người yêu sắp cưới.. đưa các anh vào tình huống buộc phải "bán". Nếu không các anh sẽ mất những người thân đó. Vậy, liệu các anh xử lý sao?(Ngọc Yến, 22 tuổi, Thanh Xuân)

Thạch Bảo Khanh: Nếu như bạn gái của tôi yêu cầu như vậy thì chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Nhưng rất may là tôi chưa bao giờ gặp phải một tình huống như thế. Cám ơn bạn.

Lê Anh Dũng: Trước tiên xin được trả lời với bạn là mình đã có vợ (cười). Nếu ví dụ trong trường hợp vợ mình bắt buộc mình phải "bán" thì mình sẽ chủ động chia tay, vì mình chịu chấp nhận trong trường hợp ấy thì tương lai sẽ còn phải "bán" rất nhiều thứ khác.

Ở JVC Cup 2003, Olympic VN đã thất bại bất ngờ. Theo tôi nhớ, khi đó, Anh Dũng và Bảo Khanh đang thi đấu. Các anh có cảm nhận thấy mùi tiêu cực từ đồng đội? Có thể các anh không tham gia, nhưng có khi nào các anh biết mà không báo cáo BHL? (thanhvunt@walla.net)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 15
Thạch Bảo Khanh

Thạch Bảo Khanh và Lê Anh Dũng: Chúng tôi đều không tham gia đội tuyển Olympic ở JVC Cup 2003 vì đã quá tuổi.

Anh Khanh oi! Em rat ham mo anh! cho em hoi la anh da co nguoi yeu chua ah?(Oanh, 17 tuổi, Quan Thanh, Ha Noi)

Thạch Bảo Khanh: Cám ơn em đã quan tâm đến đời sống riêng của anh. Nếu em muốn biết thì có thể tìm hiểu thêm. Như vậy thì sẽ thú vị hơn (cười).

Tôi còn nhớ là ở JVC Cup 2003, Olympic Việt Nam đã xảy ra chuyện tiêu cực mà đỉnh điểm là Như Thành bị kỷ luật? Có phải còn những cầu thủ khác của SLNA cũng dính líu song đã được ỉm đi? Khi đó, ông Vũ Tiến Thành đang là trợ lý cho HLV Riedl, có bao giờ nhà báo Quốc Huy đặt câu hỏi: Chính ông Thành đã thao túng đội tuyển quốc gia? (cauchuyennhocuatoi@yahoo.com)

Nhà báo Quốc Huy: Ở thời điểm đó, tôi không có một thoáng nghi ngờ nào về cả năng lực, cũng như nhân cách của ông Vũ Tiến Thành. Nhưng tới thời điểm này, thì tại sao không? Nghi ngờ là quyền của mọi người, nhất là khi ấy tôi là Phó ban tổ chức giải JVC Cup 2003.

Tôi cảm thấy rất đau với những hành vi tiêu cực của một số cầu thủ làm mất cơ hội vào chung kết của đội, cho dù đó chỉ là giải tập huấn trước SEA Games 22.

Còn việc có thể có một số cầu thủ khác cũng dính líu, tôi cũng chỉ được nghe chứ không có bằng chứng và thẩm quyền để xử lý.

Tôi đọc báo được biết trọng tài Dương Mạnh Hùng chưa bao giờ bị "đạn" bắn thủng. Nhưng tôi cũng biết là ông Hùng còn làm chủ 2-3 nhà hàng sang trọng ở Hà Nội. Phải chăng vì đã nhiều tiền nên ông không cần tiền từ các đội  bóng? Hay ông chê ít? (Bùi Tùng, 42 tuổi, Nam Định)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Tôi không phải làm chủ 2-3 nhà hàng sang trọng tại Hà Nội mà chỉ có một chút ít cổ phần để có được thu nhập trong cuộc sống. Với tôi, tiền không bao giờ là tất cả. Danh dự, sự nghiệp với bóng đá và công việc làm trọng tài hiện nay mới là quan trọng nhất. Chưa bao giờ tôi coi trọng tiền lên trên hết để đánh mất mình.

Xin hỏi Ông Vũ Quang Vinh: Hiện nay rất nhiều vu việc tiêu cực trong bóng đá đã và đang xảy ra như vụ Ông Ngô Văn Trân, giám đốc sở TDTT Thừa Thiên Huế mua chuộc cầu thủ của đội Khánh Hoà, vụ đút lót và Trọng tài ăn hối lộ mới đây hay trước nữa là vụ nhiều cầu thủ trong các đội bóng có dính líu đến tiêu cực (nghe nói đã có bản danh sách đen nhưng không được công bố), trong các vụ việc này thì phản ứng của liên đoàn BĐ Việt Nam là chậm và bị động (hoàn toàn phụ thuộc vào những kết luận của cơ quan điều tra của Bộ công an). Thậm chí nếu cơ Quan điều tra không cung cấp bản danh sách các cầu thủ có dính líu đến tiêu cực vì rằng có nhiều cầu thủ thuộc ngành Công an (ví dụ như vậy) thì liên đoàn BĐ Việt Nam cũng đành chịu. Vậy thì theo tôi tại sao Liên Đoàn không có một bộ phận điều tra riêng của mình chuyên trách điều tra những vụ việc tiêu cực trong bóng đá như vậy Liên đoàn có thể nắm bắt thông tin và đưa ra những phán quyết một cách nhanh chóng hơn không? (Duong Hong Phuong,Email: Phuong_vkh@yahoo.com)

Ông Vũ Quang Vinh: Trước hết, cần phải xác định rằng chúng ta dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải sống và làm việc theo pháp luật. Pháp luật luôn luôn yêu cầu cần phải có những chứng cớ cụ thể chứ không phải là những lời công khai. Hay nói khác đi, pháp luật của chúng ta trọng chứng hơn trọng cung. Ở lĩnh vực bóng đá cũng vậy, muốn xử lý bất cứ một tiêu cực nào cũng cần có những chứng cớ cụ thể.

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 16

Vì vậy khi có những vụ việc xảy ra, qua dư luận thì những người có trách nhiệm của LĐBĐ VN đều đi sâu tìm hiểu để xử lý. Tuy nhiên, do điều kiện hết sức khó khăn cho nên nhiều khi không có được những chứng cớ cụ thể, hoặc là cần phải có thời gian để có được những chứng cớ, trong khi dư luận lại rất sốt ruột và mong được xử lý ngay.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong ở những người hâm mộ xa gần thông cảm và nếu có được những bằng chứng cụ thể về những tiêu cực của các cầu thủ, các đội bóng, trọng tài thì hãy cung cấp cho Liên đoàn.

Trong điều kiện hiện nay, LĐBĐ VN chưa thể có một bộ phận điều tra riêng được, nhưng chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ với tổng cục cảnh sát để phòng chống tiêu cực trong bóng đá. Và kết quả của sự phối hợp ấy là hàng loạt vụ việc tiêu cực vừa được phanh phui. Và chúng tôi tin rằng với sự giúp đỡ và phối hợp của ngành Công an chắc chắn chúng ta sẽ xử lý chính xác và triệt để những vụ việc tiêu cực. Xin cảm ơn!

Tôi cho rằng ngân sách nhà nước không thể cứ mãi là "bầu sữa" nuôi bóng đá Việt Nam. Cứ đá, kết quả đến đâu không cần biết, coi thường khán giả thì còn lâu mới hết những ngày ngày đen tối của bóng đá Việt Nam. Ý kiến của các anh về vấn đề này như thế nào? (Nguyễn Trường Giang, 35 tuổi, Tổ 10 cụm 4 phường Khương Đình quận Thanh Xuân)

Thạch Bảo Khanh và Lê Anh Dũng: Theo chúng tôi được biết, hiện nay, các đội bóng chuyên nghiệp hầu hết là của các doanh nghiệp. Bản thân chúng tôi nghĩ mùa giải năm tới sẽ là một mùa giải tốt hơn, sạch hơn sau khi liên đoàn và các cơ quan an ninh vào cuộc thời gian vừa qua. Rất mong các anh tiếp tục ủng hộ và động viên các đội bóng thi đấu tốt hơn. Các đội bóng không thể thiếu những khán giả nhiệt tình như anh. Xin cám ơn anh.

Hoi nha bao Quốc Huy: BD Viet Nam la cuoc choi lon cua cac nha tai tro va thuong hieu cua ho? Y kien cua ong ve nhan xet nay ?(Phan Quoc Huy, 47 tuổi, Vinh. Nghe An)

Nhà báo Quốc Huy: Đúng vậy. Trong giai đoạn tập làm bóng đá chuyên nghiệp, các CLB bóng đá Việt Nam mới chỉ là phương tiện để chuyên chở, quảng bá các sản phẩm cho doanh nghiệp, chứ tự thân chưa phải là một doanh nghiệp làm ăn có lãi. Có lẽ phải chục năm nữa, chúng ta mới có những công ty bóng đá làm ăn có lãi đúng nghĩa.

Bảo Khanh hẳn còn nhớ vụ cầu thủ Như Thành bị "trảm" trước SEA Games 22? Có khi nào anh nghi ngờ đồng đội của mình đã "bán đứng" anh em, kể cả ở ĐTQG và Thể Công? (Long Thành - 23 tuổi, ĐH Thanh Hoa - Trung Quốc)

Thạch Bảo Khanh: Mình cũng vẫn còn nhớ vụ của Như Thành. Đó là một điều đáng buồn cho bóng đá VN. Đối với mình, là một đồng đội, mình cảm thấy còn buồn và đau lòng hơn. Cậu ấy đã phải chịu án kỷ luật của Liên đoàn và hơn nữa, đã đánh mất niềm tin của người hâm mộ. Nay Thành đã tập luyện trở lại. Rất mong được sự khoan dung của người hâm mộ để Thành có thể trở lại và cống hiến tài năng cho bóng đá nước nhà.

Nếu như trong tương lai mình được biết những cầu thủ đang tâm bán đứng đồng đội, mình sẽ nói lên tiếng nói của mình để góp phần làm trong sạch nền bóng đá VN. Chúc bạn mạnh khỏe và học tập tốt.

Tôi xin hỏi trọng tài Dương Mạnh Hùng: Khi học lớp trọng tài, học viên có được học về đạo đức của 1 nhà cầm cân nảy mực không ? Tôi thấy vấn đề này hình như đang còn bỏ ngõ thì phải ?(Anh Tuấn, 29 tuổi, Thanh Hoá.)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Bạn nhầm. Điều học đầu tiên khi muốn trở thành một trọng tài thì phẩm chất phải có là công tâm, trung  thực, khách quan.

Ở SEA Games 22, đội tuyển VN đã từng suýt thua trong trận bán kết gặp Malaixia. Tôi còn nhớ là thủ môn Thế Anh đã ném bóng vào chân tiền đạo đội bạn nhưng may mà sau đó VN thắng lại. Các anh nghĩ thế nào về chuyện đã qua, phải chăng phía sau chuyện này có tiêu cực nhưng đã chìm xuống?

Nhà báo Quốc Huy: Không đễ để thẩm định đâu là sai lầm cá nhân thuần tuý và đâu là "sai lầm" một cách cố tình. Không riêng gì trường hợp của Thế Anh, Minh Hiếu từng mất bóng một cách dễ dàng dẫn đến bàn thua tại Cup Tiger năm 2000.

Về trường hợp của Thế Anh, dư luận là có bởi trước đó đã phong thanh có tin về thủ môn Thế Anh có dính líu đến trận thua của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết JVC Cup 2003. Đúng hay sai thì còn phải tiếp tục bàn nhưng đó chắc chắn là một bàn thua ngớ ngẩn nhất của một thủ môn.

Xin hỏi ông Vũ Quang Vinh được biết ông là 1 nhà báo, nhưng từ thời gian nào ông quan tâm đến bóng đá, ông có qua đào tạo ở lĩnh vực thể thao không mà thấy ông làm bóng đá giỏi lắm. Người hâm mộ rất tin tưởng ở nhiệm kỳ này có ông tham gia trực tiếp vào LĐBĐ Việt Nam sẽ hạn chế rất nhiều tiêu cực và bóng đá Việt Nam sẽ chuyên nghiệp đúng nghĩa của nó (Đỗ Mạnh Tuấn, 43 tuổi, 1 Phan Bội Châu)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 17
Ông Vũ Quang Vinh

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của bạn. Từ nhỏ tôi đã yêu thích bóng đá và luôn luôn mơ ước được xem những trận đấu bóng đá giữa ĐT VN và các nước trên thế giới. Nhưng tiếc rằng suốt cả những năm tuổi thơ, ngoài việc đá bóng bằng quả bưởi, và những cuộn rơm buộc lại ở nơi sơ tán thì tôi chưa bao giờ được vào sân dù chỉ một lần.

Sau đó, lớn lên đi học ĐH rồi ra công tác tôi luôn luôn gắn bó với trẻ em và lúc nào cũng mong cho các cháu của chúng ta được sống đầy đủ, sung sướng, ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Chính vì vậy, tôi luôn luôn lo lắng  mỗi khi hè về các cháu nghỉ học không có những sân chơi bổ ích sẽ phải đi lang thang, tắm sông, trèo cây, chạy đuổi rất nguy hiểm. Vì vậy, từ năm 1995, chúng tôi quyết định tổ chức giải bóng đá Thiếu niên và Giải bóng đá Nhi Đồng toàn quốc để tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em của chúng ta trên khắp mọi miền đất nước.

Và tôi xin khẳng định rằng, tôi chưa học qua một trường lớp nào về thể thao, nhưng chỉ bằng nhiệt tình và sự chịu khó của mình thì tôi luôn luôn cố gắng để mang đến cho thể thao, cho bóng đá những gì có ích.

Năm 2004, tôi đã từng làm trưởng đoàn gần 40 tuyển thủ Quốc gia VN giành ngôi vô địch môn võ Pencak-silat toàn thế giới. Và tôi cũng rất yêu môn võ này, nên mặc dù tôi không biết võ nhưng hiện nay vẫn được bầu là Chủ tịch LĐ Pencak-silat HN, xin cảm ơn và mong được trảo đổi với bạn nhiều hơn khi có dịp.

Tôi biết là trong đội bóng nào cũng có cầu thủ dính líu đến tiêu cực.  Thạch Bảo Khanh có biết điều đó? Có bao giờ anh bị đồng đội rủ rê bán độ? (Gia Bảo, 29 tuổi, Bến Chương Dương, TPHCM)

Thạch Bảo Khanh: Như mình đã trả lời ở trên, tiêu cực là một vấn đề rất nhạy cảm. Ở Thể công cũng như ở các đội bóng khác, đều gặp phải những dư luận như vậy. Tuy nhiên, bản thân mình chưa trải qua trường hợp đó, nên không dám khẳng định. Rất mong các cơ quan an ninh làm rõ vấn đề này, càng sớm càng tốt để bóng đá VN trong sạch hơn, trong tương lai có thể trở thành nền bóng đá mạnh của khu vực, xa hơn nữa là tầm châu lục.

Thưa trọng tài Dương Mạnh Hùng, tôi rất tâm đắc với câu nói của trọng tài: "Muốn bóng đá nước nhà trong sạch, không thể cùng song hành với tiêu cực. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải tiến hành chặt chẽ, triệt để và đồng bộ.". Vậy theo trọng tài có những biện pháp nào để chúng ta tiến hành chặt chẽ, triệt để và đồng bộ. Hay nói cách khác chúng ta "giải nghĩa" nó bằng cách nào, chứ cứ nói chặt chẽ, triệt để và đồng bộ thì đây là câu nói muôn thuở trong mọi lĩnh vực khi dính đến tiêu cực.(Nguyễn Hồng Ngọc, 36 tuổi, Hà Nội)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Trong bóng đá, một cá nhân hay một nhóm không thể làm mạnh cuộc chơi được. Đồng bộ ở đây theo tôi là ở tất cả ( từ người hâm mộ, cầu thủ, các câu lạc bộ cho tới liên đoàn bóng đá VN). Còn với trọng tài như chúng tôi, những con người không xác định đúng công việc của mình mà lại song hành với tiêu cực thì sẽ không bao giờ tồn tại được.

Kêu gọi "làm trong sạch bóng đá Việt Nam". Vậy thưa ông Vinh, bóng đá Việt Nam "bẩn" đến mức nào? (Trọng Nghiã, 50 tuổi, Hà Nội)

Có thể rất bình tĩnh để nhìn nhận rằng, mặc dù bóng đá VN hiện nay đang có những con sâu mọt, đang có những hiện tượng tiêu cực, xấu xa, nhưng phải khẳng định rằng đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Còn nếu nhìn toàn cục thì đại bộ phận các đội bóng và những người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá là tốt. Chính vì vậy, khi chúng ta quyết tâm loại bỏ những sâu mọt, những ung nhọt thì BĐVN sẽ phát triển tốt hơn hiện nay.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, khi tiếp nhận nền bóng đá chuyên nghiệp thì cũng là phải chấp nhận những mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp. Khi có đủ điều kiện và có đủ kinh nghiệm thì chúng ta sẽ tạo nên được một bản lĩnh vững vàng để không cho những mặt trái chuyên nghiệp không còn. Và chúng tôi mong các bạn hãy cùng chúng tôi đặt một lòng tin vào sự phát triển của bóng đá VN trong tương lai.

Thua anh Huy, Vu lon xon hoi cuoi mua bong vua qua giua hai ong bau o THS Can Tho va Dong A. TP co su dinh dang cua mot PV. Vay theo anh lieu co chuyen cac nha bao tham gia vao cac duong day tieu cuc trong BD?(Nguyen Thanh, 28 tuổi, thanhlong@yahoo.com)

Nhà báo Quốc Huy: Nhà báo cũng là con người sống trong xã hội với tất cả hỉ, nộ, ái, ố. Hơn nữa, nghề báo tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp xúc rộng rãi với mọi giới, mọi ngành.

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 18
Nhà báo Quốc Huy

Trong trường hợp cụ thể mà bạn nói đến, tôi không nghĩ rằng các đồng nghiệp của tôi vướng vào 2 chữ tiêu cực. Nhưng chuyện có hay không có nhà báo tham gia vào đường dây tiêu cực trong bóng đá thì có lẽ bạn nên hỏi cơ quan điều tra.

Hỏi Thạch Bảo Khanh và Lê Anh Dũng: Có bao giờ các bạn bức xúc vì trọng tài bắt ép? Các bạn "sợ" trọng tài nào nhất? (Ngọc Dũng, Vũ Thạnh, Ba Đình)

Lê Anh Dũng: Tôi nghĩ rằng còn thi đấu bóng đá chuyên nghiệp thì vẫn còn rất nhiều chuyện bức xúc, kể cả chuyện bị trọng tài bắt ép. Bản thân tôi cũng thường xuyên gặp những chuyện này. Tôi sợ những trọng tài nào hay bắt "ép" đội bóng của mình, nhưng cũng dần quen với những chuyện này, vì tôi nghĩ đây cũng là một cách rèn luyện cho bản thân mình. Tốt nhất là hãy tập trung vào chơi bóng, đừng bận tâm đến những chuyện khác.

Thạch Bảo Khanh: Tôi rất bức xúc khi bị trọng tài bắt ép. Đó cũng là một phần trong bóng đá. Có thể là trọng tài không tiêu cực nhưng trong khía cạnh chuyên môn, họ mắc phải sai sót. Đôi khi trên sân chúng ta cũng phải chấp nhận điều đó.

Tôi sợ nhất những trọng tài không công tâm và thiếu trung thực.

Việc một đội bóng mạnh tính toán chiến lược trận nào quan trọng hay không quan trọng để phân phối lực lượng, tất sẽ dẫn đến có trận đấu thiếu hấp dẫn, đá èo uột, không làm hài lòng khán giả. Vậy việc tính toán đó có bị coi là tiêu cực không? Vì nếu đã coi bóng đá chuyên nghiệp thì cũng cần phải tính toán như khi làm ăn trên thương trường vậy. Quan điểm của ông Vinh và ông Quốc Huy về điều này?(Thanh Tỵ, 35 tuổi, Japan)

Nhà báo Quốc Huy: Trong một mùa giải dài đến 8 tháng như của chúng ta, chuyện tính toán chiến lược của Ban huấn luyện là đương nhiên và cần thiết. Tôi nghĩ, khán giả đến sân không chỉ là xem tỉ số mà là xem thái độ thi đấu của từng cầu thủ trên sân.

Có thể xếp toàn cầu thủ trẻ, dự bị nhưng thi đấu hết mình chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với sắp đầy đủ xe, pháo, mã mà chơi vật vờ, vô hồn. Chính sự vô hồn của các cầu thủ trong các trận đấu mới dẫn đến chuyện khán giả không đến sân.

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi rất chi chia sẻ câu hỏi của bạn bởi vì vấn đề này đã từng được đặt ra để mạn đàm trao đổi trong nhiều lần giữa những người làm bóng đá chuyên nghiệp và hiện nay vẫn chưa có một sự nhất quán. Cũng có người cho rằng bóng đá chuyên nghiệp có quyền được tính toán để chọn đối thủ ở các vòng đấu.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là tất cả những trận đấu  mang tính chất nhường điểm hoặc né tránh để dẫn tới những trận đấu giả tạo thì đều là biểu hiện của sự tiêu cực. Và tôi nghĩ rằng đông đảo khán giả cũng sẽ không chấp nhận những màn kịch vụng về hoặc những trận thi đấu hời hợt trên sân cỏ và nhiệm vụ của những người có trách nhiệm, bằng mọi cách để ngăn chặn tất cả sự giả dối đó.

Nhà báo Quốc Huy nghĩ thế nào khi ông Dương Mạnh Hùng "đạn bắn không thủng" lại không được làm trọng tài FIFA, trong khi những trọng tài FIFA kia lại đã ra đầu thú vì ăn tiền hối lộ? Phải chăng các quan chức VFF đã dung túng? (Nguyễn Hoàng, Lý Nam Đế, Hà Nội)

Nhà báo Quốc Huy: Ngoài phẩm chất không phải bàn cãi, thì chuyện được đề cử làm trọng tài FIFA còn tuỳ thuộc vào năng lực chuyên môn. Hùng mới thổi từ V - League từ tháng 4/2003 thì có lẽ năm sau (2006) sẽ có tên trong danh sách trọng tài FIFA.

“Thêm 3 trọng tài ra tự thú” là tít của một tin trên một tờ báo. Nội dung của tin có đề cập đến trong số 3 trọng tài “ra tự thú” lần này có trọng tài từng rất được BTC tin tưởng và được xếp vào nhóm trọng tài ''đạn bắn không thủng''. Xin trọng tài Dương Mạnh Hùng cho biết ý kiến của mình? Trân trọng cảm ơn anh.(Ngọc Thủy, 28 tuổi, quận Hai Bà Trưng-Hà Nội)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Tôi rất buồn và bất ngờ khi điều đó xảy ra. Biệt danh "đạn bắn không thủng" chắc hẳn không phải ai tự phong cho mình. Với tôi, tất cả các trọng tài phải biết chấp nhận cuộc chơi.

Báo TTNN đã đưa tin có thêm 3 trọng tài ra tự thú. Đó là những ai thưa nhà báo Quốc Huy? (Tôi là người rất thích xem những bài bình luận của ông trên báo và trên tivi) (Trần Mạnh Tường, 44 tuổi, Võ Văn Tần, TPHCM)

Nhà báo Quốc Huy: Tin của tôi có thì hơn con số 3. Vấn đề là ở chỗ, khi kêu gọi các trọng tài, CLB tự giác nhận lỗi, cơ quan chức năng đã cam kết không lộ danh tính của họ. Vì vậy, ngay cả khi biết đích xác tên, chúng tôi cũng không thể cung cấp trên mặt báo.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, đẻ làm cho nền Bóng đá VN thật sự trong sạch, cần có chiến dịch "Bàn tay sắt", quyết tâm chống tiêu cực và hãy làm nhnhư Ma-lai-xi-a đã từng làm.Vậy VFF đã định hướng và đưa ra những giải pháp nào ?(Lã Công Hưng, 25 tuổi, Phố Đức Tâm II- TT Văn Quan- Văn Quan -Lạng Sơn)

Ông Vũ Quang Vinh: Tôi rất tán thành ý kiến của bạn và thực tế những người có trách nhiệm cao nhất khóa V là sẽ làm tới cùng để bóng đá VN thật sự trong sạch.

Thường trực LĐBĐ VN đã có những kế hoạch cụ thể để hoàn thành tốt công việc này. Trước mắt, sau lễ Tổng kết mùa giải 2005 và Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp vào đầu tháng 10 tới, chúng ta sẽ củng cố lại Hội đồng trọng tài, HĐ HLV quốc gia và rà soát lại tình hình ở tất cả các CLB, các đội bóng chuyên nghiệp – hạng nhất – hạng nhì... bên cạnh đó sẽ tuyển chọn và đào tạo một loạt các trọng tài trẻ có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh đặc biệt là có tư cách đạo đức tốt.

Chúng ta cũng nhanh chóng hoàn chỉnh các quy định, quy chế về thi đấu và một loạt các công việc khác. Tôi nghĩ rằng với đồng loạt các công việc như vậy, bóng đá sẽ phát triển.

Là trọng tài đạn bắn không thủng nhưng lại chưa được phong trọng tài FIFA, phải chăng ông Hùng có tì vết gì? Theo ông vì sao lại như vậy? Có phải vì ông không nằm trong đường dây? (vietan_nt1966@yahoo.com)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: được trở thành một trọng tài của FIFA, tôi cũng như các đồng nghiệp ai cũng ước mơ và mong muốn. Tôi chưa hề có tì vết gì. Còn tại sao đến bây giờ tôi chưa được phong trọng tài FIFA thì chắc rằng tôi cần phải phấn đấu hơn nữa.

Dũng, Khanh này các bạn đều biết rồi đấy Thủ Đô là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước sao các đội bóng của Hà Nội lại khó khăn và vất vả thế nhỉ?? Phải làm cách nào đây?? bản thân các bạn đã đóng góp những gì cho bóng đá Thủ Đô (Đỗ Mạnh Tuấn, 43 tuổi, 1 Phan Bội Châu, HN

Thạch Bảo Khanh: Tất cả những đội bóng thành công, tôi có thể khẳng định, đều dựa nhiều vào công tác đào tạo lực lượng trẻ. Trong những năm gần đây, bóng đá thủ đô ít sản sinh ra những cầu thủ tài năng. Lý do thì rất nhiều. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, tài năng trẻ tại các thành phố lớn bây giờ, họ không còn đam mê với bóng đá nhiều như chúng tôi ngày xưa nữa, vì họ còn bị chi phối bởi nhiều thú vui khác. Không phải bóng đá thủ đô không có tài năng, nhưng sự rèn luyện và niềm đam mê - đấy mới là những điều cần có để tạo nên một cầu thủ giỏi.

Theo tôi, cần phải tạo nhiều sân chơi và có định hướng để phát triển những tài năng trẻ. Bản thân tôi cũng đóng góp một phần nhỏ bé khả năng của mình cho bóng đá quân đội và bóng đá Thủ đô. Trong tương lai tôi sẽ cố gắng phát huy nhiều hơn nữa.

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 19

Lê Anh Dũng: Như bác biết tình hình của đội bóng LG-HN ACB mùa giải vừa rồi rất tệ. Theo cháu suy nghĩ, lứa cầu thủ như chúng cháu nếu tập hợp lại và quyết tâm đồng lòng thì đủ sức có thể có một kết quả tốt hơn trong những mùa giải vừa qua. Vì bóng đá Thủ đô không thiếu nhân tài, nhưng vì rất nhiều lý do nên không tập hợp được với nhau.

Lý do thứ hai là do thiếu hụt về lực lượng kế cận, nhất là lực lượng trẻ. Theo cháu được biết đội bóng LG ACB đã và đang đào tạo được một lứa cầu thủ U21 rất tốt. Đấy cũng là một tín hiệu khả quan cho bóng đá Thủ đô.

Và lý do cuối cùng, theo chủ quan của cháu nghĩ, có lẽ là cần thêm nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành Thủ đô. Hiện giờ, sau mùa giải V-League 2005, đội bóng LG-HN ACB đang có rất nhiều cải tổ và sẽ có nhiều tín hiệu tích cực trong mùa giải sau. Bản thân cháu đã, đang và sẽ làm hết sức mình vì bóng đá của Thủ đô, dù cháu biết rằng những đóng góp của cháu chỉ là một phần rất nhỏ.

Thưa nhà báo Quốc Huy, báo chí nhiều lần nhắc đến tiêu cực trong bóng đá nhưng lại luôn đặt câu hỏi "bằng chứng đâu?". Phải chăng là báo chí trước đây toàn nói bừa? (Tuấn Dũng, phường Hồng Sơn, Vinh)

Nhà báo Quốc Huy: "Bằng chứng đâu" là câu hỏi xuất phát từ các quan chức VFF, mà cụ thể là Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ từ năm 1991. Báo chí chỉ nhắc đi nhắc lại bởi như trong câu trước tôi đã trả lời, cả nhà báo và các quan chức VFF đều không có quyền đưa ra những kết luận về thông tin mà mình thu thập được. Đó là chức năng của cơ quan cảnh sát điều tra.

Đã làm báo, tất cả các thông tin đều phải có nguồn cung cấp cụ thể, không thể tuỳ tiện quy nạp, nói bừa. Đó là nguyên tắc nghề nghiệp, bởi khi các cơ quan chức năng yêu cầu, nhà báo và toà báo sẽ phải trình bày rõ nguồn tin đó từ đâu ra.

Xin hoi Le Anh Dung: Cau giai thich the nao ve vu "choang nhau" giua cau va Quoc Khanh tren san. Do co phai la tieu cuc khong?(Nguyen Nguyen Phi, 27 tuổi, truongbtv@yahoo.com)

Lê Anh Dũng: Nếu mà nói về hành vi đạo đức thì đấy là một sự tiêu cực. Đó là một bài học lớn cho tôi. Tôi nghĩ đã là con người, ai cũng có những lúc sai lầm. Điều quan trọng là không để cho sai lầm ấy lặp lại nữa và tôi đang thực hiện điều ấy.

Thạch Bảo Khanh và Lê Anh Dũng này, tôi thấy đội bóng của các bạn thi đấu thất thường, thậm chí dưới sức các cầu thủ. Phải chăng trong đội có "con sâu làm rầu nồi canh"? (Thảo Yên, 33 tuổi, Gia Lâm, HN)

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 20

Thạch Bảo Khanh: Bóng đá thủ đô trong thời gian vừa qua đang dậm chân tại chỗ, lực lượng trẻ kế cấn thì thiếu hụt không đáp ứng được chuyên môn cũng như sự phát triển của bóng đá nước nhà. Đó cũng là một lý do dẫn đến thành tích chung của bóng đá thủ đô.

Cơ chế cũng ảnh hưởng rất nhiều. Đại đa số các đội bóng trong nước hoạt động đã có sự tham gia của các doanh nghiệp. Họ góp phần làm cho bóng đá giảm bớt những tiêu cực.

Theo tôi nghĩ, vấn nạn tiêu cực trong bóng đá chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, hy vọng trong tương lai, môi trường bóng đá VN sẽ trong sạch hơn, rất mong nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ

Đọc phỏng vấn về trọng tài Hùng trên báo Tiền Phong thấy Hùng nói thu nhập của trọng tài có từ 2.5 triệu đến 3.0 triệu. Làm thế nào để có cách nâng thu nhập của trọng tài để trọng tài có thể thanh thản bắt những trận bóng công tâm ?(Đỗ Mạnh Tuấn, 43 tuổi, 1 Phan Bội Châu)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Cảm ơn anh, để có thể nâng thu nhập cho trọng tài  như hiện nay, theo tôi, liên đoàn bóng đá Việt Nam và các cơ quan chức năng khác cần phải phối hợp với nhau để đánh giá đúng được công việc của các trọng tài, giám sát.

Trọng tài có được sự công tâm không phải vì thu nhập ít hay nhiều mà do xác định đúng được công việc của mình.

Thua ong Hung, nhu ong vua noi, bai hoc dau tien học de trở thành một trọng tài thì phẩm chất phải có là công tâm, trung thực, khách quan. Vay tai sao cai tam nhieu "dong nghiep" cua ong van khong sang? Phai chang he thong dao tao TT cua chung ta co van de?(Nguyen Nguyen Phi, 27 tuổi, truongbtv@yaoo.com)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Vấn đề không phải là do hệ thống đào tạo của chúng ta, mà cái tâm ở đây là do mỗi một con người. Theo tôi, các trọng tài trẻ nên nhớ lại và thực hiện những điều học đầu tiên khi trở thành trọng tài.

Hỏi Lê Anh Dũng, anh là một hậu vệ nên dễ có điều kiện bán độ hơn các vị trí khác trong đội. Có thể anh không bán độ cho dân cá độ bên ngoài, song có khi nào anh "nhường" đội bạn kiểu như ông Ngô Văn Trân đã làm với Hồ Minh Đồng? Có bao giờ anh nhận được những đề nghị kiều đó? (Thái Thanh, 28 tuổi, KTT Nam ĐỒng, Đống Đa, Hn)

Lê Anh Dũng: Tôi chưa nhận được một "lời đề nghị khiếm nhã" nào từ những vị lãnh đạo của các đội bóng khác. Có lẽ vì tôi là một sĩ quan công an nên họ không dám "nhờ vả" tôi những chuyện như thế. Còn nếu nói về dễ có điều kiện bán độ hơn, thì phải nói về vị trí thủ môn.

Tôi thường thấy một số cầu thủ Thể Công ngồi nhậu nhẹt trong một số quán bar, vũ trường đến nửa đêm về sáng. Bảo Khanh có biết điều này không? Có bao giờ anh góp ý với đồng đội hoặc báo cáo lãnh đạo? Không góp ý, phải chăng là anh đồng lõa với họ hay anh sợ họ trả thù? (Thành Lâm, 24 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thạch Bảo Khanh: Tôi nghĩ trong sinh hoạt mỗi người có một cách giải trí khác nhau, cầu thủ cũng vậy. Tôi luôn chọn cho mình cuộc sống phù hợp với đời sống hiện đại nhưng không ảnh hưởng đến công việc của mình.

Sau mỗi trận đấu, tôi thường về sinh hoạt với gia đình và bạn bè ngoài bóng đá và không tham gia vào những cuộc vui chơi đó. Vì vậy, tôi cũng không biết chính xác các đồng đội của tôi có tham gia những cuộc chơi đó hay không. Nên tôi không dám khẳng định, hay báo cáo với lãnh đạo hoặc góp ý với đồng đội.

Nếu biết những việc đó, tôi sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho đội bóng và đồng đội của tôi. Xin chân thành cảm ơn bạn!

Xin hoi Thach Bao Khanh. Viec The Cong khong len duoc hang la do thi dau yeu kem hay chua co mot co che hop ly cho cau thu? O day toi muon hoi la che do.(Nguyen Thanh Ha, 27 tuổi, mattroikhatvong83@yahoo.com)

Thạch Bảo Khanh: Việc Thể Công không lên được hạng là vì rất nhiều lý do. Vấn đề lực lượng cũng là một bài toán rất khó, vì 99% các đội đều được bổ sung thêm các ngoại binh chất lượng, còn Thể công thì vẫn thi đấu với những cầu thủ đã thành danh, nhưng cũng đã lớn tuổi. Những cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm và chuyên môn.

Cơ chế không được thuê cầu thủ ngoại cũng là một thiệt thòi cho đội bóng Thể công.

Thưa ông Dương Mạnh Hùng. Tôi thấy hơi hài hước là cái mà chúng ta đang làm rùm beng lên là vụ Tiến Thành và TT Việt hóa ra là chỉ có 20 triệu cho 4-5 người. Nhiều người cho rằng đây chỉ là khoản tiền " phong bì " - giống y như tiền phong bì cho các cuộc họp rất phổ biến hiện nay-mà đội nào, dù thắng hay thua cũng "chè - cháo" cho các trọng tài. Thưa ông , điều này đúng sai đến đâu ?(Lê Minh Tân, 50 tuổi, 17 Trần Khánh Dư Hà Nội)

Trọng tài Dương Mạnh Hùng: Thật đau xót và tội nghiệp bởi chỉ có vậy mà mọi người đã đánh mất đi tất cả. Nhưng nếu thật như vậy, theo tôi, giá trị của những người dính đến tiêu cực nhất là với trọng tài là quá chua cay.

Để bóng đá nước nhà trong sạch ảnh 21

Tổng biên tập báo Tiền Phong tặng quà các vị khách mời

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ của Bàn tròn trực tuyến "Làm gì để bóng đá VN trong sạch", vẫn còn rất nhiều ý kiến và câu hỏi của bạn đọc, người hâm mộ trong và ngoài nước gửi về Tiền Phong Online. Rất tiếc thời gian không cho phép, những câu hỏi còn lại chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp qua email tới các vị khách mời để trả lời quí vị sau. Tiền Phong Online xin tạm khép lại chủ đề này tại đây.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp chân thành và quí báu của quí vị độc giả vì một nền bóng đá nước nhà trong sạch và vững mạnh, xin cám ơn các vị khách mời.

MỚI - NÓNG