Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ
(TPO) Lúc 9 giờ, 5 vị khách mời đã có mặt tại trụ sở báo Tiền phong và bắt đầu buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ".

Làm việc tại Việt Nam và cống hiến cho đất nước là nguyện vọng của nhiều trí thức kiều bào. Những tâm tư, nguyện vọng của họ đã được chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến này.

Mở đầu cuộc giao lưu, Tổng biên tập Dương Xuân Nam bày tỏ: Tiền phong là tờ báo lớn của Việt Nam, là diễn đàn chính thức của tuổi trẻ Việt Nam với hệ thống ấn phẩm phong phú từ báo ngày đến báo tháng và nay là báo giờ.

Tiền phong luôn tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến. Cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay với mong muốn có sự chia sẻ, trao đổi giữa các thế hệ kiều bào, giữa kiều bào với đồng bào trong nước để có nhiều ý kiến đóng góp cho đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Tiếp đó, TS Nguyễn Trí Dũng nói: Việc xây dựng đất nước phát triển là một  sự nghiệp cho tương lai. Điều này có nghĩa rằng, hiện nay đó là một việc chưa có. Cho nên chúng ta phải có những giấc mơ để thực hiện. Giấc mơ này có thực hiện được hay không là do khả năng của chúng ta. Đây cũng là ý nghĩa của cuộc sống. Theo tôi nghĩ, tuổi trẻ phải có hoài bão để xây dựng và phát triển.

Sau đó, các vị khách mời đã trả lời những câu hỏi của bạn đọc.

Thưa Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Dường như một giáo sư tài năng như ông rất được Nhà nước trọng dụng. Tại sao ông cho rằng trí thức kiều bào vẫn chưa được coi trọng? (Đặng Nghĩa Đô, 35 tuổi, Lê Thị Riêng, thành phố Hồ Chí Minh)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Phải nói một cách công bằng là chúng tôi từ 10 năm nay phải tự bươn chải để huy động tài chính để đề xướng và hình thành 2 trung tâm cao học với trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Công việc này có tính chất tự phát và phát xuất từ tâm tình của chúng tôi đối với Việt Nam. Những Việt kiều đã có những việc làm như vậy hiện nay vẫn còn hiếm hoi và chưa xứng đáng với tiềm năng, số lượng và chất lượng của các trí thức kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi biết hiện có 300.000 trí thức kiều bào ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học mũi nhọn. Tuy nhiên, số người hướng về công tác ở Việt Nam mới chỉ dừng lại con số vài trăm. Bởi vậy tôi nghĩ rằng nguồn chất xám của Việt kiều vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức. Ta chưa có cơ chế để cuốn hút lượng chất xám này một cách hữu hiệu. Ta cũng chưa có chính sách cụ thể nào về mặt hành chính để có thể thu hút các chuyên gia trí thức chưa có chính sách đãi ngộ đặc biệt nào nếu so sách với các quốc gia trong khu vực như: Singapore, Trung Quốc hiện nay.

Chính vì vậy tôi nghĩ chính sách “cầu hiền” của Đảng và Chính phủ cần được cải tiến nhất là sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã  chỉ rõ vai trò của chuyên gia và trí thức Việt kiều trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Xin chúc bạn nhiều thành công và hẹn sẽ có dịp trò chuyện lại với bạn.

Tôi rất tâm đắc với khái niệm nền kinh tế ý tưởng mà TS đề cập đến trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Tiền phong. Ông có thể nói rõ hơn về tác dụng của nó trong nền kinh tế nước ta hiện nay? (Hoàng Thanh Loan, 29 tuổi, Phùng Hưng, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 1
Giáo sự Nguyễn Đăng Hưng (phải) và Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng

TS Nguyễn Trí Dũng: Nhu cầu tiêu thụ hiện nay của loài người một phần  là những nhu cầu cơ bản: ăn, mặc, ở. Thế nhưng, phần lớn là những nhu cầu phi vật chất như nhu cầu đi lại, trao đổi thông tin, thưởng thức văn hóa.v.v. và .v.v. Mà nhu cầu này trong xã hội ngày nay chiếm một phần rất lớn. Người ta ước tính, nhu cầu này gấp 3,4 lần nhu cầu cơ bản.

Cho nên, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc sản xuất đơn thuần những mặt hàng phục vụ nhu cầu cơ bản, chúng ta đã để mất  những cơ hội lớn hơn trong hoạt động kinh tế. Ví dụ, tỷ lệ phải chi cho nói chuyện qua điện thoại di động trong lớp trẻ hiện nay chiếm tỷlệ rất lớn trong khả năng chi tiêu của mình. Nền kinh tế sản xuất của chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức nhu cầu cơ bản, mà chưa quan tâm đủ về nền kinh tế ý tưởng.

Câu hỏi dành cho các bạn thanh niên Việt kiều tại Pháp: Hiện nay, mức thu nhập trung bình của người VN còn rất thấp so với thu nhập mà các bạn có được tại Pháp. Các bạn có nghĩ đến điều này khi về VN làm việc không? (Thanh, 25 tuổi, TPHCM)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 2
Nguyễn Phương Hà

Nguyễn Phương Hà: Dĩ nhiên rồi. Bởi mức sinh hoạt ở VN cũng thấp hơn so với Pháp nên mức thu nhập đó hoàn toàn phù hợp thôi. Ở Pháp, tuy bạn nhận được mức lương cao hơn, nhưng giá thành sinh hoạt, chi tiêu, ăn ở lại rất đắt đỏ. Chuyện làm việc cho một Cty nước ngoài cũng khác với làm việc cho Cty VN, vì thường thì các Cty nước ngoài có doanh thu cao và quy mô lớn, do đó mình có quyền đòi hỏi một mức lương khác. Nhưng nếu chấp nhận làm việc trong nước, chúng tôi cũng đồng thời chấp nhận một mức lương tương đương với các nhân viên Việt Nam khác. Đó là việc công bằng.

Thưa GS Nguyễn Đăng Hưng, trong bài phát biểu gần đây nhất tại Hội thảo trí thức kiều bào, ông có nói những vấn đề ông đặt ra hơn 30 năm trước trong việc thu hút chất xám kiều bào, nay vẫn chưa được giải quyết. Đó là vấn đề gì? (Cù Thái Bảo, 34 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Xin thưa với bạn là những vấn đề mấu chốt mà tôi thấy chưa được giải quyết là chính sách thông thoáng đối với chuyên gia trí thức nói chung và chuyên gia Việt kiều nói riêng.

Tôi nghĩ rằng người trí thức cần một môi trường dân chủ, một sự đặt để công bình để họ có thể sử dụng đúng mức tài năng chuyên môn của mình. Tôi vẫn thấy rằng công tác bố trí cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn ở Việt Nam vẫn chưa dựa trên tài năng và chưa có cơ cấu hợp lý.

Tôi mong chúng ta ngày càng cải tiến việc bố trí cán bộ này để tuyển chọn được những người có tài, làm việc đúng chuyên môn. Việc này sẽ góp phần cải tiến phong cách quản lý và thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ở các cấp trung gian.

Riêng về trí thức Việt kiều, tôi cũng rất trăn trở từ nhiều năm bởi lẽ ta chưa có cơ chế đủ thông thóang để thu hút chất xám Việt kiều. Những thủ tục nhập cảnh khá rườm rà, những chính sách về nhà cửa cho Việt kiều vẫn còn là những ách tắc.

Tôi mong mỏi sẽ có những cải tiến để Việt kiều, nhất là những Việt kiều có chuyên môn đã có nhiều đóng góp cho đất nước có được visa thường trực hoặc hộ chiếu Việt Nam để không phải gặp những phiền hà đôi lúc làm họ nản lòng.

Tôi cũng mong mỏi chính sách mới do Bộ Xây dựng đưa ra về mở rộng diện mua nhà tại Việt Nam để các chuyên gia Việt kiều đang chuẩn bị về hưu có thể thường trực sống những ngày cuối đời tại Việt Nam và đem sở học của mình đóng góp cho đất nước.

Tôi cũng công nhận so với cách đấy 20 năm, trong quá trình đổi mới chính sách nói chung đã có những thay đổi tiến bộ. Trong buổi hội thảo Việt kiều vừa qua, các đại biểu đã nhận thấy những điểm tồn động để có thể tháo gỡ không quá muộn màng.

Phần tôi, tôi cũng đã mạnh dạn đưa ra ý kiến là ta nên thoát khỏi cơ chế xin – cho bằng cách đưa ra một luật duy nhất, một luật bao trùm nói rõ là từ nay không có sự khác biệt giữa người Việt trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài. Tất cả người Việt đều bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ.

Đối với những người Việt định cư đã hội nhập và có quốc tịch tại các nước sở tại, tôi đề nghị nếu họ có nguyện vọng thì nên bố trí chính sách 2 quốc tịch để có thể cấp lại cho họ quốc tịch gốc để họ có thể đi lại dễ dàng. Tôi nghĩ lại nếu chính sách này được ban hành thì đây sẽ là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cuốn hút nguồn chất xám rất quý giá của Việt Nam đang nằm ở khắp năm châu.

Xin chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc. Mong có dịp trao đổi lại.

Hỏi các bạn TN tại Pháp: Các bạn có thể nói cho mình biết là lớp học tiếng Pháp của tổ chức như thế nào không? Mình sắp sang học ở Pháp, tiếng Pháp của mình chưa tốt lắm và nếu mình muốn học thì phải làm thế nào?(Ngọc, 23 tuổi, Hà Nội)

Bình - Phong: Một lớp học tiếng Pháp (do Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp tổ chức) thường có từ 6 - 10 sinh viên, do 2 - 3 giảng viên trực tiếp giảng dạy. Lớp thường học vào ngày thứ Bảy. Mục đích là giới thiệu đến các sinh viên nền văn minh, xã hội và tất nhiên là cả tiếng Pháp.

Mỗi tuần, giảng viên đưa ra một chủ đề, cả lớp đọc chung và cho ý kiến, từ đó sẽ nâng cao kiến thức về văn hoá Pháp và tiếng Pháp.

Theo chúng mình, để học tiếng Pháp hiệu quả nhất là nên kết bạn với những người bạn Pháp và thường xuyên nói tiếng Pháp. Nếu bạn có khó khăn gì, bạn có thể liên hệ với Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp qua trang web: www.ujvf.org .

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 3
Phương Hà

Phương Hà: Lớp tiếng Pháp trong Hội cũng giống như lớp tiếng Việt, mục tiêu chính là làm cho thanh niên Việt kiều bên Pháp và các du học sinh Việt Nam bên đó giao lưu với nhau. Đến với lớp, không có chuyện bạn ngồi một chỗ viết và viết, mà phải trao đổi, làm quen, trò chuyện. Lớp học tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần. Các thầy giáo đưa ra các chủ đề khác nhau như món ăn, lịch sử... để học sinh thảo luận.

Ngoài lớp tiếng Pháp, mình còn muốn các bạn Việt kiều và du học sinh kéo nhau đi chơi, dã ngoại... Đấy mới là cách học tiếng Pháp (và cả tiếng Việt) hay nhất.

Em muon hoi cac anh chi thanh nien Phap. Cac anh chi co thuc su muon ve VN lam viec khong, hay chi noi "xa giao" nhu the? (Ha, 20 tuổi, Ha noi)

Lương Nguyễn Liêm Bình: Hiện tôi đang học năm thứ 4 Y khoa ĐH Paris 6. Sau khi học xong, tôi rất muốn về Việt Nam làm việc về y tế cộng đồng. Đó là lý do tại sao tôi thường xuyên về Việt Nam để  làm quen dần với môi trường sống và làm việc ở quê nhà.

Trong những lần về thăm quê, tôi thấy Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nếu về Việt Nam công tác, tôi tin sẽ có cơ hội phát triển, cũng như có cơ hội đóng góp cho đất nước.

Hà Ngọc Minh Phong: Phong đã ra trường và làm việc được 3 năm trong ngành viễn thông ở Paris. Hiện giờ, Phong đang tìm một việc làm tại Việt Nam. Phong đã tiếp xúc với các Cty viễn thông quốc tế tại TPHCM và Hà Nội. Hy vọng Phong sẽ được nhận để được về Việt Nam làm việc.

Nguyễn Phương Hà: Việt Nam là quê hương của mình, mình muốn biết về VN nhiều hơn nên về làm việc tại VN là một cơ hội rất tốt. Đó là mong ước thực sự chứ không phải lời nói "xã giao".

Cháu rất mong Tiến sỹ có thể tiến hành cuộc điều tra càng sớm càng tốt để những người như cháu đỡ lãng phí thời gian và tiền bạc để đầu tư vào ngành học mà sau này ra trường không dùng đến, hoặc phải học lại từ đầu. Tiến sỹ có thể cho cháu biết câu trả lời sớm nhất: bao giờ và như thế nào về cuộc điều tra đó. (Trần Ngọc Ánh, 24 tuổi, Hàng Chuối, Hà Nội)

TS Nguyễn Trí Dũng: Rất cám ơn về ý kiến của em. Trường  hợp của em cũng là một trường hợp phổ biến hiện nay. Đó cũng chính là lý do tôi đã đề cập đến nhu cầu cấp bách cần phải nghiên cứu lại mối liên kết tam giác: "Nhà nước- Đại học- Doanh nghiệp".

Trong xã hội, doanh nghiệp là chủ thể tạo ra vật chất của cải và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại học cung cấp  nguồn nhân lực và chất xám qua những nghiên cứu khoa học để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Chính phủ có những chính sách phát triển đất nước và đầu tư cho đại học để thực hiện vai trò đó.

Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo đại học chưa có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa chuẩn bị  cơ bản đủ để phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Cuộc điều tra có thể bắt đầu ngay với em và các bạn quan tâm về đề tài này. Em có thể cho biết ý kiến của em và gửi về địa chỉ mail của tôi: minhtran21@yahoo.com (Minh Trân là tên của Cty điện tử công nghệ cao của tôi tại TP HCM)

Thưa giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ngành Khoa học Hàng không & Không gian thực sự rất hấp dẫn, nhưng với điều kiện như ở VN hiện nay, những người trẻ yêu thích nó khó lòng đạt được chút gì đó gọi là thành tích. Có phải ra nước ngoài học trong trường hợp này là một sự lựa chọn bất khả kháng? Và nếu không, thì chúng em phải tìm đến đâu, khi giảng dạy đại học chỉ thuộc dạng "cưỡi ngựa xem... sao"? (Đan Hoài, 17 tuổi, Số 1 Chả Cá, Hà Nội)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Chào em. Tôi rất vui được biết có một sinh viên trẻ sẽ trở thành một người đồng nghiệp tương lai của tôi. Thật vậy, tôi là Giáo sư trưởng trong khoa Hàng không & Không gian của trường ĐH Liège (Bỉ) và các sinh viên của tôi bên Bỉ đại bộ phận là các sinh viên thuộc ngành này.

Các trung tâm đào tạo mà tôi đã đề xướng tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang sử dụng những phần mềm tính toán do khoa của chúng tôi thiết kế và tạo dựng từ 30 năm nay.

Những ứng dụng mà chúng tôi làm chính là những ứng dụng của ngành hàng không châu Âu, đặc biệt là tính toán cánh máy bay Airbus, tính tóan một bộ phận của hỏa tiễn Ariane...

Tuy nhiên, vì là những chương trình đào tạo tại Việt Nam nên chúng tôi phải biến đổi các phần mềm vạn năng này cho phù hợp với điều kiện phát triển công nghệ tại Việt Nam và chính qua những phần mềm này chúng tôi đã dùng nó để hướng dẫn các em thiết kế và tính toán những nhà cao tầng, những cầu dây văng phức tạp, những mảng bê tông kè biển, kè sông.

Như vậy, nếu em tham gia vào chương trình đào tạo này và nếu em biết sử dụng nó cho các công trình cụ thể tại Việt Nam, em chỉ cần thay đổi một số cấu trúc để ứng dụng cho các ngành hàng không trong tương lai và nếu em học giỏi.

Em đậu bằng Thạc sĩ trong số 5 người đầu thì cũng có khả năng chúng tôi hỗ trợ em sang châu Âu làm Tiến sĩ ở các ngành mà các em yêu thích, trong đó có những ngành là giấc mơ của tuổi trẻ là không gian và hàng không. Thế thì, mong em hiểu là công việc của chúng  tôi  chính là công việc truyền đạt trí thức, chuyển giao công nghệ hiện đại bằng những công việc cụ thể phù hợp với trình độ của Việt Nam.

Tôi xin chúc em học hành tiến bộ và thực hiện được giấc mơ hàng không không gian của em.

Thưa TS Nguyễn Trí Dũng, cuộc điều tra quy mô lớn mà ông đang ấp ủ sẽ được tiến hành theo hướng nào? Em cũng vừa ra trường và hiện cũng đang làm trái nghề, điều này cũng là chuyện thường tình với phần lớn sinh viên ra trường hiện nay. Theo tiến sĩ vấn đề cốt lõi nằm ở đâu, và cần có giải pháp gì? (Thành Nam, 23 tuổi, Hà Nội)

TS Nguyễn Trí Dũng: Lịch sử văn hóa kinh tế của VN còn quá non trẻ. Văn hóa liên kết giữa đại học và doanh nghiệp có thể nói là chưa có. Các GS đại học không chủ động tiếp cận với doanh nghiệp để thực sự hiểu nhu cầu của họ và các doanh nghiệp cũng không chủ động đến với các trường đại học để giải quyết những vấn đề của mình. Tôi hy vọng, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy mối quan tâm và xây dựng mối liên kết này. Ý kiến đóng góp của các em rất quan trọng.

Gui Anh Ha Ngoc Minh Phong, anh luon mong muon duoc quay ve Viet Nam. Vay anh co san sang dem nhung kien thuc cua minh de phat trien cong nghe thong tin cho nhung vung con lac hau cua dat me chung ta hay khong? (Pham Thu Nga, 24 tuổi, TP Vinh-Nghe An)

Hà Ngọc Minh Phong: Tuần trước, Phong vừa tham ra chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện xây cầu bê tông ở tình Trà Vinh. Qua chuyến thực tế này, Phong thấy nhiều vùng còn nghèo, kỹ thuật công nghệ chưa phát triển.

Theo Phong, việc đầu tư phát triển cho những vùng quê nghèo đó là cần thiết, nhưng phải theo một kế hoạch cụ thể. Tất nhiên, nếu chỉ có một mình thì không một cả nhân, tổ chức nào có thể tự thực hiện nhiệm vụ này mà đòi hỏi phải có sự đồng sức đồng lòng của nhiều các cơ quan tổ chức.

Về phần mình, nếu có cơ hội, Phong sẵn sàng đem những kiến thức, hiểu biết của mình để phối hợp với các tổ chức đầu tư vào những vùng còn lạc hậu này.

Một thực trạng hiện nay là thanh niên Việt kiều thế hệ thứ 3 không biết nói và viết tiếng Việt, từ đó dẫn tới xa rời văn hóa Việt. Với tư cách lãnh đạo Hội Thanh niên VN tại Pháp, các anh chị có giải pháp nào cho vấn đề này hay không, hay chỉ chú trọng đến các bạn du học sinh tại Pháp mà thôi? Em xin hỏi thêm một câu riêng tư, vấn đề trên có ... đúng với 3 anh chị hay không? (Hà An, 20 tuổi, Số 5 Hàng Than, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 4
Minh Phong

Bình - Phong: Chúng mình không dám nhận là nói tiếng Việt tốt, nhưng cũng đủ "vốn liếng" để giao lưu với các bạn trong ngày hôm nay (cười).

Đúng như bạn nói, một bộ phận Việt kiều thế hệ thứ 3 (thậm chí là cả thế hệ thứ 2) do không thường xuyên đợc tiếp xúc với tiếng Việt, ít liên lạc với bạn bè ở Việt Nam nên tiếng Việt có phần bị hạn chế.

Một trong những mục đích chính của Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp là giới thiệu văn hoá, văn minh, đời sống... của con người Việt Nam với các sinh viên Việt kiều. Bình là người phụ trách về văn hoá trong chương trình này.

Tháng Tám này, Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp đã tổ chức một lớp tiếng Việt cho Việt kiều ngay tại Thủ đô Hà Nội với sự giúp đỡ của Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự lớp học, đã có 15 sinh viên là Việt kiều Pháp. Sau 2 tuần của khoá học, tiếng Việt của các sinh viên Việt kiều đã được cải thiện rõ rết.

Ngoài việc học 3 giờ vào các buổi sáng, lớp học còn đi tham quan Viện Bảo tàng Dân tộc, Mỹ thuật, Văn Miếu - Quốc tử giám... Đây cũng là một cách học thực tế để củng cố kiến thức về văn hoá Việt Nam.

Tại Pháp, mỗi tuần, Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp cũng tổ chức 3 lớp học tiếng Việt (tối thứ Hai) với sự giúp đỡ của các sinh viên Việt Nam du học.

Phương Hà: Thú thật là bản thân tôi nói tiếng Việt cũng không sõi. (cười)

Đúng là thanh niên Việt kiều tại Pháp rất ít người biết nói tiếng Việt, nhất là những ai sinh ra ở Pháp. Hồi nhỏ, mình chưa nhận thức được việc biết nói tiếng Việt là quan trọng như thế nào, nên không chú trọng học tập đến nơi đến chốn.

Nếu ba má không bắt học, chắc cũng không nói được tiếng Việt đâu. Hiện giờ mình vẫn đang cố gắng mỗi ngày để nói tiếng Pháp được tốt hơn.

Trên thực tế, chỉ có những lớp dạy tiếng Việt thì không đủ. 6 năm trở lại đây, sinh viên VN qua Pháp học rất nhiều. Mình muốn các bạn ấy giao lưu thật nhiều với các bạn Việt kiều. Thứ hai nữa là phải kéo các bạn thanh niên gốc Việt sang lại VN. Bây giờ bay về VN đã rất dễ dàng, do đó mình muốn phát triển mạnh các hoạt động giao lưu ở trong nước.

Mình cũng muốn các bạn Việt kiều biết hơn về thông tin tình hình trong nước, do đó các mạng thông tin qua Internet là vô cùng quan trọng. 

Cách đây chừng 10 năm, cháu cũng theo học thêm về Kế toán Mỹ,chỉ vì theo mốt, chứ thực ra, nó chưa áp dụng nhiều vào thời điểm đó. TS có thể cho biết, vì sao TS dám "mạo hiểm" đưa vào một khái niệm khá mới mẻ này vào VN ngay trong những năm đầu đổi mới và triển vọng của nó thế nào khi ta gia nhập WTO. (Vũ Diệu Linh, 30 tuổi, Tôn Đức Thắng,Hà Nội)

TS Nguyễn Trí Dũng: Trong tất cả các hoạt động kinh tế, kế toán đóng một vai trò rất quan trọng. Hơn 10 năm trước đây, khi giới thiệu giảng dạy hệ thống kế thống kế toán Mỹ tại VN, tôi có suy nghĩ đây là một chuẩn bị cho nhu cầu hội nhập trong tương lai của VN. Vì hệ thống kế toán này là một  chuẩn quốc tế. Hiện nay, hệ thống này đang được sử dụng rất phổ biến ở VN. Tôi rất vui mừng vì kết quả này.

Thưa GS Nguyễn Đăng Hưng, ông có thể cho biết nhà nước Bỉ có chính sách "chiêu hiền, đãi sỹ" như thế nào? (Nguyễn Thị Hạnh, 40 tuổi, 17 Phan Bội Châu, Hà Nội)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Xin chào cô. Về chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” của Bỉ thì cũng rất giản dị thôi. Nước Bỉ là một nước phát triển nên kẻ sĩ, người hiền đã được đặt, để đúng chỗ, đúng nơi và việc này rất phổ biến.

Thí dụ: Muốn chọn một Giáo sư ĐH thì bộ môn chuyên môn luôn công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu nhận các ứng viên. Các ứng viên chuẩn bị hồ sơ, các công trình khoa học, các tác phẩm đã xuất bản, những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, những thành quả đã đạt được ở trong nước cũng như ở quốc tế.

Các chuyên gia về bộ môn này sẽ nghiên cứu hồ sơ một cách nghiêm túc, họ sẽ mời ứng viên đứng ra dạy thử, giảng thử một giáo trình để xác định khả năng sư phạm của ứng viên này. Sau đó ban thẩm định sẽ sắp hàng các ứng viên và trình lên cho khoa. Khoa sẽ qua bỏ phiếu đề nghị với Hội đồng quản trị ĐH người đã được chọn.

Hội đồng quản trị này sẽ ra quyết định chọn lựa người hiền rồi gửi công văn lên Bộ và Bộ chỉ phải là một công việc là chuẩn y sự lựa chọn này.

Nước Bỉ tạo điều kiện rất cao cho một giáo chức ĐH để cho phép người này chỉ dạy 30% thời gian. Số thời gian còn lại là dành để nghiên cứu khoa học và giúp đỡ cộng đồng trong lĩnh vực của mình.

Nếu người giáo chức này được mời đi thuyết trình, đi công bố kết quả nghiên cứu khoa học tại các hội nghị quốc tế thì Nhà nước Bỉ luôn luôn có tài khoản dành cho việc hỗ trợ các chuyến đi này của các nhà khoa học.

Đây là tôi ví dụ về lĩnh vực cầu hiền tại Đại học. Các lĩnh vực khác cũng áp dụng chính sách chọn người một cách có bài bản như vậy. Và cũng phải nói Nhà nước Bỉ trả lương cho các chuyên gia một cách rất thỏa đáng để họ yên tâm hành nghề mà không phải lo toan mưu sinh như ta thấy hiện nay tại nước Việt Nam ta.

Xin chúc cô có nhiều niềm vui và mong được trao đổi thêm về việc này.

Gửi Lương Nguyễn Liêm Bình: Học xong bạn dự định tiếp tục công tác bên nước ngoài hay sẽ trở về Việt Nam. Nếu trở về bạn dự định sẽ làm việc ở đâu, với mức lương bao nhiêu thì bạn sẽ hài lòng? Xin hỏi thêm, lớp học tiếng Việt mà bạn vừa tổ chức có thú vị không? Kỷ niệm bạn nhớ nhất là gì? (Thanh Nhàn, 30 tuổi, Đan Phượng, Hà Tây)

Lương Nguyễn Liêm Bình: Như Bình đã trả lời ở câu hỏi trên, học xong BÌnh có dự định về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long công tác trong ngành y tế cộng đồng. Bình muốn làm việc trong một cơ quan quốc tế ở Việt Nam.

Về mức lương, Bình cũng chưa nghĩ tới vì còn đến tận 6 - 7 năm nữa mới tốt nghiệp đại học.

Còn lớp học tiếng Việt vừa qua, Bình thấy rất vui. Chắc chắn, sang năm sẽ còn thú vị hơn nữa (cười). Kỷ niệm nhớ nhất của Bình là lần cả lớp đến nhà cô giáo Vy dạy tiếng Việt, sau đó cả lớp cùng nấu các món ăn Việt Nam. Và sau đó, tổ chức ăn uống vui vẻ ngay tại nhà cô giáo.

Gửi chị Hà: Tôi thấy chị nói là muốn làm việc tại VN. Thực sự thì chị đã làm gì để biến ước muốn đó thành sự thật? (Long, 25 tuổi, 50 Hàng Bồ)

Nguyễn Phương Hà: Trong lĩnh vực của mình cũng có rất nhiều người VN rất giỏi. Do đó, mình muốn làm việc thêm một vài năm nữa ở VN để tiến bộ hơn nữa, học hỏi hơn nữa trước khi trở về VN. Chuyện trở về VN làm việc chỉ là một vấn đề của thời gian mà thôi.

Hơn nữa, còn phải lo thêm cho Hội Thanh niên VN vài năm chắc mình mới yên tâm về VN được (cười).

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 5
TS Nguyễn Trí Dũng

Ong co neu nghich ly"dao tao nhieu, nhung duoc su dung dung nganh nghe voi hieu qua cao con it". Vay truong Doanh thuong Tri Dung cua ong da ap dung he thong giao duc nao de giai quyet nghich ly tren? (Nguyen Long, 22 tuổi, Hoan Kiem, Ha Noi)

TS Nguyễn Trí Dũng: Hiện nay trường Doanh thương Trí Dũng tập trung đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp và theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Chúng tôi đang có  chương trình đào tạo nâng cấp các học sinh trung học kỹ thuật để họ có thể hiểu biết thêm về quản lý, tin học, ngoại ngữ... và được chuẩn bị tốt hơn, phục vụ đúng nhu cầu làm việc tại các doanh nghiệp.

Thưa GS Nguyễn Đăng Hưng, dù xa quê hương nhưng GS đã có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước. Chúng tôi rất biết ơn và khâm phục những con người luôn làm việc hết mình vì quê hương. Xin hỏi GS có định về VN sinh sống khi nghỉ hưu? Nếu về VN, GS dự định sẽ làm những gì? GS đánh giá như thế nào về hiệu quả dự án hình thành Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học công nghệ của Việt kiều tại TP HCM? (Quốc Dũng, 40 tuổi, Thanh Hoá)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Xin cảm ơn anh Quốc Dũng đã có những lời khá ưu ái cho bản thân tôi. Việc tôi đã làm chỉ là một hạt cát trong cái bể lớn những nhu cầu của xã hội Việt Nam trong thời đại hòa nhập quốc tế.

Tôi mong mỏi sẽ trở về Việt Nam khi nghỉ hưu và như vậy tôi sẽ có điều kiện nhiều hơn để tiếp tục cống hiến cho đất nước. Tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để có được một số thành quả nhất định hiện nay. Tôi mong mỏi có điều kiện để nhân rộng những thành quả này bằng cách góp phần về việc huy động chất xám Việt kiều từ khắp năm châu hướng về Việt Nam.

Thật vậy, rất đông đảo Việt kiều ở nước ngoài có hòai bão cống hiến cho quê hương mình. Nhưng những vướng mắc, những rào cản đôi khi làm cho họ nản lòng. Tôi hy vọng qua những kinh nghiệm đã có, giúp họ tránh được những khó khăn để họ có thể hội nhập vào Việt Nam và nhanh chóng đem sở học của mình để cống hiến cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng việc thành lập một hiệp hội của chuyên gia và trí thức Việt kiều hoạt động tại Việt Nam là một hướng giúp cho trong nước tháo gỡ những rào cản và chất xám Việt kiều sẽ chảy về Việt Nam một cách tươi tắn hơn.

Việc về hưu của tôi cũng không xa lắm. Xin cảm ơn anh Quốc Dũng và xin hẹn sẽ trao đổi với anh trong một dịp khác.

Em muốn được hỏi chị Hà và anh Phong là môi trường kinh doanh tin học tại Pháp như thế nào? Với bằng cấp hiện tại trong nước (như trường hợp của em), liệu có thể làm việc được ngay tại Pháp hay không? (Minh Dũng, 22 tuổi, Đại học BK Hà Nội, Khoa CNTT tiếng Pháp)

Nguyễn Phương Hà: Ở bên Pháp, những Cty về IT đòi hỏi ở các ứng viên khi được nhận vào phải làm việc thành thạo được ngay chứ không có thời gian rảnh để mà tìm hiểu công việc.

Để nâng cao trình độ, bạn có thể tự học tại nhà hoặc là đề nghị lên Cty để họ mở lớp đào tạo, nâng cao cho mình. Ở những tập đoàn lớn, việc này diễn ra khá thường xuyên, còn ở những Cty nhỏ thì ít hơn, hoặc không có.

Còn về câu hỏi thứ hai: Vì mình không học qua trong nước nên không thực sự nắm được trường hợp của bạn. Xin khất đến một lần khác nhé

Hà Ngọc Minh Phong: Ở Pháp, thường là năm thứ 3 (trường kỹ sư), sinh viên bắt buộc phải thực tập khoảng 6 tháng trong các Cty (có lương nhưng mức lương thấp). Nếu chứng tỏ được khả năng, sinh viên sẽ được nhận vào làm sau khi tốt nghiêp. Tỷ lệ sinh viên được nhận là khoảng 50%.

Trường hợp của bạn, theo Phong là bạn nên có thời gian học hoặc thực tập bên Pháp, cơ hội được nhận vào làm sẽ cao hơn. Đây là thời gian bạn phải chứng minh được khả năng thực tế của mình.

Thưa TS, liệu đến bao giờ mô hình liên kết "Nhà nước - Đại học - Doanh nghiệp" mới trở thành hiện thực tại VN? (Lại Quyết Thắng, 40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

TS Nguyễn Trí Dũng: Mô hình này sẽ trở thành hiện thực khi văn hóa liên kết phát triển. Nó có thể được thực hiện ngay trong vài năm tới khi xã hội chú trọng hơn về sinh hoạt văn hóa liên kết này. Còn lại là vai trò của Nhà nước, nhân tố thúc đẩy sự phát triển này để phục vụ cho những chính sách phát triển kinh tế quốc gia.

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 6
Liêm Bình

Chào bạn Liêm Bình, đọc thành tích của bạn mình quả thật rất nể. Học một lúc 2 khoa, trong đó có trường Y, một trường rất khó của Pháp, bạn có bí quyết hay kinh nghiệm gì ko? và điều kiện bên Pháp để theo học cùng lúc 2 khoa ntn? (Ngọc Châu, 24 tuổi tuổi, ĐH KHTN HN)

Liêm Bình: Ở Pháp, mỗi năm chỉ có 4 người (trong toàn nước Pháp) được phép học 2 trường Đại học Y và trường ENS - 2 trường Bình đang học. Đó là 4 người giỏi nhất trong kỳ thi Sinh học, Hoá, Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

Vì học 2 trường nên Bình hơi bận. Năm 2004, Bình phải hoãn 1 năm bên trường ĐH Y để tập trung làm Master về Sinh học của trường ENS. Năm nay, Bình sẽ bước vào năm thứ 4 ĐH Y và làm thêm 1 Master nữa về Xã hội học.

Cách học của Bình không có gì đặc biệt, học từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối. Sau đó đi chơi...

Thưa GS.TS Nguyễn Đăng Hưng và TS Nguyễn Trí Dũng, các ông có cho rằng mình trở về nước bây giờ là... hơi muộn, vì thời gian phục vụ sau này cho đất nước chẳng còn được bao nhiêu? (Phú Thịnh, 32 tuổi, Hòa Bình)

TS Nguyễn Trí Dũng: Cảm ơn em về câu hỏi dí dỏm này. Cả hai chúng tôi đã về nước lần đầu tiên vào đầu năm 1976 và sau đó chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc để góp phần xây dựng đất nước.

Riêng cá nhân tôi, đã thành lập trường Doanh Thương Trí Dũng từ năm 1988 là trường tư thục đầu tiên trong cả nước và  năm 1994 thành lập Cty điện tử Minh Trân - Đơn vị sản xuất xuất khẩu linh kiện điện tử công nghệ cao vào thị trường thế giới.

Kinh chao bac Hung! Thua bac, lieu bac co the ly giai viec nhieu du hoc sinh Viet Nam o lai nuoc ngoai sau khi hoc tap khong? Theo bac, chung ta can co chinh sach the nao de thu hut nhan tai ve lam viec cho dat nuoc? (Phan Thu Ngan, 26 tuổi, Thanh Xuan-Ha Noi)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 7
GS Nguyễn Đăng Hưng

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tình trạng các lưu học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại nước ngoài mà không sớm trở lại Việt Nam để cống hiến là một thực tế. Ta nên nhìn thực tế này một cách khách quan và ta nên xứ lý vấn đề này một cách tinh tế.

Hiện nay Nhà nước ta có chính sách gửi người đi du học, nhưng chưa có chính sách để các em đã tốt nghiệp ở nước ngoài tham gia vào các cơ sở kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Ta chưa có chính sách thỏa đáng về lương bổng cho các nhà giáo, cho các chuyên gia hành nghề tại Việt Nam. Ngay cả những người trẻ chấp nhận về Việt Nam làm việc ta cũng chưa có cơ chế thu nhận họ một cách đúng chỗ đúng người.

Bản thân tôi đã đào tạo nhiều Tiến sĩ tốt nghiệp tại châu Âu, Canada nhưng khi họ trở về Việt Nam, các trường ĐH vẫn không chào đón họ một cách trân trọng để họ có thể tham gia vào công tác giảng dạy. Có người sau khi trở về Việt Nam một vài năm đã phải quay lại các nước phương Tây vì ở đó họ có điều kiện làm việc rất đầy đủ.

Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán hóc búa này? Tôi nghĩ nếu các em thấy chưa có điều kiện về ngay như tình trạng hiện nay mà phải ở lại để phát triển thêm khả năng nghiên cứu của mình thì điều đó cũng là một điều hay. Trong trường hợp này ta nên giữ liên lạc với các em này, ta nên bình tĩnh chờ đợi, ta nên kiện toàn các điều kiện tại Việt Nam, mở thêm các phòng thí nghiệm, mở thêm các trường ĐH quốc tế thì sẽ có một ngày không xa vì sự quyến luyến với quê hương của mình họ sẽ trở về và với hành trang khoa học được cập nhật đầy đủ sau những năm ở nước ngoài. Họ sẽ giúp đất nước trong ngành của họ để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp các nước tiên tiến.

Còn đối với những em đã về, ta nên trân trọng hơn để đưa các em vào các trung tâm nghiên cứu hoặc những trường ĐH bằng cách cải tiến chế độ lương bổng, đãi ngộ về chỗ ăn chỗ ở để họ có thể sống và làm việc một cách thoải mái. Như vậy cần có chính sách cho các chuyên gia trẻ trong thời gian tới. Tôi ý thức rằng đây là một điểm mấu chốt của việc thu hút và sử dụng chất xám trẻ mà cơ quan chức năng cần có chính sách. 

Mình và Bình cùng độ tuổi đấy, nếu được thỏa nguyện trở về Việt Nam phục vụ Tổ quốc, bạn sẽ làm gì. Bởi mình thấy bạn còn quá trẻ, lại vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Tương lai của một sinh viên Y khoa tại Pháp sẽ sáng lạn hơn nhiều tại Việt Nam. Bạn nghĩ sao? (Thanh Vi, 21 tuổi, Hà Tây)

Lương Nguyễn Liêm Bình: So sánh giữa điều kiện sống giữa Việt Nam và Pháp là rất khó. Nếu ở Pháp, có thể Bình sẽ có cuộc sống tốt hơn nhưng Bình vẫn muốn trở về Việt Nam làm việc, lý do rất đơn giản Bình có quê hương là Việt Nam

Với tư cách là một TS Kinh tế học, ông nhận xét gì về việc giá xăng dầu của ta cứ tăng dần, tăng dần như thế này? Ai là người chịu thiệt thòi trong việc giá xăng cứ tăng cao mãi? (Trần Huy Phương, 36 tuổi, Ngõ Lương Sử C, Hà Nội)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 8
TS Nguyễn Trí Dũng trả lời phỏng vấn cùng phóng viên Lan Anh

TS Nguyễn Trí Dũng: Vấn đề năng lượng là một vấn đề được quan tâm hàng đầu của các quốc gia hiện nay trên thế giới. Hiện nay, Hoa Kỳ cũng như các nước công nghiệp phát triển khác luôn luôn có chiến lược quản lý thị trường tiêu thụ năng lượng toàn cầu để phục vụ cho quyền lợi quốc gia của mình.

Việc giá xăng dầu tăng chưa từng có trong lịch sử như hiện nay là một mặt trái của chiến lược đó. Đương nhiên, nó ảnh hưởng đến mọi mặt của hoạt động kinh tế, trước nhất là người tiêu thụ. Tình hình này không có dấu hiệu  sớm được giải quyết vì khi tình hình chiến tranh tại Iraq chưa được giải quyết.

Tôi cũng rất quan tâm  tới việc vì sao em lại đặc biệt quan tâm tới vấn đề này.

Câu hỏi cho bạn Minh Phong: Bạn có nói là luôn mong muốn được quay về VN và làm việc trong lĩnh vực tin học viễn thông. Vậy xin hỏi điều gì còn cản trở bạn, tại sao bạn không về VN luôn? Tôi tin rằng chắc chắn bạn sẽ có một môi trường làm việc tốt và cũng có cơ hội thăng tiến tuyệt vời như công việc của bạn hiện nay. (Trọng Nghĩa, 27 tuổi, Hà Nội)

Minh Phong: Mình đã có những cuộc tiếp xúc với các Cty nước ngoài về viễn thông. Tuy nhiên vẫn còn một số thủ tục nữa cần phải giải quyết. Đến giờ này, Phong đã sẵn sàng...

Thưa GS Hưng, chúng em hiểu được những tâm nguyện của những người xa xứ như thầy, nhưng thực ra mà nói có rất nhiều người đã về với mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng đất nước mà không cần bất cứ một đãi ngộ nào cả nhưng chỉ một thời gian ngắn họ lại "phải" ra đi.

Vậy GS có biết tại sao họ lại phải ra đi? Liệu môi trường trong nước có đất cho họ cống hiến tài năng đã được thừa nhận? GS có nghĩ người Việt mình có tính ích kỉ và đố kỵ hay không? (Đoàn Minh Khoa, 23 tuổi, ĐHKTQD)

GS Nguyễn Đăng Hưng:  Em Đoàn Minh Khoa thân mến. Em đã đặt thẳng những vấn đề mà bản thân tôi cũng phần nào đã thấy. Nhưng tôi tin tưởng rằng cơ chế trong nước sẽ ngày càng hòan thiện để không có sự khác biệt giữa người Việt Nam trong nước và Việt kiều ở nước ngoài để chất xám Việt kiều được sử dụng một cách thỏa đáng tại Việt Nam.

Những vấn đề em đưa ra thực ra là những tình trạng thiếu thông tin, tình trạng chưa thỏa đáng của việc chọn người chọn việc. Tôi nghĩ rằng nếu tinh thần dân chủ ở cơ sở được phát huy thì vàng thau sẽ không lẫn lộn và những tệ đoan cục bộ sẽ dần dần lui vào bóng tối.

Tôi mong mỏi trong tương lai sẽ có những cơ chế một cửa cho Việt kiều để  những rào cản, những vướng mắc về xã hội cũng như về tâm lý sẽ được khắc phục. Con đường tiến lên và phát triển hội nhập đã không thể cưỡng được nữa. Cho nên những tệ đoan, bảo thủ cục bộ sẽ phải dần dần bớt đi. Đây là điều kiện để Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển và bắt kịp các nước láng giềng.

Cảm ơn em và xin hẹn lần khác.

Thưa TS Nguyễn Trí Dũng, Cháu rất quan tâm đến dự định tổ chức Một cuộc điều tra quy mô lớn đối với sinh viên đã ra trường sau 10 năm. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá nhạy cảm đối với giáo dục trong nước. Liệu nó có phải chỉ là 1 ý tưởng tham vọng hay không?(Đan Hoài,, 17 tuổi, Số 1 Chả Cá, Hà Nội)

TS Nguyễn Trí Dũng: Đây hoàn toàn không phải là một tham vọng mà là một nhu cầu nghiên cứu để thực hiện mối liên kết phục vụ  nhu cầu phát triển kinh tế. Rất mong thêm ý kiến của em.

Tôi rất mong, chúng ta sẽ cùng đóng góp để xây dựng văn hóa liên kết này.

Nhiều chuyên gia đánh giá thị trường tin học và viễn thông VN vẫn còn ở dạng tiềm năng. Là những người đang hoạt đọng tại Pháp, một môi trường phát triển, các anh chị đánh giá như thế nào? Anh chị có ý định về làm việc hoặc gây dựng sự nghiệp riêng tại VN hay không?(Thăng Long, 22 tuổi, Đại học BK Hà NỘi. K46 CNTT)

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 9
Nguyễn Phương Hà

Nguyễn Phương Hà: Đúng là thị trường VN mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển, nhưng mỗi năm Hà về nước, Hà lại thấy tình hình được cải thiện và tốt hơn rất nhiều. Ai cũng có điện thoại di động, nhất là ở các thành phố, xài Internet cũng dễ. Tuy nhiên, đi về vùng xa một chút thì sóng vẫn còn chập chờn (cười).

Còn về ý định mở Cty riêng, thú thật là mình cũng chưa tính đến chuyện đó. Dự định của mình là mở một Cty bên Pháp rồi hợp tác, bắt tay với các Cty trong nước trước đã. MÌnh muốn giống như một cái cầu nối, để hai bên có thể trao đổi với nhau nhiều hơn.

Minh Phong: Phong cũng từng có ý định thành lập Cty cùng với bạn. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Một phần là do Phong vẫn chưa biết nhiều về thủ tục thành lập Cty ở Việt Nam.

Xin chào bạn Minh Phong! Lần này về Việt Nam cảm xúc lớn nhất của bạn là gì? (Trần Anh Tú, 26 tuổi, Hà Nội)

Minh Phong: Về Việt Nam lần này, được đi làm tình nguyện, Phong cảm thấy rất vui. Qua những chuyến đi này, Phong đã hiểu biết hơn về cuộc sống ở các vùng quê ở Việt Nam.

Mắc dù những vùng quê Phong đến còn rất nghèo, nhưng những người dân nơi đây đã giành nhiều tình cảm cho Phong và các bạn thanh niên Việt kiều khác.

Thưa TS Dũng, Cty sản xuất linh kiện điện tử của ông hiện đã xuất sang các nước nào? Ông có sợ rằng khi trở về Việt Nam, lợi nhuận Cty sẽ giảm và khả năng thích ứng trong nước của ông sẽ không cao? (Bảo Hân, 25 tuổi, Gò Vấp, TPHCM)

TS Nguyễn Trí Dũng:  Sản phẩm của Cty  Minh Trân chủ yếu xuất vào thị trường công nghệ cao của Nhật Bản. Trong hoạt động kinh doanh, luôn luôn có những rủi ro và người làm kinh doanh là người phải đặt ra những kế hoạch để vượt qua những rủi ro đó, chứ không phải để lo sợ.

Hiện nay, tôi đang dịch để giới thiệu về cuộc đời của ông Honda Soichiro, xuất thân là một thợ sửa xe ô tô và xây dựng một ngành công nghiệp ô tô trên tòan cầu, dự định xuất bản vào đầu năm 2006. Người hoạt động kinh doanh sản xuất cần phải có những tư duy kinh doanh đúng đắn để phát triển. Việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Nhật Bản là một yêu cầu bức thiết cho giới kinh doanh của VN.

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 10
Minh Phong trả lời trực tuyến

Anh Phong ơi, nếu anh xin việc ở VN quá khó khăn thì anh có nản lòng không? Vì thực ra xin việc ở VN với người VN gốc đã rất khó? (Bích Vân, 20 tuổi, Hà Nội)

Minh Phong: Nếu chưa xin được việc ngay tại Việt Nam, Phong sẽ cố gắng chứ nếu nản chí sớm sẽ không đạt được mục đích của mình.

Thưa GS để thi vào các Trung tâm đào tạo cao học của thây, cần những điều kiện gì? (Bá Đỗ, 50 tuổi, TP Vinh)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Chỉ có một điều kiện duy nhất là học viên phải tốt nghiệp kỹ sư hay cử nhân của một trường ĐH Việt Nam. Ngoài ra, vì đây là một chương trình cấp bằng châu Âu nên các giáo trình do các Giáo sư châu Âu sang Việt Nam dạy sẽ là bằng tiếng Anh cho nên khả năng đọc, nghe và viết được tiếng Anh là rất cần thiết.

Cũng nói thêm là đối với các học viên nghèo, sẽ có những học bổng tại chỗ. Những học viên học giỏi sau năm đầu sẽ được nhận học bổng sang châu Âu 3 tháng để làm luận văn Thạc sĩ. Sau khi bảo vệ luận văn, những em giỏi sẽ được giới thiệu để tiếp tục chuẩn bị luận án Tiến sĩ tại các trường ĐH châu Âu.

Cac ban khong sinh ra va lon len tai Viet Nam, nhung cac ban la nguoi Viet. Tinh cam cua cac ba danh cho dat me nhu the nao? (Nguyen Thu Huong, 29 tuổi, Hai phong)

Nguyễn Phương Hà: Ở bên Pháp, những người VN sinh ra tại Pháp biết rất ít về VN. Chúng mình không được về VN, không biết nói tiếng Việt. Khi đó, nhiều bậc cha mẹ chỉ mong con cái hòa nhập thật tốt trong xã hội Pháp nên trong nhà cũng nói tiếng Pháp, có nói chuyện cũng chỉ đề cập đến tình hình ở bên đó mà thôi.

Khi còn nhỏ, bọn mình không nhận thức được về gốc gác. Nhưng chuyện đó, tất yếu, đến một lứa tuổi lớn hơn, sẽ phải nảy sinh. Vì đi đâu thì khuôn mặt của mình cũng là của người Việt Nam.

Điều may mắn là từ hồi nhỏ, ba má Hà luôn nhắc nhiều đến VN, khơi gợi trong các con nỗi nhớ nhà, thường xuyên liên lạc với người thân ở VN... Tất cả những điều đó làm cho mình luôn cảm thấy gần gũi với VN.

Minh Phong: Việt Nam là một phần trong người mình. Tiếng Pháp có câu nói rất hay rằng: Khi mình biết mình đến từ đâu thì mình sẽ biết mình đi về hướng nào.

Ở Pháp, các anh chị có tiếp xúc với các sinh viên VN rất nhiều. Các bạn thấy trình độ, khả năng của các SV VN thế nào?(Hồng Liên, 23 tuổi, ĐHKHXH và NV)

Nguyễn Phương Hà: Những bạn sinh viên mà mình được gặp nói chung đa số đều học rất giỏi và siêng. Giữa các bạn có tình đoàn kết rất chặt, thường xuyên nghĩ ra những dịp để gặp gỡ nhau.

Cách đây 2 năm, Hội Liên hiệp SV VN tại Pháp đã được thành lập và đã hoạt động rất hiệu quả trong việc nâng cao sự đoàn kết trong cộng đồng du học sinh bên đó.

Minh Phong: Hai năm trước, trong Hội, nhiệm vụ của Phong là liên lạc và hỗ trợ sinh viên Việt Nam du học và thanh niên Việt kiều nên cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ các du học sinh Việt Nam tại Pháp. Phong cũng biết nhiều sinh viên Việt Nam học rất giỏi trong các trường nổ tiếng ở Pháp.

Phong thấy các bạn sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp dù có điều kịên khó khăn hơn nhưng vẫn cố gắng học tập tốt.  

Xin dược hỏi GS Hưng, liệu ông có một sự so sánh nào, trong khi ông trở về Việt Nam phục vụ cho Tổ quốc, thì luồng sinh viên trẻ du học (nhất là du học tự túc) lại đổ xô đi học nước ngoài. Tất nhiên, khả năng họ trở về nước phục vụ là không hề cao. Chất xám, rồi luồng tiền đều chảy ra nước ngoài. Tôi thực sự lo ngại về điều đó, còn ý kiến của bản thân ông? (Thế Anh, 38 tuổi, An Giang)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Bạn Thế Anh thân mến. Tôi hòan toàn chia sẻ nỗi lo âu này của bạn. Bởi vậy tôi không ngừng kiến nghị với Chính phủ và Bộ GD&ĐT là nên nhanh chóng chấn hưng nền giáo dục tại Việt Nam. Hiện nay ngành giáo dục đang bị báo chí và dư luận phê phán rất nghiêm khắc, nhưng việc cải tổ lại có phần chậm chạp. Một khi nền giáo dục không đủ sức thu hút tuổi trẻ của chính xứ mình thì sẽ có nguy cơ cho tương lai của đất nước.

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 11
GS Ngyễn Đăng Hưng

Tôi nghĩ chương trình học hiện nay là nguyên do của việc tuổi trẻ Việt Nam đổ xô ra nước ngoài hay nhảy vào các chương trình đào tạo quốc tế tại Việt Nam. Tôi cho đây là một lãng phí nữa của tài nguyên đất nước. Tôi mong mỏi công cuộc cải cách nền giáo dục và đào tạo tại Việt Nam sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cao nhất quan tâm không những trong việc ra chính sách mà ở khâu thực hiện cụ thể. Việt kiều có thể là người tư vấn cần thiết cho việc này.

Xin lưu ý với bạn là tôi đã viết rất nhiều bài báo về vấn đề đổi mới tư duy trong giáo dục đào tạo và cơ chế thị trường. Bạn có thể tham khảo trên Vietnamnet (Người viễn xứ) những chi tiết này. Mong bạn Thế Anh cũng như tôi sẽ thấy được việc cải cách nền giáo dục sẽ được thực hiện trong một ngày không xa. 

Thưa GS Nguyễn Đăng Hưng, thầy có thể giới thiệu điều kiện thi vào Trung tâm của thầy?(Phương Đông, 25 tuổi, ĐHSP Hà Nội)

GS Nguyễn Đăng Hưng: Bạn Phương Đông ơi. Câu hỏi của bạn trùng với bạn Bá Đõ mà tôi đã trả lời rồi. Mong có dịp trao đổi với nhiều chi tiết hơn nếu bạn đến văn phòng cao học Bỉ - Việt của chúng tôi đặt tại nhà C8 tầng 2 trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Mong gặp lại bạn.

Thay mặt các vị khách mời tham gia cuộc giao lưu trực tuyến, GS Nguyễn Đăng Hưng xin gửi lời thăm hỏi thắm thiết đến tuổi trẻ Việt Nam và bạn đọc của báo Tiền phong.

Ông nói: Nếu các bạn cho phép tôi có một lời khuyên thì tôi sẽ nói rằng tôi mong các bạn hãy trở lại với những giá trị thực của tri thức, những giá trị thực của truyền thống Việt Nam.

Giá trị thực của tri thức là gì? Đó là không nên chạy theo bằng cấp, không nên chạy theo những hư danh mà phải học thực, mà phải học cho sâu sắc để trở thành một người chuyên gia với tất cả những ý nghĩa thực của nó. Đó là biết việc, biết hành xử, biết thích ứng công việc của mình, hiểu biết của mình với sự biến đổi vô cùng của thế giới ngày nay. Có như vậy ta mới có thể thành công đưa nước ta sánh vai cùng năm châu trong xu thế hội nhập ngày nay.

Trở về với giá trị thực của Việt Nam, tôi mong mỏi các bạn nghĩ đến những người đã khuất bóng, đã nằm xuống qua 2 cuộc chiến đầy cam go để chúng ta có ngày nay. Các bạn hãy noi gương anh Thạc, chị Trâm, những người trẻ tuổi rất bình thường biết yêu thương, biết trăn trở luôn luôn khát vọng về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Họ đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, họ là những người anh hùng đã cảm hóa được ngay cả những người bên kia chiến tuyến. Đây là những giá trị đạo lý thuần Việt đầy tính nhân văn mà mọi người chúng ta cần tự hào và coi trọng, nhất là trong thời buổi thị trường nghiệt ngã hiện nay.

Chúc các bạn hạnh phúc và thành công.

Khách mời của chúng tôi:

GS.TS Nguyễn Đăng Hưng - Hiện là thành viên Ban Giám đốc Phòng thí nghiệm Hàng không & Không gian thuộc Đại học Liège (Bỉ). GS Nguyễn Đăng Hưng cũng tham gia giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa TPHCM và Hà Nội.

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 12
GS.TS Nguyễn Đăng Hưng

Năm 1984, GS Nguyễn Đăng Hưng được trao Huy chương Louis BAES của Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ và sau đó là Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (năm 1996).

GS Nguyễn Đăng Hưng là 1 trong số 19 Việt kiều tiêu biểu được trao danh hiệu Vinh danh nước Việt.

Từ một năm nay GS Nguyễn Đăng Hưng phối hợp với Ban Việt kiều TP Hồ Chí Minh vận động thành lập Câu lạc bộ Chuyên gia và Trí thức Việt kiều về khoa học kỹ thuật để tập hợp và tạo cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và trong nước cùng tham gia xây dựng đất nước.

GS Nguyễn Đăng Hưng cũng ấp ủ việc phối hợp với ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để hình thành Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học công nghệ của Việt kiều tại TP Hồ Chí Minh.

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 13
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Dũng

TS Kinh tế Nguyễn Trí Dũng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn, được đào tạo tại Nhật Bản từ năm 1967, làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong 17 năm - từ năm 1978.

Năm 1988, ông về nước mở trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam mang tên Trường doanh thương Trí Dũng. Hệ thống kế toán Mỹ đã được ông giới thiệu tại VN từ những năm 1990.

Hiện nay, ông làm chủ một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao để xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác trên thế giới.

Ông đang ấp ủ kế hoạch làm một cuộc điều tra quy mô lớn với những sinh viên đã ra trường sau 10 năm để có thể hoá giải nghịch lý “đào tạo nhiều, nhưng được sử dụng đúng ngành nghề với hiệu quả cao còn rất ít.”

Thanh niên Việt kiều Pháp

Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ ảnh 14
Hoạt động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam VN của Thanh niên VN tại Pháp hôm 15/4/2005

Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp là nơi tập hợp khá nhiều thanh niên Việt kiều có tình cảm thực sự với đất nước. Cùng với các sinh viên VN tại Pháp, họ tổ chức lớp học tiếng Việt, học nấu ăn và văn hóa truyền thống Việt Nam. Họ tổ chức các diễn đàn ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam và tham gia hoạt động tình nguyện trong nước...

3 thanh niên sẽ tham gia giao lưu trực tuyến là:

Nguyễn Phương Hà - 28 tuổi, Chủ tịch BCH Hội Thanh niên VN tại Pháp (UJVF). Hiện là Giám đốc Cty tin học tư nhân tại Pháp.

Hà Ngọc Minh Phong - 27 tuổi, Ủy viên BCH UJVF. Phong là thành viên trẻ tuổi nhất của đoàn kiều bào tiêu biểu lần đầu tiên được Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài mời về Việt Nam báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp Tết Nguyên đán 2005.

Hiện nay, Minh Phong đang làm việc tại hãng France Telecom, nhưng anh luôn mong muốn được về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực tin học, viễn thông.

Lương Nguyễn Liêm Bình - 21 tuổi, Ủy viên Ban chấp hành UJVF, hiện là sinh viên năm thứ 4 ĐH Y khoa và năm thứ 3 Khoa Xã hội hóa và Sinh học trường École Normale Superieure.

Mùa hè này, Liêm Bình vừa tổ chức thành công một một lớp học tiếng Việt ngay tại Việt Nam cho các bạn trong Hội.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.