Bí quyết giữ sức khỏe mùa thi

Học tập đúng cách và có kế hoạch sẽ giúp các sĩ tử đạt kết quả cao trong kỳ thi. Ảnh: Sức khỏe Đời sống
Học tập đúng cách và có kế hoạch sẽ giúp các sĩ tử đạt kết quả cao trong kỳ thi. Ảnh: Sức khỏe Đời sống
Sau đây là một số phương pháp có thể giúp các em có được một cơ thể sung sức và đầu óc sáng suốt minh mẫn trong dịp vượt vũ môn này.

Học tập có kế hoạch

Chọn môn học yêu thích, đam mê luôn là yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công. Một môn học yêu thích luôn giúp bạn nhớ nhanh, nhớ lâu và đạt kết quả cao khi thi. Không gì chán bằng phải thu nạp vào đầu những gì bạn… ghét. Học những môn này thường xuyên làm bạn mệt mỏi, đau đầu, chán nản và đương nhiên hiệu quả không thể tốt.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem xét kỹ khả năng của mình trên cơ sở tự đánh giá hoặc nhờ những thầy cô, bạn bè, bố mẹ và những người có kinh nghiệm tư vấn giúp. Chọn môn học yêu thích và đặt mục tiêu phù hợp cũng là một bí quyết giúp cho bạn luôn khỏe mạnh, hưng phấn trong suốt kỳ thi.

Việc học tập và thu nạp kiến thức phải được tiến hành thường xuyên, đều đặn từ những năm trước đó. Khi chuẩn bị thi, chỉ tập trung hệ thống hóa lại kiến thức, tập dượt và làm quen với những dạng đề thi, dạng bài thi có thể xảy ra.

Nếu không có quá trình chuẩn bị đầy đủ từ trước, việc học dồn ép kiểu “học gạo” sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng và không bao giờ đạt kết quả cao nhất là đối với những môn học đòi hỏi phải học kiểu “mưa dầm thấm lâu” như môn ngoại ngữ.

Việc học dồn ép trước thi luôn vắt kiệt sức của các sĩ tử cả về thể chất lẫn tinh thần và trong nhiều trường hợp là nguyên nhân của những chứng bệnh như đau đầu, căng thẳng, mất ngủ, giảm trí nhớ, khó tập trung, thậm chí trầm cảm hoặc loạn thần cấp.

Ăn uống đúng cách

Câu nói “khó có thể có một cái đầu minh mẫn trên một cơ thể ọp ẹp, yếu ớt” càng đúng với các sĩ tử trong mùa thi. Để cơ thể luôn khỏe mạnh thì việc ăn uống sao cho đúng cách luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Trung bình mỗi người cần xấp xỉ 2.000 kcalo/ngày để cơ thể hoạt động bình thường. Nguồn năng lượng này chủ yếu được cung cấp thông qua các loại thức ăn như ngũ cốc (cung cấp đường); các loại thịt cá (nguồn protein); mỡ động, thực vật (nguồn chất béo).

Trong mỗi bữa ăn, nên đảm bảo đủ thành phần như ngũ cốc (cơm, bánh mì, ngô, khoai). Các loại ngũ cốc này nên được chế biến sao cho cơ thể dễ hấp thu nhất (ví dụ như dưới dạng cháo, súp…).

Lượng thịt cá cũng nên được đảm bảo đủ trong mỗi bữa ăn (khoảng 60 - 70g/ ngày) vì có nhiều axit amin thiết yếu chỉ có trong tự nhiên mà cơ thể không tổng hợp được.

Chất béo cũng nên ăn đủ cả về nguồn gốc: động vật (mỡ) và thực vật (dầu ăn) và chất lượng: chất béo thiết yếu Omega-3 và 6, Phospholipid, rất cần thiết cho hoạt động của não bộ.

Các vitamin cũng đặc biệt cần thiết được bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các loại vitamin như B1, B3, B5, B6, B12,… thường có nhiều trong các loại rau quả tươi, và sẽ mất đi nếu chế biến thức ăn quá kỹ.

Cơ thể cũng cần bổ sung các chất xơ từ rau quả; các yếu tố vi lượng (đồng, kẽm, ma giê…). Các yếu tố vi lượng thực sự rất cần thiết cho các ezym trong tế bào hoạt động nên khi không được cung cấp đủ sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi cho cơ thể.

Các yếu tố vi lượng này rất sẵn có trong thức ăn tự nhiên như rau xanh, hạt trái cây, các loại sò ốc, cá biển. Sắt cũng là một chất cần cho chế độ ăn vì đây là yếu tố được sử dụng để tạo máu.

Ngoài những bữa chính, việc bổ sung thêm một bữa ăn khuya khi bạn phải thức học bài là điều rất nên làm. Bữa khuya chỉ cần một cốc sữa, một bát cháo hoặc súp là đủ.

Một điều rất quan trọng nữa là không nên ăn uống kiểu nhồi nhét: nhịn đói sau đó ăn bù thật no vì kiểu ăn uống này luôn làm cơ thể mệt mỏi (căng da bụng, chùng da mắt), làm việc kém hiệu quả.

Như vậy, nếu ăn đủ chất và không quá no sẽ giúp bạn luôn hưng phấn và tập trung cho việc học tập. Trong quá trình học thi, nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây tươi, sữa đậu nành, sữa tươi, nước khoáng. Không nên uống những loại nước có gas, nước quá ngọt, nước có pha chế bằng các nguyên liệu, phụ gia tổng hợp… không tốt cho sức khỏe.

Tuyệt đối không uống rượu, bia vì đây chính là các chất “hủy diệt trí nhớ”. Cũng tránh lạm dụng các đồ uống có chất kích thích thần kinh như chè, cà phê, ca cao vì những đồ uống này chỉ giúp tỉnh táo nhất thời và sau đó sẽ làm cơ thể mệt mỏi.

Tránh thời tiết và môi trường bất lợi

Trong giai đoạn ôn thi và chuẩn bị thi, nên tránh tối đa những ảnh hưởng của thời tiết và môi trường bất lợi để đảm bảo sức khỏe.

Mùa thi trùng với giai đoạn nắng nóng cao điểm của năm. Nhiệt độ cao cộng với độ ẩm lớn khiến cho cơ thể hết sức mệt mỏi.

Vì vậy, các sĩ tử phải hết sức chú ý tránh đi ra ngoài trời nắng nhiều và khi bắt buộc phải ra ngoài trời thì nên mang đủ các phương tiện phòng tránh nắng nóng như mũ, ô, áo dày che nắng. Phòng ở trong gia đình hoặc phòng trọ nên chọn những chỗ thoáng mát, yên tĩnh.

Nên sử dụng điều hòa không nên để nhiệt độ thấp quá mà đặt ở chế độ nhiệt từ 25 - 27oC là tốt nhất để tránh sự chênh lệch quá mức giữa phòng có điều hòa và nhiệt độ ngoài trời khi đi ra ngoài.

Thư giãn trước thi

Một hai ngày trước thi, bạn nên thư giãn, nghe nhạc, giải trí nhẹ nhàng, đi lại cho khuây khỏa. Cố gắng ngủ sâu và ngon giấc. Loại bỏ những lo lắng và tác động ngoại lai không cần thiết. Ngày cuối cùng trước thi có thể ôn lại một số vấn đề còn chưa chắc chắn và nên đi ngủ sớm, không thức khuya tối hôm trước thi.

Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, đầu óc sảng khoái và minh mẫn. Cũng tránh căng thẳng quá mức nếu bài thi trước làm không tốt. Nên bỏ qua, không suy nghĩ, không kiểm tra ngay kết quả bài vừa thi để tập trung vào bài thi sau.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định

Theo Sức khỏe Đời sống
MỚI - NÓNG