Cửa giảng đường vẫn hẹp với người khuyết tật

Thí sinh Mai Phương bị chứng chậm phát triển hệ thần kinh vận động bẩm sinh khiến xương rất mềm, không thể tự đi lại, mà phải nhờ vào bố mẹ cõng đến trường thi Học viện Bưu chính viễn thông ngày 5/7. Ảnh: Hồ Thu
Thí sinh Mai Phương bị chứng chậm phát triển hệ thần kinh vận động bẩm sinh khiến xương rất mềm, không thể tự đi lại, mà phải nhờ vào bố mẹ cõng đến trường thi Học viện Bưu chính viễn thông ngày 5/7. Ảnh: Hồ Thu
TP - Năm 2014, đối tượng “người khuyết tật (KT) nặng” được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Các trường sẽ căn cứ kết quả học tập tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng. Tuy nhiên, thực tế cánh cửa trường ĐH là rất hẹp đối với người KT.

Học giỏi vẫn bị từ chối

Ngay đầu mùa tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ băn khoăn, chưa biết xác định thế nào là KT nặng. Nhiều trường trả lời thí sinh KT: không xác định được KT nặng hay nhẹ; vì vậy, cứ học tập và ôn thi bình thường.

Một nhà quản lý ĐH ở Hà Nội cho biết: năm trước trường này có thí sinh KT dự thi. Có mỗi một thí sinh nhưng trường này phải chi hơn chục triệu đồng để tổ chức riêng một hội đồng thi. 5-6 giam thị, người đọc đề, ghi âm. Sau khi thí sinh làm bài sẽ đọc lại để giám thị ghi chép lại. Toàn bộ quá trình được ghi âm, có công an kiểm soát nghiêm ngặt…

“Cánh cửa vào đại học vô cùng hẹp!”. Đó là nhận xét của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một cán bộ có nhiều tâm huyết với học sinh KT trong nhiều năm. Chị Ngọc lấy ví dụ trường hợp thí sinh Lê Hương Giang, lớp 12D2 THPT Thăng Long, Hà Nội. Hương Giang bị KT bẩm sinh nhưng đã tham gia học tập cùng với các học sinh khác ở trường THPT Thăng Long với những thành tích mà một học sinh sáng mắt cũng phải mơ ước: 3 năm học THPT là học sinh giỏi; lớp 12 Hương Giang là gương mặt học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô; đoạt giải 3 quốc gia khoa học kỹ thuật Intel ISEF giành cho học sinh THPT; Huy chương Đồng cuộc thi thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Hàn Quốc. Vậy mà cánh cửa giảng đường vẫn khép lại từ chối Giang!

Cần cụ thể hóa việc tuyển thẳng

Hương Giang mong ước học ngành truyền thông quốc tế để có thể có những kỹ năng giúp chia sẻ cuộc sống của những người KT đến với cộng đồng và đưa cộng đồng đến với người KT. Ước mơ đó đã không thành hiện thực khi Giang nộp đơn vào học ngành Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Thế nhưng ngôi trường này đã không nhận hồ sơ của một thí sinh KT như Giang.

Không nản, Giang tiếp tục nộp đơn xin xét tuyển vào trường ĐHKH Xã hội-Nhân văn (ĐHQG HN). Nhưng người nhận hồ sơ ở trường này đã hỏi Giang rằng có nhìn thấy một chút ánh sáng nào không? Nếu không thì làm sao học được… Và Giang được hẹn tháng 8 sẽ trả lời.

Hương Giang tâm sự: Em chỉ muốn nói rằng em khát khao học tập và có thể học được. Em đã vượt qua 12 năm phổ thông với không ít thành tích, đã có thể làm việc như những người bình thường. Ngày nay có rất nhiều thiết bị có thể trợ giúp để người KT có thể hòa nhập cộng đồng, xin hãy cho chúng em cơ hội học tập. Hương Giang cho biết thêm ở lớp có khoảng 10 bạn cùng nộp hồ sơ vào trường ĐHKH Xã hội-Nhân văn. Việc Giang và các bạn được nhận hồ sơ đã là sự may mắn nhưng họ không khỏi lo lắng.

“Em đã vượt qua 12 năm phổ thông với không ít thành tích, đã có thể làm việc như những người bình thường. Ngày nay có rất nhiều thiết bị có thể trợ giúp để người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, xin hãy cho chúng em cơ hội học tập”.

Thí sinh

Lê Hương Giang

Trao đổi với Tiền Phong ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng phòng

Đào tạo trường ĐHKH Tự nhiên cho biết, đã từng có một thí sinh là người KT dự thi tuyển sinh và đỗ vào ngành Công nghệ hóa học. Thí sinh này bị liệt 2 chân và phải ngồi xe lăn đi học. Theo quy định, người làm thực hành phải đứng và kết quả là nhà trường phải vận động thí sinh này chuyển sang học ngành Công nghệ thông tin.

Chế độ tuyển thẳng dành cho người KT là một chủ trương đúng đắn và nhân đạo, nhưng xem ra, việc đưa chủ trương này vào cuộc sống vẫn còn nhiều trở ngại. Thiết nghĩ, ngành GD&ĐT cần phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ để cụ thể hóa việc tuyển thẳng, làm cho chủ trương này trở thành hiện thực.

MỚI - NÓNG